Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 26 June 2019

NGUYỄN PHƯƠNG * KỲ NỮ KIM CƯƠNG, NHIỀU CHUYỆN KỲ BÍ



NGUYỄN PHƯƠNG  * KỲ NỮ KIM CƯƠNG, NHIỀU CHUYỆN KỲ BÍ
kc





Tôi có nhiều bạn thích nghe kể chuyện về các danh hiệu của nghệ sĩ cải lương. Các ông muốn biết tại sao nghệ sĩ này được gọi là Vua Xàng Xê, nghệ sĩ kia được gọi là Nữ Hoàng Sầu Mộng... Và ai là người đã nghĩ ra các danh hiệu đó, nhất là trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào mà người nghệ sĩ gợi được hứng thú cho khán giả để khán giả nghĩ ra được những danh hiệu để đời đó?

Chung quanh cái danh hiệu "Kỳ Nữ" của nữ nghệ sĩ Kim Cương có cả một kho chuyện vui buồn liên quan đến biệt danh Kỳ Nữ này. Người ta nói nhứt là cái chữ "Kỳ" trong danh hiệu kỳ nữ: Kỳ là kỳ tài, kỳ bí, kỳ khôi, kỳ cục... vậy thì chữ kỳ với ý nghĩa nào mới đúng với kỳ nữ Kim Cương?

Tôi tôn trọng ý kiến của các ông bạn già của tôi nên tôi nêu ra những ý kiến trên, vì có ông nhìn nghệ sĩ qua lăng kính "chính trị", có khi dựa vào dư luận sai lầm... Tuy nhiên tôi cũng xin đưa ra một số hiểu biết của tôi về kỳ nữ Kim Cương để góp phần soi sáng về tiểu sử của người nghệ sĩ này, nhứt là sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Kỳ nữ Kim Cương với ý nghĩa một nữ nghệ sĩ có "kỳ tài"

Nữ nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn thị Kim Cương, sanh ngày 25 tháng 1 năm 1937, tại Saigon, con của ông Nguyễn Phước Cương, bầu gánh hát Đại Phước Cương và bà nghệ sĩ Bảy Nam. Nữ nghệ sĩ Kim Cương có một anh trai là danh hề Ngọc Trai và em gái là Kim Quang, người từng giúp cho Kim Cương quản lý đoàn kịch nói Kim Cương sau năm 1975.

Có thể nói từ khi lọt lòng mẹ cho tới khi trưởng thành, cô Kim Cương thường được nghe lời ca tiếng hát, mắt được nhìn thấy các nghệ sĩ trong đoàn hát của cha mẹ cô biểu diễn nên thâm nhiễm nghệ thuật sân khấu sâu đậm. Lên 6 tuổi Kim Cương đã hát thành công vai đào con trên sân khấu Phước Cương.
Năm 1948, ông Nguyễn Phước Cương mất vì bệnh lao phổi khi đoàn hát tại rạp Thất Ngàn - Phan Thiết. Ông được an táng trong đất của một ngôi chùa ở Phan Thiết. Đến năm 1990, nữ nghệ sĩ Kim Cương và mẹ là nữ nghệ sĩ Bảy Nam ra Phan Thiết viếng mộ của ông Nguyễn Phước Cương và bốc mộ ông về cải táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp.
Năm 1954, Kim Cương là đào chánh của gánh hát Nam Phong của dì cô là bà Chín Bia. Lực lượng nòng cốt của đoàn hát Nam Phong gồm có các nữ nghệ sĩ Bảy Nam, Chín Bia, Kim Cương, Kim Hoàng, Ngọc Hương, Ngọc Hoa, Xuân Lan, và các nam diễn viên là Duy Lân, Duy Chức, Hoàng Dưỡng, Thanh Phong, Thanh Hùng, Tám Nhi. Có ba soạn giả: Giáo Út (chồng cô Chín Bia), Duy Lân và Tây Giang Tử.
Thời gian này, soạn giả kiêm diễn viên Duy Lân, chồng mới của bà Bảy Nam, sáng tác nhiều tuồng theo lối đo ni đóng giày, lăng xê nữ nghệ sĩ Kim Cương qua các tuồng Giai Nhân và Ác Quỷ, Phụng Nghi Đình, nhằm khai thác kỹ năng diễn xuất duyên dáng của nữ nghệ sĩ Kim Cương.
Năm 1955, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế tổ chức hát Hội tại rạp Hào Huê quận 5 để quyên tiền sửa chữa trụ sở số 133 đường Cô Bắc và quỹ giúp nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn, cô Kim Cương hát vai Điêu Thuyền, cô Bích Thuận vào vai Lữ Bố, và nghệ sĩ Năm Định vào vai Đổng Trác.










