Hồi ức về nền trung học Việt Nam trong các năm 1945-1946
Những nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục
Việt Nam về sau này chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn tìm hiểu một
các đầy đủ và chính xác về nền giáo dục Việt Nam trong khoảng thời gian
từ 1945 đến nay, vì tài liệu không những thiếu sót mà còn bị mất mát
qua bao nhiêu biến cố lịch sử. Nói đến lịch sử giáo dục Việt Nam hiện
đại, tôi nghĩ rằng, có hai thời điểm quan trọng nhất, liên hệ chặt chẽ
nhất đến lịch sử dân tộc, đó là (1) thời kỳ 1945, khi lần đầu tiên trong
lịch sử tiếng Việt được dùng làm chuyển ngữ cho tất cả các môn học, môn
thi ở mọi cấp và (2) thời kỳ 1975, khi một hệ thống giáo dục được áp
dụng thống nhất từ Nam chí Bắc. Ở đây tôi chỉ đề cập đến giáo dục trung
học thời kỳ 1945-1946, từ Cách Mạng Tháng Tám cho đến khi cuộc kháng
chiến toàn quốc bùng nổ từ ngày 19 tháng 12- 1946, nhưng tôi cũng xin
phép nói thêm rằng những điều tôi trình bày ở đây một phần lớn dựa vào
hôi ức của tôi về thời gian ấy. Đó là thời kỳ từ một cậu tú 20 tuổi, tôi
bắt đầu bước lên bục giảng của một “giáo sư phụ khuyết” bậc trung học,
một điều mà tôi chưa bao giờ dám mơ ước chỉ mấy tháng trước đó. Dù hơn
nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc đời có nhiều thay đổi, tôi vẫn nhớ mãi “cái
thuở ban đầu lưu luyến ấy” cho nên hồi ức của tôi chắc cũng không sai
lầm cho lắm.
Tôi không biết trường trung học nào đã
khai giảng trước tiên sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhưng tôi vẫn tin
tưởng một cách khá chắc chắn rằng miền Trung là vùng đất của Việt Nam áp
dụng sớm nhất một chương trình trung học hoàn toàn Việt Nam chỉ vài
tháng sau Cách Mạng Tháng Tám. Sở dĩ tôi có thể nói như vậy là vì, như
tôi đã viết trong một vài số báo Tuổi Trẻ gần đây, trường Quốc học Huế
là nơi đầu tiên soạn thảo chương trình trung học Việt Nam và cũng là nơi
tổ chức kỳ thi Tú tài đầu tiên bằng tiếng Việt vào tháng 6 năm 1945.
Người đỗ thủ khoa ban Triết là anh Lê Trí Viễn, trên một danh sách thí
sinh trúng tuyển chỉ gồm mấy chục người. Văn bằng cấp phát vào ngày 31
tháng 7 năm ấy được in rất đẹp trên giấy to và dày với dòng chữ lớn
“Việt Nam Đế Quốc” (!).
Trường Quốc học Huế cũng là “trường sư
phạm trung học” đầu tiên dưới chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, huấn
luyện thầy giáo cho các trường trung học miền Trung vào tháng 9 và tháng
10 năm 1946 về hai môn Anh văn và Quốc văn theo Nghị định ngày 11 tháng
9 năm 1946 của Bộ Giáo Dục Hà Nội. Mặc dầu toàn quốc đang sôi động với
bao nhiêu những vấn đề mới đặt ra cho một đất nước độc lập, sau CMTT,
với một ngân sách vỏn vẹn chỉ có 1,250,720 đồng bạc Đông Dương trong các
két sắt do người Pháp để lại, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH)
thời ấy vẫn không để gián đoạn việc học hành của con em ngay sau Cách
Mạng Tháng Tám. Tại miền Trung, sau kỳ thi Tú tài (khóa hai) thời Trần
Trọng Kim, kỳ thi Tú tài (khóa hai) đầu tiên của chính thể VNDCCH cũng
được tổ chức tại Huế trong vụ hè 1945. (Tôi không nhớ rõ vào ngày nào,
tháng nào, nhưng một bạn đồng nghiệp của tôi vào thời ấy, anh Đinh Xuân
Lâm, nhà sử học, hiện ở Hà Nội, có thể xác nhận điều này và biết rõ ngày
tháng, với tư cách là một nhân chứng). Trong năm 1946, các kỳ thi
trung học mà tôi từng tham dự với tư cách một thư ký Hội đồng Giám khảo
(GS Ưng Quả làm Chánh Chủ khảo), cũng được tổ chức đầy đủ và nghiêm túc,
bao gồm cả kì thi viết và vấn đáp.
