Nhạc Trịnh đang được làm trẻ lại thế nào?
Không còn nghi ngờ
gì nữa, Trịnh Công Sơn đã và đang là nhạc sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam.
Trong tháng giữa ngày sinh và ngày mất của ông, hàng loạt sự kiện nhạc
Trịnh lớn nhỏ diễn ra khắp nơi.
Và quanh năm, nhiều quán xá ở Hà
Nội vẫn hàng tuần tổ chức những đêm Trịnh chẳng hề vắng khách. Nơi ấy là
lãnh địa của các giọng ca bán chuyên hát nhạc Trịnh theo phong cách nói
chung không thay đổi từ thời Khánh Ly…
Những giọng ca chuyên
nghiệp tất nhiên không chịu dừng lại. Trịnh Công Sơn như hành trang họ
cần mang trên hành trình sự nghiệp. Nhạc Trịnh không chỉ cung cấp một
chất liệu dễ tương thích mang tính thẩm mỹ cao mà còn là một bảo chứng
về tính đại chúng. Vì thế hát nhạc Trịnh cũng là một cách hay và nhanh
để tiếp cận khán giả.
'Trịnh mang tinh thần đương đại'
Hà
Lê, một ca sỹ, nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi khi chuyển sang ngạch
ca hát sau khoảng 10 năm làm vũ công và biên đạo. Anh trang bị chuyên
môn vũ đạo cho mình khi còn đang học trung học và đại học ở Anh.
Hà
Lê theo đuổi dòng nhạc hip-hop với ngoại hình cực ngầu, hứa hẹn là thần
tượng mới của giới trẻ. Tuy nhiên anh cũng khiến giới đứng tuổi phải để
ý khi hát lại những bài cũ như Thành phố buồn (Lam Phương), Hạ trắng
(Trịnh Công Sơn) hay Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (nhạc Trương Quý Hải)
trên truyền hình. Anh vừa công bố dự án làm mới triệt để nhạc Trịnh với
MV Diễm xưa, kế đó là Mưa hồng- hát chung với Bùi Lan Hương.
Album
phòng thu Trịnh Contemporary sắp phát hành, cùng những dự án phim ngắn,
nhạc kịch sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn sẽ được công bố trong năm nay.
Trong cuộc trò chuyện, Hà Lê chia sẻ sẽ dành nhiều thời gian cho Trịnh
Công Sơn:
"Tham vọng của bọn tôi để thành hình đầy đủ đúng như
mình muốn sẽ mất 2-3 năm. Mục đích cuối cùng là một cái nôm na như nhạc
kịch Broadway (sử dụng ca khúc) Trịnh Công Sơn trình diễn trực tiếp hoàn
toàn. Sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng kịch bản, cần ý tưởng cũng như
sự góp sức của rất nhiều bộ phận nghệ sĩ. Nên hiện nay tôi chưa dám
chia sẻ nhiều. Nếu làm được điều đó mới xứng đáng để vác trên vai chữ
contemporary."
Theo Hà Lê, nhạc Trịnh coi như "di sản văn hóa phi
vật thể của Việt Nam", nên khi thực hiện cũng phải có đẳng cấp nhất
định. Ai đó so Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, nhưng Hà Lê thì hơi khác.
"Trịnh Công Sơn là một trong những người tiên phong trong việc sáng tạo
cái mới," anh nói. "Bản thân bộ môn Trịnh Công Sơn đã là một thứ rất
đương đại. Giống như thế giới có Michael Jackson vậy."
Theo Hà
Lê, nhạc Trịnh cho thế hệ sau nhiều "khoảng trống" để họ tiếp tục điền
tên mình vào: "Tôi nghĩ đấy là tiêu chuẩn, là nguồn cảm hứng để lớp lớp
nghệ sĩ như bọn tôi nhìn vào để phấn đấu. Về lâu dài, mình phải tạo được
những khoảng trống để thế hệ sau sáng tạo thêm vào, như một bức tranh
đẹp vẫn có thể được vẽ tiếp."