Lớp Nhập Trướng tuồng Phụng Nghi Đình như sau:

Đổng Trác: Quân! Đòi Điêu mỹ nhân ứng hầu lập tức.
Điêu Thuyền (ra): Ủa! Đâu rồi? Ngồi đó mà không thèm nói (bước lại đấm vô bụng Đổng Trác một cái thật mạnh). Làm người ta kiếm muốn chết hè!
Đ.Trác: Trời ơi! Người ta ngồi sờ sờ đây mà nói kiếm muốn chết!
Đ.Thuyền: Thiếp ngồi, gió mát hiu hiu buồn ngủ, bỗng nghe đâu ngoài cửa, quân vào tâu rằng: Thái sư lịnh dạy đòi hầu, thiếp lật đật đâm đầu chạy riết, làm thiếp mệt muốn chết vậy đó!
Đ.Trác: Mệt rồi đánh người ta muốn bể bụng, đau muốn chết vậy hà.
Đ.Thuyền: Dữ hông! Đụng một chút xíu mà cũng đau nữa hả. Tướng công đòi thiếp vào đây có chuyện chi?
Đ.Trác: Mai đây có buổi đại chầu, ta đòi ái nương đến để đấm bóp cho ta ở nhà.
Đ.Thuyền: Ai? Thiếp à? Coi tay bây lớn vậy mà biểu thiếp đấm bóp, ai mà đấm cho nổi, có tướng công đấm cho thiếp... Thiếp nói ra đây nhờ tướng công đấm cho thiếp... Đấm chỗ này nè... Đấm không? Không đấm hả? Không đấm thì thôi! (dợm đi)
Đ.Trác: Người ta mệt muốn chết, kêu ra đây đấm bóp cho tui, rồi bây giờ biểu tui đấm lại...
Đ.Thuyền: Bây giờ đấm không? Không... phải không? Không đấm, tôi đi.
Đ.Trác: Ái cơ đi đâu?
Đ.Thuyền: Hỏng đấm thì tui đi kiếm người khác đấm cho tui.
Đ.Trác: Thằng nào ba đầu sáu tay cũng không dám tới đây đấm cho ái cơ.
Đ.Thuyền: Mà tôi hỏi đấm hông? Tôi đau muốn chết đây nè... Đấm hông?
Đ.Trác: Đấm... đấm! Quân sĩ, có ai đến hỏi ông thì nói...
Đ.Thuyền: Ừ! Phải dặn cho kỹ. Quân bây nghe dặn nè: Nếu có ai hỏi thì nói ông không tiếp khách, ông mắc đấm lưng cho bà, nghe không?
Đ.Trác: Trời ơi! Chuyện người ta muốn giấu mà ái cơ nói lớn quá vậy.
Đ.Thuyền: Vậy hả? Ai biết đâu nà! Để tôi dặn lại. Quân bây, nghe cho kỹ: Có ai hỏi thì nói ông không tiếp khách, ông mắc lo đấm lưng cho bà mà ông giấu, nghe không?

