CÒN MỘT KỲ NỮ KIM CƯƠNG
Đăng lúc: Thứ hai - 16/05/2016 11:30 - Đã xem: 1986
Kỳ nữ Kim Cương
Có lẽ định mệnh đã CHỌN tôi cho sân khấu, sáng tác, diễn
xuất và cho các khán giả của tôi. Tôi bước qua tất cả nhọc nhằn đến với
thoại kịch để được cái gì? Có lẽ không phải để được vị trí ngôi sao"-
NSND Kim Cương đã suy ngẫm như thế trong hồi ký "Sống cho người sống cho
mình". Gần 80 năm với đời, với nghề, điều bà tâm đắc nhất vẫn là mang
đến cho khán giả thương mình niềm vui sân khấu
* Vang danh kỳ nữ
Nghệ sĩ Kim Cương xuất thân trong gia đình có truyền thống sân khấu lâu
đời của Nam bộ. Dòng họ của bà có đến 4 đời làm bầu hát. Khởi đầu là
gánh hát bội Bà Lớn (tức bà cố nội của NSND Kim Cương), kế đến là gánh
hát Cô Ba Ngoạn (bà nội của NSND Kim Cương), rồi vang danh với gánh Đại
Phước Cương (cha của NSND Kim Cương) và đến NSND Kim Cương là Đoàn thoại
kịch Kim Cương. Gia đình bà có rất nhiều nghệ sĩ tài danh. Nổi danh
nhất là nghệ sĩ Năm Phỉ (dì Năm của NSND Kim Cương, mà bà gọi là má Năm)
và thân mẫu của NSND Kim Cương là NSND Bảy Nam.
Có lẽ, NSND Kim Cương là nghệ sĩ nhỏ nhất được lên sân khấu, khi chỉ
mới 18 ngày tuổi! Khi đó, gánh Đại Phước Cương được triều đình Huế mời
diễn mừng thọ của Đức Tiên Cung Dương Thị Thục- mẹ của vua Khải Định-
với tuồng "Quan Âm Thị Kính". Do không có diễn viên nên NSND Bảy Nam
phải lên sân khấu khi còn đang ở cữ và NSND Kim Cương cũng được "sắm một
vai" là làm con Thị Mầu, được đưa đến giao cho Thị Kính!
Nhắc đến NSND Kim Cương, nhiều người vẫn xưng tụng là kỳ nữ. Qua nhiều
tài liệu, đó là danh hiệu do nhà báo Nguyễn Ang Ca của tờ Tiếng Dội dành
tặng cho nghệ sĩ Kim Cương. Chuyện là thuở nhỏ, NSND Kim Cương ở với
nghệ sĩ Năm Phỉ, không được khuyến khích theo nghề hát. Thế nhưng, sau
một vài lần nhìn thấy cháu tự tin trên sân khấu, nghệ sĩ Năm Phỉ bàn với
soạn giả Duy Lân viết một vở cho Kim Cương đóng. Thế là vở "Giai nhân
và Ác quỷ" ra đời, Kim Cương thủ vai A Liễu- cô gái có tấm lòng nhân
hậu, hy sinh vì người khác. Vai diễn đưa nghệ sĩ Kim Cương lên hàng nghệ
sĩ ngôi sao. Báo chí kịch trường hết lời khen ngợi và biệt danh kỳ nữ
ra đời trong giai đoạn này. Theo lời giải thích của nghệ sĩ Kim Cương,
kỳ nữ nghĩa là "một thiếu nữ có tài năng kỳ lạ".
* Nữ hoàng kịch nghệ
Lúc NSND Kim Cương chừng 20 tuổi, là giai đoạn hoàng kim của cải lương
và bà cũng là nghệ sĩ có vị trí sáng chói. Thế nhưng, NSND Kim Cương
bỗng chuyển sang thoại kịch. Đó là quyết định gây xôn xao bởi những năm
đầu thập niêm 1950, thoại kịch vẫn còn khá xa lạ với khán giả Nam bộ (có
lẽ vì cải lương lấn át). Riêng NSND Kim Cương, bà cũng biết khó khăn
bộn bề cho bước rẽ của mình.
