Vùng đất hoang dã “Ma và Người” của Nguyễn Viện
MA VÀ NGƯỜI gồm 3 sáng tác Lông Và Sừng — Sinh Ra Từ Trứng — Nẻo Ma Về là 3 trung thiên tiểu thuyết hay truyện vừa theo phân loại từ lâu của văn giới Việt Nam. Bởi cả 3 sáng tác đều vượt độ dài của thể loại truyện ngắn nhưng không đạt độ dài trung bình của thể loại truyện dài, trong khi vẫn giữ các đặc trưng căn bản từ cấu trúc nội dung tới ngôn từ, kỹ thuật hình thành một công trình sáng tạo văn nghệ — đều có nhân vật, thời gian, không gian cùng các tình tiết diễn biến cụ thể.
Tuy nhiên, người đọc khó tránh sững sờ ngay từ những dòng mở đầu tác phẩm Lông Và Sừng:
“Khi
ấy, một cọng lông nách của gã nông dân mù chữ thuộc làng Mơ, xứ Mận… đã
bị bứt ra khỏi nơi u tối… Gã nông dân săm soi cọng lông loăn xoăn đột
nhiên ngứa ngáy và nổi đỏ ấy, đưa lên miệng thổi… Cọng lông bay vào bầu
trời…Theo cơn gió, cọng lông phất phơ giạt vào khe cửa nhà một ông thày
đồ. Ở đó…lông biến thành sừng. Cái sừng trâu lừng lững trên vách mà ông
thày đồ cũng không nhớ có từ khi nào. Cũng trong năm ấy, thiếp của ông thày đồ hạ sinh một bé trai.
Ngay khi sinh ra, thằng bé đã phô trương một con cu to khác thường. Cứng và đỏ chói lọi.
Thấu
cảm được sự bí ẩn trong giấc mơ thành sừng của một cọng lông, ông thày
đồ đặt tên cho con là Mao Thành Giác. Mặc dù, gia phả nhà ông vốn họ
Nguyễn.”
Đó là lai lịch nhân vật Mao Thành Giác của Lông Và Sừng được tác giả tả tiếp:
“Năm
mười lăm tuổi, nó đã biết giá trị thực sự của cái sừng trong háng nó.
Tất cả các bà góa trong làng đều có thể chứng thực điều này. Họ bảo,
chưa từng có một gã đàn ông con trai nào lẫm liệt đến thế. Một bà táo
bạo kể, nó giống như ống sắt nung. Một bà khác nói, của ngựa chứ không
phải người.”
Với đặc trưng dị biệt quái đản này, Mao Thành Giác “đốt cháy tất cả các đấng thánh và chính bản thân nó” bằng “ngọn lửa cuồng vọng bất trị.”
Mười bảy tuổi, Mao Thành Giác rời bỏ gia đình, sống trôi giạt tại thành phố và được một người bất ngờ gặp gỡ chỉ dẫn: “Tốt
nhất là cậu nên xin việc ở một nhà hàng Pháp hay một con tàu Pháp. Việc
tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp cậu học hỏi nhanh hơn. Vả lại, còn có cái để
sống.
…
Ngay hôm sau, Mao Thành Giác ra bến tàu tìm gặp những thủy thủ mà hắn
biết mặt đã từng đến ăn ở các nhà hàng nơi hắn làm việc. Hắn nhờ họ giới
thiệu một chân phụ bếp. Một tuần sau, hắn đã có mặt trên con tàu ATF
của Pháp đi Marseille.”
Tới Pháp, Mao Thành Giác “khát khao được nhận vào trường Thuộc Địa” nên gửi đơn xin học với lời khẩn cầu “Tôi nguyện làm tôi tớ trung thành của mẫu quốc vĩ đại.”
Không may, đơn xin bị từ chối. Vì vậy, Mao Thành Giác phải kiếm việc
làm mưu sinh và trở thành phụ bếp rồi đầu bếp chế biến các món ăn mà “không một ai đã ăn…lại không lên cơn dâm dật.” Đó là lúc “Mao Thành Giác phô trương thanh thế cái sừng đỏ chói lọi trong háng … đáp ứng được cho tất cả thể loại hang hốc phụ nữ … Hắn sống trên đỉnh vinh quang của cái sừng…” Rồi “Mao
Thành Giác tìm đến xứ sở của Lenin huyền thoại để biết sự ngu muội được
dẫn dắt như thế nào. Vào Nga bằng cách qua Đức, hắn đến Matxcơva và xin
được vào trường Đại Học Cộng Sản Phương Đông qua sự giới thiệu của Đảng
Cộng Sản Pháp.”
Tại đây, Mao Thành Giác có thêm “tấm bùa hộ mạng luôn đeo trên cổ” để đối phó với mọi tình huống bất ngờ. “Đó
là một miếng vải vàng to đúng ba phân vuông, trên đó thêu hình búa liềm
màu đỏ và những hoa văn nhỏ máu. Bất cứ ai nhìn thấy tấm bùa này cũng
tự nhiên đái ra quần. Nỗi sợ không kiểm soát được. Một bóng ma của nhân
loại xuất hiện từ giữa thế kỷ 19 ở Âu Châu. Theo nó hay không theo nó,
người ta đều có thể chết vì búa đập vào mặt hoặc lưỡi liềm cắt cổ.”
Rời Nga, Mao Thành Giác phân thân thành hai, một về Trung Hoa để “làm phó bản cho Mao Trạch Đông ở Đông Dương” và
một tiếp tục bay đi khắp thế giới từ Pháp qua Phi Châu, Ấn Độ, Mỹ… tiếp
tục biểu dương sức mạnh của cái sừng và biệt tài chế các món ăn mà “nếu ngày nào cũng ăn, đàn ông sẽ trở thành một thứ dê chúa…Và đàn bà sẽ sẵn sàng hiếp đàn ông bất cứ lúc nào.”
Phần phân thân này đổi tên là Giác Thành Mao tự soạn một huyền sử tự tôn với các màu sắc tự họa: “Tôi là đấng khai sáng của trào lưu “Eat to Fuck.”
…“Ăn, ngủ, đụ, ỉa” không chỉ là tứ khoái của bản năng con người mà còn là ý nghĩa của cuộc tồn sinh…Tôi tò mò về tính cách của phụ nữ ở những địa phương khác nhau… Khi con cu tôi dựng đứng, họ bảo tôi thuộc về một dân tộc anh hùng…Nó
nâng tôi lên hàng thần thánh, nhất là khi họ khám phá tôi có một sức
mạnh vô song, một con cu kỳ vĩ và nghệ thuật làm tình siêu đẳng. Họ gọi
tôi là “Thần Đụ.”
