Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 26 June 2019

Cuộc đời tình cảm của Má Bảy Phùng Há

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016-05-21
Má Bảy Phùng Há lúc còn trẻ
Má Bảy Phùng Há lúc còn trẻ
Courtesy photo

Cuộc đời tình cảm đi đôi với nghệ thuật

Nếu như cuộc đời tình cảm của Nữ Hoàng sân khấu Thanh Nga đã tách rời với nghệ thuật, còn Má Bảy thì cuộc đời tình cảm lại đi đôi với nghệ thuật. Trong trái tim Thanh Nga không có hình bóng nào của người trong giới cải lương, kể cả kép hát, soạn giả, nhạc sĩ bầu gánh, chủ rạp hát đều rơi đài, thì ngược lại các mối tình chính thức của Má Bảy lại là những người liên quan mật thiết với nghệ thuật cải lương.
Người chồng đầu tiên của má Bảy là nghệ sĩ Tư Chơi, tức soạn giả Huỳnh Thủ Trung, một nhà Nho học lẫn Tây học, ông từng dịch những kịch bản Pháp văn, Hán văn sang lời Việt trình diễn trên sân khấu cải lương thời thập niên 1930. Ngoài ra ông cũng là một nhạc sĩ đờn kìm với ngón đờn độc đáo như chim kêu, và từng là bầu gánh của nhiều gánh hát lớn.
Cuộc tình của Má Bảy với nghệ sĩ Tư Chơi, kết quả bà hạ sinh một người con gái: Cô Lý Bửu Trân, tức Bửu Chánh, và người ta thắc mắc tại sao Má Bảy tên là Trương Phụng Hảo, chồng bà tên Huỳnh Thủ Trung mà con gái lại tên là Lý Bửu Trân, đây là điều mà nếu như không có sự giải thích rõ ràng cặn kẽ của Má Bảy thì khó có ai mà đoán được.
Thật ra thì Bửu Chánh có tên là Trương Phụng Huê (mang họ mẹ), và có lẽ do uẩn khúc nào đó, có thể không phải là vợ chính thức có hôn thú chăng, hoặc cuộc tình chấm dứt từ lúc Bửu Chánh chưa ra đời. Vấn đề Má Bảy không nói rõ, chớ sau ngày Bửu Chánh ra đời thì mối tình của bà với soạn giả Huỳnh Thủ Trang đã không còn.
Nhưng về sau không biết do đâu mà soạn giả Huỳnh Thủ Trung trở thành đệ tử lưu linh hạng nặng ngày nầy qua tháng nọ suốt năm chẳng bữa nào mà không nhậu. Lúc bấy giờ nhiều người đã nói, trung bình mỗi ngày ông ngủ chỉ bốn tiếng đồng hồ thôi, 20 tiếng còn lại là say với ngà ngà.

