Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 1 June 2019

Đồ Khùng

Tế Công Hoạt Phật


(Tế Điên Hòa Thượng)



MỤC LỤC [−]
1. Tiết Đại sứ lạy Phật xin con
2. Đổng Sĩ Hoằng đợ con chôn mẹ
3. Ở Triệu gia thi thiền cơ trị bệnh
4. Vác Hộ Pháp rượt yêu khắp trang viện
5. Châu viên ngoại nơi hoa viên gặp yêu
6. Châu viên ngoại thuật kỹ việc gặp yêu
7. Thấy giai nhân, chàng ngốc nổi lòng tà
8. Dạy pháp thuật, Tế Điên đùa đạo sĩ
9. Triệu Văn Hội Tây Hồ mời Đạo Tế
10. Triệu Bân đêm dọ Các Thiên lâu
11. Anh em nhận mặt cùng tỏ khúc nhôi ngày cũ
12. Tế Công khéo độ Hàn Điện Nguyên
13. Quảng Huệ tăng cuồng ngôn mắc họa
14. Tế Điên hóa phép đùa Quảng Huệ
15. Chó độ Đổng Bình cải ác làm lành
16. Tế Điên trong chùa bán thịt chó
17. Giả tướng dụ dỡ phá lầu Đại Bi
18. Binh vây chùa Linh Ẩn bắt trói Tăng khùng
19. Tần tướng chiêm bao thấy quỷ ma
20. Triệu Bân đang đêm dò tướng phủ
21. Gây nghiệp chướng, nhị công tử bị to đầu
22. Thi diệu pháp, người quỷ lộng Tần gia
23. Tìm diệu dược chọc cười bọn gia đinh
24. Nhận thế tăng vinh quy về Linh Ẩn
25. Doãn Xuân Hương chốn yên hoa gặp Thánh tăng
26. Cứu nạn dân đưa về am Thanh Tịnh
27. Giả thăm bạn để thơ từ biệt vợ
28. Tô Bắc Sơn phái người tìm hàn sĩ
29. Bạn cũ gặp nhau tri ân báo đức
30. Huyện Dư Hàng, thanh quan gặp án lạ
31. Bắt kẻ cướp, án oan mới giải tỏa
32. Trấn Vân Lan ác đạo tác yêu
33. Rắp mưu gian, ác hóa Lương Bá Vạn
34. Thi yêu pháp, ác đạo hại người
35. Đốt yêu đạo nghĩa thâu Trần đồ đệ
36. Dạo Tây vào tửu điếm nghe chuyện phiếm
37. Nghe lời gian, Tô Phước sanh tâm họa
38. Nơi quán rượu, Tô Bắc Sơn gặp Hàn lão
39. Thánh thử viên lần đầu vào Linh Ẩn
40. Tế Thiền sư ra tiền cứu hiếu tử
41. Huyện Côn Sơn bỗng gặp chuyện lạ kỳ
42. Trinh tiết phụ hàm oan tìm huyện lệnh
43. Khéo lấy cung tra rạch ròi án trước
44. Dụ Thang Nhị đến huyện nha hoàn án
45. Hoa Vân Long tức giận về Tây Xuyên
46. Mừng giữ chánh hoa, quần hùng kết bái
47. Gặp tiết phụ hái hoa không toại ý
48. Triệu Thái thú vâng lệnh bắt tặc nhân
49. Phủ Thừa tướng, Thái thú thẩm tra giặc
50. Bắt tặc nhân, các Ban đầu đều ra sức
51. Cứu nghĩa bộc cùng đến Thiên Gia Khâu
52. Mỹ nhiệm công bái thỉnh Tế Thiền sư
53. Bợm lục lâm lại gặp giặc cướp đường
54. Hiển thần thông đùa cợt Lôi Minh
55. Tiệm Thiên Hưng thi pháp gặp tặc nhân
56. Trịnh Hùng giữa đường gặp Tế Công
57. Tỵ nạn lại cứu người bị nạn
58. Đổng gia điếm, hai anh hùng bị hại
59. Tế Công hỏa thiêu Đổng gia điếm
60. Các phỉ đồ luyện võ thỉnh anh hùng
61. Gởi vợ con, anh hùng rời bản xứ
62. Dò xét gia thế, giữa đường gặp Càn khôn thử
63. Bốn anh hùng vui chuyện nhà họ Mã
64. Lý Bình thương bạn thỉnh Tế Công
65. Luật lịnh quỷ bắt yêu nhà Vương viên ngoại
66. Cầu Ngọa Hồ, dâm tặc giết Hòa thượng
67. Hai Ban đầu đói khát đi tìm Hòa thượng
68. Xem thơ dặn, thám dọ Triệu Gia lầu
69. Tiền Tâm Thắng đêm tối trộm bạc tang
70. Thấy gái đẹp, dâm tặc mời tri kỷ
71. Vâng lệnh thầy, anh hùng xu cát tỵ hung
72. Trấn bát phương tức giận tìm Trương Vinh
73. Trong rừng liễu, Tế Công kinh dâm tặc
74. Thi phép Phật giỡn đùa hào kiệt
75. Mãnh hán nghe xúi tìm Huỳnh Vân
76. Bồng Lai quán, bốn anh hùng trò chuyện
77. Tiệm Đức Hưng, Ban đầu gặp hung tăng
78. Mất công văn, Sài, Đỗ bị còng
79. Huyện Long Du ngày phá luôn ba án
80. Nghe nói xóc nổi giận đánh Hòa Thượng
