Hành trình giải mã bộ xương 'ma cà rồng' ở Mỹ
Nông dân Mỹ ở vùng New England những năm 1800
quan niệm người chết vì lao phổi sẽ trở thành "ma cà rồng", đội mồ sống
dậy để lấy mạng họ hàng.
Bộ hài cốt được khai quật ở Connecticut tháng 11/1990. Ảnh: Washington Post.
|
Tháng 11/1990, ba cậu bé ở Griswold, bang Connecticut phát hiện ra một
nghĩa địa bỏ hoang khi đang chơi đùa. Giới chức khai quật được hài cốt
của 27 người, gồm 5 đàn ông, 8 phụ nữ và 14 trẻ em từ 28 ngôi mộ. Các
học giả xác định đây là một bãi chôn cất cũ được gọi là Nghĩa trang Gia
đình Walton.
Ngôi mộ số 4 thu hút nhiều sự chú ý nhất. "Các bộ hài cốt khác đều có vị
trí xương bình thường, ngoại trừ người này", Nicholas F. Bellantoni,
nhà khảo cổ học đã nghỉ hưu ở Connecticut, nói. Trên nắp quan tài khắc
chữ JB 55, viết tắt họ tên và tuổi thọ của người qua đời.
Dưới nắp quan tài, Bellantoni và các đồng nghiệp phát hiện sự sắp xếp
xương kỳ lạ. "Hai xương đùi của ông ấy được đặt chéo nhau ở trên ngực",
ông mô tả. "Vùng xương ngực bị rạn. Hộp sọ bị tách ra. Lúc ấy tôi rất
hoang mang, không biết mình đang nhìn thấy cái gì".
Sau khi nghiên cứu, các học giả cho rằng JB đã qua đời vào đầu những năm
1800 và bộ hài cốt đặc biệt này có liên quan đến niềm tin trong văn hóa
dân gian về ma cà rồng ở khu vực New England, đông bắc nước Mỹ, gồm
Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Connecticut và Rhode
Island.
"Dựa vào tổn thương trên xương sườn, có thể xác định JB đã bị bệnh lao
phổi", Bellantoni nói. "Có nhiều đại gia đình làm nông tại New England.
Vì họ không biết về cơ chế truyền bệnh, họ để những người bị lao phổi
ngồi ăn cùng bàn với gia đình hay để họ ngủ cùng phòng với 5 hoặc 6 anh
chị em, khiến căn bệnh trở thành dịch".
Lao phổi lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao
phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ. Bệnh nhân bị chán ăn, mệt mỏi, sút cân,
cảm thấy ớn lạnh về chiều, đổ mồ hôi trộm về đêm, đau ngực, khó thở và
ho ra máu. Vào thời đó, căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ đến nỗi nhiều
người tin rằng những người chết vì nó là "ma cà rồng" sẽ rời khỏi mộ để
đi hút máu và đoạt mạng người thân.
Người New England thời những năm 1800 tin rằng để kết liễu "ma cà rồng",
họ phải khai quật mộ của người đã khuất để "giết" một lần nữa. Bell đã
ghi nhận 80 trường hợp như vậy, chủ yếu ở các vùng hẻo lánh của New
England.
"Điều này được thực hiện vì cả niềm sợ hãi lẫn tình yêu", Bellantoni
nói. "Nhiều người thân đang chết dần và họ không có cách nào ngăn chặn
được. Họ không muốn khai quật mộ, nhưng phải làm vậy vì muốn bảo vệ
những người còn sống".
Phương pháp tốt nhất để xác định một người có phải "ma cà rồng" hay
không là kiểm tra thi hài xem liệu có còn máu sót lại trong tim hay
không. Nếu còn, người chết được coi là "ma cà rồng". Trái tim sẽ bị lấy
ra và mang đi thiêu, đôi khi các thành viên trong gia đình phải hít khói
từ quả tim bị thiêu.
Bellantoni cho rằng khoảng 4 hoặc 5 năm sau khi JB qua đời, gia đình ông
đã khai quật hài cốt để làm nghi thức giết ma cà rồng. Có lẽ vì hài cốt
không còn trái tim, người nhà JB đã xử lý bằng cách đặt hộp sọ và xương
đùi thành hình đầu lâu xương chéo.
Sau khi mộ của JB 55 được phát hiện, hài cốt của ông được gửi đến Bảo
tàng Y tế Quốc gia để nghiên cứu và một mẫu từ xương đùi được gửi đến
phòng thí nghiệm ADN để phân tích. Tuy nhiên, công nghệ của 30 năm trước
mang lại rất ít kết quả và việc nhận dạng là không thể.
Giờ đây, khi các công cụ hiện đại được sử dụng như xét nghiệm ADN và dữ
liệu phả hệ có sẵn trên Internet, các chuyên gia xác định được họ của JB
55 có thể là Barber. Họ kiểm tra nghĩa trang cũ và hồ sơ báo chí để xem
liệu có người nhà Barber nào từng sống ở Griswold hay không.
Họ phát hiện ra một cáo phó trên báo vào năm 1826 về cái chết của cậu bé
12 tuổi tên là Nathan Barber, có cha là John Barber. Các nhà nghiên của
cứu đã tìm thấy cỗ quan tài với ký hiệu NB 13 gần mộ của JB 55. Cuối
tháng trước, họ công bố báo cáo, kết luận hài cốt "ma cà rồng" là John
Barber.
"Ông ấy có lẽ là một nông dân chăm chỉ. Có thể nhìn thấy điều đó từ xương và tình trạng cột sống", Bellantoni nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post)
No comments:
Post a Comment