Hơn 10 năm mẹ con xa cách

Má Bảy Phùng Há lúc còn trẻ
Má Bảy Phùng Há lúc còn trẻ File photo
Số là do nghề đi hát rày đây mai đó, nên lúc Bửu Chánh mới vừa bập bẹ học nói, đi chập chững thì được gởi cho người dì thứ Ba, tức chị của Má Bảy tên là Trương Ngân Hảo đem Bửu Chánh về Huyện Hạc Sơn bên Trung Quốc, tỉnh Quảng Châu. Bà Trương Ngân Hảo làm dâu nhà họ Lý (ông Lý Huy) một vọng tộc ở Hạt Sơn, đã lập khai sanh cho Bửu Chánh với cái tên Lý Bửu Trân để đi học, do đó mà Bửu Chánh mang họ Lý trên giấy tờ.
Sống với người dì ở Hạc Sơn bên Trung Quốc, cô Bửu Chánh học đến gần hết Trung Học thì trở về Việt Nam, và đó là ý nguyện từ lâu của người con vì hoàn cảnh phải xa mẹ. Hơn 10 năm xa cách mẹ con trùng phùng, niềm vui khôn tả, chớ trước đó đêm nào Má Bảy cũng khóc thầm vì nhớ con, người nghê sĩ mà trên sân khấu làm rơi lệ khán giả, và khi tấm màn nhung buông xuống thì Má Bảy tự khóc cho mình.
Thế nhưng, có một điều mà chúng tôi cũng như nhiều người thắc mắc từ lâu, là tại sao một nghệ sĩ nổi danh như Má Bảy Phùng Há, đam mê ca hát đến đỗi khi còn nhỏ bị đuổi học, mà nghe nói người con của bà là cô Bửu Chánh lại không có học ca hát gì hết. Sẵn dịp tiếp xúc với Má Bảy, tôi hỏi vấn đề này:
Ngành Mai: Thưa Má Bảy, nghe nói chị Bửu Chánh chỉ lo học hành mà thôi, chớ không được dạy ca hát gì hết, có phải vậy hay không?
Má Bảy: Rất đúng, lúc Bửu Chánh, mới từ bên Trung Quốc về, tôi cũng tính dạy cho nó nghề hát để nối nghiệp tôi sau này, nhưng thấy nó học giỏi quá, thông minh quá, nói thông thạo bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Tàu và Tây Ban Nha, nên tôi tiếp tục cho nó ăn học rồi thủng thẳng sẽ tính.
Ngành Mai: Trong nghệ thuật cải lương, Năm Nghĩa là dưỡng phụ của Thanh Nga, là bầu gánh hát Thanh Minh, ông đã đào luyện Thanh Nga từ lúc nhỏ, 15 tuổi đã nhận vai trò đứa con hai dòng máu, coi như vai chánh và từ đó đã trở thành đào hát nổi tiếng luôn. Còn Má Bảy cũng là nghệ sĩ nổi danh còn hơn cả Năm Nghĩa, lại là bầu gánh hát Phụng Hảo, thế sao Má Bảy không uyển chuyển vừa cho chị Bửu Chánh đi học, vừa cho học hát cải lương, biết đâu chị cũng nổi tiếng như Thanh Nga?
Má Bảy: Mỗi thời kỳ mỗi khác, Bửu Chánh lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, tệ đoan xã hội lan tràn. Do cảnh sa đọa như vậy nên tôi đâu dám cho con Bửu Chánh tới hậu trường rạp hát, sợ bị nhiễm những thứ đó thì tiêu đời.
Ngành Mai: Chớ còn Thanh Nga thì thế nào, tại sao cô không bị nhiễm tệ nạn đó, Má Bảy có biết không?
Má Bảy: Như tôi đã nói hồi nãy đó, Bửu Chánh lớn lên nhằm thời Tây, còn Thanh Nga nó lớn lên nhằm thời ông Ngô Đình Diệm, tứ đổ tường bị cấm, sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới bị đóng cửa, tiệm hút cũng dẹp luôn, mâm đèn ống hút bị đem ra đốt ở bùng binh chợ Sài Gòn, làm dân đi mây về gió, tiên ông, tiên bà tiếc hùi hụi. Nhờ rạp hát không còn cái tệ đoan của thời trước nên Năm Nghĩa mới dám cho Thanh Nga đến rạp hát tập luyện, chính tôi cũng từng rèn luyện cho Thanh Nga tập diễn ở rạp.
Lời giải thích của Má Bảy thật là chí lý, chúng tôi rất khâm phục bà, đã không bị ảnh hưởng câu nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đối với Má Bảy phải nói rằng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” vậy!
Mời quí vị tiếp tục theo dõi trong phần âm thanh bộ dĩa hát Lan và Điệp, với các danh ca Năm Nghĩa, cô Tư Sạng, Tám Thưa và Hồng Châu, thâu thanh dĩahát Asia thời thập niên 1940.

No comments:

Post a Comment