81. Xem di thư, quan huyện phục Thánh tăng
82. Tế Điên tiệm rượu đánh tặc nhân
83. Tiểu thần phi đang đêm giết Khai phong quỷ
84. Trần Huyền Lượng bắt yêu chùa Thiết Phật
85. Hiển thần thông bắt giữ bọn tặc nhân
86. Hoa Thanh Phong núi Cát Thỉ gặp yêu
87. Tế Công đấu phép Kim nhãn Phật
88. Thi Phật pháp ngầm độ Hoa Vân Long
89. Gặp Trương Vinh, hai bên cùng tâm sự
90. Bồng đầu quỷ cướp lộ bị anh hùng
91. Năm anh hùng đưa bạn đến Cô Thiên
92. Hắc phong quỷ hại người thành hại mình
93. Núi Cổ Thiên, Hoa Thanh Phong luyện kiếm
94. Lăng Tiêu quán, Tăng đạo trổ tài đấu phép
95. Ba anh hùng đụt mưa Kim Gia trang
96. Vâng lệnh thầy, Mã Gia Hồ đưa thư
97. Dương Minh giúp bạn đánh bọn giặc
98. Huyện Thường Sơn, Sài Đỗ bắt giặc phạm
99. Đổng Sĩ Nguyên dối trá cầu Thánh tăng
100. Tế Công hỏa thiêu Mạnh Thanh Nguyên
101. Thi Phật pháp, trí bắt Bồng đầu quỷ
102. Dương Lôi Trần trượng nghĩa giết yêu đạo
103. Lôi Minh đêm tối dò Tôn gia bảo
104. Tôn Nhị Hổ vu oan cho Lôi Minh, Trần Lượng
105. Luận thị phi, khuyên phá cân rỗng ruột
106. Tìm thầy thuốc minh oan ở Trường Sơn huyện
107. Lôi, Trần say ngủ bị mất trộm
108. Ba hào kiệt lén dò Ngô Gia bảo
109. Ngũ Lý Bia bệnh Tiểu côn lôn
110. Kê tử nhãn đưa lễ vật đầu người
111. Tri phủ định kế thăm tặc nhân
112. Dân bá tánh đầu đơn thưa Quốc Bổn
113. Tế Điên đấu phép với Chữ Đạo Duyên
114. Trịnh Huyền Tu quán rượu gặp Hòa thượng
115. Kim Mao hải mã náo sa thuyền
116. Triệu Thái thú đoán thông kỳ án
117. Phụng đường dụ, chém cả bọn Vân Long
118. Xách thủ cấp tìm kiếm Dương Minh
119. Báo thù em, lên Linh Ẩn tìm Tế Công
120. Nơi Song Nghĩa lầu, bọn giặc gạt người
121. Người thiện tâm chung cuộc được thiện báo
122. Châu viên ngoại phái người thỉnh Thánh Tăng
123. Bạch Thủy Hồ thỉnh Tế Công bắt yêu
124. Vâng lệnh cha, chủ tớ rời cố hương
125. Lượm đầu người, chủ tớ đến cửa quan
126. Phụng lệnh quan, vây bắt Đoàn Sơn Phong
127. Thi diệu pháp cợt đùa giúp nghĩa sĩ
128. Các quan binh ra sức bắt giặc
129. Thấy thơ rơi lập chí bỏ vợ hiền
130. Tại công đường, quan huyện hỏi khẩu cung
131. Tỏ tình thật, Trịnh thị tố Biện Hổ
132. Đưa Thánh Tăng bắt yêu Bạch Thủy Hồ
133. Miếu Mã Vương, thiệt giả cùng gặp mặt
134. Bạch Thủy Hồ mất tiêu Liệt Hỏa kiếm
135. Tế Điên thỉnh Lôi thần trừ yêu quái
136. Tại phủ nha, Ngộ Thiền thi diệu pháp
137. Tiểu Giang Khẩu chủ tớ gặp người quen
138. Cứu mọi người, Ngộ Thiền đốt bọn giặc
139. Núi Bát Quái, Lôi Trần gặp yêu đạo
140. Trương Sĩ Phương gian tâm ếm ngày sanh
141. Các gia nhân lòng trung bảo hộ chủ
142. Hai yêu đạo tham tài thi tà thuật
143. Lôi Minh lanh trí giết Trương Thái Tố
144. Lão tiên ông nổi giận bắt Ngộ Thiền
145. Thôn Vĩnh Ninh làm phép cứu Vương An Sĩ
146. Tôn Đạo Toàn bắt yêu bị hại
147. Tế Điên thi pháp trị yêu phụ
148. Thăm cậu mợ, Tế Điên về làng cũ
149. Yêu phụ hiến mình thức tỉnh Văn Mỹ
150. Mua thuốc độc ngầm hại người em họ
151. Đến địa phủ thấy tội nhân lòng ác không chừa
152. Tu Duyên công tử chầu Bửu Duyệt
153. Ngọc diện hồ lên Thanh cung hỏi đạo
154. Lão tiên ông đấu phép cùng Tế Điên
155. Gởi bức thư, dùng lời hay khuyên cậu
156. Xét nghiệm cầu, bắt giữ tặc hòa thượng
157. Thi Phật pháp, khéo độ Vương Thái Hòa
158. Lý Hàm Linh xem tướng độ quần mê
159. Được vàng báu, tướng cũng theo phước đổi