…Và tôi được Press Quốc Tế vinh danh là “Công Dân Danh Dự Toàn Cầu.”
… Tôi
biết Mao Thành Giác về Đông Dương cũng xử dụng nghệ thuật tự ca tụng
“lộng giả thành chân” của bọn hoạt đầu chính trị để chinh phục quần
chúng … Hắn được tôn thờ như thần thánh…Thực
ra, chỉ là trò gian lận. Tôi biết hắn gian dâm từ tư tưởng. Những người
đàn bà qua tay hắn đều bị giết…. Hắn là búa liềm oan nghiệt của cái
chết. Tôi là cặc vĩ đại xiển dương sự sống.”
Vốn
ngưỡng mộ thần tượng Mao Trạch Đông và vẫn nhớ nửa phân thân của mình,
Giác Thành Mao trở về quê cũ, gặp lại một người bạn xưa và kiếm cách “hoàn nguyên bản thể” với Mao Thành Giác. Cuối cùng, Giác Thành Mao tự kể: “Một
buổi sáng, tôi đang đứng soi gương cạo râu, hắn đến, chùm râu bạc trên
một khuôn mặt quắc thước. Sững sờ, tôi không quay lại, chỉ quan sát hắn
trong gương. Chậm rãi tiến thẳng đến sau lưng tôi, hắn rút lưỡi lê súng
AK.47, đâm một nhát ngọt ngào giữa tim tôi, từ phía sau…”
Lông Và Sừng chấm dứt với cảnh tượng: “Khi
quan tài của Giác Thành Mao hạ huyệt, mọi người bất chợt phát hiện một
lão già râu bạc khuôn mặt quắc thước, cũng đang ném đất xuống mộ. Cả
người bạn, Thành và Đambri đều lạnh lưng tin đó là Mao Thành Giác. Người
bạn bứt rứt muốn nói gì đó với Mao Thành Giác, nhưng ông ta không ngó
ngàng tới ai, quay sang Đambri, mệnh lệnh nhưng đầm ấm “Cô Đambri, theo
tôi.”
Gác
lại mọi hình ảnh dâm loạn nhầy nhụa cùng thứ ngôn từ hạ cấp đầu đường
xó chợ mà Nguyễn Viện dùng để vẽ lại quá trình hiển thánh của Mao Thành
Giác, người đọc vẫn khó tránh thắc mắc về hàm ý ẩn sau cảnh tượng chớp
nhoáng giữa 4 nhân vật là cha con người bạn cũ cùng cô gái có tên Dambri
và Mao Thành Giác bên cái xác Giác Thành Mao.
Ghi nhận cụ thể là Mao Thành Giác không thèm ngó ngàng tới người bạn thuở thiếu thời và đứa con của bạn. Riêng cô gái K’Ho,
Dambri hồn nhiên trinh trắng là phụ nữ duy nhất mà Giác Thành Mao không
chạm tới suốt những ngày gần kề như chính Giác Thành Mao thú nhận: “Tôi
chưa bao giờ có ý định làm thịt Đambri, không phải vì cô ấy thánh thiện
hay quá tẻ nhạt. Ngược lại, cô ấy xinh tươi và đầy ý vị. Mùi núi rừng
quyến rũ tôi, vẻ thanh tân làm tôi ngây ngất, nhưng tôi e ngại vì tôi
cảm nhận có điều gì đó sẽ đổ vỡ trong tôi, một cách thậm tệ… nếu tôi đâm
đầu vào cuộc đời cô bằng bất cứ kiểu cách gì, điếm đàng hay chân thật.” Dambri chưa hề gặp Mao Thành Giác, nhưng đã nhận ngay mệnh lệnh “theo tôi.”
Người
đọc có thể nhìn cảnh tượng này qua nhiều khía cạnh, nhưng Mao Thành
Giác đã hiện rõ là kẻ vô cảm, tàn nhẫn tột cùng, quyền uy tuyệt đối, và
lý do đẩy mũi lưỡi lê xuyên qua trái tim Giác Thành Mao. Lý do chủ yếu
chính là cái tình chưa dứt hẳn với người bạn cũ và bóng dáng tâm hồn
truyền thống còn phảng phất qua cảm nhận về cô gái trẻ núi rừng. Cả hai
điều trên đều vắng bóng nơi Mao Thành Giác và là mối đe dọa vị thế thần
tượng của lão. Sự hoàn nguyên của Giác Thành Mao do đó không thể hình
thành nếu hai điều trên chưa được hoàn toàn xóa bỏ. Hàm ý đoạn văn này
cũng là hàm ý của tác phẩm về sự hoàn toàn chấm dứt phân thân một thời
nào đó của Mao Thành Giác. Mũi lưỡi lê xuyên qua trái tim Giác Thành Mao
có thể hiểu chính là sự tự kết liễu của Giác Thành Mao để hoàn nguyên
mà chứng cứ là cái mệnh lệnh “đầm ấm” hướng về cô gái K’Ho.
Từ đây, cái tên Dambri với nghĩa Đợi Chờ cho thấy một vùng trời ảm đạm do họ Giác đã tự diệt để “lông trở lại thành sừng” hòa nhập cùng họ Mao, hồi phục bản năng bẩm sinh nên hết thảy tha nhân chỉ còn được phép đợi chờ chỉ thị biến thành công cụ.
Vùng trời ảm đạm này cũng hiện rõ là đời sống Việt Nam, vì nhân vật Mao Thành Giác qua Lông Và Sừng
phỏng họa gần như nguyên vẹn những dòng tự họa của Hồ Chí Minh dưới tên
Trần Dân Tiên cùng các tình tiết do đảng Cộng Sản Việt Nam tô vẽ về quá
trình đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh.
Hai tác phẩm Sinh Ra Từ Trứng và Nẻo Ma Về tiếp nối khắc họa chi tiết về vùng trời ảm đạm trên.
Sinh Ra Từ Trứng có một ông họa sĩ, một người kể chuyện cùng hàng loạt nhân vật hầu hết đều bước ra từ những bức tranh, trong đó có một “cô gái cúi đầu nhẹ nhàng bảo em còn trinh… Đất nhà em đã bị cưỡng chế không còn nữa, vì thế em tá túc trong bức tranh này.”
Trong khi đó, ông họa sĩ vẽ các bức tranh “rơi vào cảnh hoang mang bất định sau khi thất lạc cô gái vốn là đối tượng cũng như cứu cánh cuộc đời thật của ông.” Ông vẫn biết ông muốn “thoát Trung, thoát Đảng, thoát Á, thoát cả bản thân” nhưng vấn đề là “Khoảng cách nào không thể vượt qua?”
