Từ Hoàng tử Cảnh (1780-1801) đến Hoàng thân Cường Để (1882-1951)
Võ Quang Yến
Tháng ba năm Nhâm Dần
1782, quân Tây Sơn tấn công Gia Định. Lực luợng tan rã, Nguyễn Ánh phải
chạy trốn ra đảo Phú Quốc. Một năm sau, tháng sáu năm Quý Mão 1783, Phan
Tiến Thận thống suất quân Tây Sơn vào tấn công Phú Quốc, Nguyễn Ánh một
lần nữa bị thua liểng xiểng, vào lúc lâm nguy chỉ chạy thoát được nhờ
cai cơ Lê Phúc Điền, như Lê Lai một thời trước, xin mặc áo ngự đứng đầu
thuyền để bị bắt thay. Quân Tây Sơn phái Trương Văn Đa đem thủy quân đến
“vây ba vòng”, tình thế thật nguy cập cho Nguyễn Ánh. May cho ông, vào
lúc ấy, gió bảo nổi lớn dữ dội, đánh đắm phần lớn thuyền bè địch quân.
Lần nầy Nguyễn Ánh lại chạy thoát qua trốn ở một hòn đảo gần Thái Lan và
Campuchia mang tên Cở Cốt (Ko Kut) sau nầy được xác định là Cổ Long
(KohRong) hay Thổ Chu (Poulo-Panjab). Vào lúc nầy Nguyễn Ánh tình cờ gặp
lại giáo sĩ người Pháp Pigneau, tức Bá Đa Lộc, đã quen nhau từ năm Đinh
Dậu 1777 ở Hà Tiên khi lưu lạc trốn tránh quân Tây Sơn.Nguyễn Phúc Cảnh, thường được gọi Hoàng tử Cảnh, sinh năm Canh Tý 1780 (hay Kỷ Hợi 1779) ở Gia Định. Bà mẹ Tống Thị Lan sau nầy được phong Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, là con quan Chưởng doanh Tống Phúc Khuông, sinh cho chúa Nguyễn Ánh được ba con trai, Nguyễn Phúc Hy và Nguyễn Phúc Noãn mất sớm, Vâng lệnh cha, Hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp năm năm (1784-1789) làm con tin. Năm Giáp Dần 1794, lúc 14 tuổi, ông được lập Đông cung Thái tử, phong chức Nguyên súy Quận công, ban Đông cung Chi ấn, dựng phủ Nguyên súy, có thẩm quyền bổ nhiệm văn võ đại thần. Mùa hè năm ấy, Nguyễn Ánh ra đánh Qui Nhơn, Đông cung lãnh nhiệm vụ trấn giữ Gia Định, rồi qua mùa đông trấn gìữ Diên Khánh. Vào lúc Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Hưng nhà Tây Sơn đem quân thủy bộ vào đănh Diên Khánh, Nguyễn Ánh sợ nhiệm vụ cực nhọc, quá sức ông, đưa ông về lại trấn giữ Gia Định chăm lo trị an, phòng ngự, vận tải quân nhu. Tháng năm năm Đinh Tỵ 1797, Nguyễn Ánh ra tấn công Đà Nẵng, Quảng Nam, phái Đông cung đem quân sĩ vào cửa Đại Chiêm, đánh lấy Chiêm Dinh. Qua tháng sáu, thắng trận ở La Qua, ông được thưởng 1000 quan. Tháng mười năm Mậu Ngọ 1798, Đông cung được phong tổng quản tướng sĩ trấn giữ Diên Khánh, có Ba Đa Lộc và Phó tướng Tống Việt Phước phụ tá. Tháng tư năm Kỷ Mùi 1799, ông theo vua cha đi đắnh Thi Nại rồi đánh chiếm Qui Nhơn. Tháng mười năm Canh Thân 1800, thấy các dinh Gia Định đều được gởi đi đánh quân Tây Sơn, ông xin được phép lập thêm chi binh, chiêu mộ những quân bỏ trốn, những dân ngoại tịch bù vào để canh giữ. Ngày 20 tháng ba năm Tân Dậu 1801, sau khi đi đánh chiếm Thị Nại về, Đông cung mắc bệnh đậu mùa (có tài liệu nghi ông bị đầu độc) và mất năm 21 (hay 22) tuổi, sau cha Bá Đa Lộc hai năm và trước khi vua Gia Long lên ngôi một năm. Nguyễn Ánh phái Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu hiệp cùng Lễ bộ lo việc an táng ở Gia Định, định việc giá thú 60 ngày. Năm Ất Sửu 1805, vua Gia Long phong Anh Duệ Hoàng Thái Tử, đưa thờ Đông cung ở Tả vu nhà Thái miếu, lập nhà thờ Đại mộ ờ Vĩ Dạ và năm Kỷ Tỵ 1809 đem về an táng ở Dương Xuân.