160. Lương Hưng Lang ngàn lượng xem ẩn thi
161. Dạo Tây Hồ, ác bá gặp yêu tinh
162. Tôn Đạo Toàn hét đuổi yêu hòa thượng
163. Liêu Đình Quí ỷ thế hiếp người nghèo
164. Vì bạn hữu giận tìm Ma diện hổ
165. Tôn Thái Lai nén giận mời tri kỷ
166. Ngưu Cái cùng đường đi mãi võ
167. Thiết thiên vương cảm nghĩa tình Ngưu Cái
168. Thấy người đẹp, ác nhân định diệu kế
169. Vương Thắng Tiên thấy sắc động lòng tà
170. Trúng gian kế, lầm vào Hợp Hoan lầu
171. Gặp bạn cũ dò được tin xác thực
172. Lầu Hợp Hoan, chị em đều bị khổn
173. Cải hình dung ngầm cứu người trinh tiết
174. Trước Hình đình, pháp thuật kinh gian đảng
175. Với Lương Tâm, giữa công đường tha hảo hán
176. Lục Hình đình ra lệnh bắt cường tặc
177. Phật gia điểm hóa cứu anh hùng
178. Núi Thúy Vân, anh hùng làm thảo khấu
179. Mai Thành Ngọc nguy khốn gặp anh họ
180. Cưới người đẹp chó trắng náo động phòng
181. Túy Thiền sư đề chữ Trung Hiền Tử
182. Ngô Thị bị hại, lệnh truyền bắt giặc
183. Nhân kì án, Tế Công mời thần
184. Vương Tam Hổ tiết lộ viện Đại Bi
185. Giải cường đạo đồng đến phủ
186. Gặp tặc đảng, nghe kể Từ Vân quán
187. Lục Diệu Thông có lòng cứu hảo hán
188. Tứ hùng vâng lệnh thám Trường giang
189. Thiệu Hoa Phong thăng điện tra hào kiệt
190. Ngộ Thiền tăng thi pháp cứu tứ hùng
191. Lỗ Tu Chơn mạo hiểm vào Từ Vân
192. Hoàng Thiên Hóa hành thích bị bắt
193. Lôi, Trần ra sức giết thủy khấu
194. Binh thụt ống dương oai phá yêu thuật
195. Tế Công mang binh vây Từ Vân quán
196. Ngũ Lý Bia, Lôi Trần gâp yêu đạo
197. Triệu gia trang, anh hùng thấy việc lạ
198. Đái gia bảo, yêu ma tác quái
199. Thủ pháp bửu lầm thâu đạo đồng
200. Các yêu đạo xúm đốt chùa Linh Ẩn
201. Mã Diêu Hùng tức giận giết Cao Trân
202. Chém đại đạo, Tế Thiền sư hộ quyết
203. Núi Lục Dương, Tế Công đấu Pháp Hồng
204. Hiển thần thông rượt đuổi Thiệu Hoa Phong
205. Thâu Ngộ Duyên phái bắt Thiệu Hoa Phong
206. Các yêu đạo tụ hội Tàng Trân Ổ
207. Phi thiên quỷ lạc vào núi Vạn Hoa
208. Nhớ cố hương, chồng vợ tỏ khúc nôi
209. Bảo Hàn Kỳ mở thả Ngộ Duyên tăng
210. Lò bát quái, phép thuật luyện Hàn Kỳ
211. Bì Chữ Xương giúp nghịch tử hành hung
212. Nghe tin dữ Lôi Trần tìm ác bá
213. Nhớ cừu xưa, tên giặc hại Lôi Trần
214. Tế Thiền sư, Đơn Dương cứu Lôi, Minh
215. Bắt yêu quái, pháp bảo thành kỳ công
216. Bắt Pháp Lôi mới rõ việc từ trước
217. Gặp Vương đạo, Tế Công thi trắc ẩn
218. Thiệu Hoa Phong trốn về Vạn Hoa Sơn
219. Phan Đào Lãnh đấu phép Lục đấu phép Lục đầu tăng
220. Ngộ Thiền đại náo Vạn Hoa Sơn
221. Thẩm Diệu Lượng trí cưú Ngộ Thiền
222. Chùa Kim Sơn, Vĩnh Thọ thi diệu pháp
223. Kim công tử tâm mê yêu phụ đẹp
224. Về Linh Ẩn thầy trò gặp mặt
225. Biện khúc nôi, Trung Lương động trắc ẩn
226. Nhân dò án đêm vào chùa Tàng Trân
227. Nguyệt Minh, Nguyệt Lãng thi yêu pháp
228. Viện Câu Lan, vào cợt đùa bắt giặc
229. Thỉnh Thánh tăng bắt giặc chùa Tàng trân
230. Nguyên Không tăng công viên về cõi tịnh
231. Nói đăng mê cợt đùa Tông Ấn
232. Hai tên giặc giết lầm Trịnh Hổ
233. Khâm ban nghạch, xuống chiếu chỉ gia phong
234. Nhân giảng hòa, tiên ông đấu Bát ma
235. Quần ma giận bầy Kim quang trận
236. Thần đồng tử thân gặp ma hỏa kiếp
237. Thâu Bát ma phù chú niêm cửa động
238. Hoa thái tuế ham vui bị ác báo
239. Nhân cứu tiểu thơ, bị giặc bắt
240. Lôi, Trần vâng lệnh cứu người hiền