Kim Cương (Điêu Thuyền) diễn lớp này rất có duyên, điệu bộ nũng nịu, giọng nói dễ thương khiến cho khán giả hưởng ứng la to trong rạp hát, hỏi Đổng Trác có chịu đấm bóp cho Điêu Thuyền (Kim Cương) không? Nếu không thì họ sẽ lên sân khấu đấm bóp cho Điêu Thuyền.
Mấy suất hát liên tục, Điêu Thuyền (Kim Cương) vẫn chinh phục khán giả, vẫn gợi được sự đồng cảm hưởng ứng của khán giả.
Khi diễn kịch Lá Sầu Riêng, Dưới Hai Màu Áo, mỗi khi diễn viên Kim Cương khóc thì đa số khán giả cũng khóc theo nhân vật kịch Kim Cương.
Ký giả Nguyễn Ang Ca xem Kim Cương hát nhiều lần, thấy Kim Cương dẫn dắt được tình cảm của khán giả, khiến khán giả đồng cảm với nhân vật do cô thủ diễn một cách dễ dàng nên tặng cho Kim Cương danh hiệu “Kỳ Nữ”.
Cái tên “Kỳ Nữ Kim Cương” đi vào lịch sử sân khấu cải lương cùng lúc với các danh hiệu Vua vọng cổ Út Trà Ôn, Vua vọng cổ hài Văn Hường, Vua Xàng Xê Minh Chí, Quái Kiệt Ba Vân...










Kỳ Nữ Kim Cương trên đường nghệ thuật: Kịch nói và Phim ảnh

Cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, kỳ nữ Kim Cương nhận thấy khán giả ngày càng thích những nghệ sĩ có giọng ca vàng, có kỹ thuật ca vọng cổ hay và lạ. Các ông bà bầu gánh hát ký contrat với số tiền từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu để mời các diễn viên có giọng ca vàng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Tấn Tài; trong khi đó những diễn viên có nghệ thuật diễn xuất bậc thầy nhưng kém về giọng ca vọng cổ thì khó mà có một sân khấu nào chịu trân trọng đón mời.
Nhiều nghệ sĩ tiền phong với khả năng diễn xuất bậc thầy đã xa rời sân khấu sàn diễn để làm giáo sư kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc, hoặc có người giải nghệ, mở quán rượu hoặc bán cà phê kiếm sống qua ngày. Tự biết mình không ca vọng cổ hay như các nghệ sĩ danh ca vọng cổ nên Kim Cương tìm một hướng đi mới, rẽ sang ngành thoại kịch và phim ảnh.
Hãng phim Việt Thanh, chủ nhơn là người Hoa, mời đạo diễn Ngũ Hoa ở Hồng Kông sang quay phim Thoại Khanh Châu Tuấn, diễn viên gồm có: Kim Cương, Vân Hùng và Trần Văn Trạch.
Trong lúc dẫn giải cốt truyện phim, đạo diễn Ngũ Hoa yêu cầu cô Kim Cương diễn một lớp bi ai. Kim Cương đang cười nói vui vẻ, nghe đạo diễn yêu cầu diễn thử một tình huống buồn, cô chuyển biến ngay tình cảm, khóc liền tại chỗ, nước mắt tuôn tràn, giọng nức nở. Đạo diễn Ngũ Hoa và Ban Giám đốc hãng phim nhiệt liệt khen ngợi tài diễn xuất của cô.


- Kỳ nữ Kim Cương đã đóng trên 50 phim của các hãng phim: Việt Thanh, Alfa, Mỹ Vân, Trùng Dương, và Tân Kiệt Y wan của Đài Loan. Các phim có tài tử Kim Cương đóng có thể kể như: Một Thoáng Đam Mê, Lòng Nhân Đạo, Mưa Trong Bình Minh, Chiếc Bóng Bên Đường, Thoại Khanh Châu Tuấn, Biển Động...


- Nữ tài tử Kim Cương và nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng được mời dự Liên hoan Điện ảnh Á Châu tổ chức tại Đài Loan. Nữ tài tử Kim Cương nhận được hai giải thưởng: Giải diễn viên xuất sắc nhất năm 1974 và giải đối thoại hay nhất năm 1974 với phim Chiếc Bóng Bên Đường.