NSND Kim Cương. Ảnh: DUY KHÔI
|
Đêm diễn đầu tiên của Đoàn thoại kịch Kim Cương với vở "Tôi làm mẹ"
thành công ngoài mong đợi. "Khán giả đã hoàn toàn bị chúng tôi chinh
phục, đã khóc, đã cười theo từng diễn xuất của diễn viên"- nghệ sĩ Kim
Cương nhớ lại. Liên tiếp sau đó, nhiều kịch bản của Hoàng Dũng như: "Lá
sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Nhớ một chiều xuân", "Sắc hoa màu nhớ",
"Trà hoa nữ"… trình diễn trên sân khấu Kim Cương trong sự yêu mến của
khán giả.
NSND Kim Cương đã cho thấy một ngoại lệ của định kiến rằng ở miền Nam
sẽ không có loại hình nào có thể chia khán giả với cải lương. Thời hoàng
kim, sân khấu kịch Kim Cương kéo màn hằng đêm mà vẫn chật kín khán giả.
Bởi vậy sinh thời, mỗi khi nhắc đến NSND Kim Cương, Giáo sư Trần Văn
Khê vẫn hay gọi bà là "Nữ hoàng kịch nghệ".
* "Kim Cương ác lắm!"
Nhắc đến kịch Kim Cương, người ta nghĩ đến thân phận những người phụ nữ
đau khổ, bi thương nhưng vẫn khao khát hạnh phúc. Từ một cô đào mùi,
Kim Cương thử sức với ngòi bút và đã tạo nên thương hiệu đặc biệt. Tự
viết, tự dàn dựng và thường thủ vai chính, mỗi vở diễn của NSND Kim
Cương đều "bách phát bách trúng".
Nhắc kịch Kim Cương, ai cũng nhớ cô Diệu trong "Lá sầu riêng", Y Lan
trong "Trà hoa nữ"… Bà kể: "Câu mà tôi nghe nhiều nhất khi khán giả gặp
tôi là "Kim Cương ác lắm, diễn vai nào cũng làm tụi tui khóc quá
trời"!". Với bà, điều hạnh phúc nhất là khán giả gần như quên Kim Cương
là một nghệ sĩ, mà chỉ nhớ như một người gần gũi, thân quen. Đến tận bây
giờ, một số vùng nông thôn Nam bộ vẫn còn nói câu: "Khổ hơn cô Diệu".
Sau "Lá sầu riêng", NSND Kim Cương lại chinh phục khán giả với "Dưới hai
màu áo". Trong đó, bà hóa thân thành cô Bích ma lanh, sành đời và cô Bê
bán hột vịt lộn thật thà, hồn nhiên.
NSND Kim Cương luôn có một bạn diễn ăn ý, thấu hiểu và đáng kính- chính
là mẹ của bà, cố NSND Bảy Nam. NSND Kim Cương kể trong lời mở đầu hồi
ký "Trôi theo dòng đời" của cố NSND Bảy Nam rằng, có nhiều đêm đang ngủ,
mẹ lay bà dậy nói: "Kim Cương ơi, má thèm đóng vai điên. Má vừa nghĩ ra
cách thể hiện vai này điên lạ và hay lắm". Vậy là vài tháng sau, vở "Về
nguồn" ra đời. "Má đã thể hiện một bà điên không giống bất cứ bà điên
nào từ trước tới nay. Má đã không làm đầu bù tóc rối… mà là một bà điên
rất hiền, sạch sẽ, rất dễ thương và rất là… điên"- nghệ sĩ Kim Cương kể.
Từ câu chuyện này cho thấy, kịch bản của Kim Cương viết ra đều từ cảm
hứng của cuộc đời, "đo ni đóng giày" cho từng diễn viên và vai diễn, bởi
thế cái thần của nhân vật có được từ khi còn nằm trên trang giấy.
*
* *
Không lúc nào nhận mình là người nổi tiếng, chưa bao giờ nghĩ làm nghệ
thuật để đạt tới vị trí ngôi sao, NSND Kim Cương vẫn say mê với từng vai
diễn, từng phận người; đơn giản bởi những ánh mắt của những người bạn-
những khán giả thân thương luôn "nhìn chăm chăm xem Kim Cương vui cái
gì, buồn làm sao, khổ sở tới mức nào". Bà vẫn luôn cháy hết mình trên
sàn diễn để tạ ơn đời. Còn với bao thế hệ người mộ điệu, ai đó vẫn thầm
cảm ơn vì đời còn có Kim Cương.
ĐĂNG HUỲNH
No comments:
Post a Comment