 

Dịch giả: Đồ Khùng


Lời nhà xuất bản

Tế Điên Hòa thượng là tác phẩm văn học dân gian Trung Quốc, kể lại sự tích một vị Thiền sư thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống (khoảng 1150 - 1209) tại vùng Chiết Giang, Trung Quốc.

Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt, người đời gọi ông là "Tế Điên", nhưng ông lại là người rất "tỉnh", từ bi và ưa giúp đời.

Chuyện về cuộc đời của Hòa thượng Tế Điên được dân chúng tô đắp thêm nhiều điều kỳ bí, sau được sưu tập, gọt giũa thành tác phẩm văn học "Tế Công Hoạt Phật" hay còn gọi là "Tế Điên Hòa thượng". Tác phẩm nguyên bản tiếng Hán đã được dịch giả dịch sang tiếng Việt và đăng tải trên tuần báo Giác Ngộ từ số 24 ra ngày 15-12-1991 đến số 137 ra ngày 14-11-1998, với bút danh "Đồ Khùng".

Theo yêu cầu của báo Giác Ngộ và bạn đọc, Nhà Xuất bảnTôn giáo cho in lại tác phẩm "Tế Điên Hòa thượng". thành bộ gồm 4 tập để bạn đọc tiện theo dõi.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được những ý kiến đóng góp về bộ sách này.


Nhà Xuất bản Tôn Giáo


Tế Điên, Ông Là Ai?

Trong Phật Quang đại từ điển, trang 5661, ghi sơ lược như sau:

Đạo Tế (1150- 1209)

Ông là Thiền sư Trung Quốc thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống, người Lâm hải (Chiết Giang), họ Lý, tên Tâm Viễn, tự Hồ Ẩn, hiệu Phương Viên Tẩu.

Năm 18 tuổi, ông xuất gia ở chùa Linh Ẩn và lần lượt tham học với các vị: Pháp Không Nhất Bản ở chùa Quán Âm. Sau sư vào núi Hổ Khâu làm môn hạ ngài Hạt Đường Huệ Viễn và nối dòng pháp này. Sư lại đến ở chùa Tịnh Từ, chùa này bị thiêu hủy vì hỏa tai, Sư đi hành hóa ở Lăng Nghiêm trùng tu lại. Cư dân ở vùng Tần Hồ ăn ốc thường chặt đuôi ốc để ăn. Sư xin những con ốc này thả lại trong nước, ốc phần lớn sống lại mà không có đuôi. Bình sanh, tánh tình sư cuồng phóng, thích rượu thịt, nên người đời gọi sư là Tế Điên.

Năm 1209, Sư thị tịch, thọ 60 tuổi, nhục thân của sư nhập vào tháp tại Hổ Bào. Tiểu sử của Ngài tóm tắt là thế. Tuy nhiên ta cũng thấy ở Ngài một vài điểm đặc biệt: tánh tình cuồng phóng, thích rượu thịt, có những hành động không giống ai nên có hỗn danh là Tế Điên.

Tuy "Điên" nhưng không phải là Điên quậy phá làm người kinh sợ, mà là đem lại cho kẻ ác một số báo ứng kinh sợ khiến phải chừa và người thiện sự vui mừng thích thú. Việc hiển lộng thần thông cứu sống một số lớn ốc bị chặt đuôi biểu hiện lòng từ bi vô lượng với chúng sanh của Ngài là một bằng chứng cụ thể. Cuộc sống lạ lẫm có nhiều cống hiến "Đem lợi ích cho đời" của Ngài, dưới con mắt của người bình dân, trở thành một bậc siêu nhân. Siêu nhân đối với họ là một nhân vật bất tử đủ mọi quyền phép và tài năng làm được bất cứ việc gì mà vị ấy cần làm. Từ đó, họ tô đắp vào cuộc đời Tế Điên biết bao nhiêu hành tung kỳ bí với mục đích cứu người giúp đời. Một truyền mười, mười truyền trăm, khắp nơi kẻ chợ cũng như ngõ hẻm xóm làng, qua lời kể chuyện của người bán hàng và qua bao nhiêu sự chắt lọc thêm bớt theo trí tưởng tượng của từng nhóm người. Lâu dần, Tế Điên Hòa thượng hay Tế Công Hoạt Phật trở thành câu chuyện dân gian được lưu truyền qua cửa miệng mọi người.

Các văn sĩ, sưu tập sửa đổi lại, gọt đẽo thành tập truyện nhan đề là "Tế Công Hoạt Phật" - nhưng vẫn xếp vào loại văn học dân gian, với hình bìa: ông Hòa thượng đội mũ lệch, mắt láo liên, tay cầm chiếc quạt rách. Tác phẩm gồm hai phần: phần chánh truyện 240 hồi và phần tục biên 40 hồi.

Đọc truyện Tế Điên, ta thấy thấp thoáng bóng hình đi mây về gió của Tây Du, đậm nét hơn là tính tình hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổn phò nguy của anh hùng Lương Sơn Bạc. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Tế Điên sống vào thời nhà Tống với biết bao rối ren phát xuất từ lòng tham, hết cướp cạn đến cướp ngày, gây cho dân chúng khổ đau không ít. Trước nỗi khổ đau hằng gánh chịu, gặp được bậc siêu nhân luôn tế khổ phò nguy, qua đó gởi gắm những ước mơ của mình, dù là kể lại hay nghe kể, cũng giải tỏa chút nào phiền muộn, quên đi những thực tại trước mắt, âu cũng là một điều thống khoái. Vì thế, ta không lạ gì chuyện Tế Điên với chiếc quạt rách đã gần gũi và phổ biến trong mọi giới quần chúng.