Hà Lê kể, từ bé đã mơ làm ca sĩ và
hát nhạc Trịnh. Sau đó theo sự định hướng của bố mẹ anh đi học kinh tế
(để về làm cho công ty của gia đình), nhưng rồi nhận ra ra sàn diễn vẫn
là đam mê. "Gu của tôi cũng giống khán giả. Đấy là những bài tôi rất
thích," Hà Lê nói về những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. "Khi
hát những bài đấy tôi cảm thấy tự tin giống như mình đang kể câu chuyện
của mình."
'Không thể không hồi hộp'
Mặt khác, anh vẫn không thể không hồi hộp trước một
dự án lớn: "Tôi không hiểu vì sao mình lại có cơ duyên làm vệc này. Đó
là điều may mắn, vừa là trách nhiệm rất nặng nề, cũng là điều khiến tôi
cảm thấy rất hưng phấn. Hưng phấn hơn nhiều so với việc tôi có một beat
mới và ngồi viết bài mới, hay nhận một cái demo mới. Việc làm sao để làm
mới lại một cái cũ, đã đóng đinh và có một giá trị rất sâu sắc- kích
thích và thử thách nhiều hơn việc mình làm ra cái mới ở thời điểm này."
Đồng
hành với Hà Lê có nhạc sĩ hòa âm Tùng Acoustic và Thành Đồng ở vị trí
giám đốc nghệ thuật. Hà Lê bày tỏ ý định muốn lan tỏa cảm hứng đương đại
bằng việc sáng tạo nhạc Trịnh, từ đó kết nối nhiều nghệ sĩ ở các loại
hình nghệ thuật khác nhau trên cơ sở đồng cảm về tư duy để tiếp tục tìm
tòi thử nghiệm nhạc Trịnh bằng âm nhạc, điện ảnh, vũ đạo, nhiếp ảnh,
thời trang…
"Khi làm nhạc Trịnh, tôi vẫn cố đem tinh thần R&B
hay văn hóa hip-hop vào. Vì cái đó thuộc về con người tôi, không thể
giấu nó đi được. Không thể nào như Khánh Ly hay Hồng Nhung, cách hát của
tôi được trui rèn,, ảnh hưởng qua rất nhiều năm nghe nhạc hip-hop, là
người thích nhảy, thích tiết tấu, nhịp điệu, nó sẽ là như vậy."
Dù
nhạc Trịnh qua Hà Lê được khoác chiếc áo "thời thượng" của R&B hay
các dòng nhạc điện tử khác nhưng về cách hát, có thể thấy Hà Lê không xa
Khánh Ly lắm ở lối nhả chữ đều, thẳng, lạnh. Giọng Hà Lê cũng có độ
"phi giới tính" thu hút người nghe. Anh cũng không ngại sửa nốt khi
phiêu hoặc thêm vào những câu nhạc ngắn.
Tất nhiên sự phá cách
triệt để so với hầu hết các ca sĩ từng hát nhạc Trịnh của Hà Lê gây
nhiều luồng tranh cãi, nhưng có vẻ được giới trẻ khá tán thưởng. Có thể
thấy Diễm xưa ra sau Hạ trắng đã có sự trau chuốt phù hợp với tinh thần
bài hát hơn.
Khác với một số sao nhạc pop Việt Nam chỉ hợp tác
với Sony trong lĩnh vực phát hành, Hà Lê cùng Phúc Bồ là hai nghệ sĩ có
được hợp đồng đầu tư và sở hữu độc quyền 10 năm, năm nay bước sang năm
thứ ba. Lựa chọn này của Sony khá lạ vì cả hai tên tuổi đều chưa phải
hàng đầu về thị trường.
"Họ tìm người trẻ, có năng lực, có tư
duy, quan trọng nhất là đồng hành với họ về tầm nhìn," Hà Lê cho hay.
"Về nghệ thuật, họ hoàn toàn tôn trọng, không tham gia nhiều. Họ tin
tưởng chuyên môn của chúng tôi, chỉ giúp chúng tôi định hình lại những
mong muốn của mình để dịch ra ngôn ngữ chung nhất cho khán giả tiếp
nhận."