Thông minh, hiếu học, Đông cung được nhiều vị khoa cử uyên thâm dìu dắt học hành. Ngoài Bá Đa Lộc, ở nhà Thái học, lần lượt có Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân (năm Ất Mão 1795), Ngô Tòng Chu, Đốc học Nguyễn Thái Nguyên (năm Mậu Ngọ 1798) làm phụ đạo, Tiến sĩ Ngô Gia Cát (năm Canh Thân 1800) làm Đốc học dạy dỗ. Đồng thời, giảng bàn kinh sử thì mỗi ngày hai buổi có các vị Thị giảng, Hàn lâm viện Thị học (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định), Quốc tử giám Thị học chăm lo. Các vị Thị học còn có trách nhiệm ghi chép mọi cử chị, lời nói của Đông cung để tâu lại vua cha. Trong đời sống hằng ngày, ông là người nhân từ, biết trọng đạo đức. Lính bỏ trốn, vợ con lính bị bắt giam, ông xin cho giam riêng để trai gái được phân biệt từ đó bảo toàn danh dự cho phái nữ. Năm Canh Thân 1800, Hà Tiên thiếu cơm, quản thủ Kiên Giang không cho đong lúa, Đông cung lúc bấy giờ trấn thủ Gia định, liền ra lệnh cho bán mười xe lúa. Năm Đinh Tý 1797, theo vua cha đi đánh Qui Nhơn, Quảng Nam về, ông cho thực hiện cuốn Hiền trung Chư thần Liệt truyện để khuyến khích dân tình. Quá nhân từ, lắm khi Đông cung thiếu cương quyết. Khi ông trấn giữ Diên Khánh, Tống Viết Phước tự tiện làm oai, lấn át Bá Đa Lộc, ông vẫn để yên, sau đó bị vua cha quở trách, nín nhịn là gần như nhu nhược. Trẻ tuổi, Đông cung thiếu kinh nghiệm không tự mình phán xét được, lắm khi nghe theo các vị Sư phó, Phụ đạo, và dễ sai lầm trong quyết định. Đông cung thường đuợc xem có nhiều cảm tình với người Tây phương, hay ra tay che chở người Âu, bảo vệ đạo Thiên chúa. Vì từ bốn tuổi theo Bá Đa Lộc sang Pháp nên Đông cung đã chung sống nhiều với vị Giám mục, từ đấy cũng được dạy dỗ theo đạo Thiên Chúa. Khi ra ở riêng, tuy mộ đạo, ông không cùng ở với Đức Thầy nhưng vẫn thuờng xuyên đi lại thăm viếng. Từ lâu Đông cung hằng mong nhưng không được chịu phép rửa tội. Sách còn chép khi đi Pháp về, ông không chịu bái yết Tôn Miếu, sau nhờ Cao Hoàng hậu khuyên răn mới chịu nghe.
Pierre (Pedro) Joseph Georges Pigneau (ngưòi Tàu phiên âm Pê Tô Lô, ta đọc Ba Đa Lộc, ta còn viết Bi Nhu nên sau nầy có tước Bi Nhu quận công) sinh năm 1741 ở thị trấn Origny-en-Thiérade tỉnh Aisne (Pháp). Gia đình gồm có mười chín đứa con, ông là con trai trưởng. Thân phụ ông có một xuởng thuộc da, đủ nuôi sống gia đình. Năm 1765, vào lúc 24 tuổi, xuất thân từ Chủng viện Trente-Trois, ông sáp nhập Hội Truyền giáo nước ngoài ỏ Paris MEP (còn gọi Hội Thừa Sai) và, không nghe lời khuyên của thân phụ, tức khắc tình nguyện đi qua Đàng Trong vào lúc chúa Nguyễn ban bố nhiều biện pháp khắt khe đối với những nhà truyền giáo đạo Cơ đốc. Ông được phong Cha bề trên Chủng viện hội Truyền giáo ở Chantaboum rồi về sống ở Hòn Đất cách Hà Tiên 15km.Năm 1768 ông phảimang gông ngồi tù gần hai tháng vì bị tố cáo đã dấu một ông hoàng Xiêm thù địch của Mặc Thiên Tứ. Năm 1769, ông chạy trốn qua Malacca và năm 1771, 30 tuổi, được phong Giám mục in partibus infideliumAdran ở Pondichéry đồng thời Khâm mạng tòa thánh Cao Miên, Nam Bộ và Chiêm Thành. Vào lúc nầy, ông bỏ công soạn cuốn từ điển Vocabularium Anamitico Latinum. Năm 1774, ông rời Ấn Độ đi Ma Cao rồi về Hà Tiên vì chúa Nguyễn bắt đầu cho giảng đạo. Nhưng vào lúc nầy Tây Sơn dấy binh, chiếm đóng phía nam miền Trung, lăm le thôn tính miền Đồng Nai và vùng dưới sông Cửu Long. Năm Đinh Dậu 1777, hai chúa Nguyễn Phúc Thuầnvà Nguyễn Phúc Dương bị giết, hoàng nam cuối cùng còn sống sót của Nguyễn Phúc Luân (con thứ hai Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát) là Nguyễn Phúc Ánh hay Nguyễn Ánh (16 tuổi) phải chạy trốn vào nam. Ở Hà Tiên, từ năm Ất Mùi 1775, Hôi Truyền giáo đã lập nên cơ sở ước chừng 60.000-100.000 tín đồ với 9 linh mục ngoại quốc và một số giáo sĩ bản địa. Trong lúc quân Tây Sơn bận rộn với cuộc chinh phục miền bắc, chiếm Thăng Long năm Bính Thân 1776, Nguyễn Ánh tuyển mộ binh sĩ, củng cố lực lượng tái chiếm miền đồng bằng sông Cửu Long và đánh chiếm Sài Gòn cùng năm ấy. Giữa năm 1778, bị quân cướp Cao Miên qua phá rầy, giết chóc tín đồ, Bá Đa Lộc và giáo phận phải dời về Tân Triều gần Sài Gòn. Băt đầu từ đây, ông đi lại nhiều với Nguyễn Ánh và một tình bạn nối liền hai người cùng cảnh ngộ lang bạt. Nhưng chẳng yên thân được lâu, năm Nhâm Dần 1782, quân Tây Sơn lại tiến vào nam, đánh chiếm Sài Gòn, buộc Bá Đa Lộc và tín đồ chạy trốn, từ đó gặp lại Nguyễn Ánh trên đuờng tẩu thoát. Cùng nhau ăn gió nằm sương, nằm gai nếm mật, Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh càng thêm thân tình và nhất quyết cùng nhau bàn kiếm một giải pháp cứu vãn.