Tuy nhhiên, đây là quần chúng viết để quần chúng đọc, và vì người viết không thông hiểu Phật lý, cho nên ta không thể bắt buộc tác phẩm phải thể hiện đúng theo tinh thần Phật giáo thuần túy. Quan niệm "Giết người ác là một việc làm tốt" không phải xuất phát từ lòng từ bị Đạo Phật chỉ có hóa giải chớ không có đối nghịch. Nhưng nhìn chung, tác phẩm cũng đem lại lợi ích "Tránh ác, làm lành" một cách xấu xa trong lòng dân chúng, được coi như là một thành tựu đáng kích lệ. Vui mà nghe, nghe mà nhớ, nhớ để làm điều tốt. Bấy nhiêu đó được thành tựu cũng là đạt yêu cầu rồi.

Truyện Tế Điên mấy năm gần đây đã dựng thành phim nhiều tập. Phim ảnh tuy sống động nhờ những động tác diễn đạt, mặc dù có thêm phần hư cấu sáng tạo nhưng lại không diễn hết nhhững tình tế nhị mà lời văn thể hiện. Để bổ túc những cái chưa đủ đó, dịch giả cố gắng khắc phục bệnh lười của mình, gắng dịch cho xong, để gọi là "Mua vui cũng được vài tí ti", nhằm cung ứng cho người đọc thưởng thức thêm những điều mà phim ảnh đã lược bớt.

Tiếc rằng cái biết của mình chỉ là khung trời nhỏ hẹp của đáy giếng, không thể chuyển tải trọn vẹn ý tứ cũng như cái hay của ngôn từ được. Những chỗ sai sót được quý vị thức giả phủ chính cho lần tái bản sau là một điều "Xin chắp tay vạn tạ".


Báo Giác Ngộ


Hồi 1

Tiết Đại sứ lạy Phật xin con
Chân La Hán đầu thai cứu thế

Năm nhà Tống dời đô về đất Lâm An ở phía Nam, nhằm niên hiệu Kiến Viêm năm thứ tư, Cao Tông hoàng đế cải hiệu là Thiệu Hưng năm thứ nhất.

Thuở đó có một vị Kinh doanh Tiết đạt sứ tên là Lý Mậu Xuân, người Chiết Giang, vợ là Ứng thị rất hiền thục. Lý tướng quân vì tính nết hiền hòa, giữ quân lệnh không nghiêm nên bị bãi chức về làng. Trở về quên cũ sống đời nhàn nhã, Lý tướng quân càng ưa làm việc phước thiện, bắc cầu đắp lộ, giúp đỡ kẻ khốn cùng: mùa Đông cho áo, mùa hè thuốc men. Người trong phố chợ đều ca ngợi là Lý thiện nhơn.Tuy nhiên cũng có người xầm xì: "Tiếng là Lý thiện nhơn nhưng chưa chắc là thiện nhơn đâu. Nếu quả là thiện nhơn sao lại không con nối dõi?"

Lời nói đó thấu tai Lý tướng quân làm ông dàu dàu kém vui. Lý phu nhân thấy thế liền hỏi nguyên nhân:

- Phu quân sao hôm nay mặt mày kém tươi thế?

Lý tướng nói:

Ta vừa đi ra ngoài phố, người người đều gọi ta là Lý thiện nhơn cả, duy có kẻ xầm xì ta là kẻ giả nhân giả nghĩa để che giấu những điều xấu xa khuất lấp. Họ lại nói ta làm lành không phải do thật lòng; nếu thật lòng sao lại không con. Ta nghĩ nếu hoàng thiên có mắt, thần Phật hiển linh, đáng lẽ cho chúng ta một đứa con mới phải.

Phu nhân nói:

- Thưa phu quân, phận thiếp hiếm hoi, trời bắt tội không có con để phu quân có người nối dõi, đó là lỗi của thiếp, xin phu quân hãy nạp thêm nàng hầu họa may có được đứa con để ẵm bồng.

Lý tướng quân nói:

- Phu nhân nói thế sai rồi, ta đâu có thể làm việc bậy bạ như thế. Hơn nữa, phu nhân tuổi chưa đầy bốn mươi, còn có thể sanh nuôi con cái, chưa đến nỗi tuyệt vọng. Chúng ta nên tắm gội sạch sẽ, trai giới ba ngày rồi cùng lên chùa Quốc Thanh ở phía Bắc núi Thiên Thai lễ Phật cầu con, biết đâu Trời Phật chẳng phụ lòng ta mà nhỏ phước ban cho một đứa bé để ẵm bồng.

Phu nhân nói: Ý kiến đó rất hay.

Sau khi chọn ngày lành tháng tốt, Lý tướng quân cưỡi ngựa, phu nhân ngồi kiệu cùng đám gia nhân nhắm hướng núi Thiên Thai tiến phát. Từ chân núi nhìn lên: Núi cao sừng sững, đá núi chập chồng, cỏ cây rậm rạp. Lưng chừng đồi, chùa Quốc Thanh cổ kính vươn mình bên tàng lá rậm. Đàng sau cổng chùa uy nghiêm, hai lầu trống chuông cao vút. Sau năm tầng đại điện là trai đường, khách xá, kinh đường, giới đường và 25 gian Tàng kinh các.

