Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 1 April 2019

Câu chuyện về con búp bê Nhật kokeshi

  • 28 tháng 2 2017
  • Bản quyền hình ảnh Selena Hoy
    Image caption Chất liệu làm búp bê ở các vùng khác nhau cũng khác nhau, tùy thuộc loại gỗ mà những người thợ có được
    Những con búp bê kokeshi mang tính biểu tượng của Nhật Bản được ra đời từ hàng trăm năm trước tại Tohoku và gần đây lại trở nên nổi tiếng khắp nơi.
    Có thể nói kokeshi ra đời và tồn tại là nhờ có tuyết.
    Những con búp bê bằng gỗ đầy tính cách Nhật, với vẻ biểu cảm nhẹ nhàng, kín đáo có nguồn gốc từ vùng miền núi phía bắc Tohoku, nơi được biết đến là địa điểm xảy ra trận động đất và sóng thần tsunami hồi 2011.
    Tuy nhiên, chừng 200 năm trước, đây cũng chính là nơi những con búp bê kokeshi đầu tiên ra đời. Đó là khi những người thợ mộc từ miền nam đất nước di chuyển tới đây, khu Tohoku với những khu rừng rậm rạp, hẻo lánh, và đi cùng với họ là kỹ thuật nghề mộc tinh tế.
    Trong hầu hết thời gian trong năm, họ kiếm sống bằng việc làm bàn ghế, và lấy những mẩu gỗ thừa làm đồ chơi cho con trẻ trong nhà. Họ làm ra các món đồ chơi như koma (mặt bàn xoay được), kendama (trò chơi dùng cốc và bóng), và những con búp bê kokeshi.
    Tuy nhiên, khi mùa đông đến, tiết trời trở nên quá lạnh không thể làm việc ngoài trời, thì những người thợ mộc tìm vào trú náu tại nơi có nhiều onsen (những dòng suối nước nóng tự nhiên).
    "Khi mùa đông đến, lạnh giá không thể làm việc trên núi, những người thợ mộc tìm đến onsen để chống rét, chờ cho đến hè. Để kiếm sống, họ bắt đầu bán đồ cho khách tham quan tới các nhà tắm," Masafumi Abo, nghệ nhân đời thứ năm chuyên làm búp bê kokesih từ vùng Tsugaru thuộc tỉnh Aomori nói.
    Bản quyền hình ảnh Selena Hoy
    Image caption "Có thể nói kokeshi ra đời và tồn tại là nhờ có tuyết"
    Những con búp bê gỗ nhanh chóng được gắn liền với những vùng có onsen. Ngày nay, có tất cả 11 nơi như vậy, đều tập trung ở vùng Tohoku, nơi những con kokeshi truyền thống được làm ra.
    Mỗi loại búp bê địa phương đều có những nét độc đáo riêng, thể hiện mô-típ và tính cách của người dân địa phương, của lịch sử, cây cỏ và những câu chuyện kể dân gian từng nơi.
    Chẳng hạn như búp bê làm tại vùng Tsugaru thuộc Aomori thì được trang trí với những hoa văn của người Ainu (một trong những sắc người dân tộc bản địa của Nhật Bản), còn tại Naruko Onsen ở Miyahi, đầu búp bê có thể quay qua quay lại được và phát ra tiếng kêu, gợi nhớ tới tên gọi về nơi ra đời của nó, trong tiếng Nhật có nghĩa là 'em bé khóc'.
    Chất liệu làm búp bê cũng khác nhau, tùy theo nơi sản xuất. Các thợ thủ công sẽ chọn bất kỳ loại gỗ nào sẵn có. Ở phía giáp Thái Bình Dương, loại gỗ thường dùng là gỗ sơn thù du, cứng và có màu trắng, còn phía bên Biển Nhật Bản người ta thường chọn gỗ phong, có màu vàng.
    Lúc ban đầu, những con búp bê chỉ được đem chào bán như quà lưu niệm cho trẻ em, nhưng về sau chúng bắt đầu được người lớn quan tâm, sưu tầm.
    Lần bùng nổ đầu tiên là trong thời Taisho, đầu thập niên 1900, khi những con búp bê trở nên quen thuộc với giới nghệ sỹ, các tiểu thuyết gia. Lần thứ hai là vào thập niên 1960-70.
    Bản quyền hình ảnh Selena Hoy
    Image caption Avatar Mii của Nintendo được cho là dựa trên hình ảnh các con búp bê kokeshi
