Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông
Việt Nam phản đối và bác bỏ lệnh đánh bắt cá mà Trung Quốc ban hành ở
Biển Đông, nói rằng quyết định này xâm phạm chủ quyền đối và các lợi
ích pháp lí khác của Việt Nam trong vùng biển mà hai nước có tranh chấp.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc loan báo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá bắt
đầu từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc
trở lên, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Theo lệnh cấm này, các tàu
đánh cá trong và ngoài nước sẽ bị lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc
giám sát 24/24 về mọi hành vi vi phạm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày thứ Bảy tái khẳng định Việt Nam “có đầy
đủ cơ sở pháp lí và bằng chứng lịch sử” cho các tuyên bố chủ quyền của
mình ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát quần đảo Hoàng
Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
“Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của
phía Trung Quốc,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói
trong một thông cáo đăng trên website của bộ.
“Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng
Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lí của Việt Nam trên các vùng biển
của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp
quốc về Luật Biển năm 1982.”
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần và lời văn
của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc
(DOC) và trái với thỏa thuận chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa
hai nước, theo lời bà.
Người phát ngôn nói thêm các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh
vật cần được tiến hành “phù hợp với các quy định của Công ước của Liên
hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ
quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.”
Hàng năm từ năm 1999 đến nay Trung Quốc đều đơn phương ban hành lệnh
cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Trong khi đó Trung Quốc cũng đang tăng
cường các hoạt động bồi đắp và cải tạo các đảo mà họ chiếm đóng cũng như
xây cất các cơ sở quân sự, khơi lên lo ngại của các nước láng giềng
trong khu vực.
No comments:
Post a Comment