Sau khi Chính phủ VNDCCH được thành lập
ngày 2 tháng 9 năm 1945, các trường trung học ở miền Trung đã bắt đầu
khai giảng niên khóa đầu tiên cho nền trung học Việt Nam. Hai thành phố
có khả năng mở trường sớm nhất vào thời ấy là Huế và Thanh Hóa. Một
trong các ý do là vì hai thành phố ấy có hàng ngũ thầy giáo trung học
khá đầy đủ vào thời ấy. Thành phố Huế đã có kinh nghiệm áp dụng chương
trình tiếng Việt sớm nhất sau ngày 9 tháng 3 năm 1945 và là nơi tập
trung những thầy giáo nổi tiếng thời bấy giờ như các ông: Hoàng Xuân
Hãn, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Đoàn Nồng, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc
Hào, Tạ Quang Bửu, Hà Thúc Chính và nhiều vị khác nữa, tôi không kể hết
được. Thành phố Thanh hóa, tuy là một thành phố nhỏ của miền Trung,
nhưng là nơi tập trung các thầy giáo lão thành tốt nghiệp Cao đẳng Sư
phạm Đông Dương, như các công Ưng Quả, Nguyễn Đình Dụ, Ngô Văn Bắc,
Nguyễn Hữu Cầu, Đỗ Đức Phúc v.v. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là nơi tập
trung các thầy giáo và học sinh từ các trường lớn ở Hà Nội di chuyển
đến, khi máy bay Đồng Minh bắt đầu dội bom dữ dội trong thời kỳ Nhậ
chiếm đóng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Thanh Hóa cũng là nơi tập
trung các thầy giáo từ Huế tản cư dần dần ra Đồng Hới, Vinh, rồi cuối
cùng sát nhập vào các trường trung học ở Thanh Hóa. Hơn nữa, thiết tưởng
cũng cần nhắc lại một yếu tổ thuận lợi là sau khi Chính phủ lâm thời
VNDCCH được thành lập, ông Phạm Đình Ái, là Hiệu trưởng trường Quốc học
Huế, một người đã có kinh nghiệm xây dựng chương trình Hoàng Xuân Hãn
trước đó, được cử làm giám đốc Trung học cho đến năm 1952 trong vùng
kháng chiến. Về sau, trong lá thư đề ngày 9 tháng 2 năm 1974 gửi một
thầy giáo đang làm luận án Cao học Giáo dục do tôi bảo trợ, ông đã xác
nhận: “… Sau 19-8-1945, tôi trở nên Giám đốc trung học vụ trung bộ và
tôi vẫn làm hết sức để cho áp dụng chương trình Việt đầu tiên đem lại
kết quả, mãi đến sau ngày 19-12-1946, ra chiến khu Liên khu IV, tôi vẫn
cho áp dụng chương trình đó mãi đến đầu năm 1952 [1]”.
Ngoài sự thay đổi quan trọng là tiếng
Việt lần đầu tiên được dùng làm chuyển ngữ ở mọi cấp học, một trong
những đặc điểm của chương trình trung học năm 1945 là, song song với môn
Pháp văn, môn Anh văn được giảng dạy ngay từ lớp đệ nhất niên trung
học, khác với các trường Cao đẳng Tiểu học thời Pháp thuộc (tương đương
với phổ thông cơ sở ngày nay) chỉ được học tiếng Pháp mà thôi. Do đó,
các trường trung học sau CMTT, rất thiếu thầy giáo môn tiếng Anh và phần
lớn các thầy giáo được tuyển dụng để dạy tiếng Anh đều là những người
có bằng Tú tài toàn phần, xuất thân từ các trường Lycées hay các trường
dạy theo chương trình Pháp chính quốc, tất cả đều không qua một trường
sư phạm nào. Một đặc điểm khác nữa trong chương trình trung học sau CMTT
là sự xuất hiện ban Cổ ngữ (Hán Việt) (bị bãi bỏ từ sau ngày toàn quốc
kháng chiến) từ lớp Đệ nhất niên (tương đương với lớp Sáu ngày nay). Đó
là lý do khiến Bộ Giáo dục phải mở ngay khóa huấn luyện Giáo sư phụ
khuyết về hai môn Anh văn và Quốc văn tại Huế năm 1946, như nói ở trên,
trong khi chưa có trường Sư phạm nào được mở cửa trở lại vào lúc ấy.
