Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 1 April 2019

Pháp và châu Âu mong đợi gì từ chuyến công du Paris của Tập Cận Bình ?

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi ký kết thỏa thuận với Ý tại Villa Madama, Roma, ngày 23/03/2019.REUTERS/Yara Nardi
Đáp lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân chuyến công du Bắc Kinh năm 2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Paris trong vòng ba ngày, bắt đầu từ ngày 24/03/2019. Vậy Bắc Kinh muốn gì từ Paris và Bruxelles ? Và phản ứng của Pháp và Châu Âu ra sao ?
Theo giới quan sát, chuyến đi của Tập Cận Bình nhằm thực hiện một « chiến dịch ve vãn » nước Pháp và Liên Hiệp Châu Âu. Hoạt động ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thương mại chưa từng có. Nền kinh tế của Trung Quốc bị trì trệ và dự án « Con đường Tơ Lụa Mới » đi từ Á sang Âu, qua cả châu Phi vẫn gặp phải sự chần chừ, do dự, thậm chí là lo ngại từ phía các nước châu Âu.
Nhận định về chuyến thăm Pháp, ông Jean-Paul Tchang, chuyên gia về kinh tế và đồng sáng lập viên tờ La Lettre de la Chine – Thư từ Trung Quốc, trên đài truyền hình France Info cho rằng « Trung Quốc hy vọng lôi kéo được Pháp có một cái nhìn tích cực hơn về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc » và đây sẽ là « một thông điệp cho các đối tác châu Âu khác ».
Do vậy, ông Tập Cận Bình, trong mục diễn đàn trên Le Figaro đã ca ngợi hết lời mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Pháp từ 55 năm qua và kêu gọi gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các lĩnh vực mà đôi bên có thể thắt chặt hợp tác nhiều hơn như năng lượng hạt nhân, hàng không, không gian, nông nghiệp và cả trong công nghiệp.
Thế nhưng, những lời mời mọc hợp tác « đôi bên cùng có lợi » của ông Tập Cận Bình cũng không làm xóa tan được mối ngờ vực của giới chuyên gia Pháp về tham vọng bá quyền của Bắc Kinh và nhất là tìm cách thâu tóm các ngành công nghệ mũi nhọn của châu Âu thông qua các dự án đầu tư.
Theo bà Sophie Boisseau de Rocher, Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp trên làn sóng RFI, điểm yếu của Bắc Kinh hiện nay là chưa đủ tự tin nâng cấp công nghệ của mình trong khi châu Âu vẫn là một sân chơi hấp dẫn trong lĩnh vực này. Vì vậy, trong trước mắt, Bắc Kinh vẫn còn cần đến Lục Địa Già. Làm thế nào lôi kéo các ngành công nghệ của châu Âu vào mạng lưới công nghệ Trung Quốc để rồi sau đó áp đặt các chuẩn mực của mình là mục tiêu chính trong dài hạn của Bắc Kinh.
Đây chính là điểm khiến cho tổng thống Pháp và một số đồng nhiệm châu Âu lo ngại, theo như giải thích của bà Sophie Boisseau de Rocher : « Châu Âu lo ngại đây là một dự án bá quyền. Có nghĩa là nếu dự án được thực hiện và khai thác như phía Trung Quốc trình bày thì người ta thấy là các nguồn tài chính, nhân lực và sản phẩm, tất cả đều là của Trung Quốc. Gần 90% dự án Con đường tơ lụa hoạt động với các sản phẩm, chuẩn mực của Trung Quốc. Đây hoàn toàn không phải là dự án mà các bên cùng có lợi, có đi có lại, như phía Trung Quốc rao giảng. Không thể chấp nhận một dự án được thực hiện trong các điều kiện như vậy tại châu Âu.
Đối với châu Âu, điều quan trọng hiện nay là phải thuyết phục Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh xem xét lại dự án của họ, để châu Âu không cảm thấy bị thiệt thòi, tổn hại lợi ích do việc thực hiện dự án Con đường tơ lụa, làm sao để dự án có thể đóng góp một cách đầy đủ vào sự phát triển của châu Âu. Và quả thực, châu Âu đã điều chỉnh được phần nào sự lệch lạc của dự án ban đầu mà tôi vừa nói tới. »
Tóm lại, liệu chủ nhân điện Elysée có cưỡng lại được những bẫy mồi do Tập Cận Bình giăng ra hay không ? Làm thế nào thuyết phục và kìm hãm được tham vọng bá quyền của Trung Quốc ? Đây sẽ làm một bài toán khó đối với tổng thống Emmanuel Macron.

No comments:

Post a Comment