Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 1 April 2019

Pol Pot: Lương Tâm Tôi Trong Sạch

3
Cánh đồng chết
Ngày này, cách đây 42 năm, đại đoàn quân du kích Khmer Đỏ do Pol Pot dẫn đầu tiến vào “giải phóng” thủ đô Phnom Penh.
Như đấng công thần lập quốc, Pol Pot tuyên bố thành lập Campuchia Dân chủ và khai sinh một loại lịch mới bắt đầu “Năm O”.
Ngay lập tức, ông cho đóng cửa tất cả các sứ quán phương Tây gồm cả Liên Xô. Nhân viên sứ quán bị trói, khiêng ra phi trường để trục xuất về nước.
Tiếp theo, ông cho dọn vệ sinh tư tưởng, gột rửa hết những tàn tích tư bản. Đeo kính mát bị cho là đồi trụy. Mang đồng hồ bị coi là xa xỉ. Nói tiếng nước ngoài là phản quốc. Trí thức không những là lũ ăn bám, mà còn là tai họa cho chế độ. Người buôn bán là bọn bóc lột. Giới tu hành bị coi là kẻ lười nhác trốn việc. Tiền bạc là con đĩ của nhân loại. Không cần bệnh viện, trường học, chợ búa. Không ai được sở hữu thứ gì dù một cây kim. Gia đình bị xé nát. Một cuộc vô sản hóa vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Phnom Penh hoa lệ và sầm uất bên dòng sông Bốn Mặt phút chốc hoang tàn. Vương quốc Khmer hùng vĩ biến thành một nhà tù khổng lồ, một nghĩa địa mêng mông, vô tận: Chết bệnh, chết đói, chết khát, chết do lao động quá sức, chết do tra tấn, hay bị xử tử bằng quốc, bằng vồ, bằng búa, bằng liềm.
Một phần ba dân số quốc gia đã chết như vậy chỉ trong vòng ba năm chín tháng cầm quyền của ông. Thế giới gọi ông là kiến trúc sư của cánh đồng chết Khmer.
Chưa đủ, ông còn là một đầu bếp vĩ đại nấu lên món lẩu máu tạp phí lù. Kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận, Ông thổi bùng lên ngọn lửa “Cáp Duồn” (hãy chặt đầu bọn Việt Nam mọi rợ). Việt Nam lại phải dấn thân vào một cuộc chiến đẫm máu và kéo dài theo toan tính của Bắc Kinh.
Ông là một nhà cách mạng cộng sản cực đoan. Những di sản ông để lại là một cuộc pha trộn giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa Mao, Staline, chủ nghĩa dân tộc và chứng vĩ cuồng.
Hình như lịch sử xứ Đông Dương cứ muốn đùa giỡn với tháng Tư. Ông dẫn đại đoàn Khmer Đỏ vào giải phóng Phnom Penh 17/4/1975. Ông qua đời vào 15/4/1998.

Nhà báo Mỹ Nate Thayer đã lặn lội vào tận cánh rừng già hẻo lánh Anlong Veng, nơi ông trút hơi thở cuối cùng mô tả: Ông chết trong bộ đồ bà ba du kích màu đen. Ông nằm trên chiếc chõng tre xiêu vẹo, cổ vẹo sang một bên, dịch trong hai ống mũi trào ra, côn trùng bu đầy khoé mắt.
Ai đã đưa ông lên đỉnh quyền lực? Nhất định không phải do phiếu bầu của dân. Không phải do kiến thức uyên bác hay lòng đức độ. Không phải do lòng ái quốc hay tình yêu thương đồng loại. Càng không phải do phép màu của Đức Chúa Trời.
Ông leo lên từ nòng súng bạo tàn của loài ác qủy. Trước khi chết ông tâm sự: “Lương tâm tôi trong sạch.”
Calgary, Canada
Thứ Hai, 17/4/2017
Trần Gia Huấn
Lưu

No comments:

Post a Comment