Câu hỏi không có lời đáp, vì “Cái
đẹp của trời đất thì vô hạn. Cái đẹp của cô thì vô thường. Và ông không
tìm được con đường vô ngại để ôm lấy cái đẹp của sự thấu cảm. Ông là sự
ung thối của nỗi sợ hãi và cái câm lặng của loài cừu.”
Riêng người kể chuyện nói về các nhân vật:“Tôi
hoàn toàn tin rằng người ta có thể được sinh ra từ trứng… vì thế tất cả
nhân vật đều không tên tuổi và họ thường bị lẫn lộn vào nhau bởi tính
vô danh,… nhất là trong một giai đoạn lịch sử… có những mảnh đời giống
nhau như trong một vận mệnh chung…”
Niềm tin sinh ra từ trứng được coi như “một lý giải cho cái sinh mệnh không ra gì” của hết thẩy qua cảnh ngộ một nhân vật: “Năm 1955,
cả bố mẹ nàng đều bị cách mạng giết trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất…. Nó
cũng tách rời nàng khỏi cái bản thể nối con người với niềm tin về một
chốn quay về. Bố mẹ chết. Nàng trở thành đứa trẻ mồ côi vĩnh viễn.”
Thân
phận mồ côi vì bị chặt lìa khỏi cội nguồn, bị cướp đoạt sự sống cùng
nhiều thân phận khác không phải biệt lệ mà là định mệnh chung của mọi
đứa con sinh ra từ trứng với các cảnh đời hoang dã nhơ nhuốc họp thành
nội dung Sinh Ra Từ Trứng.
Hàng loạt thảm kịch nhầy nhụa điên loạn tiếp nối. Chẳng hạn một cô gái bị cướp đoạt tài sản muốn lên tiếng đã “khoác lên người chiếc áo của người dân oan với những dòng chữ “Công lý ở đâu?”, “Trả lại ruộng đất cho dân”…
Một gã côn đồ lành lặn đẹp trai lì lợm đi sát bên cô, hỏi “Mày ở đâu?”
Cô đáp “Tôi ở nước Việt Nam.”
… Hắn vung tay đánh thẳng giữa mặt cô.
Cô ngã ra phía sau. Hắn đá thốc vào bụng cô.”
Còn người kể chuyện tự kể:
“Số phận tôi chỉ là một con cá nằm trên thớt… Liệu có ai không phải là cá nằm trên thớt?”
Và kể tiếp về một ám ảnh khó rời: “Kết nạp” trở thành một từ khủng khiếp với tôi giống như cái còng được liên tưởng cùng lúc bập vào hai cổ tay… Trên
tất cả các bức tường nhà tôi bỗng đầy những bức tranh mô tả việc kết
nạp Đảng. Từ kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ đến kết nạp Đảng tại các nhà
máy, nông trường hoặc trong hầm mỏ… Cảm
giác mình bị kết nạp vào một cái gì đó thật kinh khủng, tôi ớn lạnh
toàn thân, giống như sắp bị một con ma ăn thịt. Tôi vừa tháo những bức
tranh xuống vừa run…”
Ngay lúc đó, không trung bỗng ầm ĩ tiếng sấm và một cô gái trong tranh vội lên tiếng.
“Cô gái hốt hoảng nói với tôi: “Anh mau ra khỏi đây. Bọn giết người đến.”…. Chưa
kịp phản ứng gì, chung quanh tôi đã đầy người. Tất cả bọn họ đều mặc bộ
đồ nỉ đỏ y như người đàn ông trong bức tranh trên tường… Họ xông vào
tôi, xé bộ quần áo tôi đang mặc, rồi trùm vào tôi bộ đồ nỉ đỏ.
“Tôi
không muốn”, vừa nói tôi vừa cố giằng lại bộ quần áo cũ của mình. Vô
ích. Họ đánh đập tôi. Khi tỉnh lại, tôi đã là một người đàn ông mặc bộ
đồ nỉ đỏ.
Từ ấy, tôi trở thành một người yêu xác chết.”
Sau đó người kể chuyện trong bộ đồ nỉ đỏ bày tỏ:
“Trong
hệ thống độc trị, con người chỉ có thể sống an toàn trong sự trung
thành ngoan ngoãn với người dẫn dắt — lúc nào cũng vĩ đại. Tự do bị đồng
nghĩa với phản loạn, phản động. Để tồn tại, nghệ sĩ tự biến mình thành
một loại thái giám của các vua chúa đương thời.”
Đó là vài nét điển hình trong vô vàn màu sắc của vùng trời đang phủ ngập quê hương những đứa con sinh ra từ trứng qua Sinh Ra Từ Trứng.
Nẻo Ma Về không
rời các hình ảnh hoang dã dâm loàn trần trụi của vùng trời này, nhưng
hướng về phương thế tạo dựng và bảo vệ ngai vàng của kẻ đang nắm quyền
chúa tể với hình ảnh mở đầu:
“Khứa Lão ngồi trên bàn thờ…Sau lưng Khứa Lão, trên bức tường cao, tấm hoành phi sơn son… “Ta Là Chân Lý Và Bởi Chân Lý.”
… Chân
lý là điều cấm bàn cãi nên Khứa Lão không những được cúng kiếng trong
nhà thờ tổ họ Hùng mà còn được dựng tượng thờ kính trong một số đình
miếu … và được xưng tụng như một Bồ Tát.”
Nẻo Ma Về ghi lại hai nét chính của phương thế này qua lời kể của một kẻ tò mò bước vào tòa miếu cổ và thắc mắc về sự có mặt của Khứa Lão tại đây:
“Làm sao lão có thể có mặt trật trìa trong ngôi miếu cổ không dành cho lão này?
Một câu hỏi không hồi đáp.
… Tôi
đến gần bức tượng. Khứa Lão có khuôn mặt gầy, đôi mắt sáng soi mói.
Chòm râu dài đúng kiểu Việt Nam. Tuy nhiên, lão lại mặc một chiếc áo Tàu…”
Đúng lúc đó “một bọn
nhóc” xuất hiện và kẻ tò mò kể: “Tôi cẩn thận nhẹ nhàng leo lên phía sau
bàn thờ và nấp sau lưng Khứa Lão. Tôi giả giọng Khứa Lão, ngắt từng
tiếng một: “Ta… là… chân… lý… và… bởi… chân…lý…” Thật
kỳ lạ, khi phát ra những tiếng nói đó, tôi cảm thấy không còn là mình.