Giải pháp gì đây ? Cầu viện Xiêm La ? Mặc dầu có mối nguy mất đất và mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà, Nguyễn Ánh tháng tư năm Giáp Thìn 1784qua cầu cứu nước láng diềng. Xiêm La đang nuôi tham vọng đánh chiếm Cao Miên và Gia Định, liên gởi tháng bảy năm ấy hơn một vạn quân bao gồm năm ngàn đi theo đường thủy và số còn lại đi theo đường bộ.Lực lượng đó được quân Nguyễn Ánh tăng cường bên cánh thủy và quân Chân Lạp bên cánh bộ thành một liên quân hai vạn người, mở một mũi tiến công đánh phối hợp. Tây Sơn cũng chỉ có khoảng vài trăm chiến thuyền và hai vạn quân nhưng vũ khí, đại bác rất đầy đủ không kém gì quân Xiêm. Trong đêm 19 rạng 20 tháng một năm Ất Tỵ 1785, giao chiến giữa liên quân Xiêm-Nguyễn và quân Tây Sơn diễn ra tại khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút, hồi ấy thuộc dinh Trấn Định, xứ Đàng Trong, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Mỹ Tho 12 km. Để bắt đầu, quân Xiêm-Nguyễn tấn công nhưng quân Tây Sơn, thủy bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt. Một viên tướng Nguyễn saư nầy kể lại :“Nguyễn Huệ đốc chiến ở phía sau, ra lệnh liều chết đánh, quân sĩ nào không quyết chiến thì chém ngay để làm răn. Vì thế các tướng sĩ đều liều, không nghĩ gì đến tính mệnh… tiến công rất là mãnh liệt”. Nguyễn Ánh thấy thế địch mãnh liệt không thể chống nổi nên sớm vội rút chạy theo sông Trà Luật ra sông Tiền rồi tìm đường sang Trấn Giang để về Hà Tiên. Rạng sáng thì chiến cuộc chấm dứt. Liên quân Xiêm-Nguyễn hoàn toàn tan rả.Số quân bản bộ của Nguyễn Ánh có khoảng bốn ngàn thì chỉ còn hơn tám trăm người chạy thoát sang Xiêm, Sau cuộc bại trận nầy,ấp ủ trong lòng quan điểm phi ngoại binh bất thành sự nghiệp, Nguyễn Ánh không còn tin có một đội quân Á châu nào có thê đương đầu với Tây Sơn.Nhiều cường quốc Âu châu đề nghị giúp sức nhưng cha Bá Đa Lộc đều gạt ra cả, bảo không muốn bắt tay với những tín đồ đạo Tin lành Anh Quốc hay giáo lý Calvin Hòa Lan, đồng thời nhớ đến những khó khắn với người Bồ Đào Nha, Theo Bá Đa Lộc,muốn cầu viện ngoại quốc, chỉ có nước Pháp là tin cậy được thôi, bởi vì nước Pháp vẫn thực hành tôn chỉ cứu thế của Giê su. Vả lại, trên thế giới, người biết tôn trọng nhân đạo yêu người như yêu mình cũng không ai bằng người Pháp cả…Nguyễn Ánh đồng ý phái Bá Đa Lộc toàn quyền mang quốc ấn sang Versailles thương lượng, đem theo Hoàng tử Cảnh làm con tin, lúc bấy giờ mới lên bốn. Tháp tùng có hai vị quan Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và một đoàn hộ tống 40 quân binh.
Ngay sau trận Rạch Gầm-Xoài Mút, phái đoàn (có tài liệu ghi khởi hành tháng mười một năm Giáp Thìn 1784, ngay trước trận Rạch Gầm-Xoài Mút)đến Pondichéry (ta có tên Tiểu Tây) ở Ấn Độ tháng hai năm Ất Tỵ 1785. Ngang đây,hai viên thống đốc thành phố và chỉ huy căn cứ thủy quân không đồng ý với hành trình nầy và phái đoàn bị giữ lại hơn một năm, tháng sáu năm Bính Ngọ 1786 mới được chiếc tàu thủy Aréthuse đưa qua Pháp, đạt Lorient ở Bretagne tháng hai năm Đinh Mùi 1787. Hồi ấy chưa có kênh Suez nên tàu không xuyên Đia Trung Hải và cập bến Marseille như ngày nay. Có lẽ vào dịp qua Pháp nầy, để dễ được giới thiệu vào triều đình, hầu tước La Croix de Castries, Bộ trưởng bộ Hải quân, khuyên Bá Đa Lộc nên thêm vào sau tên ông những tiểu từ quí phái “de Béhaine” (Béhaine là tên làng bên cạnh, nơi gia đình đã trú ngụ) và từ nay ông mang tên Pierre Pigneau de Béhaine. Kết quả quá sức mong muốn vì đạp đất Lorient tháng hai năm Đinh Mùi 1787 thì qua ngày 6 tháng năm ông cùng Hoàng tử Cảnh được vào yết kiến vua Louis XVI đem theo một bức thư của Nguyễn Ánh : “…Dầu đại quốc và tiểu quốc tình thế khác nhau, dầu đông tây cách mấy ngàn trùng, tôi dám chắc rằng Hoàng đế sẽ tin lời tôi như tôi đã tin Giám mục Bi Nhu vậy. Nay tôi giao cho ông ấy Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng của tôi, một cái Kim bửu gia truyền và một Biên bản của Hội đồng, đủ làm bằng chứng. Tôi chỉ mong Hoàng đế cho con tôi sớm trở về với binh thuyền”. Bá Đa Lộc đã soạn sẵn một bản tường trình thần tình về khả năng thương mãi, đất đai màu mỡ và nhất là sức lôi cuốn của miền Trung. Ông cũng trình bày chiến lược quân sự, sự có mặt của những cường quốc Âu châu và sự lợi ích lập cân bằng với lực lượng Anh Quốc ở Ấn Độ, khí thế đang lên của Trung Quốc đời Thanh đương thịnh. Ông đưa ra những con số xác định về chiến thuật phải theo : chỉ với 1500 quân là đủ để đánh chiếm Qui Nhơn ! Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã đánh giá Bá Đa Lộc là một người tuy sang nước ta với tư cách truyền giáo cho Giáo hội, nhưng mục đích chính là phụ trách đội tiên phong xâm lược nước người làm đất thực dân cho Pháp. Triều đình Pháp đón tiếp long trọng phái đoàn theo vương lễ. Mặt mày khôi ngô tuấn tú, Hoàng tử Cảnh rất được sủng ái, nhất là các bà chưa quen thấy một người ngoại quốc, lại là một đứa trẻ dễ thương, lễ phép nên tranh nhau mời mọc.Người ta bảo Hoàng tử Cảnh có dịp chơi với các hoàng tử và công nương trong triều, có thể với Công chúa Marie Thérèse (sinh năm 1778),Thái tử thứ nhất Louis Joseph Xaviet François (sinh năm 1781), còn Thái tử thứ nhì Louis Charles tức Louis XVII trong tương lai thì quá trẻ (sinh năm 1785). Một bài hát ca ngợi vị hoàng tử trẻ tuổi: “Royal enfant, consolez-vous…Vous régnerez, Adran vous aime” (Ông hoàng bé bỏng, tự an ủi đi…Ông sẽ lên ngôi, Adran thương ông). Léonard là người hầu chải đầu cho Hoàng hậu Marie Antoinette được cử lại hớt tóc cho Hoàng tử Cảnh. Về áo quần, hết còn áo Việt, quần dài : người ta may cho hoàng tử một chiếc áo dài ngang đầu gối kiểu Pháp tí chút tác phong Á Đông, màu đỏ, khuy vàng, quần bỏ vào ủng, đầu chiết một cái khăn đỏ thắt múi do chính Léonard vẽ kiểu. Ta thấy được bộ y phục nầy nhờ một bức chân dung Hoàng tử, do họa sĩ Maupérin thực hiện năm 1787 cho Hoàng hậu, trước được trưng bày ở Viện Hàn lâm viện Hội họa và Điêu khắc Pháp năm 1791, sau đưa về Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris MEP giữ đến bây giờ.
Triều đình Pháp khen ngợi phẩm lượng và tính chính xác trong bản tường trình của Bá Đa Lộc. Tổng trưởng hai bộ Ngoại giao và Hải quân, Louis de Montmorin và La Croix de Castries, tán thành dự án của đức Giám mục và hứa sẽ kiếm cách giải quyêt tôt đẹp. Mặc dầu nhiều bộ trưởng không đồng ý về chuyện can thiệp của Pháp vào Đàng Trong, nhưng cũng có những vị quan trọng trong triều như Hồng y Loménie de Brienne (một thủ tướng tương lai), Tổng Giám mục Arthur Richard Dillon, hay linh mục Vermont (người kề cận Hoàng hậu) nhận thấy trong thỏa ước biết bao thế lợi chính trị, văn hóa, tôn giáo, thương mãi…Năm tháng sau, một hiệp ước liên minh gồm có 10 khoảng được ký kết ở Versaillles giữa vua Pháp và vua Đàng Trong ngày 28 tháng mười một 1787. Đại diện phía Louis XVI là bá tước Louis de Montmorin, ký thay Vua Đàng TrongNguyễn Ánh là Giám mục Bá Đa Lộc. Theo hiệp ước nầy, vua Pháp hứa hẹn sẽ cung cấp ba thuyền chiến, 1200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 quân Nam Phi đầy đủ súng ống, còn Vua Đàng Trong nhượng cho Pháp đảo Phú Quốc, thành phố Hội An chi phối hoạt động Cửa Hàn tức Đà Nẵng, quyền tự do buôn bán khắp nước, quyền không đóng thuế quan ngoài thuế mà người bản xứ phải đóng. Đồng thời, ngay trong ngày đó, Bá Đa Lộc đuợc phong chức Đặc Ủy viên của Hoàng đế Pháp bên cạnh Vua Đàng Trong. Tòa lãnh sự Pháp ở Pondichéry có nhiệm vụ kiểm soát cuộc thi hành hiệp ước. Một tháng sau, tháng mười hai 1787, phái đoàn lên đường về nước tràn trề hy vọng. Nhưng khi ghé ngang Pondichéry tháng năm 1788, ác ý của bá tước Thomas Conway, Thống đốc những cơ quan Pháp ở Ấn Độ, lại vào lúc ngân quỷ quốc gia Pháp thiếu hụt, thúc đẩy triều đình vua Louis XVI nhu nhược những ngày trước Cách Mạng từ bỏ hiệp ước, từ đó hết còn đoàn quân tiếp viện lên đường. Bá Đa Lộc không nản lòng, với số tiền phụ cấp nhỏ của vua Louis XVI, tiền của gia đình gom góp, quyên thêm tiền cứu trợ của nhiều thương gia ở Pháp và ở Pondichéry, ông mua súng ống, đạn dược, vài chiếc tàu đưa về cho Nguyễn Ánh, chính ông và Hoàng tử Cảnh cũng về đến nơi ngày 24 tháng sáu năm Kỷ Dậu 1789 trên chiếc chiến hạm Méduse.
