Là một người Việt, tôi mang ơn các bạn
Cách đây hai năm, có 3 người phụ nữ đến trước cửa trường Lương Thế
Vinh, Quận Thủ Đức tìm cách giơ khẩu hiệu để yêu cầu nhà trường phải
có tiếng nói với vụ ấu dâm xảy ra một bé gái học lớp 1, mà nơi đó có
những dấu hiệu bao che tội phạm.
Đó là ngày 16 tháng 3, năm 2017. Một ngày thật khó quên đối với 3
người phụ nữ là Nguyễn Thị Bích Ngà, Lê Thúy Bảo Nhi và Nguyễn Thanh
Loan. Những người phụ nữ này không bao giờ tưởng tượng được rằng việc
đòi hỏi sự thật và thực thi công lý cho một bé gái bị xâm hại, đã khiến
công an phường Linh Đông - Quận Thủ Đức dùng hàng chục an ninh thường
phục, dân phòng và cả cảnh sát địa phương và giao thông chặn bắt và hành
hung dã man. Một trong ba người phụ nữ đó phải đi cấp cứu vi chấn
thương đầu.
Trong cuộc bắt bớ và điều tra rầm rộ đến man rợ đó, công an đã chất
vấn những người phụ nữ này rằng “Đâu phải người thân của mày đâu mà mày
phản ứng”. Loại câu hỏi như vậy vẫn thường được thấy trong các vụ bắt
giữ và điều tra khi người dân vì ý chí muốn lên tiếng cho cộng đồng, vì
những giá trị chung.
Giống như kiểu nhà cầm quyền muốn tách từng chiếc đũa ra khỏi bó đũa
nguyên khí Việt. Những chiếc đũa bị tách ra và âm mưu bẽ gãy, là những
chiếc đũa đạo đức cá nhân, tình đồng bào và ý chí công dân trong một
quốc gia. Những người phụ nữ ấy bị đàn áp bởi loại chủ trương muốn con
người Việt co cụm và hèn nhát. Chủ trương âm mưu muốn con người Việt Nam
sống chết mặc bây, dễ bảo. Và như vậy, đất nước và con người Việt Nam
thật dễ kiểm soát.
Có thể âm mưu đó thành công trong một giai đoạn, vì có không ít người
đã cảm thấy sợ hãi, và tự dặn mình rằng chuyện xã hội không còn là
chuyện của mình. “Lo làm ăn đi”, lời đe dọa quen thuộc này vang lên ở
rất nhiều nơi. Người Việt được gợi ý rằng phần tự do nhất của họ hôm nay
là “làm” và “ăn”. Còn suy nghĩ là chuyện của người có quyền.
Năm 2018, một vụ ấu dâm điển hình khác ở chung cư Lakeside, Vũng Tàu,
đã bị công luận gây áp lực đến mức thủ phạm bị xử 3 năm tù giam. Sự
kiện này là một nấc thang mới về mặt dân quyền, khi dân chúng quá tức
giận, sau vụ tình nghi bao che thủ phạm là người nhà “ai đó” ở Thủ Đức,
thì đến nhân vật NKT ở Vũng Tàu bị tố cáo, là đảng viên lão thành và là
cựu quan chức của bộ máy chính quyền.
Vấn đề được liên tục bàn tán trên các trang mạng, là chính quyền sẽ
bao che đảng viên của mình như thế nào đây? Vụ án xử NKT thật nhọc nhằn,
dằng dai đến mức luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân phải gửi thư
kêu cứu lên thủ tướng và tổ chức Unicef tại Việt Nam. Cuối cùng khi có
kết quả giơ cao đánh khẽ, thủ phạm đã tức giận đến mức đốt thẻ đảng của
mình, như một lời trách cứ rằng vì sao có hồng bài ấy, mà đảng vẫn không
cứu nỗi ông ta.
Có thể cũng có người muốn cứu ông ta, nhưng ý chí khát khao công lý
của đám đông không chịu khuất phục trước mờ ám và công lý lụn bại đã dẫn
đường đến một happy-end. Người mẹ trong vụ án đó cũng có một ý chí kiên
cường, khi chấp nhận mọi thứ, để sau mình, không còn mây đen trên những
mái đầu trẻ thơ, nơi bà đang sống.