Khứa Lão đã chiếm đoạt linh hồn tôi. Tôi trở thành Khứa Lão trong một
sát na. Bọn nhóc nhớn nhác…
Một tiếng nói khác trong người tôi phát ra: “A…a…a…a…a…u…u…u…”
… Bọn nhóc chết cứng. Đôi mắt chúng lòi ra vì sợ hãi… Giờ đây, tôi là dục vọng và bởi dục vọng…
Tôi bảo bọn nhóc: “Chúng mày hãy kết đoàn và hư hỏng đi.”
Chúng
liền hư hỏng theo cách của tôi. Bao một vòng tròn quanh tôi, chúng tự
lột quần áo, mò mẫm nhau và hướng về tôi bằng sự ngưỡng vọng thần linh.”
Đó là nét chính thứ nhất như lời Khứa Lão:
“Khuyến
dụ con người đến với những lạc thú ngắn ngủi để ổn định tình hình”… Lời
Khứa Lão vừa dứt, từ phía chân trời, những con người ùn ùn dâng lên… Họ
sờ mó nhau, hôn hít nhau vừa đú đởn vừa say đắm. Tiếng họ rên la thay
cho kinh tụng Lạc Viên.Nhục dục được kích thích và xô đẩy.”
Đế đạt toàn hiệu năng, phương thế cần có thêm nét chính thứ hai theo Khứa Lão nhắc:
“Khi
tôi là chân lý và bởi chân lý, mọi giá trị khác đều vô nghĩa. Phản biện
tôi là phản động. Chống đối tôi là thù địch. Tôi sẽ tiêu diệt chúng từ
trứng nước…Vì thế, bất cứ ai xúc phạm tôi, sẽ bị trừng trị bởi đám quần
chúng cuồng tín này…”
Nẻo Ma Về ghi lại thực
tế biểu hiện nét chính thứ hai qua hình ảnh Tây Phi chỉ còn là bộ xương
khô và nhà sử học từng tận trung với Khứa Lão đã phải nhận “con dao cán vàng sáng loáng” thọc “vào giữa háng” để tách lìa khỏi cơ thể gã “cái biểu tượng cho sự tồn sinh của con người.”
Nối tiếp là hình ảnh nhà triết học từng kiến nghị “Cứt của Khứa Lão phải được bảo quản trong những bình pha lê và ban tặng cho mọi tín đồ” để “đặt trên bàn thờ như những xá lợi kim cương bất hoại.”
Và kẻ tò mò kia kể lại: “…
Tôi thấy nhà triết học bị trói quặt ngược cả tay chân ra phía sau và
được xỏ vào một khúc cây do hai người khiêng đi như con chó ra bìa rừng…
Ở đó các loài thú dữ có từ thuở khai thiên lập địa vẫn tồn tại cùng với
các loại súc sinh, ngạ quỷ do trí tưởng con người tạo ra. Chúng ăn thịt
kẻ có tội theo cách của hỏa ngục… Khi tiếng chó sói tru hoang dại vọng
ra từ cánh rừng, nhà triết học tuột hết nước trong người, mồ hôi và nước
đái đầm đìa… Nhà triết học rú lên, đau đớn và hoảng loạn… Tôi cũng quay
mặt đi. Nhưng phía nào cũng thấy Khứa Lão đứng chắn ngay trước mặt. Một
nỗi kinh hoàng như sấm chớp nổ tung trong đầu tôi.
Tôi còn, Khứa Lão còn. Sự hiện hữu song trùng này oan gia.
… Giọng Khứa Lão như vọng lại từ xa xôi “Hãy thờ kính ta, như ta đáng được thế.”
Tôi muốn văng tục, đụ má ông, ông là cái đéo gì mà tôi phải thờ kính. Nhưng tôi im lặng…
Giọng
Khứa Lão bỗng trở nên sống động, thân mật “Bởi vì ta là ông chủ chân
chính của chú mày. Ta là khát vọng bất lương của chú mày. Ta ban phát và
thu hồi mọi niềm vui sướng bất chính của chú mày”… Tôi vẫn đứng đó.
Nhưng tôi biết linh hồn mình đã mất…
Tôi không thể tự thoát được khỏi chân lý là lão. Tôi thành ma.”
Nẻo Ma Về chấm dứt chỉ bằng ba từ “tôi thành ma” đã gợi lại toàn cảnh cuộc sống do “vị thần đụ và chân lý Mao Thành Giác” tạo dựng với quá trình diễn tiến suốt ba tác phẩm Lông Và Sừng – Sinh Ra Từ Trứng – Nẻo Ma Về.”
Đó là quá trình cổ võ, thúc đẩy bản năng nhục dục hoang thú dưới bóng
đè của những cái chết tàn khốc kinh hoàng để biến con người thành ma
quỉ.
Nói cách khác, sự lên ngôi thần thánh của Hồ Chí Minh đã biến đất nước Việt Nam thành cõi chết.
Nhìn
chung, MA VÀ NGƯỜI gồm ba tác phẩm nhưng có thể coi là ba phần của một
tác phẩm diễn tả ba khía cạnh thuộc một chủ đề không xa lạ với nhiều tác
giả hiện đại Việt Nam và Nguyễn Viện đã tạo một thế đứng biệt lập từ bố cục tới tình tiết và ngôn từ.
Chính Nguyễn Viện cho biết “không xây dựng cốt truyện từ đầu mà viết không dự định gì trước”:
“Tôi thích để nó “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến.”
Đó
là cách duy nhất để tôi tiếp cận với sự thật của nghệ thuật, duy trì
khả năng sáng tạo không biên giới từ cấu trúc đến ngôn ngữ và thể loại.
Một cách nào đó, tôi đã viết theo kiểu chữ sau nối chữ trước, cho đến
khi nó tự đứt đoạn.”
Các nhân vật của Nguyễn Viện đều “không
có căn cước dù chịu chung một hoàn cảnh…Những con người ấy không phải
là cái bóng của những kẻ đã mất linh hồn mà họ thật sự hiện hữu và sống
những số phận nghịch thường, đau khổ và lạc loài.”
Hoàn cảnh các nhân vật có thể hình dung qua hình ảnh những “dân
oan bị cưỡng chế đất đai thất thểu đi tìm công lý”: “Chúng ta, một cách
nào đó, hẳn cũng cảm thấy mình đang bị cưỡng chế bứt ra khỏi “quê nhà”
và trở thành lưu vong ngay trên chính quê hương mình, bởi một tâm thế bị
chối từ quyền con người của mình… Nhưng
tiếc thay, tôi chỉ thấy sự bất lương trong kiểu sống hai mặt của hầu
hết họ… Họ quen thuộc với sự trung thành… Một tâm lý của loài cừu, buồn
thay, lại rất phổ biến.”