Kỳ nữ Kim Cương trên lối rẽ sang con đường thoại kịch







Kim Cương và La Thoại Tân



Cuối năm 1950, ở Saigon chỉ có hai ban thoại kịch: Ban kịch Tân Dân Nam của kịch sĩ Anh Lân và Ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch.
Vào đầu năm 1960, có thêm Ban kịch Kim Cương, Ban kịch Vũ Đức Duy.


Từ năm 1966, khi có Đài Truyền Hình kênh 9, thì có thêm: Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng, Ban Kịch Phương Nam của Nguyễn Phương, Ban Kịch Sống của Túy Hồng, Ban kịch ngắn "Chuyện Trong Nhà Ngoài Phố" của Đài Truyền Hình.


Ban kịch Kim Cương khởi đầu diễn những vở kịch dài lấy từ các tuồng cải lương nổi tiếng, bỏ bài ca, viết lại thành những đoạn đối thoại văn xuôi như tuồng: Lan và Điệp, Sông Dài, Bóng Chim Tăm Cá, Đoạn Thuyệt, Vợ và Tình, Trà Hoa Nữ.


Sau đó, Kim Cương được soạn giả Năm Châu viết vở Quyền Làm Mẹ, các soạn giả Thiếu Linh, Nguyễn Phương tiếp tay viết nhiều kịch bản trong bước đầu xây dựng Ban kịch Kim Cương với các kịch bản: Tảng Đá, Mưa Đầu Mùa, Cô Gái Ma Túy, Men Nắng, Mùa Xuân Trong Mắt Em, Hoa Cuối Mùa, Men Rượu Sa Kê.


Nữ nghệ sĩ Kim Cương sáng tác các vở: Dưới Hai Màu Áo, Lá Sầu Riêng, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn dưới bút danh Hoàng Dũng.


Các nghệ sĩ cải lương chuyển qua diễn thoại kịch trong Ban Kịch Kim Cương gồm có: nữ nghệ sĩ Tú Trinh, Diễm Kiều, Mai Lan, Kim Cúc, Kim Lan, Kiều Phượng Loan, Anh Thư, Tường Vi, Năm Sađec, Bảy Nam, Bảy Ngọc.


Phần nam diễn viên thì có: Vân Hùng, Bảo An, Huỳnh Thanh Trà, Ngọc Đức, Khả Năng, Duy Chức, Hoàng Mai, Hương Huyền, Văn Chung, Xuân Phát, Thanh Lựu.


Sau năm 1975, nhà cầm quyền CSVN cho cô thành lập Ban Kịch Kim Cương, diễn thành công nhiều kịch Liên Xô như: Tania trở về mái nhà xưa, Câu chuyện Iếc Kút, Một Mình với Tất Cả; và các vở kịch mới: Nhân Danh Công Lý, Xa Thành Phố Yêu Dấu, Chìa Khóa, Hồi Sinh, Về Nguồn, Bãi Mìn, Men Nắng, Cơn Bão Cuối Cùng,...


Năm 1987, nữ nghệ sĩ Kim Cương được đi thực tập, nghiên cứu thêm về sân khấu ở Trường Hàn Lâm Đại Học Sân Khấu Xô Phia (Bungari) và đậu bằng Tốt nghiệp đạo diễn.


