Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 27 April 2019

Thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội: Kim tố Mỹ 'có ý đồ xấu'

  • 27 tháng 4 2019
  • Putin và Kim cụng ly tại hội nghị thượng đỉnh ở Vladivostok
    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cáo buộc Mỹ 'có ý đồ xấu' trong hội nghị thượng đỉnh hồi đầu năm nay với Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội, theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA).
    Ông cũng nói rằng hòa bình ở bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Washington.
    Ông Kim đã đưa tuyên bố này tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok.
    Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã rời Vladivostok vào thứ Sáu.
    Truyền thông Nga đã đưa tin rằng ông Kim dự kiến đến thăm thủy cung của thành phố và xem một vở ba-lê, tuy nhiên chuyến thăm của ông đã bị cắt ngắn và không rõ tại sao.
    Bản quyền hình ảnh Reuters
    Image caption Kim Jong-un cười khi ông rời Vladivostok
    KCNA đưa tin rằng Tổng thống Putin đã chấp nhận lời mời đến thăm Triều Tiên.
    Chuyến thăm sẽ diễn ra "vào một thời điểm thuận tiện", hãng tin cho biết thêm.
    Trong cuộc gặp, Kim Jong-un được biết đã nói với Vladimir Putin rằng "tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực hiện đang ở tình trạng bế tắc và đã đạt đến điểm quan trọng".
    Ông cảnh báo tình hình "có thể trở lại trạng thái ban đầu khi Mỹ có thái độ đơn phương với ý đồ xấu" trong các cuộc đàm phán gần đây.
    Trước đó một tuần, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Mỹ làm hỏng các cuộc đàm phán hòa bình.
    Các cuộc đàm phán giữa hai nước đã bị thất bại trong hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam vào tháng Hai, không có thỏa thuận nào đạt được về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
    Các cuộc đàm phán này đã bị hoãn lại vì yêu cầu giảm nhẹ lệnh trừng phạt kinh tế của Triều Tiên để đổi lấy một số cam kết phi hạt nhân hóa - một thỏa thuận mà Mỹ không sẵn sàng thực hiện.
    Trong hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm tại Vladivostok, Tổng thống Putin đã cố gắng đóng vai trò trọng tài, nói rằng ông Kim có sự cần đảm bảo an ninh quốc tế nếu ông chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.
    Bản quyền hình ảnh AFP
    Image caption Ông Kim di chuyển trên con tàu bọc thép
    Và sự đảm bảo đó cần được đưa ra trong khuôn khổ đa quốc gia, nhà lãnh đạo Nga nói.
    "Chúng ta cần ... trở về nơi luật pháp quốc tế, chứ không phải luật của kẻ mạnh nhất, quyết định tình hình trên thế giới", ông Putin nói.
    Ông Kim gặp gỡ các quan chức Nga một cách nồng nhiệt khi ông đến Nga vào thứ Tư.
    Ông ca ngợi hội nghị thượng đỉnh là một "cuộc trao đổi trực tiếp rất có ý nghĩa" và nói rằng ông hy vọng sẽ mở ra một "thời hoàng kim mới" giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

    Những gì đã được biết về cuộc hội nghị?

    Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tìm kiếm mối quan hệ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, không có thông tin chính thức về các thỏa thuận giữa hai bên liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
    Ông Putin hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Trung Quốc, nơi ông nói sẽ trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về cuộc đàm phán với ông Kim. Ông cũng nói rằng ông sẵn sàng chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ.
    Theo phát ngôn viên của tổng thống, Dmitry Peskov, Điện Kremlin tin rằng các cuộc đàm phán sáu bên về Triều Tiên là cách duy nhất hiệu quả để giải quyết vũ khí hạt nhân trên bán đảo.
    Vladimir Putin và Kim Jong-un gặp ở Vladivostok
    Những cuộc đàm phán này, bắt đầu từ năm 2003, gồm các bên từ hai miền Triều Tiên cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, nhưng hiện đang bị đình trệ.
    "Không có cơ chế quốc tế hiệu quả nào khác vào lúc này," ông Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Tư.
    "Nhưng mặt khác, đang có các nỗ lực khác được thực hiện bởi các quốc gia khác. Ở đây, tất cả các nỗ lực đều đáng được hỗ trợ, miễn là họ thực sự nhắm đến việc phi hạt nhân hóa và giải quyết vấn đề của hai miền Triều Tiên."

    Cả hai bên muốn gì?

    Chuyến thăm được đánh giá rộng rãi là cơ hội để Triều Tiên cho thấy họ có các đồng minh hùng mạnh sau khi các cuộc đàm phán với Mỹ bị thất bại.
    Bình Nhưỡng đã đổ lỗi cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Đầu tháng này, Triều Tiên đã yêu cầu ông Pompeo bị loại khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân, cáo buộc ông "nói chuyện vô nghĩa" và yêu cầu ai đó "cẩn thận hơn" để thay thế ông.
    Cuộc hội nghị thượng đỉnh cũng là cơ hội để Bình Nhưỡng cho thấy tương lai kinh tế của nước này không chỉ phụ thuộc vào Mỹ.
    Và Nga sẽ cho thấy nó là một nhân tố quan trọng liên quan đến bán đảo Triều Tiên.
    Tổng thống Putin đã rất nóng lòng muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trong lúc diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, Điện Kremlin đã phần nào bị ra rìa.
    Nga, giống như Mỹ và Trung Quốc, cũng không thoải mái với việc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

    Nga và Bắc Hàn gần gũi đến mức nào?

    Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã duy trì liên kết thương mại và quân sự chặt chẽ với đồng minh cộng sản của mình, Triều Tiên, vì lý do tư tưởng và chiến lược.
    Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các liên kết thương mại với Nga hậu cộng sản đã bị thu hẹp và Triều Tiên nghiêng về phía Trung Quốc với tư cách là đồng minh chính của nước này.
    Dưới thời Tổng thống Putin, Nga đã phục hồi kinh tế và năm 2014, ông đã xóa hầu hết các khoản nợ thời Liên Xô của Bắc Hàn như một cử chỉ thiện chí lớn.
    Chế độ của ông Kim vẫn luôn coi Nga là một trong những cường quốc nước ngoài ít thù địch nhất.

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment