‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu?
Vụ Phó ban Kinh tế Trung ương Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 là một
sự kiện chấn động dư luận. Lần đầu tiên, kể từ khi cộng sản lên nắm
quyền tại Việt Nam năm 1945 đến nay, một (cựu) uỷ viên Bộ Chính trị bị
khởi tố và tống giam.
Chính trường Việt Nam xưa nay vốn vô cùng phức tạp.
Vậy nên, dù bề ngoài thì vụ việc này được xem như bằng chứng cho thấy
“quyết tâm” của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”
“made in Việt Nam” do chính ông ta phát động, nhưng đằng sau đấy có lẽ
không nhiều người nghĩ đơn giản như thế.
Ở Việt Nam, tham nhũng là vấn đề mang tính hệ thống, hay theo cách
gọi của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đó là “lỗi hệ thống”. Nghĩa
là, nếu không cải cách hệ thống thì việc chống tham nhũng chẳng khác
nào “bắt cóc bỏ dĩa”. Bộ máy càng phòng chống, tham nhũng càng sinh sôi
nẩy nở.
Thực tế Việt Nam bảy năm qua dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng chính là
minh chứng rõ ràng nhất cho chân lý đó. Cảm nhận “tinh thần” của những
câu phát ngôn như “Kỷ luật mà không tính kỹ, mai kia lại ân oán, thù
oán, đối phó thành phe phái, làm rối nội bộ, có nên không” hay “Không
phải kỷ luật nhiều là thành công, cốt là đánh thức người ta dậy, đừng vi
phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công”,
người ta lại càng khó tin là đương kim TBT Đảng CSVN thực tâm chống tham
nhũng, khi mà cải cách vẫn là một khái niệm vô cùng lạ lẫm đối với ông
ta.
Nguyễn Phú Trọng không phải không có “tử huyệt”, mà “tử huyệt” của ông ta quá ư nhạy cảm, đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu không vì mục đích chống tham nhũng
thì vì sao Nguyễn Phú Trọng lại bắt Đinh La Thăng, điều mà ông ta đã
muốn thực hiện ngay tại Hội nghị Trung ương 6 thượng tuần tháng 10/2017,
qua một số nguồn tin cũng như bầu không khí chính trị trước thềm hội
nghị?
“Khúc củi” bự dễ “bắt lửa”
Khi được các phe nhóm quyền lực trong đảng thống nhất lựa chọn như là giải pháp khả dĩ nhất
để gạt bỏ ứng cử viên số 1 lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú
Trọng đã cam kết là chỉ tại vị trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tuy nhiên, tham vọng của ngài TBT không dừng lại ở đó mà, với sự hậu
thuẫn hết mình của Bắc Kinh, ông ta muốn tiếp tục ngự trên “ngôi báu”
chí ít là đến hết nhiệm kỳ. Kết quả là hai ứng cử viên sáng giá nhất
Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang lần lượt bị loại ra khỏi cuộc chơi, khi
kẻ thì phải đi “chữa bệnh”, người thì dính vào vụ Trịnh Xuân Thanh.
“Noi gương” ông chủ Trung Nam Hải Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng muốn
sử dụng chiêu bài “chống tham nhũng” để các đối thủ còn lại chỉ lo giữ
cái ghế hiện tại của mình cũng đã khó, chứ đừng nói đến chuyện “tranh
đấu” với ông ta để trở thành chủ nhân khu nhà 1A Hùng Vương. Nghĩa là,
nếu cầm chịch được cuộc chơi, ngay cả khi buộc phải rời khỏi ngôi vị
Tổng Bí thư, ông ta cũng rộng đường lựa chọn người kế nhiệm theo ý chỉ
của quan thầy Bắc Kinh.
Trong khi đó, Đinh La Thăng lại là kẻ “ăn tàn phá hại” bậc nhất trong
bộ máy, khó ai sánh nổi, với những sai phạm phải nói là rõ rành rành,
từ thời còn làm Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, trước khi trở thành Chủ tịch
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rồi Bộ trưởng Giao thông - Vận tải. Thế
nên, sau khi bị gạt ra khỏi Bộ Chính trị, Đinh La Thăng đã trở thành một
“khúc củi” bự không chỉ dễ bắt lửa, mà còn đánh trúng tâm lý của một
công chúng vốn xưa nay vẫn nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của người
đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Đầu mối cực kỳ quan trọng
Đinh La Thăng là kẻ từng một thời gian dài nắm giữ những hầu bao rủng
rẻng nhất trong bộ máy, từ vai trò Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, Chủ tịch
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho đến Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.
Sông Đà là tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam; PVN thì được ví như “con bò sữa” của nền kinh tế; còn Bộ GTVT lại là bộ ngốn nhiều vốn đầu tư từ ngân sách nhất.
Xuất thân là một kế toán viên, hơn ai hết Đinh La Thăng nắm rõ “đường
đi nước bước” của những đồng tiền tham nhũng, với quy mô lên đến hàng
tỷ USD. Và rõ ràng là khó ai trong cái hệ thống “tham nhũng từ trong trứng nước”
này đủ sức cưỡng lại được những “tờ xanh” đầy “ma lực” đó. (Một hệ
thống vận hành dựa trên tham nhũng thì bất cứ ai không tham nhũng sớm
muộn gì cũng bị gạt ra khỏi guồng máy.)
