Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 14 August 2019

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của TQ trở lại, Việt Nam phải làm gì?

  • 34 phút trước
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Tàu Hải Dương 8 đã quay lại Bãi Tư Chính hôm 13/8
    Sau vài ngày cập bến Đá Chữ Thập (Fierry Cross) và Đá Subi để lấy nhiên liệu và thay thủy thủ đoàn, hôm 13/8 tin tức nói tàu Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hải cảnh bảo vệ của Trung Quốc đã trở lại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
    Tàu này đã có hơn một tháng hoạt động thăm dò địa chất thềm lục địa khu vực trầm tích Tư Chính trong suốt tháng Bảy.
    Tàu Hải Dương Địa Chất 8 trở lại phải chăng sẽ tiếp tục thăm dò địa chất khu vực Bãi Tư Chính, hay mở rộng ra trên toàn bộ khu vực EEZ của VN? Mục đích có phải là xác định vị trí cùng trữ lượng những túi dầu khí hay Trung Quốc còn có ý đồ khác, như vẽ địa đồ thềm lục địa Việt Nam phục vụ cho quân sự?
    Câu hỏi khó là nhà nước Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với hành vi quấy nhiễu, thách thức quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của quốc gia mình.

    Mục đích của Trung Quốc

    Trên diễn đàn BBC trước đây hai tuần, tôi có bài viết nêu giả thuyết là ông Tập Cận Bình muốn chứng minh cho phe chống đối thấy sự hữu dụng của những đảo nhân tạo trong công cuộc bành trướng lãnh thổ và bảo vệ an ninh năng lượng.
    Đã có những tiếng nói chỉ trích rằng giới khoa học gia Trung Quốc trước khi xây dựng các đảo đã không nghiên cứu kỹ về sự tàn phá của ánh nắng mặt trời (tia tử ngoại) đối với cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng nước biển làm rỉ sét nhanh chóng khí tài kim loại hiện tồn trữ ở các đảo. Việc bảo trì hàng năm rất tốn kém, trong khi hiệu quả của các đảo nhân tạo chưa được chứng minh.
    Giả thuyết này đến nay cho thấy có phản ảnh được phần nào sự thật. Nhưng quyết tâm của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông đã là một thực tế.
    Ta sẽ thấy rằng từ nay Trung Quốc thường xuyên đưa tàu bè quấy nhiễu hải phận EEZ và thềm lục địa các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia… với ba mục đích:
    1/ Các đảo nhân tạo có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo đảm nguồn năng lượng thay thế nếu an ninh năng lượng Trung Quốc bị đe dọa (như trường hợp các eo biển chiến lược Malacca, Hormuz… bị nghẽn). Với việc cùng lúc đưa hàng loạt tàu nghiên cứu địa chất xuất phát từ các đảo nhân tạo tới vùng biển EEZ của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc dần dần sẽ nắm rõ những dữ kiện về vị trí và trữ lượng của các túi dầu khí trong toàn bộ Biển Đông.
    2/ Các đảo nhân tạo có vai trò trung tâm trong việc khẳng định các quyền "lịch sử" của Trung Quốc qua bản đồ chữ U chín đoạn.
    3/ Tiếp tục củng cố việc "quân sự hóa" các đảo nhân tạo nhằm thiết lập khu vực ADIZ (vùng nhận diện phòng không). Việc này thể hiện qua các việc tập trận bằng đạn thật, phối hợp pháo binh trên bờ và pháo binh trên các đảo, cùng với với lực lượng hải quân và không quân. Mục đích "chống hạm" và "chống tiếp cận" sao cho vùng không gian trên Biển Đông "bất khả xâm phạm". Các đảo nhân tạo là những điểm "cơ bản" từ đó tính bề rộng vùng nhận diện phòng không ADIZ.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Cận cảnh thiết bị trên tàu Hải Dương 8

    Việt Nam nên có những đối sách nào trước Trung Quốc?