Cùng về với Bá Đa Lộc, trong số những người “tự nguyện” rời bỏ tàu chiến của vua Pháp, có Victor Olivier de Puymanel (sau nầy mang tên ông Tín), quê gốc Carpentras, những sĩ quan hải quân thuộc địa Jean-Marie Dayot (ông Trí) quê Redon, Charles-René Magon de Médine, những sĩ quan hải quân Philippe Vannier (ông Chấn) quê Auray, Jean-Baptiste Chaigneau (ông Thắng) quê Lorient, những thủy thủ quý phái Godefroy de Forsanz (Nguyễn Văn Lăng tức ông Lăng), Julien Girard de l’Isle Sellé là một thương gia trở thành chiến binh, những bác sĩ Desperles, Despiau,… và nhiều pháo thủ, hoa tiêu, lính thủy phần lớn quê quán vùng Bretagne, cùng chung một chí hướng ham muốn phiêu lưu, mạo hiểm ở phương trời xa lạ. Alexis Faure trong một cuốn sách về đức Giám mục Pigneau đưa ra con số 369 quân binh từ 12 chiếc tàu thủy ngược xuôi chạy quanh vùng thời ấy, cộng thêm gần toàn bộ đoàn thuỷ thủ các chiến thuyền Revanche, Espérance, Ariel và Flavie năm 1794 bị tước khí giới ở Mã Cao. Ở Sài Gòn, đức Giám mục khéo léo phối hợp mọi cố gắng, bổ nhiệm mỗi người vào một chức vị thích hợp. Jean-Marie Dayot (1760-1809), từ 1790 đến 1795, là một trong những người đầu tiên đã tổ chức hải quân theo kiểu Tây phương, năm 1792 điều khiển một đơn vị thủy quân đánh thắng quân Tây Sơn. Chính trong đơn vị nầy mà những sĩ quan người vùng Bretagne Philippe Vannier, Guillaume Guilloux, Jean-Baptiste Guillon quê gốc Vannes, Renon quê gốc Saint-Malo đã lập thành tích. Cũng nhờ những tàu chiến kiểu Tây phương, với những đoàn thủy thủ tinh nhuệ Việt, Nguyễn Ánh đã thắng được nhiều trận, bước đầu của cuộc tái chiếm toàn lãnh thổ bắc nam thu về một mối, đưa ông lên ngôi Gia Long (1762-1820, làm vua 17 năm).Tên triều đại nầy thường được cho là giây nối giữa tên hai thành phố nam và bắc Gia Định và Thăng Long, có ý nghĩa thống nhất nhưng có thể chỉ là một tình cờ, hai chữ Long có ý nghĩa khác nhau.
Ưu thế của quân sĩ Pháp không sao tránh khỏi phẩn nộ trong lòng người Việt và họ không muốn người Pháp ở lại nữa. Thấy vậy, hơn một trăm binh sĩ Pháp nãn lòng từ chức. Bên phần dân chúng cũng không bằng lòng vì phải bỏ công sức trong công tác phục vụ như đóng thuyền, đào hào, xây dựng pháo đài. Nguyễn Ánh thiếu kinh nghiệm, không biết tự chủ, làm mất lòng tất cả mọi người nên phải nhờ Bá Đa Lộc can thiệp giải quyết. Nguyễn Ánh ngày càng tin cậy vào đức Giám mục, cho xây nhà ở gần điện vua và gặp gỡ nhiều lần trong tuần. Tuy nhiên Bá Đa Lộc không sống trong hạnh phúc. Một bên, ông bị những nhà truyền giáo ngay trong Hội Thừa Sai chỉ trích. Bên kia, ông phải chịu đựng thái độ bất mãn của của những sĩ quan Pháp vì tiền lương ít ỏi trong khi họ chịu đi xa tìm kiếm vinh quang phú quý. Kết quả truyền giáo cũng không khả quan. Hoài bão thành công quy Hoàng tử Cảnh theo đạo Công giáo mỗi ngày một xa. Và làm quân sư cho chúa Nguyển ngày càng thêm khó. Thất vọng, Bá Đa Lộc có lúc muốn bỏ rơi tất cả. Ông tâm sự trong một bức thư gởi cho Cha Letondal ở Macao, năm 1791 : ” Bạn có thể dự đoán tất cả những gì sẽ xảy ra nếu chúa Nguyễn lại phải chạy trốn. Quân Tây Sơn sẽ kịch liệt trả thù lên những người có đạo và những nhà truyền giáo nếu tôi vẫn khư khư ở lại cho đến cùng. Trái lại, nếu tôi bỏ đi, tất cả những người Pháp cũng sẽ cùng đi ; tôi còn thấy đấy là một phương cách làm nguôi quân Tây Sơn… Thắc mắc của tôi là làm sao Chúa Nguyễn đồng ý cho tôi nghỉ hưu, ít nhất cũng một thời gian…” Năm 1799, nhân đi đánh chiếm Qui Nhơn, Nguyễn Ánh mời Bá Đa Lộc cùng đi. Mệt mỏi, kiệt sức sau 34 năm lặn lôi ở Đàng Trong, 29 năm làm Khâm mạng, Bá Đa Lộc mắc một một bệnh lỵ. Bao nhiêu thuốc men, y sĩ không chữa được, đức Giám mục từ trần ngày 9 tháng mười năm 1799, thọ 58 tuổi, sau hai tháng khổ đau, ba năm trước khi chúa Nguyễn toàn thắng lên ngôi vua. Nguyễn Ánh ra lệnh tổ chức đám tang long trọng với 12.000 quân binh, 120 con voi, 40.000 người trong đoàn rước và đưa tử thi về mai táng ở Gò Vấp. Năm 1902, toàn quyền Paul Doumer cho đặt tượng Bá Đa Lộc trước nhà thờ Sài Gòn. Lăng cha Cả tồn tại đến năm 1983 thì nghĩa địa bị giải tỏa. Xương cốt ông được đem thiêu, chuyển về Pháp trên chiếc tàu Jeanne d’Arc, một phần tro được đưa giữ ở Hội Truyền giáo nước ngoài ỏ Paris MEP, phần còn lại ở nhà ông, nay là viện bảo tàng, tạị thị trấn nguyên quán Origny-en-Thìérade.