“Truyền nhân” của “đồng chí X”
Trong bài “Cuộc đấu Nguyễn Phú Trọng - Đinh La Thăng: chiêu trò mới của Bắc Kinh?”,
chúng tôi đã chỉ ra rằng, Đinh La Thăng chính là “con bài” khả dĩ nhất
của Bắc Kinh để thay thế cho Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được LS Cù Huy Hà
Vũ ví là “điệp viên hoàn hảo” của Trung Quốc.
“Đồng chí X” – kẻ từng bị Hoàng Trung Hải gài bẫy rồi khống chế và thao túng – chính là người đã giới thiệu Đinh La Thăng đã vào Bộ Chính trị.
Thiết tưởng điều này không có gì quá khó hiểu. Đinh La Thăng từng
được coi như “đệ tử ruột” của “đồng chí X”. Đó là thực tế mà có lẽ
không mấy ai không biết. Đặc biệt, Đinh La Thăng
còn nằm dưới trướng Hoàng Trung Hải suốt hơn 10 năm (từ ngày 5/10/2005
đến ngày 5/2/2016), khi ông ta làm Chủ tịch PVN rồi Bộ trưởng GT-VT, còn
đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội thì làm Bộ trưởng Công nghiệp (bộ chủ
quản PVN) rồi Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành kiêm Trưởng ban Chỉ
đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí và Trưởng ban Chỉ đạo Nhà
nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải từ năm
2007 đến 2016. Ngần ấy năm phục tùng hai “con bài” quan trọng nhất của
Bắc Kinh ở Việt Nam mà một kẻ “ăn tàn phá hại” như Đinh La Thăng không
bị các ông chủ Trung Nam Hải “nắm gáy” thì mới là chuyện khó tin. (“Đồng
chí X” – kẻ từng bị Hoàng Trung Hải gài bẫy rồi khống chế và thao túng
– chính là người đã giới thiệu Đinh La Thăng đã vào Bộ Chính trị. Và
cũng giống như “quan anh” chuyên “nói một đàng làm một nẻo” của ông ta,
thời gian Đinh La Thăng làm Bí thư Thành uỷ, tình hình dân chủ - nhân
quyền Sài Gòn thậm chí còn tồi tệ hơn cả dưới thời Lê Thanh Hải, một nhân vật vốn đã cực kỳ sắt máu.)
Không khó hình dung, để có thể loại bỏ Trần Đại Quang, thủ lĩnh nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy,
Bắc Kinh đành chấp nhận rủi ro với con bài Đinh La Thăng. Kết cục là
sau khi Trịnh Xuân Thanh chuồn khỏi Việt Nam, dưới áp lực của các đối
thủ, Nguyễn Phú Trọng buộc phải kỷ luật Đinh La Thăng ở mức độ vừa đủ để
vô hiệu hoá “con bài” nguy hiểm này của Bắc Kinh, vừa không đẩy vụ việc
đi xa đến mức “cháy lan” sang các đối thủ của ngài TBT. (Sau Đại hội
XII, không phải Nguyễn Phú Trọng mà chính Trần Đại Quang mới được coi là
nhân vật quyền lực nhất Việt Nam.) Ngoài ra, lựa chọn này cũng cho phép
ông ta tiếp tục hy vọng sử dụng thanh “bảo kiểm” mang tên Trưởng ban
Chỉ đạo Trung ương về PCTN để phục vụ cho tham vọng quyền lực cá nhân.
Bàn cờ thế trên chính trường Việt Nam lúc này xem ra đã trở nên
dễ đoán định hơn: Chừng nào Nguyễn Phú Trọng còn làm chủ cuộc chơi quyền
lực, chừng đó Đinh La Thăng còn phải biết “khai” những gì mà ngài TBT
mong muốn, bởi điều ấy không chỉ giúp cặp bài trùng Hoàng Trung Hải –
Nguyễn Phú Trọng khống chế các đối thủ, mà còn giúp ngài cựu Bí thư Sài
Gòn tự bảo vệ mình. (Nói “chừng nào” là bởi Nguyễn Phú Trọng không phải
không có “tử huyệt” mà chỉ là do “tử huyệt” của ông ta quá ư nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống: đó là Hoàng Trung Hải, kẻ quá thân với Bắc Kinh).
Phải chăng là nhờ vậy mà vị thế cặp bài trùng này bỗng nhiên “nổi”
hẳn lên. Ngài TBT được Chính phủ mời tham dự hội nghị trực tuyến với các
địa phương vào ngày 28/12, sự kiện chưa từng có từ trước tới nay. Trong
khi đó, sau một thời gian khá chìm lắng, “con ngựa thành Troy” Hoàng
Trung Hải lại bất ngờ xuất hiện
trong Đoàn Chủ tịch Đại hội Hội Cựu Chiến binh Việt Nam lần thứ VI hôm
14/12, một vị trí vừa không phù hợp với cương vị của ông ta, vừa là sự
lăng nhục đến mức không còn từ ngữ nào để mô tả đối với hàng triệu người
đã đổ xương máu vì non sông đất nước.
No comments:
Post a Comment