Từ đây đã dẫn đến cảnh sống giữa họ như sau:
“Cô nhìn ông soi mói “Thật sự thì anh muốn gì?”
Ông cười cười “Anh là một tên giả hình và muốn tìm niềm vui…” Ông nâng cốc bia về phía cô.
Họ cụng ly. Uống cạn. Một thứ chén đắng.
Đôi khi cô cũng muốn tung hê hết thảy.
Đêm ấy, cô ngủ với ông. Và cô muốn ông đụ cô vỡ nát.”
Đó
là cảnh sống mà niềm hạnh phúc trong sứ mạng tồn sinh bị trừ diệt hẳn,
đè nén khoái cảm yêu thương tới mức tận cùng để thúc đẩy bùng lên khát
khao thân xác hừng hực lửa khiến một phía biến thành hoang thú man rợ
sẵn sàng cưỡng đoạt bạo cuồng, trong khi một phía luôn mong chờ được vò
xé tan nát, dày đạp điên loạn hầu thỏa mãn nhu cầu tự sướng đang bị dồn
nén tối đa.
Và, tác giả khẳng định: “Tôi thích phát biểu một cách “nhân dân” hơn: Bọn thủ dâm lịch sử hay ngậm miệng ăn tiền chỉ là bọn chó chết.”
Từ
khẳng định này, không còn ngạc nhiên trước các cảnh tình dục cuồng
loạn, các câu chửi thề tục tĩu, các ngôn ngữ hạ cấp tận cùng nơi MA VÀ
NGƯỜI.
Chẳng hạn: “Ai
không từng đi ỉa ở các hố xí xã hội chủ nghĩa thì chưa thể biết đủ tứ
khoái và thống khổ của con người. Mùi cứt nồng nặc. Mùi văn hóa cách
mạng. Mùi thời đại. Giá trị của cứt là giải thoát và đắp bồi.”
Hoặc ông bố thương xót đứa con gái bị hãm hiếp khi mới 10 tuổi “nhưng
không biết phải làm gì. Buồn bực, ông lấy đục đánh dấu con số 1941 tai
ương trên cây cột cái giữa nhà. Sau này, mỗi khi say rượu ông đều khóc
và chửi “Địt mẹ năm 1941.”
Còn ông họa sĩ “ước
mơ một ngày nào đó, do một biến cố lịch sử… khiến cuộc sống đột ngột
thay đổi…. Nhưng với thực tại đáng nguyền rủa này, ông chỉ thầm chửi
“địt mẹ chúng nó” mà ông quên rằng chính ông cũng cần được nghe chửi.”
Nói về nhân vật của mình, Nguyễn Viện xác định: “Tôi
quả quyết những nhân vật văn chương của tôi tất yếu đều sinh vào ngày
30 tháng 2… những kẻ vô thừa nhận của một xã hội chỉ chấp nhận sự đồng
nhất.”
Nội
dung tác phẩm hiện rõ hơn khi Nguyễn Viện xác định về các cột mốc thời
gian 1930 – 1940 – 1941 – 1945 – 1954 – 1975 đang được mọi phương tiện
truyền thông tại Việt Nam cực lực tôn vinh là các bước ngoặt vinh quang
của đất nước. Dưới mắt Nguyễn Viện, hết thảy các cột mốc đó chỉ là các
bản lề thời gian đưa Việt Nam vào một khoảng trống văn hóa và tâm linh
để “đẩy xã hội vào sự trần truồng của bản năng, hoang dã” như hình ảnh sau:
“Đúng
ngày hòa bình, 30 tháng 4 năm 1975, chị tôi chịu một cơn đau đẻ quặn
trong cái tử cung trống rỗng, chị nói, giống như có kẻ lột da mình. Và
trong lúc hoảng loạn kinh khiếp ấy, quả trứng mà chị vẫn mang theo, do
một cô bạn từ thời Thanh Niên Xung Phong trao lại, đột ngột vỡ tung. Một
đứa bé trai ra đời với hình dạng ngôi sao. Chị giải thích, cái đầu nó
nhọn hoắt như hình tam giác, hai tay giang ra, chân dạng háng, thành
hình một ngôi sao năm cánh lộng lẫy như một anh hùng…”
Hình
ảnh đứa con theo mô tả đã cho thấy mọi đứa con sinh ra từ trứng vào các
bản lề thời gian ghi dấu các cuộc hãm hiếp lịch sử man rợ mang hình hài
và thân phận quái đản ra sao cùng lý do đưa đến lời chửi “Địt mẹ năm 1941!”
Các
vùng trời tình dục, ma quái cùng các ngôn từ thô bỉ tục tằn bất chấp
mọi khuôn phép có thể tạo cảm ứng khó chịu cho người đọc do quán tính
truyền thống từ nhiều ngàn năm theo các mẫu mực ứng xử, nói năng luôn
phải thiệp thế, khiêm cung, thanh nhã.
Nhưng
nghệ thuật vốn đặt nền trên cuộc sống nên không thể rời khỏi bất kỳ
vùng trời nào khi từ đó quay cuồng các hình ảnh sống kể cả với đường nét
bạo cuồng và màu sắc hoang loạn.
Cho
nên văn đàn thế giới đã có không ít tác phẩm gắn kết với các vùng trời
này cùng các bút danh ngời sáng như Bồ Tùng Linh, Edgar Allan Poe, Hồ
Xuân Hương… Chỉ nhìn qua những dòng thơ Hồ Xuân Hương lưu truyền từ cuối
thế kỷ 18 tại Việt Nam và không còn xa lạ với người đọc ngoại quốc hiện
nay, gần như mọi hình ảnh đời sống đều gợi nhắc vùng trời tình dục.
Từ một trái mít, nhà thơ bỗng tưởng tượng:
Thân em như quả mít trên cây,
Vỏ nó sù sì, múi nó dày.
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
Và hình ảnh một cô gái đã dẫn đến các câu thơ:
Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.
Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc,
Rộng hẹp dường nào cắm một cây.
Càng nóng bao nhiêu càng muốn mát,
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày…
Tương tự là khơi gợi từ một khung máy dệt:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau…
Qua Hồ Xuân Hương, tình dục gắn liền với thân phận đàn bà cũng là niềm hạnh phúc yêu thương không thể thiếu vắng trong đời sống:
Hỡi chị em ơi, có biết không
Một bên con khóc, một bên chồng.
Bố cu lổm ngổm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
……………………………………………………
Chồng con cái nợ là như thế,
Hỡi chị em ơi, có biết không?