Bá Đa Lộc mất đi, đem theo hoài bảo không thành công đưa được Hoàng tử Cảnh vào con đưòng đạo của mình mặc dầu nhiều năm làm Đức Thầy. An ủi chăng là Đông cung rất đau khổ khi Đức Thầy từ trần, tương lai Đông cung cũng không thiếu phần oái ăm. Khi Đức Thầy qua đời, tánh tình ông đổi khác, buông mình đắm mê tửu sắc, xác thịt, thả lỏng đạo gíáo, như thể vội vàng sống toàn vẹn cuộc đời mình trong khoảng ngắn ngủi 21 năm.Lúc thấy mình kiệt sức gần chết mới biết ăn năn và hình như có xin được kín đáo rửa tội. Kết duyên với Hoàng Thái phi Tống Thị Quyên, Hoàng tử Cảnh có hai con trai : Mỹ Đường (tức Hoàng tôn Đán) và Mỹ Thùy, năm 1818 được phong Ứng Hòa Công và Thái Bình Công. Sau khi Đông cung mất, có người tố cáo Mỹ Đường thông dàm với mẹ. Sự thật ra sao hay chỉ là một lời dèm pha trong cung cấm ? Dù sao, vua Minh Mạng sai bắt và giao cho Lê Văn Duyệt xét dìm chết Tống Thị Quyên, đồng thời cấm không cho Mỹ Đưòng vào chầu hầu. Mỹ Đường có một người con trai đặt tên Lệ Chung (nên hiểu Duệ Chung). Năm 1824, ông dâng sớ trả sách ấn xin về làm dân. Vua y và sai ghi phụ hệ Mỹ Đuờng vào sau Tôn Thất Phả. Bên phần Mỹ Thùy thì năm 1826 mắc chứng hoắc loạn cấp tính mà chết. Cũng vào năm ấy, tuy còn trẻ, chưa đáng được phong, nhưng vì Mỹ Đuờng phải tội, Mỹ Thùy không có con, Lệ Chung được phong tước Ứng Hòa Hầu (sau lần lượt đổi ra Thái Bình Hầu rối Cảm Hóa Hầu), ban cho sách ấn, miễn vào chầu hầu, được cấp hằng tháng 600 quan tiền, 500 phương gạo, một đội Dực chấn để sai khiến và nhiệm vụ thờ cúng Anh Duệ Hoàng Thái Tử tức Mỹ Đường. Năm Đinh Dậu 1837, vua Minh Mạng giáng các con của Lệ Chung làm thứ dân, xóa tên ở sổ họ Tôn Thất, phải chăng là một phương sách trừ hậu hoạn : nếu Hoàng tử Cảnh hết còn con cháu có hy vọng lên nối ngôi thì phản thần chống đối, nếu có, cũng chẳng còn chỗ dựa. Tuy sau nầy năm Kỷ Dậu 1849, Tự Đức cho con cháu Mỹ Đường lại được liệt vào Tôn Phả, Lệ Chung phong Cảm Hóa Quận Công, không thấy có tên trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Mỹ Thùy có tên nhưng không có tiểu sử.
Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới thấy sách sử nhắc đến hậu duệ Hoàng tử Cảnh : Hoàng thân Nguyễn Phúc Dân tức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, sinh năm Nhâm Ngọ 1882, con của Hàm Hóa Hương Công Tăng Nhu, cháu của Duệ Trung, chắt của Mỹ Đường, cháu năm đời Hoàng tử Cảnh. Khoảng 1903, cụ Phan Bội Châu thấy dư đảng Cần Vương và nhiều nhân sĩ miền Nam còn nặng lòng với nhà Nguyễn nên tạm thời dựa vào nền quân chủ để chống Pháp giành độc lập, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm Minh chủ Việt Nam Quang Phục Hội, năm 1906 giúp ông xuất du sang Nhật hoạt động. Vì là người hoàng phái, và lại không có sự ưng thuận của chính quyền thuộc địa Pháp, ông không được chính thức đón tiếp và phải sống trà trộn với đám du học sinh. Trước ông ghi tên vào trường Chấn Võ Lục Quân ở Đông Kinh, bị bệnh bỏ học, sau ghi tên vào Đại học Waseda. Năm 1909, bị trục xuất, ông chạy qua Xiêm La, nhưng vì ngôn ngữ không thạo, ông trở về lại học ờ Waseda. Năm 1910, Pháp yêu cầu Nhật giải tán sinh viên Việt, ông chạy qua Hương Cảng rồi đi Thượng Hải. Năm 1913, Hoàng thân lén về nước quyên tiền xây dựng cơ sở rồi qua Âu châu. Năm 1914, nghe nói Viên Thế Khải có ý giúp, từ Anh ông trở về lại Trung Quốc nhưng chẳng được gì. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911 ỏ Trung Quốc, ông lập hội và làm Hội chủ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Quảng Châu. Thời gian Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế, từ Bắc Kinh, thấm nhuần chế độ dân chủ, Hoàng thân gởi thư về nước ký tên Vi nhân tặc hậu Cường Để. Năm 1915, trở lại Nhật Bản, ông gởi về nước một bức thư khác bày tỏ những biện pháp cứu quốc, ký tên Vong thần Cường Để. Năm 1939, ông cải tên Việt Nam Quang Phục Hội thành Viêt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và làm Ủy viên trưởng. Sau cuộc đảo chính Nhật năm 1945, một số nhân sĩ ở Sài Gòn tin tưởng ở chủ nghĩa Đại Tế Á, Nhật Bản sẽ giải phóng các dân tộc Á châu ra khỏi vòng áp bức của Tây Phương, tổ chức đón Hoàng thân nhưng ông không về. Năm 1951, Cường Để từ trần vì bệnh ung thư gan tại Đông Kinh, hưỏng thọ 69 tuổi. Sau nầy, một phần di cốt chôn trong mộ phần Đông du học sinh Trần Đông Phong ở nghĩa trang Zoshigaya bên Nhật. Một phần được hai con Tráng Liệt, Tráng Cử (sau bà vợ đầu Lê Thị Trân sinh cho ông thêm hai người con khác là Tôn Nữ Thị Hảo và Tráng Đinh, ông còn có bà vợ Ando Shigeyuki người Nhật) qua Nhật rước về Tây Ninh rồi đưa ra Huế,ở đấy được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tổ chức đón nhận trọng thể.Lần lượt thờ ở nhà con trưởng Tráng Liệt, chùa Kim Quang, lăng mộ cụ Phan Bội Châu, ngày nay tro cốt được mai táng trên một ngọn đồi ở xã Thủy An. Hậu duệ của ông trên nguyên tắc vẫn tuần tự nối tiếp theo phiên hệ thi Anh Duệ do vua Minh Mạng đặt, ngày nay đã đạt đến con cháu các đời “Liên, Huy” hay xa hơn nữa. Cô Nguyển Phúc Huy Đoan, một doanh nhân thành đạt ở Mỹ hiện nayđược nhận là cháu đời thứ bảy Hoàng tử Cảnh.
Mỹ Duệ (Lệ)Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang
Sự việc Hoàng tử Cảnh gởi qua Pháp được đánh giá khác nhau. Người thì cho con trẻ đi đây đi đó là một cách học hỏi trên đường đời, chu du thiên hạ là để mở tầm mắt nhìn tiến bộ thế giới, nhất là một vị hoàng tử sau nầy lên nối ngôi cha trị vì đất nước.Kẻ thì bảo tội nghiệp cho ông hoàng trẻ, mới bốn tuồi đã phải xa cha mẹ bôn ba nước ngoài. Nhưng riêng phần Nguyễn Ánh thì nghĩ thế nào ? Ông vua tương lai không có lời giải thích rõ rệt và các sử gia cũng ít thấy bàn đến dụng ý của ông. Thông minh như ông, chắc thế nào ông cũng biết sống lâu ngày với Đức Thầy, nhất là khi còn non trẻ, Hoàng tử Cảnh ắt phải chịu ảnh hưởng của vị tu sĩ. Liệu một ông vua có đạo Cơ đốc làm sao cai trị một nước Việt Nam không thiên về Công giáo ? Một tài liệu đưa tin sau chuyến đi Pháp về, Hoàng tử Cảnh được đưa qua học ở trường truyền giáo Malacca và đã gia nhập Công giáo ! Trong một lá thư gửi năm 1885 từ Pondichéry cho Giám đốc Hội Truyền giáo nước ngoài MEP, Bá Đa Lộc đánh giá công việc của mình : ” Tôi cần sự giúp đỡ của quý vị trong việc giáo dục vị Hoàng tử bé nhỏ do tôi phụ trách…Tôi muốn dạy theo truyền thống đạo Thiên Chúa…. Hoàng tử mới lên sáu tuổi mà đã biết đọc kinh và hết lòng mộ đạo…rất mến tôi chứ không nhớ gì đến cha mẹ hay các bà nhũ mẫu….Nếu sau này cha của Hoàng tử có xoay ra thân thiện với người Anh hay người Hòa Lan thì hẳn quý vị cũng thấy việc dạy dỗ, uốn nắn ông Hoàng nhỏ bé này hữu ích biết chừng nào“. Đằng khác, Bá Đa Lộc đuợc phong chức Đặc Ủy viên của Hoàng đế Pháp bên cạnh Vua Đàng Trong, nghĩa là ông sẽ nắm mọi quyền lực, từ ngoại giao qua thương mãi, chiến tranh. Không sao tránh khỏi sự thi hành hiệp ước đã ký, mất đất, mất tự do,… Một câu nói bóng của Nguyễn Ánh thể hiện tâm tư của ông : ” Khi người ta chết đi mà còn để lại món nợ trên đời, thì chủ nợ chỉ tìm con, chứ đâu đòi cháu ! ” Đấy là chưa nói đến số tướng lĩnh Pháp có mặt trong triều. Có thể hiểu khi gởi con đi Pháp với Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã biết Hoàng tử Cảnh sẽ không bao giờ lên ngôi vua nối nghiệp mình.Từ lúc Hoàng tử Cảnh còn sống, Nguyễn Ánh đã yêu cầu Nguyên phi Tống thị Lan, mẹ Hoàng tử Cảnh, nhận Hoàng tử Đảm làm con nuôi, trong khi bà mẹ Thứ phi Trần Thị Đang, mẹ Hoàng tử Đảm, sau nầy được phong Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, đang còn sống. Nguyễn Ánh không bao giờ nghĩ đến con Mỹ Đường và cháu nội Lệ Chung, Thành thử Hoàng tử Cảnh mất sớm là một bạc mệnh, nhưng tránh được bao nhiêu rắc rối trong nội cung vì nếu ông còn sống khi vua Gia Long mất thì cuộc tranh ngôi nồi da tháo thịt giữa hai anh em cùng cha khác mẹ sẽ thao diễn ra sao, nhất là Hoàng tử Đảm đã được chính thức chỉ định rồi và cánh Hoàng tử Cảnh trong triều cũng còn mạnh ? Cuộc tranh dành nầy vẫn tiềm tàng nhiều năm sau vì Hoàng tử Cảnh luôn còn sống trong ký ức người dân Điển hình là có những vị quan như Tiền Quân Nguyễn văn Thành muốn tôn dòng chính thống đã mưu toan đưa con Đông Cung lên kế vị. Năm 1833, dưới thời Minh Mạng, Lê Văn Khôi đã dùng chiêu bài tôn phò Hoàng tôn Mỹ Đường để nổi loạn….