Năm 2019, sự kiện đình đám là vụ ông Nguyễn Hữu Linh, Viện phó Viện
kiểm sát TP Đà Nẵng không chối được chứng cứ sàm sỡ bé gái trong thang
máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4, Sài Gòn. Nhưng có vẻ như một lần nữa,
việc xử tội một đảng viên cao cấp – một giai cấp đặc biệt ở Việt Nam -
là điều thật khó.
Lần này, những việc thô bỉ như chặn bắt, điều tra đánh đập người phản
ứng với nạn ấu dâm đã không thể diễn ra như hai năm trước được nữa.
Nhưng việc lần lữa, tìm phương cách “tốt nhất” cho vụ án này diễn ra
không chỉ ở các tin tức giả được tổ chức trên mạng, bao gồm cả hành động
trong giới cầm quyền và tư pháp.
Mới đây, một thẩm phán hiện đang làm việc cho nhà nước, đã từng khẳng
định với tôi rằng “sẽ không thể bắt tội được Nguyễn Hữu Linh. Vì dù có
hành động nhưng không có cách nào chứng minh được ý chí của Linh là ấu
dâm, và đó chỉ là âu yếm trẻ em”. Thậm chí ông ta còn nói rằng đã có
những luật sư liên hệ với gia đình của ông Linh, tự tin rằng họ nắm chắc
phần thắng trong vụ bảo vệ ông Linh, thậm chí sẽ kiện ngược gia đình
nạn nhân.
Ý chí – phần mà khoa học A.I ở các quốc gia tiên tiến nhất vẫn chưa
dám áp dụng để đưa vào nền tư pháp, nhưng ở Việt Nam, các tội danh
“tuyên truyền để chống chế độ”, “âm mưu lật đổ” vẫn sàm sỡ kết tội con
người hàng ngày. Thậm chí, 12 bạn trẻ ở Biên Hòa bị 10 tháng tù do biểu
tình chống Luật đặc khu, bởi bị xét về ý chí là họ muốn “gây rối trật tự
công cộng”.
Và trong vụ án của ông Linh, ý chí đã được nhắc đến như giải pháp có
thể cứu nguy, giới thiệu sự trong trắng của một đảng viên cao cấp.
Sự va chạm ý chí vẫn đang diễn ra từng ngày. Sự va chạm nảy lửa giữa
người dân Việt Nam khát khao một đất nước tốt đẹp hơn, ít đồi bại hơn,
ít quyền lực bao che… như đang chất vấn nhà cầm quyền – một dấu hỏi về
khả năng có còn xứng cho việc cầm quyền hay không.
Người ta vẫn nhắc nhau từng ngày về việc trì hoãn khởi tố thủ phạm
Nguyễn Hữu Linh. Dân chúng có đủ mọi cách để nhắc: bằng các lời bình
trên mạng, bằng cách đến trước cửa nhà thủ phạm để selfie và căng biểu
ngữ tố cáo. Những cây bút của nhà nước được chỉ đạo phản ứng bằng cách
lên giọng chỉ trích những hành động như vậy, là vô đạo đức.
Nhưng ngay cả trong hành động bị gọi là “vô đạo đức” ấy để nhằm nhắc
về một thủ phạm ấu dâm đang bình yên bất thường trước các chứng cứ,
những con người ấy đang chịu hy sinh phần mình, để bày tỏ một ý chí phế
truất bộ mặt đạo đức giả của nhà cầm quyền, đang tỏ ra không quyết liệt
trước tội ác.
Đó là ý chí của một dân tộc, đầy thông minh và không cam chịu trước
bất công và cường quyền. Hãy nhớ, khi những công dân dám hy sinh những
vấn đề cá nhân của mình cho ý nghĩa chung của xã hội, thì đó cũng là lúc
một xã hội mới khỏe mạnh đang hình thành, vận động vì ý nghĩa của từng
cá nhân.
Từ những người phụ nữ bị đánh đập hôm qua ở Thủ Đức, cho đến những
bạn trẻ vô danh hôm nay hành động trước căn nhà số 30 ở Đà Nẳng, cho đến
những chiếc áo lẻ loi phản đối, xuất hiện trên đường phố. Tất cả, tôi
thấy mình mang ơn ý chí của các bạn.
No comments:
Post a Comment