    Nhiều bài viết, bài phỏng vấn trên diễn đàn BBC có cùng nội dung đề nghị Việt Nam phải sử dụng biện pháp pháp lý, trong đó có việc đi kiện, để giải tỏa những áp lực đến từ Trung Quốc.
    Hiển nhiên, việc Trung Quốc thường xuyên tập trận bằng đạn thật trên Biển Đông, quân sự hóa các đảo nhân tạo và sử dụng các đảo này để làm bàn đạp cho tàu hải cảnh và tàu khảo sát địa chất quấy nhiễu các nước chung ở Biển Đông… đã và đang là mối đe dọa thường trực không chỉ cho quyền tự do hàng hải của tàu bè các nước mà còn nguy hại đến sự ổn định và nền hòa bình của khu vực.
    Đối với những hành vi của Trung Quốc liên quan tới quân sự như "quân sự hóa các đảo nhân tạo" hay "tập trận bằng đạn thật trên biển", Việt Nam khó tìm được giải pháp pháp lý phù hợp để giải quyết, bởi Trung Quốc đã giữ quyền "bảo lưu" đối với Điều 298 khoản (b) UNCLOS.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Người dân Phillippines biểu tình trước cửa đại sứ quán Trung Quốc hôm 13/8, nhân kỷ niệm ngày Tòa trọng tài của LHQ ra phán quyết về Biển Đông
    Đó là những việc thuộc phạm trù quốc tế, và có thể có giải pháp đa phương mà Việt Nam là một bên có lợi.
    Trung Quốc cho tập trận, cho phóng hỏa tiễn đất đối hạm từ đất liền và có thể từ các đảo, và nhằm chống tiếp cận nữa.
    Để đối phó, các nước thân Mỹ có thể trang bị các loại hỏa tiễn tầm trung tương tự (có tầm hoạt động từ 500km đến 5.000km).
    Việt Nam cũng có thể trang bị những thứ vũ khí này nếu điều kiện cho phép và nếu tình thế bị Trung Quốc bức hiếp thái quá.
    Đối với quyền tự do hàng hải, các nước như Pháp, Anh, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ... đều có kế hoạch riêng. Đặc biệt Hoa Kỳ, từ thời Obama với chương trình FONOP cho tàu bè đi qua Biển Đông, tất cả nhằm mục đích để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
    Việc quân sự hóa các đảo cũng là một vấn đề đa phương, vì nó đe dọa sự ổn định và nền hòa bình khu vực.
    Một giải pháp đa phương, như việc tập trận của Hoa Kỳ với các nước đồng minh (như Philippines, Úc, Hàn Quốc), hoặc với Việt Nam, trên Biển Đông, nếu có, thì Việt Nam cũng là một bên có lợi.
    Gần đây, có những tiếng nói từ các viên chức Hoa Kỳ, yêu cầu ông Tập Cận Bình giữ lời hứa với Tổng thống Obama năm 2015 về việc không "quân sự hóa các đảo".
    Trở ngại là Tổng thống Trump hiện nay có khuynh hướng loại bỏ tất cả những "di sản" của ông Obama, ngay cả khi những chương trình này "có lợi" cho nước Mỹ (như hiệp ước TPP hay hiệp ước hạn chế nguyên tử với Iran).
    Theo luật quốc tế, "tuyên bố đơn phương" từ một nguyên thủ quốc gia về một vấn đề mà trên đó thể hiện sự "tin tưởng chính đáng - confiance légitime" của đối tác, tuyên bố đó có hiệu lực ràng buộc. Nội các ông Trump có buộc ông Tập tuân thủ lời hứa hay không vẫn còn là ẩn số.
    Nhưng việc Trung Quốc cho tàu bè nghiên cứu tới làm khảo sát địa chất trên thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam, và việc các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống là thể hiện hành vi thách thức các tàu chấp pháp của Việt Nam, hiển nhiên là việc thách thức quyền tài phán của Việt Nam trên vùng EEZ của Việt Nam.
    Về pháp lý, Việt Nam có thể sử dụng các điều khoản thuộc Công ước liên quan đến Tự do Hàng hải và Hàng không để đưa Trung Quốc ra một tòa án quốc tế thích hợp (trong trường hợp Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và Việt Nam đã sử dụng hết các biện pháp khác mà không đạt kết quả).
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Người dân Phillippines biểu tình trước cửa đại sứ quán Trung Quốc hôm 13/8, nhân kỷ niệm ngày Tòa trọng tài của LHQ ra phán quyết về Biển Đông

    Việt Nam tham gia tới mức nào trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra PCA?

    Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc trước một "Hội đồng Trọng tài (HĐTT) lâm-cấp thời (ad hoc) được thiết lập theo Phụ lục VII của UNCLOS" bởi vì "Phán quyết (PCA 11-7-2016) chỉ có tính ràng buộc giữa Philippines và Trung Quốc. Nếu Việt Nam muốn có một phán quyết có tính ràng buộc giữa mình và Trung Quốc, Việt Nam phải kiện Trung Quốc".
    Để biết Việt Nam có bị ràng buộc đối với phán quyết ngày 11/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hay không, ta cần tìm hiểu Tòa có thẩm quyền phân xử về các việc gì và nội dung phán quyết gồm những điều gì.
    Philippines đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc ra PCA ngày 22/1/2013. Tòa được thành lập theo Phụ lục VII, phần XV, Mục 2 của UNCLOS.
    Tòa có thẩm quyền "giải thích và áp dụng công ước" (điều 286).
    Đây là một phiên tòa với "thủ tục bắt buộc", các bên trong vụ kiện không có quyền từ khước tham gia. Tòa ra "những quyết định bắt buộc", các bên trong vụ kiện không thể khiếu nại lên bất cứ tòa nào. (Đúng như tiêu đề Mục 2). Điều này áp dụng ngay cả khi một bên đơn phương đi kiện.
    Nội dung vụ kiện xoay chung quanh việc "giải thích và cách áp dụng công ước" trong phạm vi Biển Đông. Tòa đặc biệt khảo sát yêu sách "đường chữ U chín đoạn" của Trung Quốc có phù hợp với UNCLOS hay không. Tòa khảo sát "vùng nước quần đảo" cũng như tư cách pháp lý các đảo, đá, bãi chìm, bãi nổi… thuộc quần đảo Trường Sa.
    Việt Nam là quốc gia nằm bên Biển Đông, có tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Tuy không là "một bên" trong vụ kiện nhưng Việt Nam có đệ trình công hàm lên Tòa, một mặt để bảo vệ lợi ích của mình, mặt khác công nhận "thẩm quyền" của Tòa đối với các khiếu nại của Philippines. Việt Nam còn đề nghị Tòa bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc thể hiện theo bản đồ 9 đoạn đường chữ U.
    Trung Quốc từ đầu đã tuyên bố không tham gia, không thừa nhận thẩm quyền của tòa, và cũng không thi hành phán quyết. Tổng thống Philippines Duterte thì không yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết.

    Phán quyết PCA có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam hay không?

    Theo tôi, để làm sáng tỏ việc này Việt Nam có thể làm hai việc.
    Thứ nhất, Việt Nam hợp tác cùng Malaysia khiếu nại lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) về hồ sơ "Ranh giới thềm lục địa mở rộng" (200+150 hải lý).
    Hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia nộp văn phòng Tổng Thư ký LHQ ngày 6/5/ 2009 đã bị Trung Quốc phản bác với lý do trình bày trong công hàm ngày 7/5/2009.
    Nội dung công hàm trên của Trung Quốc gồm các việc Trung Quốc có chủ quyền các đảo Trường Sa và "vùng nước liền kề". Tất cả được "minh họa" qua bản đồ 9 đoạn hình chữ U. Đây là lần đầu tiên bản đồ này xuất hiện trước LHQ.
    Các yêu sách của Trung Quốc đã bị phán quyết PCA ngày 11/7/2016 bác bỏ. Vùng nước lịch sử theo bản đồ 9 đoạn thì không phù hợp với UNCLOS. Trong khi các đảo thuộc Trường Sa thì không có đảo nào được xem là "đảo" theo qui định tại Điều 121(3).
    Khi mà toàn bộ nội dung công hàm phản đối của Trung Quốc đã bị PCA bác bỏ thì Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa không có lý do nào để từ chối, không nhìn nhận hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia là hợp cách, đáp ứng đúng như qui định của Luật Biển 1982.
    Thứ hai,Việt Nam có thể làm thủ tục đệ đơn lên Tòa án công lý Quốc tế (ICJ) hay Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để thụ lý xem rằng phán quyết của PCA có thể áp dụng cho Việt Nam trong khu vực hải phận kinh tế độc quyền và thềm lục địa của Việt Nam hay không?
    Thông thường các phán quyết của tòa án quốc tế sau đó trở thành "thông lệ", một hình thức "luật" hay "hệ qui chiếu", để các vụ án sau này làm cơ bản.
    Phán quyết của PCA có mục đích "diễn giải luật và phương cách áp dụng luật", đặc biệt là cho Quần đảo Trường Sa và khu vực Biển Đông.
    Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra một tòa án về Luật Biển, (như Hội đồng Trọng tài theo ý kiến của bài viết trên diễn đàn BBC) thì những khiếu nại của Việt Nam không thể khác với khiếu nại của Philippines, nhất là về Đường 9 đoạn. Tòa không thể đưa ra một cách "diễn giải" khác hay một cách "áp dụng luật" khác với phán quyết PCA 11/7/2016.
    Làm được một trong hai việc này Việt Nam đã "đi tắt" tới đích dễ dàng mà không cần phải đi kiện, vừa tốn kém vừa mất thời gian.
    Bản quyền hình ảnh Google Earth/PHAM VAN SONG
    Image caption Trung Quốc khảo sát và uy hiếp bên trong EEZ 200 hải lý của Việt Nam

