Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 10 August 2019


GS.TS Dương Thiệu Tống: Để lại sau lưng bao nỗi niềm


GS.TS Dương Thiệu Tống từ trần


GS.TS Dương Thiệu Tống, sinh ngày 1-11-1925, tại làng Vân Đình – Hà Đông nay là Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Khoa học xã hội TPHCM, Ủy viên Hội đồng sáng lập Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM (HUFLIT), nguyên TS Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, đã từ trần lúc 10 giờ 55 phút sáng 3-9-2008 (nhằm ngày 4-8 năm Mậu Tý), hưởng thọ 84 tuổi. Linh cữu GS.TS Dương Thiệu Tống quàn tại Nhà Tang lễ TPHCM (số 25 đường Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 4-9-2008. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 6-9-2008. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM 2, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Vẫn biết đời người là hữu hạn, song dường như chúng tôi - những người làm báo không khỏi thấy bùi ngùi trước sự ra đi của ông - thầy giáo, GS.TS Dương Thiệu Tống.
Nhớ về ông, là nhớ đến mỗi lần ngành giáo dục “dậy sóng” trước một vấn đề khó khăn nào đó, lại có tiếng nói phân tích đầy lý lẽ sắc bén của ông trên các diễn đàn thông tin. “Một nền giáo dục dân tộc không thể là sự sao chép hay vay mượn nguyên xi của một quốc gia nào khác, vì giáo dục phải phản ánh những biến chuyển trong môi trường xã hội, văn hóa của một dân tộc. Các dân tộc có lịch sử, nếp sống khác nhau tất nhiên phải có những suy tưởng, những thái độ và mong ước khác nhau”. Đó là thông điệp mà ông luôn muốn gửi tới các nhà quản lý giáo dục.
Nỗi trăn trở về một triết lý giáo dục
Ông vào nghề giáo từ tháng 10-1945 tại Trường Collège de Thanh Hóa. Rồi làm Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, Hiệu trưởng Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, một trường phổ thông thực nghiệm dạy theo phương pháp mới của miền Nam trước năm 1975.
Hơn 60 năm cống hiến trí tuệ và sức lực cho nghề giáo, cho nên triết lý về giáo dục phổ thông như đã ngấm vào máu thịt ông. Đã biết bao lần ông trăn trở trước những nỗ lực đổi mới nền giáo dục nước nhà: “Nền giáo dục của ta có nhiều vấn đề, nhưng dù có bao nhiêu cuộc hội thảo, dù có nhiều nỗ lực và tiền của bỏ ra, theo tôi nghĩ, cũng khó mà tìm ra được “giải pháp mạnh và mới” hữu hiệu, nếu quan niệm “phổ thông” của ta trong một nửa thế kỷ vừa qua không được soát xét lại để xem nó còn là “phổ thông” nữa không, có còn thích hợp không với giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay”.
Không chỉ dừng lại ở những nhận định gay gắt về nền giáo dục, mà trên hết ông cũng nhiều lần đề xuất hướng ra cho giáo dục: Sẽ không có sự phân biệt quá rạch ròi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục kỹ thuật như xưa nay. Giáo dục phổ thông sẽ mang tính chất thực tiễn và không chuyên biệt hóa, như vậy người lao động sẽ dễ thích nghi và dễ di động trước quá trình công nghệ ngày một thay đổi.
Làm thế nào để bớt phải trả giá?
Cách đây chừng nửa thế kỷ, một triết gia, kiêm nhà văn nổi tiếng gốc Tây Ban Nha, George Satayana (1863-1952), đã nói: “Những kẻ nào quên lịch sử thì luôn lặp lại các sai lầm của nó”. Tâm đắc với tư duy này, GS.TS Dương Thiệu Tống cho rằng: “Nếu áp dụng trong giáo dục, câu trên có ý nghĩa rất quan trọng, vì lịch sử giáo dục Việt Nam có một quá trình khá dài với tất cả những cái hay và cái dở của nó. Hơn nữa, trong thế kỷ 20, nó lại chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới, trong đó sâu đậm nhất là Pháp và Liên Xô”.
Ông phân tích  nguyên nhân về cái giá phải trả của nền giáo dục thời gian qua: “ Thật ra, hầu hết mọi vấn đề giáo dục nước nhà được đặt ra gần đây không phải đều là những vấn đề chỉ riêng ta mới gặp phải và các giải pháp ta đưa ra không phải chỉ có ta mới nghĩ ra. Chỉ có điều là hầu như chúng ta chưa xác định rõ vấn đề mà đã vội đưa ra giải pháp, và mỗi khi có giải pháp thì không có sự lựa chọn giữa nhiều giải pháp khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu.

Thế cho nên, khi một giải pháp nào được đưa ra áp dụng thì lại gặp sự chống đối, vì ai cũng có thể nghĩ ra một giải pháp nào đó mà mình cho là hay hơn! Khi sự chống đối quá mạnh, do sự xung đột của nhiều quan niệm hay thành kiến khác nhau, người ta đi đến một giải pháp khác, một giải pháp cuối cùng và đơn giản là “xóa bỏ” và “làm lại từ đầu!”.
GS.TS Dương Thiệu Tống - ông đến với nghề giáo vào mùa thu năm 1945, mùa thu của cậu thanh niên 20 tuổi chập chững bước vào nghề giáo, “một nghề khó nhất trong tất cả mọi nghề”, cho đến mùa thu 2008 này, ông- người thầy giáo già đã bước ra đi, để lại sau lưng bao nỗi niềm băn khoăn trăn trở về nền giáo dục nước nhà.
Tôi chợt nhớ tới lời tâm sự  dối già của ông: “Nghề dạy học không chỉ đòi hỏi kiến thức rộng rãi mà quan trọng hơn cả, nó bắt buộc người thầy phải có tâm hồn và tình cảm rộng rãi. Tôi cảm thấy thấm thía, tất cả ý nghĩa hai câu thơ của một thi sĩ Việt Nam vô danh, tác giả bài “Tô Đông Pha du Xích Bích”:
Tích phùng thu, kim hựu phùng thu,
Thiên cổ hào tình nhân vị lão
Xin tạm dịch:
Ngày xưa mùa thu nay lại gặp thu,
Kẻ có tình cảm rộng rãi nghìn xưa không già được.


No comments:

Post a Comment