Trường hợp Hoàng tử Cảnh chỉ là sự kiện đầu tiên thời Minh Mạng (1791-1841, làm vua 21 năm) trong việc nối ngôi lủng củng ở cung cấm triều Nguyễn. Không có gì dưới thời Thiệu Trị (1807-1847, làm vua 6 năm) nếu không là phục hồi chức tước cho Mỹ Đường, nhiều biến động trong thời Tự Đức (1829-1883, làm vua 37 năm): sau vụ Hồng Bảo (1825-1854), con trưởng vua Thiệu Trị, hai lần mưu giành lại ngôi vàng (1851, 1854), Hồng Tập, cháu nội Minh Mạng, mưu lật đổ ngai vua (1864), xảy ra vụ Loạn Chày Vôi (1866) muốn đưa Ưng Đạo con Hồng Bảo lên ngôi. Tiếp theo, xen lẫn với hai cuộc dấy loạn của Hàm Nghi (1871-1943, làm vua 11 tháng) và Duy Tân (1900-1945, làm vua 9 năm), cuộc truất phế Thành Thái (1879-1955, làm vua 8 năm), một lượt ba vị Dục Đức (1853-1884, làm vua 3 ngày), Hiệp Hòa (1847-1883, làm vua 4 tháng), Kiến Phúc (1869-1884, làm vua 8 tháng) nối tiếp nhau trong vòng vài tháng.
Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết.
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường !
(Một sông hai nước lời khó nói,
Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành ! )
Qua thời kỳ những Đồng Khánh (1864-1889, làm vua 4 năm), Khải Định (1885-1925, làm vua 9 năm), Bảo Đại (1813-1997, làm vua 9 năm), tương đối ổn định, không có sự tranh dành rõ rệt, không có phế đế phong vương, nhưng cũng là lúc đất nước đã rơi vào vòng đô hộ, ta hết còn được tự chủ : chuyến đi cầu viện Pháp của Hoàng tử Cảnh dù sao đã để lại hậu quả rải rác trong suốt triều Nguyễn dài gần một thế kỷ rưởi (1802-1945).
Xô thànhmừngTết Quý Tỵ 2013
HuếXưa và Nay 115 (10.02.2013)
Đọc thêm :HuếXưa và Nay 115 (10.02.2013)
– Création d’un Empire rn Cochinchine, Histoire de l’Indochine – La conquête 1624-1885, Philippe Héduy, SPL Henri Veyrier 1983
– Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Đông Cung Nhựt Trình – Hoàng Tử Cảnh, Chim Việt Cành Nam 24 08.2006, Vietsciences24.11.2006
– Nguyễn Đắc Xuân, Kỳ Noại Hầu Cường Để và phong trào Đông du, Gác Thọ Lộc, tái đăng 9.2005
– Nguyễn Đắc Xuân, Kỳ ngoại hầu Cường Để,Việt Báo.vn 01.01.2006
– Nguyễn Trần Long, Hoàng tử Cảnh của triều Nguyễn : Long đong phận mỏng, Cand.com. 01.10.2008
– My-Van Tran, Prince Cường Để (1882-1951) and his quest for Vietnamese independence, New Zealand Journal of Asian Studies, 1 06.2009
– Tuyết Trần, Giám mục Bá Đa Lộc (Mgr Pineau de Béhaine), OVV 13.06.2009
– Nguyễn Đắc Xuân, Năm 1783 Nguyễn Ánh Có chạy ra Côn Đảo hay không ? Nghiên cứu và Phát triển3(74) 2009; Gác Thọ Lộc 2009, bổ sung 2012
– Trần Viết Ngạc, Kỳ Noại Hầu Cường Để (1882-1952), Mặc hoàng bào dù chẳng được làm vua, Chim Việt Cành Nam 40 (2) 15.08.2010
-Phạm Hoàng, Thực và hư chuyện vơ và con Hoàng tử Cảnh thông dâm, Cộng đồng 24.04.2011
-Trần Cao Tường, Nghi án Hoàng tử Cảnh và đòn hằn Minh Mạng, lamhong.org 24.05.2011
– Bảo Trung, Giọt mái đỗ quyên tìm về tổ quốc, Vnweblog.com 28.05.2011
-Đinh Minh, Nghi án loạn luân đầy bí ẩn của triều Nguyễn, phunutoday 24.06.2012
No comments:
Post a Comment