'Xuất khẩu nhạc Trịnh'
Được biết đã có sự tham gia của hãng Sony trong một
dự án gọi là Trịnh Contemporary khá thú vị vì ngoài Việt Nam, Nhật Bản
được cho là thị trường mặn mà với Trịnh Công Sơn nhất. Nhạc sĩ từng nhận
đĩa vàng tại Nhật với bài Ngủ đi con năm 1972 và giọng ca gạo cội
Tokiko Kato sẽ có mặt tại Việt Nam hát lại bài này trong những đêm nhạc
tưởng nhớ Trịnh Công Sơn đầu tháng Tư này.
Nhưng
có một nỗ lực khác liên quan 'xuất khẩu nhạc Trịnh' qua phương Tây, khi
tôi nghe album 'Này em có nhớ của Đồng Lan', phát hành đúng dịp kỷ niệm
18 năm ngày nhạc sĩ ra đi, tôi không có cảm giác đang nghe nhạc Trịnh,
mặc dù chắc chắn đó là Trịnh. Hóa ra trước nay ở trong nước, dù gò theo
những khuôn thước cũ hay cố bung phá ra thì vẫn là người Việt làm nhạc
Trịnh, không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ những quan niệm cố hữu thậm chí
thiên kiến về nhạc Trịnh.
Đồng Lan vì đem album sang Pháp cho
người Pháp hòa âm phối khí nên hiệu quả đem lại rất khác. Nghe nó "Tây"
một cách tự nhiên đến nỗi nhà thơ Đỗ Trung Quân nói đùa với Lan: "Thế
này chắc Trịnh Công Sơn… đạo nhạc Pháp rồi!"
Đối với Jazz châu Âu,
album Trịnh của Đồng Lan không có gì mới về âm nhạc nhưng với những
người Việt từng nghe nhạc Trịnh, hẳn họ sẽ bất ngờ và dễ dàng được thư
giãn. Vì Lan cũng ngấm được tinh thần của bản phối, ca hát rất tung
tăng. Cô đang ở khoảng thời gian chín muồi của cách hát, không còn những
điệu đà làm màu, mà đơn giản là chính mình, tự nhiên đủ để không bị so
sánh với bất cứ ai. Có lẽ cô đã thoát khỏi nỗi sợ bị phê phán của bất kỳ
ca sĩ nào (sau thế hệ của Khánh Ly) mỗi khi mở miệng định hát nhạc
Trịnh. Còn sâu xa hơn, hẳn vì cô đã tìm thấy mình trong nhạc Trịnh. Nghe
Lan đưa đẩy nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp theo kiểu jazz, không ai biết
lúc thu âm cô đang bị nhiệt ở lưỡi, gây đau, phải vừa tra thuốc vừa hát.
Lan
kể bài Này em có nhớ với những câu mở đầu "Chúa đã bỏ loài người/ Phật
đã bỏ loài người…" cô nghe trong một lúc đau khổ để rồi cảm thấy "trái
tim như bừng sáng lên trong đêm". Từ lần "gặp" Trịnh Công Sơn đó, cô
viết ra những câu hát cho riêng mình: "Người còn nhớ không người/ Phật
bỏ chốn trần gian/ Người còn hát không người/ Om Mani Padme Hum…"
Sáng
tác được biết tới nhiều nhất của Đồng Lan lúc này là Sợ chết. "Tôi thú
nhận tôi sợ chết nhưng không thể nói là hèn," cô nói. "Tôi cũng là con
người thôi nhưng tôi dũng cảm đối mặt và chuẩn bị từ bây giờ cho việc
chết một cách thoải mái. Thấy đồng điệu với Trịnh Công Sơn: 'Mệt quá
thân ta này/Nằm xuống với đất muôn đời…' Rất nhẹ nhàng, mệt thì nằm
thôi. Tôi thấy nó đáng yêu, đồng cảm và có sự kết nối." Lan kể, Trịnh
Vĩnh Trinh hay vài người bạn thân của Trịnh Công Sơn đều tỏ ý tiếc cho
cô không được gặp nhạc sĩ lúc sinh thời: "Ồ anh Sơn mà gặp em sẽ rất quý
em đấy!"