Lý viên ngoại vừa xuống ngựa, bên trong mấy Tăngnhân ra tiếp rước đưa vào nhà khách đãi trà. Đương kim phương trượng là Tánh Không trưởng lão nghe tin Lý viên ngoại đến chùa dâng hương cũng ra tiếp kiến và cho vị Tri khách đưa đi các điện dâng hương. Trước hết, viên ngoại đến Đại hùng bửu điện lễ hương khấn vái:

- Cầu xin đức Phật phù hộ, ban cho đệ tử một đứa con, đệ tử nguyện trùng tu ngôi cổ sát, thếp lại kim thân để cúng dường Tam bảo.

Khấn xong lại lần lượt đến các điện khác. Khi đến điện La Hán thứ tư, bỗng nhiên thần tượng từ liên đài ngã xuống đất.

Tánh Không trưởng lão chắp tay niệm Phật:

- Lành thay, lành thay! Bần đạo xin mừng viên ngoại được sinh quý tử, chẳng bao lâu sẽ có tin mừng.

Ngày tháng như thoi đưa, Đông qua Hạ tới, chẳng mấy chốc phu nhân đến kỳ nở nhụy khai hoa. đến khi sanh nở, hào quang sáng rực khắp phòng, hương thơm tỏa ra sực nức. Thấy lạ ai nấy đều lấy làm vui mừng. Có một điều kỳ quái làm viên ngoại lo âu không xiết. Số là đứa bé sau phút chào đời cứ khóc mãi không thôi. Đến ngày thứ ba, đang lúc bè bạn hàng xóm đến chúc mừng có gia nhân vào báo tin:

Phượng trượng ở chùa Quốc Thanh là Tánh Không trưởng lão đích thân đưa một phần trọng lễ đến chúc mừng.

Viên ngoại vội vã ra cửa nghinh đón và mời vào khách sảnh.

Tánh Không trưởng lão nói:

- Bần đạo xin chúc mừng viên ngoại, chẳng hay lệnh công tử vẫn được an khang?

Viên ngoại nói:

- Đa tạ đại sư có lòng chiếu cố. Tệ nhi từ khi lọt lòng cứ khóc mãi, đến hôm nay cũng vẫn chưa nín. Đệ tử đang lo lắng về việc này. Xin đại sư có phương cách gì chữa trị hộ cho cháu.

Tánh Không trưởng lão bảo:

- Được, được! Viên ngoại sai người bồng công tử ra cho bần đạo xem thử mới biết rõ nguyên cớ.

Viên ngoại nói:

- Tệ nhi mới sinh có mấy ngày còn mềm mại, bồng ra quá sớm sợ e không tiện.

Tánh Không Trưởng lão nói:

- Không hề chi, viên ngoại chỉ cần lấy khăn mềm bọc kín công tử lại tất khỏi sợ nắng gió phạm nhằm.

Viên ngoại nghe có lý, vội sai người bồng đứa bé ra cho mọi người xem. Thằng bé mặt mũi khôi ngô, phẩm chất thanh kỳ, khóc mãi không dứt. Thấy Tánh Không trưởng lão, đứa bé lập tức nín khóc và toét miệng cười.

Lão Hòa thượng lấy tay vỗ vỗ trên đầu đứa bé, nói:

"Thôi thôi chớ có vội cười

Lai lịch nhà ngươi ta biết hết

Chúng ta giao ước cùng trao đổi

Bớt được tựa nương ở thế gian".

Đứa bé nín khóc hẳn.

Tánh Không trưởng lão nói:

- Này viên ngoại, lệnh công tử có túc duyên với bần đạo, thôi để bần đạo thu nhận làm đệ tử ký danh và đặt tên là Lý Tu Duyên nhé.

Viên ngoại tỏ lòng cảm tạ, cho bồng đứa bé vào trong nhà và mời Hòa thượng dùng cơm chaỵ Thọ trai xong, Hòa thượng kiếu từ trở về, các thân hữu cũng nói lời từ biệt. Viên ngoại thuê một người vú khoẻ mạnh chăm nuôi săn sóc công tử. Ngày tháng qua nhanh, thoáng chốc Lý Tu Duyên đã được 7 tuổi, suốt ngày biếng nói biếng cười, không thích chơi đùa với bọn trẻ cùng trang lứa ở hàng xóm. Đến tuổi đi học, viên ngoại mời một Tú tài già tên là Đỗ Quân

Anh đến nhà kèm dạy. Ngoài ra, Lý Tu Duyên lại có hai bạn đồng song: Một là Hàn Văn Mỹ, 9 tuổi, con quan Võ Hiếu liêm Hàn Thành; và một là Vương Toàn, 8 tuổi, con quan Binh bộ Tư mã Vương An Sỹ, cháu ruột của Lý phu nhân. Ba anh em cùng chung học tập rất là vui vẻ. Riêng Lý Tu Duyên tuy nhỏ tuổi nhưng rất thông minh, học một biết mười, hễ qua mắt không quên. Đỗ lão sư cho là kỳ tài, thường khoe với mọi người:

- Thằng bé này về sau sẽ nổi danh trong thiên hạ.

Đến 14 tuổi, Lý Tu Duyên làu thông cả Tứ thư, Ngũ kinh, và các sách của Bách gia chư tử, hàng ngày cùng hai bạn Vương và Hàn thường ở thư phòng xướng họa thi thơ, khẩu khí rất là cao đẹp.