Nghệ sĩ Kim Cương thật là xứng đáng với danh hiệu Kỳ nữ mà các ký giả kịch trường và khán giả ái mộ đã tặng cho cô vì cô đã thật sự biểu lộ tài năng qua các ngành nghệ thuật sân khấu cải lương, kịch nói, phim ảnh và công việc quản lý đoàn kịch Kim Cương. Cô cũng đi học và được cấp bằng Tốt nghiệp Đạo Diễn.
Kỳ tài của Kim Cương còn biểu lộ nơi tấm lòng nhân ái dành cho đồng bào nghèo yếu neo đơn và các nghệ sĩ đồng nghiệp kém may mắn hơn cô. Kỳ nữ Kim Cương nổi danh trong công việc từ thiện, giúp cho các trẻ em khuyết tật được vá môi, giúp cho người già và các nghệ sĩ nghèo được mổ mắt. Cô Kim Cương là Phó Hội trưởng Hội Bảo trợ Trẻ em tàn tật và Người nghèo thành phố.
Kỳ nữ Kim Cương cũng có công không nhỏ khi cô và bà Phùng Há đến Hội Đua Ngựa Phú Thọ để xin tiền thu một ngày đua ngựa cho Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ dùng tiền đó để mua một miếng đất lập Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ Gò Vấp.

Danh hiệu Kỳ Nữ dưới góc cạnh "Kỳ Bí" của nữ nghệ sĩ Kim Cương!

Tôi nghe ông bạn già nhắc mãi danh từ Kỳ nữ Kim Cương là một nghệ sĩ Kỳ Bí, nghĩa là có những hành động và sự việc liên quan đến Kim Cương không được giải thích rõ ràng, nên người ta nghĩ có một cái gì đó bí mật mà Kim Cương không nói ra và khán giả thấy "kỳ" nhưng cũng không hiểu được sự thật nó rõ ràng ra làm sao?
Ông bạn của tôi đặt câu hỏi: "Tại sao sau 30 tháng 4 năm 1975, tất cả các đoàn hát tư nhân như Kim Chung của Bầu Long, đoàn Dạ Lý Hương của Bầu Xuân, đoàn Thanh Minh-Thanh Nga của bà Bầu Thơ, đoàn Kim Chưởng của bà Bầu Kim Chưởng, đoàn hát Việt Nam của bà Bầu Thu... đều không được tái thành lập hoặc hoạt động mà phải giải tán. Chỉ có hai nghệ sĩ được lập gánh hát tư đó là soạn giả Thu An được phép lập đoàn hát Hương Mùa Thu và nghệ sĩ Kim Cương được thành lập Đoàn kịch Kim Cương?"


Soạn giả Thu An thì tự nhận là cán bộ CS nằm vùng, có công bao che nhiều cán bộ nằm vùng khác khi ông đang làm việc cho hãng dĩa Hoành Sơn. Thu An đã giới thiệu việc làm và chỗ ở cho các cán bộ CS nằm vùng đó, nên sau 30 tháng 4, Thu An được tưởng thưởng công lao bằng cách Sở VHTT cho anh được đứng ra lập một gánh hát tư nhân để cho anh hốt bạc.


Còn nữ nghệ sĩ Kim Cương, người ta không nghe cô nói gì. Trong dư luận của dân chúng, thì có nhiều người nói Kim Cương là một trung tá của VC, không biết là trung tá quân đội hay công an hay quân báo, và cũng chưa có ai thấy Kim Cương mặc quân phục với quân hàm trung tá. Ông bạn già của tôi đặt câu hỏi: "Cô Kim Cương lập được công trạng gì mà lại được thưởng cho đứng ra lập đoàn kịch nói để hốt bạc, trong khi những ông bà bầu chuyên nghiệp thì lại bị bắt buộc giải tán đoàn hát của mình?"


Tôi không biết những dư luận về Kim Cương có thật hay không. Theo tôi thì cô ta không thể là trung tá hay có một cấp bực nào đó trong quân đội hay công an của nhà nước CS vì sau 30 tháng 4 đến nay, tôi vẫn không thấy và không nghe các bạn nghệ sĩ nói về chức tước của Kim Cương.


Có một chuyện mà những ai theo dõi thời cuộc VN trong những năm xáo trộn chính trị từ 1963 đến 1967 đều biết. Đó là trong năm 1964, sau khi Tướng Nguyễn Khánh đảo chánh, làm một cuộc chỉnh lý, ông bắt các tướng Đôn, Xuân, Kim, Đính nhốt ở Đà Lạt. Nửa tháng sau thì bà Phùng Há và Kim Cương đi Pháp.