    Những người tìm mua trong cả hai thời kỳ này đều là những người đàn ông đứng tuổi giàu có, thích sưu tầm búp bê và coi chúng như những biểu tượng cho địa vị của mình.
    Ngày nay, các nghệ nhân làm kokeshi nói họ đang chứng kiến làn sóng bùng nổ lần thứ ba, tuy nhiên lần này đối tượng khách hàng lại khác hẳn những lần trước.
    Hình dáng đơn giản, nhẵn nhụi, với những màu sắc sặc sỡ và những dòng kẻ đậm trên kokeshi khiến những con búp bê này trông giống như một ngôi sao đại chúng hiện đại.
    Trên thực tế, nhà thiết kế trò chơi điện tử Shigeru Miyamoto nói rằng các avatar Mii của Nintendo (là các hình đại diện kỹ thuật số trên Wii) được thiết kế dựa theo kokeshi, với đầu có hình củ hành quá khổ còn cơ thể thì mảnh mai, nhẵn nhụi. Người chơi có thể chọn chỉnh Mii để trông cho giống mình hay giống các gương mặt nổi tiếng.
    Việc sưu tầm các búp bê kokeshi kiểu hiện đại, dễ thương trở nên phổ biến (gồm cả các sản phẩm được làm tại Tohoku và cả ở những nơi khác), nhất là trong giới phụ nữ trẻ, và chúng được người ta chia sẻ với nhau thông qua những ảnh chụp đăng trên mạng xã hội.
    Bản quyền hình ảnh Selena Hoy
    Image caption Các nghệ nhân làm kokeshi tại vùng Sendai làm cả búp bê hiện đại lẫn búp bê truyền thống
    Các triển lãm kokeshi cũng nở rộ, như Triển lãm Kawaii Kokeshi tại Bảo tàng Búp bê Yokohama hồi tháng Mười và Mười Một 2016, hay Lễ hội Kokeshi Toàn quốc tại Naruko Onsen hồi tháng Chín 2016.
    Mọi người thử tự tay làm những con búp bê này tại nhà, và thậm chí còn có cả kokeshi bokko, tức là các buổi biểu diễn múa rối bằng búp bê kokeshi.
    "Gần đây, số lượng các cô gái trẻ sưu tầm kokeshi đang thực sự tăng cao. Nhưng họ mua những con búp bê nhỏ, bởi họ sống trong các căn hộ không mấy rộng rãi. Và kokeshi đã đi vào cả văn hóa đại chúng. Các cô gái ăn mặc như búp bê kokeshi," Shinji Onuma, chủ sở hữu thế hệ thứ năm của Ryokan Onuma, một nhà trọ nổi tiếng ở Naruko Onsen vốn đã hoạt động từ hơn 100 năm nay, nói. Nhà trọ này cũng có lượng du khách kokeshi, tức du khách tới để mua các con búp bê và thử tự tay trang trí, tô vẽ búp bê, tăng theo.
    Một số người yêu thích kokeshi tỏ ra chê loại búp bê kokeshi hiện đại và chỉ ưa các con búp bê do các nghệ nhân làm ra theo kiểu truyền thống.
    Nhưng Akira Suzuki, một nghệ nhân làm kokeshi thế hệ thứ ba ở vùng Sendai thuộc tỉnh Miyagi, người làm cả các con búp bê trông ngộ nghĩnh lẫn những con truyền thống, lại không mấy bận tâm về điều đó. "Một con búp bê kokeshi ngộ ngộ chính là một con búp bê mở đường. Càng nhiều người biết về chúng thì người ta lại càng ưa các búp bê kokeshi truyền thống."
    Cần phải mất nhiều năm mới có thể học được kỹ thuật làm búp bê kokesi đạt tiêu chuẩn tinh tế của các nghệ nhân.
    "Đó là việc học hỏi cả đời. Càng làm nhiều, bạn càng nâng cao được kỹ năng, học hỏi thêm được về lịch sử," Yukinori Jinnohara, một nghệ nhân làm kokeshi ở vùng Tsuchiyu Onsen thuộc tỉnh Fukushima, nói. "Vẽ mặt là việc phải học cả đời. Ngay cả sau khi đã làm tới 40 năm, chúng tôi cũng vẫn chưa đạt được bất kỳ khuôn mặt nào khiến mình có thể nói 'công việc của tôi ở đây thế là đã xong'. Những người thợ nghiên cứu sản phẩm của mình cho tới khi chết. Cho tới khi người thợ chết đi."
    Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

    No comments:

    Post a Comment