Do đó, tập thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện tại Hoa Kỳ cuối năm 2000 (1)
đã cuốn hút người đọc về biệt tài xử dụng ngôn từ độc đáo và óc trào
lộng sắc bén biểu hiện tính phản kháng quyết liệt các khuôn mẫu gò ép để
đòi hỏi tự do cho tình yêu. Nhưng cũng đã có sự bất mãn với tấm hình
bìa vẽ một phụ nữ trần truồng chỉ nâng chiếc mẹt che kín mặt khiến dịch
giả John Balaban từng sững sờ cho rằng người phụ nữ Việt Nam can trường
phản đối các lề thói hà khắc vẫn phải đối đầu với phản ứng bất đồng của
những người có mặt sau bà hơn hai thế kỷ ở xa nửa địa cầu.
Rất có thể trái với dịch giả nhận
định, phản ứng bất đồng trên chỉ nhắm vào tấm hình bìa dễ gợi dục hơn
diễn tả ý nghĩa hạnh phúc yêu thương của vùng trời tình dục, bởi tác
phẩm đã được coi là chói sáng. Dù theo cách nhìn nào cũng không sợ lầm
khi kết luận nghệ thuật từ lâu đã chấp nhận mọi vùng trời cuộc sống với
chứng cứ các vần thơ Hồ Xuân Hương kể cả cho là khiêu dâm vẫn vượt thời
gian và không gian. Thế giới tình dục của Nguyễn Viện không còn là vấn
đề. Tuy nhiên tình dục trong MA VÀ NGƯỜI không hoàn toàn thuần khiết so
với tình dục trong thơ Hồ Xuân Hương như Nguyễn Viện đã nêu:“…Tôi
không tuyên dương sự bạo hành trong tình yêu hay tình dục. Tôi chỉ mô tả
những hiện tượng có thật… Cùng với nó, chúng ta cũng cảm nhận được tính
trấn áp thường trực trong cuộc sống hôm nay bởi bộ máy cai trị… Trong
tác phẩm của tôi, tình dục hay tình yêu, luôn được tôi xiển dương như
một ý nghĩa tốt đẹp và thiết yếu, tôi luôn mô tả nó ở cả hai mặt tích
cực và tiêu cực. Thăng hoa và hủy diệt.”
Nguyễn Viện quả quyết các nhân
vật văn chương của ông đều sinh ra từ trứng nhưng liên hệ với các cuộc
hiếp dâm lịch sử khởi từ ngày 30 tháng 2 năm 1930 nên sự hiện hữu của họ
“chỉ để chứng minh cho sự vô nghĩa” qua hình ảnh thực tế cuộc sống như sau: “Xã
hội biến thái thành một tương quan sinh tồn trên nền tảng chiếm đoạt và
phục tùng. Nó chà đạp phẩm giá con người, làm bần cùng văn hóa nhân
sinh … Dân tộc Việt Nam hiện nay không có một nền tảng triết lý đúng đắn
nào cho sự tồn tại và phát triển…Việc đưa hình tượng ông Hồ vào chùa
miếu, theo tôi, nó giễu cợt chủ trương vô thần của ổng… Chế độ dựa hơi
cả thần thánh và ma quỉ. Nó mang đến những cơn lên đồng của bọn mê tín,
ngụy tín, cuồng tín. Và đẩy xã hội vào sự trần truồng của bản năng,
hoang dã.”
Nguyễn Viện kể: “Nhân vật của tôi bị kẹt ở giữa” hai ngục tù. “Một ngục tù do chế độ khoanh vùng và một ngục tù của nỗi sợ hãi tự thân.”
Trong
cảnh này, vùng trời tình dục thăng hoa của niềm hạnh phúc yêu thương
khó thể hiện hữu, nếu không muốn nói đã chuyển thành động cơ hủy diệt do
mức tán trợ “những khao khát bất lương và cảm khoái xác thịt tự sướng bất chính” để biến con người thành các bày dê, bày cừu hoang dã.
“Ăn, ngủ, đụ, ỉa” không còn là tứ khoái bản năng mà vươn lên vị thế “ý nghĩa tồn sinh của con người” như Giác Thành Mao tự thánh hóa bản thân trong Lông Và Sừng. Vì thế, trước câu hỏi “muốn kiếp sau sẽ là gì?” nhân vật trong Sinh Ra Từ Trứng đã thốt lên lời than như tiếng thét phẫn uất bi ai:
“Thà tôi trở thành một gã an ninh tư tưởng văn hóa lùng sục và đốt tất cả những cuốn sách mà tôi đã cố viết ở kiếp này…”
Bởi không con tim hiền lương nào có thể an nhiên trước các hình ảnh sống như hoạt cảnh sau trong Nẻo Ma Về của một triết gia với hai cô hầu gái: “Ông
được lau chùi bởi lưỡi của một cô. Được xúc miệng bởi nước trong mình
của một cô khác…Họ xoa bóp cho ông. Vận động cơ thể cho ông bằng những
động tác âu yếm. Từ sáng sớm đến đêm khuya, ông hít thở và ngợp trong
hương nồng tình dục toát ra.
Ông bảo đấy là thiên đường chủ nghĩa tại thế. Triết học của ông là hiện thể của khoái cảm.
Luận lý của ông là biện chứng về thời gian, hay… chuyển tiếp của các tư thế làm tình.”
“Ý nghĩa tồn sinh” trần trụi trên
được khích lệ và bảo toàn bằng mọi thủ đoạn tàn sát người bất phục kẻ
độc chiếm quyền lực để dẩy cuộc sống vào cảnh tiêu vong như Nguyễn Viện
diễn tả: “Đất
nước này, dân tộc này đang bị bỏ mặc cho bọn lưu manh xâu xé và chà
đạp… Không những môi trường thiên nhiên bị hủy diệt mà bản thân con
người ở đây cũng đang bị đầu độc, từ thân xác tới tinh thần.”
Thực tế sống này khởi từ sự kiện chủ nghĩa Cộng Sản duy vật vô thần thủ đoạt ngôi chí tôn sau “các cuộc hiếp dâm lịch sử qua nhiều bản lề thời gian 1930, 1940…” và
được tín đồ hoang dã cuồng tín Mao Thành Giác tận tụy biểu hiện bằng
chủ trương thúc đẩy khoái cảm thân xác, tôn thờ tứ khoái bản năng cùng
thi thố mọi tội ác tàn bạo bất nhân đã phá nát hệ tư tưởng “khoan dung và yêu thương theo tinh thần “đồng bào” của huyền thoại “một mẹ trăm con” hay “xã hội gia đình” kiểu “đạo ông bà” từng là truyền thống dân tộc nhiều ngàn năm.