Năm đó Lý Tu Duyên sắp sửa vào trường luyện thi lấy bằng Văn Đồng, không may Lý viên ngoại ngã bệnh nặng, mỗi lúc thêm nguy kịch. Viên ngoại cho mời người em vợ là Vương An Sỹ đến bên giường trăn trối:

- Hiền đệ Ơi, ta không thể sống nổi được ở đời, từ nay xin hiền đệ thay ta săn sóc cho chị và cháu bé dại khờ. Lý Tu Duyên hãy còn nhỏ dại, hiền đệ đừng để cho nó ham chơi bỏ học. Về việc hôn nhân của cháu, ta cũng đính ước với con gái nhà Lưu Thiên Hộ đã xong. Sau khi ta mất rồi, nhà cửa không người coi ngó, việc nên hư cũng xin hiền đệ lưu ý quản nhiệm cho.

Vương An Sỹ nói:

- Xin anh cứ an lòng dưỡng bệnh, khỏi phải bận tâm, tôi xin hết sức giúp đỡ mọi việc.

Viên ngoại lại dặn Lý phu nhân rằng:

Hiền thê ơi, ta nay đã 55 tuổi, kể cũng là thọ rồi. Sau khi ta chết, hiền thê hãy cố gắng nuôi con, dạy dỗ cho nó nên người. Có như thế, ta mới yên lòng nơi chín suối.

Viên ngoại dặn Lý Tu Duyên mấy câu nữa rồi nhắm mắt đi xuôi.

Lý viên ngoại mất rồi, cả nhà khóc lóc vang đầy. Nhờ có Vương viên ngoại giúp đỡ, việc ma chay thập phần viên mãn. Lý Tu Duyên cư tang nên không đến trường khảo thí, Vương Toàn và Hàn Văn Mỹ đều thi đỗ tú tài.

Vợ chồng Vương viên ngoại có một tòa nhà tên là Vấn Tâm lầu, tất cả các việc làm trong năm đều nghi trên tấm trướng. Cuối năm theo đó, viết một bảng biểu chương tấu cáo đất trời, không một điều chi giấu giếm.

Lý Tu Duyên rất ham học đạo, mỗi khi gặp được quyển kinh nào ưa thích nghiền ngẫm không rời.

Hai năm sau, Lý phu nhân cũng qua đời, Lý Tu Duyên càng thích xem kinh sách hơn nữa. Đến 18 tuổi, cư tang báo hiếu đã xong, Lý Tu Duyên nhìn thấy cõi hồng trần mộng ảo, quyết chí xuất gia đầu Phật. Mọi việc trong nhà đều nhờ Vương viên ngoại coi sóc giùm. Đến trước phần mộ song thân đốt hương khấn nguyện xong, Lý Tu Duyên lẻn ra đi, để lại một phong thư nhỏ. Vương viên ngoại đã hai ngày không thấy cháu trở về, sai người đi dọ hỏi các chỗ cũng không thấy tăm hơi. . ., bèn mở thư ra xem. Trên thư chỉ để lại mấy chữ vắn tắt:

"Tu Duyên đã đi,

Đừng tìm làm chi,

Sau này gặp lại,

Sẽ rõ sự nghì".

Vương viên ngoại biết cháu mình ưa đọc sách Tiên Phật, bèn cho người đi tìm kiếm ở các chùa miếu lân cận, cũng không được dấu vết gì. Lại viết bản báo cáo dán khắp nơi:

Ai đưa Lý Tu Duyên về nhà sẽ được thưởng 100 lượng bạc.

Ai đưa tin chắc chắn Tu Duyên ở đâu sẽ hậu tạ 50 lượng bạc.

Liên tiếp ba tháng trời tìm kiếm, tin tức vắng không, những tấm bố cáo ố màu rơi lả tả.

Về phần Lý Tu Duyên, sau khi bỏ nhà ra đi, vui chân đi mãi, du sơn ngoạn cảnh tìm chưa được chỗ nào xứng ý xuất gia. Đến Hàng Châu, tiền bạc mang theo hết sạch, Lý Tu Duyên đến một ngôi chùa xin xuất gia nhưng không được nhận, chàng bèn đến chùa Linh Ẩn trên ngọn Phi Lai nơi Tây Hồ ra mắt lão phương trượng xin xuất gia. Hòa thượng lão phương trượng chính là kế vị đời thứ 9 bổn tự tên là Nguyên Không trưởng lão, hiện là Viên Hạc Đường, khi thấy Lý Tu Duyên liền biết chàng là kim thân La Hán đầu thai vâng lệnh Đức Phật giáng thế độ đời.

Thấy chàng còn mơ hồ chưa tỉnh, Hòa thượng bèn dùng tay vỗ huyệt thiên môn của chàng ba cái. Bao nhiêu căn nguyên nguồi cội sau ba cái vỗ tức hồi phục hồi như cũ. Lý Tu Duyên sụp xuống lễ Nguyên Không trưởng lão cầu xin xuất gia và được đặt pháp hiệu là Đạo Tế. Đạo tế tọa thiền có vẻ điên điên lại có vẻ ba trợn, đạo chúng trong chùa bảo nhau kêu ông ta là Hòa thượng điên (Điên hòa thượng), lại có người gọi ông ta là ông thầy ba trợn (Phung Hòa thượng), thêm đi bớt lại rút cục thành Tế Điên tăng. Thực ra ông ta vốn là người vâng lệnh Phật Tổ xuống độ đời, mượn việc cứu khốn phò nguy để khuyến hóa chúng sanh qui về Phật pháp. Trong chùa, bất cứ ông tăng nào hễ có tiền dư đều bị trộm lấy, có y phục đẹp đẽ cũng bị đánh cắp chuồn vào tiệm cầm đồ để đổi làm đồ nhắm cho Đạo Tế cả. Rượu là món ông ta ưa thích nhất. Có người nói:

- Hễ làm Hòa thượng lẽ ra phải ăn chay, cớ sao ông lại rượu thịt tối ngày như thế?