'Không cần hiểu đã thấy hay'
Trịnh Công Sơn là nhà thơ viết nhạc. Lời của ông
không cần hiểu đã thấy hay. Nhưng khi chuyển ngữ cần độ chính xác nhất
định. Bài nhạc Trịnh đầu tiên trong album đầu tay Lan nhờ chị gái dịch-
chính chị cung cấp chỗ ở cho cô suốt một tháng ở Pháp để làm album
Trịnh. Còn để có lời Pháp cho cả đĩa, cô làm việc cùng nhà thơ Pháp sống
tại Sài Gòn Francois Brunetta trong 5 năm.
Riêng
Để gió cuốn đi- bài đầu tiên hai người cùng chuyển ngữ mất 4 năm mới
chốt được bản cuối. "Những bài đầu tiên chưa có kỹ năng. Ưng, không ưng,
dịch, xóa, sửa tùm lum," Lan kể. "Dịch nhạc Trịnh cho đúng đã khó lại
còn phải làm sao cho người Pháp hiểu. Có những bài chỉ lấy hình ảnh và ý
tưởng chung chứ không lấy tình tiết. Ví dụ 'gọi nắng" nếu dịch sát
nghĩa sẽ thành một đoạn dài…"
Chỉ có một vấn đề nhỏ là trên bản
phối ấy, sẽ có những khán giả muốn nghe trọn vẹn một bài nhạc Trịnh do
Đồng Lan hát bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Pháp) thì lại không thể. Tất cả
các bài trong album đều được hát song ngữ.
Đồng Lan nổi tiếng ở
Việt Nam trước tiên như một người chuyên hát nhạc Pháp. Cô cảm thấy nhạc
Trịnh cũng gần với tinh thần Pháp. "Chắc do ông học trường Tây," cô lý
giải. "Giai điệu cũng đơn giản, đáng yêu theo kiểu nhạc Pháp chứ không
màu mè như kiểu Mỹ chẳng hạn. Người Mỹ khi hát sẽ làm cho kịch tính hơn,
trong khi người Pháp chuộng kiểu hát thì thầm như nói. Mỗi kiểu đều có
cái hay..."
Bài 'Ở trọ', Lan đưa cả hai cô cháu gái nói còn chưa
sõi vào hát chung đoạn vocal. Cô còn muốn có một giọng bass hòa cùng để
làm nổi bật tinh thần bài hát theo như cô hiểu: "Tất cả chúng ta đến
kiếp này chỉ để ở tạm thôi, hãy thoải mái tận hưởng đi. Đừng nặng nề,
bon chen, chơi xấu nhau làm gì. Đằng nào mình cũng chết. Sống cho vui
rồi chết." Nhìn hai bé gái sinh đôi nhún nhảy trong phòng thu theo nhịp
điệu của Trịnh Công Sơn, Lan thấy hạnh phúc: "Đấy, nhạc Trịnh không có
biên giới. Người Pháp sẽ thích và đó là điều tôi muốn. Tôi cũng sẽ hát
cả tiếng Anh nữa, rất nhiều những bài Trịnh Công Sơn mà tôi thích."
Được biết Đồng Lan ra đĩa nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp và tới đây bằng tiếng Anh.
"Tôi muốn những người bạn nước ngoài biết đến Trịnh Công Sơn- niềm tự
hào của người Việt. Một nhà văn Mỹ thấy Bob Dylan và Trịnh Công Sơn có
sự tương đồng như kiểu mặt trời với mặt trăng. Thôi không so sánh, chỉ
biết tôi yêu nhạc Trịnh và tôi sẽ làm tốt hơn điều mình yêu thích," cô
chia sẻ về mục đích của thử nghiệm mới này.
Bài viết thể hiện
văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, gửi đến BBC Tiếng
Việt trong dịp tưởng niệm 18 năm nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời.
No comments:
Post a Comment