Đưa
thực tế sống bi đát này vào vùng trời tình dục, nhưng tác giả MA VÀ
NGƯỜI cho thấy đang ôm nỗi khát khao cực kỳ xa cách vùng trời của Hồ
Xuân Hương qua tâm sự một cô gái ước ao “gặp được người đàn ông sinh ra từ trứng”, và riêng tác giả “mong sẽ được sống đời với một cô gái sinh ra từ quả trứng ấp từ hơn 4000 năm trước.”
Nỗi khát khao được ghi lại bằng các ngôn từ hết sức trái tai: “Tôi
rất muốn nhân dân hùng hổ hãm hiếp linh hồn dân tộc mình… không phải để
đánh đĩ, tự sướng… Nếu nhân dân không dám hiếp linh hồn dân tộc của nó
thì lịch sử sẽ chỉ là một xác chết…”
Nhưng phản cảm có thể tự biến sau diễn giải: “Thi
vị hóa một hành động hiếp dâm chắc chắn không phải là cách tôi khuyến
khích tội ác hay phản nhân quyền…Nhưng tôi kinh tởm cái giáo điều “ta
căn bản là tốt, địch nhất định phải xấu”… Việc của tôi là kể lại cái khoảnh khắc dường như tuyệt vọng của con người trước sự thật.”
Hai từ “hiếp dâm” không
còn thu gọn hàm ý vào vùng trời tình dục trên cả hai nghĩa thăng hoa
hay hủy diệt mà hiển lộ giấc mơ của tất cả nạn nhân đang bị dày xéo
trong đọa đày.
Đó là giấc mơ bùng nổ “cuộc tự thân vận động” qua nỗ lực triển khai “đạo ông bà” hầu phục hồi “tâm tình hiếu kính cha ông, tương trợ đồng bào” và “nâng tầm lý luận thành một chủ thuyết để đưa dân tộc khỏi vực thẳm suy vong hiện nay.”
Và hướng đường đưa tới giấc mơ hiện rõ qua lời ca bản Rap của cô gái trong Sinh Ra Từ Trứng:
“Bạn ơi, con người sinh ra đều bình đẳng trước mọi cơ hội.
Tranh đấu không phải là tội.
Im lặng mới là tồi.
Hãy bước ra ánh sáng,
Hãy tự mở lối làm người tự do…
Đừng so đo.
Không ai sống thay mình,
cũng không ai chết thay mình.
Đừng có lo, hãy sống như người tự do…”
Dù
vậy, ngôi nhà tù đày đọa con người do bọn lưu manh xây đắp vẫn sừng
sững vì hầu hết nạn nhân chưa rời nổi ngôi nhà tù khiếp nhược do chính
mình tự tạo khiến từ mỗi trang sách đều như bật lên tiếng chửi thề “địt mẹ chúng nó!”
Tiếng
chửi thề buột ra từ miệng mọi nạn nhân để chửi những kẻ gánh chung thân
phận đang gục mặt, khoanh tay trước đám lưu manh tàn ác phi nhân. Tiếng
chửi thề cất lên liên tục không gây ngạc nhiên vì chỉ là dấu tích phẫn
nộ và nỗi đau tột cùng phải gánh chịu từ các cảnh bạo ngược bất lương.
Nhưng
mức phẫn nộ và đau đớn sẽ gia tăng trước thực trạng chính kẻ đang chửi,
do vô tình vì ngu dốt hay cố ý xảo trá, đã không chịu nhận ra chính
mình cần nghe câu chửi đó trước hết.
Mức
phẫn nộ và đau đớn tăng cao hơn với người nhìn rõ cả hai tầng ngục tù
trên nhưng lại tự thấy bản thân vô phương vượt khỏi ngôi nhà tù bất lực
để khó tránh cất lên câu chửi “địt mẹ chúng ta!”
Tuy nhiên sự việc chưa thể ngừng lại.
Vì
cả ba tầng ngục tù trên đều là các khoảnh khắc hiện hữu của sự sống cần
lưu truyền mà người cầm bút đã mặc nhiên lãnh sứ mạng thể hiện.
Cho nên Nguyễn Viện đã phát biểu:
“Việc của tôi là kể lại cái khoảnh khắc dường như tuyệt vọng của con người…”
Phát biểu thật đơn sơ nhưng vài từ “khoảnh khắc tuyệt vọng của con người”
đủ gợi nhắc nỗi phẫn nộ và đau đớn tận cùng của sự sống đang trùm phủ
mảnh đất Việt Nam mà người cầm bút phải đối diện từng ngày từng giờ
trong cô đơn thầm lặng tê tái.
Đó
là những giây phút đau đớn nát lòng và phẫn uất nổi điên không khác một
nhân vật nữ từng cất tiếng tru như loài sói giữa rừng hoang, dù Nguyễn
Viện vẫn ghi lại nhẹ nhàng:
“Lòng tôi chùng xuống. Tôi buồn… Tôi cảm thông với những người bỏ nước ra đi, và chia xẻ nỗi đau uất nghẹn với người ở lại chờ ngày suy tàn.”
Mọi
người cầm bút đều không thể đòi hỏi người đọc cảm thông với những phút
giây tê điếng hay nổi điên trước bàn viết khi đối diện với các thực tế
sự sống oan khiên nhớp nhúa như Dostoievski
từng nhắc người cầm bút không nên chờ ai chia xẻ về những sâu xé, dày
vò từ thân xác tới tim óc trong suốt quá trình hình thành tác phẩm.
Dù
vậy, bất kỳ người cầm bút nào vẫn khó ngưng mong đợi gợi nhắc nơi người
đọc một phản ứng đồng cảm trước các thực tế phơi bày.
Và
qua MA VÀ NGƯỜI, chắc chắn không ai mong đợi sự đón chờ các bóng ma
cuốn hút của Bồ Tùng Linh, các hoạt cảnh gợi tình của Hồ Xuân Hương, các
ngôn ngữ bất cần đời của Cao Bá Quát, Tú Xương … dù từng trang sách
luôn hiển hiện các hình hài ma quỉ, loạn cảnh tự sướng, ngôn từ tục tĩu…
Bởi hết thẩy hình hài, cảnh tượng, lời lẽ của Nguyễn Viện chỉ khắc họa phút giây “tuyệt vọng của sự sống” với những nỗi đau uất nghẹn tê điếng của con người — cụ thể là con người Việt Nam.