Ai cũng biết trong khi tình hình chính trị trong nước còn xáo trộn, có chuyện đảo chánh và phản đảo chánh thì việc công dân VN xuất ngoại bị ngưng cấm. Tại sao chỉ nửa tháng sau khi Tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền, bà Phùng Há và nữ nghệ sĩ Kim Cương được phép xuất ngoại sang Pháp?
Sau đó trong giới báo chí có tin đồn là bà PH bị bắt tại phi trường Orly vì có mang theo một va li nữ trang quý giá. Sau đó lại có tin rằng: do sự thương lượng trao đổi giữa chánh phủ của ông Nguyễn Khánh và chánh phủ Pháp nên bà PH và KC được thả ra.

Theo băng video xuất bản tại Việt Nam kể về Chân Dung Phùng Há, có một đoạn kể là bà PH và KC được giáo sư Trần Văn Khê hường dẫn đi hát trong Festival Hội Thanh Niên Dân Chủ Thế Giới tổ chức tại Budapest (Hungary). Đây là hoạt động của Hội Thanh Niên thiên Tả và ông Trần Văn Khê đại diện cho chánh quyền Hà Nội, móc nối để đưa HAI NGHỆ SĨ TÀI DANH CỦA MIỀN NAM, hát cho lợi ích của chánh quyền miền Bắc.

Phải chăng với công lao này mà kỳ nữ Kim Cương được phép thành lập đoàn Kịch Kim Cương trong khi đó thì nhà cầm quyền cấm tất cả tư nhân không được quyền lập gánh hát vì gánh hát dù cải lương hay kịch thì cũng là công cụ tuyên truyền của đảng và chánh phủ.

Lại thêm một dư luận nữa trong giới ký giả kịch trường là sau năm 1968, Kim Cương tổ chức Gia Đình Tình Thương trên báo Điển Tín, thu nhận tặng phẩm của đồng bào và nhận thuốc của Tổng Y Viện Cộng Hòa để giúp cho các gia đình thương binh tử sĩ và mang đến ủy lạo cho chiến sĩ Cộng Hòa ở các tiền đồn hẻo lánh. Người ta đồn rằng Kim Cương giữ lại một phần thuốc của Tổng Y Viện Cộng Hòa cho, đem một phần giúp Chiến Sĩ Cộng Hòa nơi tiền đồn, phần khác giúp cho phía "VC".

Xin lập lại là tôi chỉ nhắc lại những luồng dư luận mà tôi được nghe, tôi không có chứng cớ xác minh và tôi cũng không tin chuyện này là có thực, nhưng dư luận đó cũng góp phần giải thích những chuyện kỳ bí về kỳ nữ của chúng ta.

Lại thêm một dấu hỏi to tướng là nghệ sĩ khi mất thì được an táng trong nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp. Các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Út Trà Ôn, Hoàng Giang... đều an táng ở nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, chỉ riêng "nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam", thân mẫu của kỳ nữ Kim Cương, là được an táng nơi nghĩa trang liệt sĩ của thành phố ở Thủ Đức.

Phải là cán bộ cao cấp, đảng viên, chiến sĩ hy sinh nơi chiến địa thì mới được cái vinh dự được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của thành phố ở Thủ Đức. Vậy thì nghệ sĩ Bảy Nam được hưởng cái vinh dự đó là do có công lao gì với kháng chiến?

Những câu hỏi không có lời giải đáp, nên ông bạn già của tôi gọi Kỳ nữ Kim Cương là người nghệ sĩ Kỳ Bí!

Tôi kể lại những chuyện mà tôi chưa hiểu, mong bạn nào hiểu rõ, nói giùm cho tôi và các bạn già của tôi đỡ thắc mắc.


Soạn giả Nguyễn Phương


BVN-TH

No comments:

Post a Comment