Sau CMTT, tất cả các thầy giáo Việt Nam
thời Pháp thuộc đều được tiếp tục giảng dạy như cũ và đóng vai trò nòng
cốt trong giáo dục, nhưng đa số thầy giáo là những thanh niên có bằng Tú
tài toàn phần mới được tuyển dụng mà chưa qua một trường lớp sư phạm
nào. Tuy vậy, số thầy giáo này cũng không đủ cho nhu cầu các trường
trung học cho nên một số người có bằng Tú tài I hay bằng Thành chung và
cả các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, các công chức cũ, cũng tham gia vào
công việc giáo dục thời bấy giờ. Có một điều đáng ghi nhận, chưa từng có
trước đó và về sau này, là chúng tôi, những thầy giáo trẻ mới được
tuyển dụng ở miền Trung, đều tình nguyện giảng dạy không lương. Mãi đến
ngày 18 tháng 2 năm 1946, chúng tôi mới nhận được Nghị định của Bộ Giáo
dục nước VNDCCH chính thức bổ dụng làm “Giáo sư phụ khuyết” với số
lương 150 đồng từ ngày trường khai giảng (tháng 10 năm 1945) và được
hưởng mọi quyền lợi của “một công chức ngạch Cao đẳng”. Điều này có
nghĩa là chúng tôi mỗi khi đi chấm thi thì được đi xe hỏa hạng nhất và
nếu đau ốm thì được nằm tại bệnh viện và hưởng qui chế của các công chức
hạng A.
Trường trung học, nơi tôi được bổ dụng
đầu tiên vào tháng 10 năm 1945, nguyên là Collège de Thanh Hóa, sau đó
đổi tên là trường Đào Duy Từ, trường trung học công lập duy nhất của cả
tỉnh. Ngoài ra, trong tỉnh còn có duy trì hai trường trung học tư thục
từ thời Pháp là các trường Nord d’Annam và Alexandre de Rhodes. Vì là
một trường học tỉnh lẻ nên học sinh thường đi học trễ. Học sinh lớp đệ
tứ niên của tôi thời bấy giờ xấp xỉ bằng tuổi tôi. Tuy vậy, tinh thần
“tôn sư trọng đạo” không hề bị phai lạt trong tâm trí học sinh và phụ
huynh của họ vào thời bấy giờ. Ngày nay, các học sinh cũ của tôi dã xấp
xỉ hoặc trên 70 tuổi, nhưng có người vẫn duy trì sự liên lạc và tham dự
vào các ngày kỷ niệm của gia đình tôi cùng với học sinh của thế hệ hiện
nay. Tôi nghĩ rằng đó là một vinh dự lớn lao nhất của nghề nhà giáo nói
chung.
Mùa thu năm ấy đến mùa thu năm nay tính
ra đã 5 năm. Từ mùa thu của một cậu thanh niên 20 tuổi, kiến thức chưa
được bao nhiêu mà phải bước chân vào một nghề khó nhất trong tất cả các
nghề, cho đến mùa thu của một thầy giáo già cặm cụi viết những dòng lưu
niệm này, tôi rút ra một bài học là nghề dạy học không chỉ đòi hỏi kiến
thức rộng rãi mà quan trọng hơn cả, nó bắt buộc người thầy phải có tâm
hồn và tình cảm rộng rãi. Đến đây, bất chợt tôi cảm thấy thấm thía, tất
cả ý nghĩa hai câu thơ của một nhà thi sĩ Việt Nam vô danh, tác giả bài
“Tô Đông Pha du Xích Bích”:
Tích phùng thu, kim hựu phùng thu,
Thiên cổ hào tình nhân vị lão.
Xin tạm dịch là:
Ngày xưa mùa thu nay lại gặp mùa thu,
Kẻ có tình cảm rộng rãi nghìn xưa không già được.
Chú thích:
[1] Đặng Minh Trí. Diễn tiến việc khai
triển chương trình môn Vạn Vật trong chương trình Trung học phổ thông
Việt Nam từ năm 1945-1972. Tiểu luận cao học Giáo dục, ĐHSP Sài Gòn,
1974.
“Hồi ức về nền trung học Việt Nam trong các năm 1945-1946” là chương IX (tr. 99-104) của cuốn “Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, nằm trong “Phần II: Nền giáo dục Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa”.
_______________
Một số bài viết khác có liên quan:Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn
Giáo sư Dương Thiệu Tống – Thầy giáo tiếng Anh đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa
(09/05/2009-7:57)
(THO) – Đó là
vào những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong bối cảnh
chung đầy hào hứng và phấn khởi, nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong đó có
nhân dân thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) tràn ngập niềm vui độc
lập – tự do do cách mạng mang lại, ra sức hăng hái bắt tay vào công việc
xây dựng quê hương, trước mắt là chống nạn đói, nạn mù chữ và chống
giặc ngoại xâm. Riêng về công tác giáo dục, các nhà trường sau một thời
gian đóng cửa ngừng hoạt động, vì nạn máy bay đồng minh bắn phá, vì các
trường học bị quân Nhật biến thành doanh trại, nay đều hoạt động trở lại
trong sự vui mừng của nhân dân, học sinh và phụ huynh.