Nói
cách khác, chắc chắn tác giả MA VÀ NGƯỜI không mong đợi điều gì ngoài ý
thức can đảm tự cứu của những đứa con sinh ra từ trứng để vượt thoát
cảnh sống tượng trưng bằng hình ảnh “cô gái trong bức tranh bị treo ngược” khiến “đầu cô mọc ra dưới gan bàn chân và hai mông cô ngửa lên trời như cái đầu bị xẻ đôi…”
Tất
nhiên tùy vị thế và hoàn cảnh sẽ có nhiều hướng đi khác biệt, nhưng
không thể lầm khi khẳng định đích đến cuối cùng theo mong đợi không
ngoài sự đập tan guồng máy bạo quyền như lời ca bản Rap:
“Nếu mày biết tao là dao thì đừng đụng đến tao.
Vì là dao, tao sẽ đâm theo lao vào bất kể thằng nào.
Nếu mày cũng biết đau thì đừng láo.
Khi chúng mày thấy lao đao thì hãy nhớ đến dao.
Đấy là công lý của bọn tao.
Không phải là tao ác, mà chúng mày không đáng
sống. Vì sự sống, chúng mày phải chết.
Ai bảo mày cản đường tao.
Ai bảo mày cướp của tao, tự do
và quyền làm người.”
Với
riêng tôi, gợi nhắc từ MA VÀ NGƯỜI không phải những cái tên Cao Bá
Quát, Tú Xương…, cũng không vương vất bóng ma nào quấn quanh cuộc đời Bồ
Tùng Linh hơn ba mươi năm khởi từ tuổi 30, nhất là không hề có bóng
dáng lời khen của Vương Ngư Dương về hướng sống của Bồ Tùng Linh qua mấy
câu thơ đã gần 300 tuổi:
Liễu ưng yếm tác nhân gian ngữ
Gợi
nhắc tôi khi rời tác phẩm chỉ là những ý nghĩ đột ngột bật lên từ gần
50 năm trước, lúc tôi đứng trên đoạn quốc lộ I phía ngoài Mỹ Chánh. Từ
những xác chết khô quắt rúm ró đen ngòm ruồi bọ ngổn ngang trên mặt lộ,
lề đường, bãi cát bỗng trỗi dậy âm vang một giọng ngâm từ đài phát thanh
Hà Nội mà tôi nghe gần bốn năm trước đó ngân nga mấy câu thơ của Hồ Chí
Minh:
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa Xuân.
Tôi
không kìm nổi tiếng chửi thề hệt như lần đầu nghe mấy câu thơ và nhớ về
những đám tang tập thể với hàng trăm dải khăn sô tại Huế cùng một buổi
trưa tại Dak Sun đứng trước hơn 200 xác người thiểu số phần lớn là đàn
bà trẻ nít bị lửa thiêu phồng như heo quay sau khi đã bị bắn hạ…
Đó là chiến công vĩ đại và hình ảnh mùa Xuân tuyệt vời của một kẻ tự tôn là “giúp dân cứu nước”, là “cha già dân tộc”, là “vạn tuế quang vinh”…
Bản thân tôi suốt thời gian cận kề cây súng luôn băn khoăn bứt rứt mỗi
khi phải đặt ngón tay lên nấc súng vẫn tin chắc sẵn sàng trút trọn cả
băng đạn vào thân xác y nếu lúc đó y xuất hiện.
Tất
nhiên không thể có chuyện kẻ đó xuất hiện tại bất kỳ nơi nào và trên
thực tế, y cũng không bao giờ còn xuất hiện được nữa. Vì thế, ý nghĩ kế
tiếp của tôi đã hướng về cái xác ướp tại Ba Đình rồi vụt nhớ ngay tới
một khu nghĩa trang ở nửa bên kia địa cầu mà tôi đọc thấy đâu đó và chỉ
nhớ nằm trong trang trại có tên Mount Vernon.
Lúc
này, rời cuốn sách của Nguyễn Viện, tôi vẫn không biết gì hơn về trang
trại Mount Vernon bên mé sông Potomac tại Virginia. Nhưng ký ức tôi luôn
ghi rõ trong đó có khu nghĩa trang của một gia đình địa chủ giành làm
chỗ an nghỉ cuối cùng cho tập thể gia nhân gồm những nô lệ khác màu da.
Tôi
nhớ về khu nghĩa trang này bởi vào phút lâm chung vị địa chủ đã dứt
khoát chọn nơi an nghỉ cuối cùng là nằm giữa những nấm mộ của đám gia
nhân nô lệ. Có thể đã có không ít địa chủ tại Hoa Kỳ chọn lựa tương tự,
nhưng phải nhắc tới vị địa chủ trên bởi ông là George Washington, vị
tướng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Anh và là vị tổng thống
khai quốc của Hoa Kỳ.
Ở
vị thế đó, ông đã dứt khoát rời ghế tổng thống sau 8 năm cầm quyền và
dứt khoát chọn nằm an nghỉ đời đời bên cạnh các gia nhân nô lệ khác màu
da thay vì tiếp tục cầm quyền và an nghỉ trong một lăng, đài tôn vinh
nào đó.
Trong
dòng suy tư bất định của mình qua tác phẩm của Nguyễn Viện, tôi chỉ
thấy nổi bật sự phẫn uất điên cuồng trong nỗi đau tột cùng của người
viết và giấc mơ sẽ có những con tim nhân ái dứt khoát gạt bỏ mọi tham
vọng cá nhân bất chính để lo tròn trách nhiệm xóa bỏ cuộc sống hoang dã
hiện nay tại Việt Nam, hầu phục hồi cuộc sống an bình cho một đại gia
đình mà từ buổi đầu khởi hiện ngót năm ngàn năm trước đã mang hình ảnh
quây quần đầm ấm của một trăm trái trứng do cùng một mẹ sinh ra.
Giấc
mơ đó có biến thành hiện thực hay không chắc chắn không thể trông đợi
phép màu nào ngoài điều kiện tất yếu mở đầu là câu chửi thề tục tằn mà
mỗi đứa con sinh ra từ trứng thành thực cất lên để tự chửi chính mình,
khi tâm lý loài cừu tiếp tục phổ biến trong một xã hội mà các bàn thờ
đều nghi ngút khói hương sùng bái những bình pha lê chứa đầy cứt như tác
giả MA VÀ NGƯỜI đã hình dung.
Virginia 30 – 4 – 2018
UYÊN THAO
———————————————————————-
Địa chỉ giao dịch :
Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O Box 4653 – Falls Church – VA 22044 –USA
Email :
— tiengquehuongbookclub@gmail.com
1() Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong – John Balaban dịch – Nxb. Copper Canyon Press, Oct. 2000.
Thích nghe tiếng quỷ đọc thơ dưới mồ.
No comments:
Post a Comment