Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 1 April 2019

Đảo Năm Bầu của đôi vợ chồng già giữa hồ Trị An

Trên đảo Năm Bầu có duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Long (62 tuổi, quê Long An) sinh sống. (Hình: VNExpress)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Cuộc sống không điện, nhưng vợ chồng ông Long vẫn bám trụ trên đảo Năm Bầu (Đồng Nai) hàng chục năm qua.
Theo báo VNExpress, đảo Năm Bầu, nằm giữa hồ Trị An, rộng khoảng 4 hécta. Đảo vốn là gò đất còn sót lại sau khi ngăn dòng chảy sông Đồng Nai làm nhà máy thủy điện vào năm 1984.
Trên đảo Năm Bầu có duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Long (62 tuổi, quê Long An) và vợ là bà Trần Thị Thanh Nga (57 tuổi) sinh sống.
Cái tên đảo được đặt từ… người vợ của ông. Vợ ông tên thường gọi là Năm, khi ấy đang có bầu, vì vậy, nhiều người sang thường gọi tên Năm Bầu cho dễ phân biệt với nhiều đảo khác ở hồ Trị An.
“Những năm 80, vợ chồng rời quê lên vùng đất này lập nghiệp. Gia đình đi cưa cây thuê rồi dựng chòi trồng bắp, đậu, lúa… Đến khi hồ Trị An hình thành, chỗ tôi ở trở thành đảo như bây giờ,” ông Long chia sẻ.
Hai vợ chồng ông sau đó chuyển sang trồng điều vì hợp thổ nhưỡng trên đảo. (Hình: VNExpress)
Cuộc sống của gia đình ông những ngày đầu giữa vùng nước mênh mông đầy khó khăn. “Ruộng thành hồ, tôi trồng bắp, mía… trên đảo nhưng cũng thất thu. Cảnh sống không điện, biệt lập buồn nhưng tôi vẫn bám trụ ở đảo, chứ đi nơi khác không có tiền mua đất còn khó hơn,” người đàn ông tuổi lục tuần nhớ lại.
Hai vợ chồng ông sau đó chuyển sang trồng điều vì hợp thổ nhưỡng trên đảo.
“Khoảng ba tháng đầu năm điều vào mùa trái chín. Ngày nào tôi cũng đi nhặt quả, tách lấy hạt rồi phơi khô,” bà Nga nói với báo VNExpress.
Hiện, 3 hécta trồng điều hơn chục năm tuổi thu được ba tấn hạt mỗi năm, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ngoài ra, hai vợ chồng còn trồng thêm xoài, mỗi năm hái hai vụ. Ở quanh đảo thì trồng tràm vừa để lấy gỗ và tránh xói mòn, sạt lở.
Buổi trưa hoặc chiều tối, gia đình quây quần trong căn nhà gỗ xem ti vi hoặc tách hạt điều… Nguồn điện có được từ những tấm pin mặt trời lắp trên trần nhà. (Hình: VNExpress)
Đảo Năm Bầu cách bờ khoảng 5 km, đi lại chỉ bằng thuyền. “Trước kia tôi đi thuyền gỗ mất hơn nửa tiếng. Gần đây thì mua được xuồng máy để tiện chở nông sản, trái cây đi bán và mua nhu yếu phẩm cần thiết,” bà Nga nói.
Hai vợ chồng có ba người con, hai con gái đã đi lấy chồng. Cậu con trai lấy vợ cũng lên bờ thuê nhà ở ngay gần đảo. “Đứa cháu nội tên Hiếu, 4 tuổi, ở đây từ lúc mới sinh nên không muốn rời đảo. Mỗi sáng, tôi chèo thuyền đưa cháu vào học mẫu giáo rồi đi chợ luôn,” bà Nga cho biết.
Hơn 30 năm sống ở đảo nhưng bà Nga vẫn chưa biết bơi. Dù vậy, bà biết cách chèo thuần thục để bảo đảm an toàn. Trời mưa gió thì mới dùng xuồng máy đi lại.
Những lúc rảnh, ông Long thả lưới và chờ đến sáng hôm sau gỡ cá. Tuy nhiên, vào mùa nắng, giăng cả đêm cũng chỉ được vài cân cá. Mùa mưa, cá vào lưới nhiều, vợ ông mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
Mỗi chiều, hai ông cháu đều ra hồ tắm. Theo ông Long, nước trong hồ sạch nên dùng được trong cả sinh hoạt và tưới tiêu.
Đảo Năm Bầu, nằm giữa hồ Trị An, rộng khoảng 4 hécta. (Hình: VNExpress)
Cuộc sống của hai vợ chồng già trên đảo như thêm phần êm đềm với hình ảnh đàn gà chạy lon ton trước sân.
Buổi trưa hoặc chiều tối, gia đình quây quần trong căn nhà gỗ xem tivi hoặc tách hạt điều… Nguồn điện có được từ những tấm pin mặt trời lắp trên trần nhà.
“Chỉ có Tết thì tôi về quê còn lại quanh năm trên đảo. Ở đâu quen đấy, nơi này không khí trong lành, thoải mái, ít xô bồ nên thích lắm. Con cái cũng lớn, có cuộc sống riêng nên tôi càng muốn ở mãi trên đảo thôi,” ông Long chia sẻ. (Tr.N)

 https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dao-nam-bau-cua-doi-vo-chong-gia-giua-ho-tri-an/

No comments:

Post a Comment