    Liệu Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS, khiến Việt Nam mất cơ hội khởi kiện?

    Bài viết trên diễn đàn BBC cũng có ý kiến cho rằng nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc bây giờ thì e rằng Việt Nam sẽ không còn cơ hội, bởi Trung Quốc có thể tuyên bố rút khỏi Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS 1982) để không còn bị ràng buộc bới bộ luật này nữa.
    Ý kiến này có đáng lo ngại hay không?
    Theo tôi, sau phán quyết PCA ngày 11/7/2016, đến nay Trung Quốc không rút ra khỏi UNCLOS thì ít có khả năng Trung Quốc sẽ rút trong tương lai.
    Ý kiến "Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS" nguyên thủy là của luật gia Julian Ku viết trên Opinio Juris trong một bài viết ngày 4/11/2015.
    Tác giả cho rằng Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS (để tránh những ràng buộc trong vụ kiện) nhưng vẫn gia nhập các kết ước khác của LHQ về luật biển (thông luật quốc tế - droit international coutumier). Tác giả cho rằng việc này sẽ không tốt cho Trung Quốc nhưng chắc chắn nó không giúp cho Philippines.
    Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, lợi bất cập hại.
    Cái "lợi" hiển nhiên là để tránh ràng buộc phán quyết của PCA.
    Thực tế cho thấy Trung Quốc đã làm bằng cách khác, là tuyên bố không tham gia, không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và dĩ nhiên không công nhận phán quyết của Tòa.
    Cái hại thì có rất nhiều. Rút khỏi Luật Biển 1982, Trung Quốc sẽ trở lại tuyên bố 4/9/1958 về hải phận.
    Thứ nhất, tất cả các đảo của Trung Quốc sẽ không còn hưởng vùng đặc quyène kinh tế (EEZ 200 hải lý) cũng như thềm lục địa. Qui ước "vùng đặc quyền kinh tế" và thềm lục địa chỉ đến từ UNCLOS 1982.
    Thứ hai, tất cả các đảo của Trung Quốc chỉ có hiệu lực 12 hải lý. Công hàm 14/9/1958 của Việt Nam chỉ công nhận "hải phận 12 hải lý" mà thôi.
    Điều tệ hại là Trung Quốc không được hưởng luật về "thời hiệu" đến từ UNCLOS 1982.
    Có nghĩa là trước kia, Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ và các đảo chỉ có hiệu lực 12 hải lý lãnh hải. Sau khi UNCLOS 1982 được đưa vào áp dụng, hải phận lãnh thổ và các đảo của Trung Quốc vẫn chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà thôi.
    Hiển nhiên, phía Việt Nam có lợi.
    Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc lúc đó sẽ trở thành việc áp đặt đơn phương "biển lịch sử" của Trung Quốc mà điều này án lệ 11/7/2016 đã bác bỏ.
    Trung Quốc chỉ có thể áp đặt việc này qua một cuộc chiến tranh mà phía Trung Quốc giành chiến thắng toàn diện.
    Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, nhà nghiên cứu và biên khảo hiện đang sống tại Marseille, Pháp.


    No comments:

    Post a Comment