Đạo Tế nói:

Cổ thi Phật Tổ để một phong,

Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,

Người nay tu miệng, lòng không sửa.

Bần tăng lòng sửa, miệng thì không.

Việc rượu thịt suốt ngày của Đạo Tế làm cho vị Giám tự là Quảng Lượng bất bình không ít. Địa vị của vị Giám tự chỉ dưới vị Phương trượng chủ trì một bậc mà thôi. Tế Điên bất chấp điều đó. Một hôm, Quảng Lượng vừa sắm một bộ tăng bào mới trị giá 40 quan, Tế Điên chụp lấy đem cầm nhậu rượu rồi đem giấy cầm đồ dán ở cổng chùa. Vị Giám tự thấy áo không cánh mà bay vội vã cho người tìm kiếm khắp nơi, mới biết áo mình nằm gọn trong tiệm cầm đồ và giấy cầm hiện dán trước cửa. Lạ một điều là gỡ mãi chẳng ra, không biết làm sao, Quảng Lượng đành hạ cổng gỡ xuống và cho bốn người khiêng đến tiệm chuộc áo.

Chuộc áo áo xong, Quảng Lượng trở về bạch cùng Phương trượng:

- Bạch Thầy, Đạo Tế ở chùa cứ giở chứng điên khùng không giữ thanh quỵ Bao nhiêu áo quần, tiền bạc của Tăng chúng để hở ra đều bị Ông ấy chộp lấy, xin Thầy y chiếu thanh quy mà sửa trị để răn chúng.

Nguyên Không trưởng lão nói:

- Không thấy Đạo Tế lấy trộm, làm sao xử trị Ông ấy được. Các ông từ nay cứ ngầm theo dõi, nếu bắt được quả tang ông ấy lấy trộm, cứ đưa đến ta xử trị.

Quảng Lượng liền phái hai người đệ tử luôn theo dõi Tế Điên. Về phần Tế Điên cứ ung dung gối đầu nằm ngủ ở góc đại điện. Hai chú tiểu tăng tên là Chí Thanh và Chí Minh hàng ngày để ý rình rập. Ngày kia, chợt thấy Tế Điên ló đầu ra nhìn bốn phía, lại đến mỗi bàn dừng lại một lúc rồi lại đến một bàn khác lén lén lút lút có vẻ khả nghị Sau cùng rón rén đi ra, trước bụng gồ lên một cục, nhắm hướng chợ đi tới. Chí Thanh Chí Minh từ trong nhà lật đật kêu lớn:

- Này Tế Điên! Ông trộm cái gì đó, phen này hết đường chạy tội nhé!

Mỗi người một tay giữ Tế Điên lại, đưa thẳng vào Phương trượng.

Trong lúc đó, Giám tự vào trước bạch với Phương trượng rằng:

- Bạch thầy, Đạo Tế ở trong chùa chúng ta không giữ thanh quy, lấy trộm đồ vật của chùa, xin thầy cứ y chiếu thanh quy mà trị tội ông ấy.

Nguyên Không trưởng lão nghe nói thế, than thở: "Đạo Tế ơi, đạo Tế! Ông lấy trộm đồ vật của chùa làm chi cho chúng bắt được. Ta dù có ý che chở cho ông cũng không biết nói thế nào cho phải". Bèn bảo mọi người:

- Thôi, hãy đưa ông ấy vào đây.

Tế Điên đến trước phòng Phương trượng, nói:

- Con xin vấn an lão phương trượng.

Nguyên Không trưởng lão nghiêm sắt hỏi: - Đạo Tế không giữ thanh quy, lấy trộm đồ vật của chùa mắc phải tội gì?

Quảng Lượng vội thưa:

- Chiếu thanh quy, người mắc tội ấy bị thâu hủy y bát giới điệp, đuổi ra khỏi chùa không được làm Tăng nữa.

Phương trượng nói:

- Ta sẽ phạt nặng ông ấy mới được.

Đoạn quay qua Tế Điên, Phương trượng nói:

- Này Đạo Tế! Hãy trình vật ấy ra đây!

Tế Điên nói:

- Bạch sư phụ, các huynh đệ thật là khi dể và ăn hiếp con quá. Con ngũ ở chánh điện, thức dậy dọn quét, nhân tìm đồ đựng rác không ra, con mới túm trước bụng để đem bỏ. Các huynh đệ không tin, cứ lại đây xem.

Tế Điên nói rồi, lấy tay gỡ nút vạt áo ra, đất cát rơi xuống lả tả. Lão phương trượng cả giận, nói:

- Hay cho Quảng Lượng, ông dám vu khống cho người hiền là kẻ trộm. Tội đó phải phạt đòn mới được.

Chúng tăng sợ xanh cả mặt, không khỏi bàn tán xôn xao. Bỏ mặc tiếng ồn ào, Tế Diên nhắm hướng Tây Hồ đi tới. Thấy bên gốc cây có người thắt thòng lọng sắp treo mình, Tế Điên lật đật đến cứu người đó.

Thật là:

Người ngay mắc mạn gặp Thánh Tăng,

Thất lạc cha con hợp một nhà.
https://vietmessenger.com/books/?title=teconghoatphattedienhoathuong

No comments:

Post a Comment