Trường trung học (TH)
duy nhất của thị xã lúc đó có tên là Trường TH Đào Duy Từ cũng nằm trong
tình hình chung đầy phấn khởi đó đã hoạt động trở lại với một vài thay
đổi về chương trình học tập và đội ngũ thầy giáo. Trước hết là nói về
đội ngũ thầy giáo. Thời kỳ đó các thầy, cô giáo dạy bậc TH đều gọi là
giáo sư (GS) để phân biệt với các thầy, cô giáo dạy cấp tiểu học, gọi là
giáo viên. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, một số đông
các GS Trường TH Đào Duy Từ chuyển sang công tác khác.
Do đó, khi trường
mở cửa lại cho niên khóa đầu tiên dưới chính quyền cách mạng mới (1945 –
1946) nhà trường thiếu thầy giáo, phải tuyển một số người mới vào đảm
trách việc giảng dạy. Điều kiện là phải tốt nghiệp bằng tú tài Pháp về
văn học hay khoa học tự nhiên. Trong số các thanh niên mới được tuyển
dụng vào làm GS nhà trường, lúc đó có anh Dương Thiệu Tống vừa đậu tú
tài toàn phần (Ban Triết học – Văn chương) ở Huế, mới ra Thanh Hóa vì
trước đó cụ thân sinh cũng vừa được chuyển ra làm việc tại Thanh Hóa, có
gia đình cùng đi theo.
Cậu Tú tân khoa
Dương Thiệu Tống, lúc đó trẻ măng, vừa tròn 20 tuổi, anh sinh năm 1925
lại tài hoa tột bậc, đàn ngọt hát hay… Đặc biệt, anh rất giỏi tiếng Anh
vì trước đó anh đã học tại trường tư thục công giáo Providence (Thiên
Hựu học đường) nổi tiếng miền Trung, nên được đào tạo tiếng Anh rất bài
bản; các thầy dạy tiếng Anh của trường hầu hết đều là các linh mục người
nước ngoài (Mỹ, Anh, Canada…). Anh có thể dạy nhiều môn trong chương
trình trung học, từ Văn, Sử, Địa… cho đến Pháp văn nữa. Như anh đã kể
lại trong hồi ký là việc anh trở thành thầy giáo dạy Anh văn của Trường
TH Đào Duy Từ (Thanh Hóa) chính là theo gợi ý của GS Đỗ Đức Phúc, lúc đó
là quyền hiệu trưởng. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, chính GS Phúc đã
nghiên cứu kỹ hồ sơ của anh từ trước, biết rõ anh đã học chương trình tú
tài Pháp, đã học tiếng Anh suốt 7 năm, nên có trình độ tiếng Anh vững
hơn các người cũng đậu tú tài nhưng chỉ được học Anh văn có 2 năm. Chính
anh Dương Thiệu Tống cũng rất tự tin vào trình độ Anh văn của mình, tự
nhận thấy thừa sức dạy cho học sinh Đào Duy Từ mới bắt đầu học tiếng Anh
từ năm học đầu tiên đến năm thứ tư là năm học cuối trước khi thi lấy
bằng cao đẳng tiểu học.
Dương Thiệu Tống đã
trở thành GS Anh văn đầu tiên của Trường TH Đào Duy Từ, đồng thời cũng
là người dạy Anh văn đầu tiên một cách chính quy của tỉnh Thanh Hóa.
Trước năm 1945, số người đậu tú tài thời thuộc Pháp của tỉnh Thanh Hóa
chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, mà lại không học theo hệ thống trường
Pháp nên học Anh văn không nhiều, hoặc khi có bằng tú tài họ lại không
đi dạy học mà làm nhiều ngành chuyên môn khác (Y, Luật, Canh nông…)
Thế là anh Dương
Thiệu Tống đã chính thức được bổ nhiệm là GS phụ trách dạy môn Anh văn
Trường TH Đào Duy Từ tỉnh Thanh Hóa kể từ năm học đầu tiên (1945 – 1946)
sau Cách mạng Tháng Tám. Và anh đã vào nghề một cách hào hứng, học
sinh các lớp, sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu với môn học mới, đã ngày càng
tỏ ra ham thích. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học hè 1946
rất đáng phấn khởi, tỷ lệ học sinh hai lớp năm thứ 4 của trường đậu đến
gần 80%, một tỷ lệ chưa bao giờ có trong các kỳ thi Thành chung trước
đó; trong kết quả tốt đẹp đó tất nhiên có sự đóng góp của điểm số thi
môn Anh văn mà người có công đầu là GS Dương Thiệu Tống.
Trên đà đó, việc
giảng dạy và học tập môn Anh văn tại Trường TH Đào Duy Từ (từ sau cải
cách giáo dục thứ 1 năm 1950 lấy tên là Trường TH chuyên Lam Sơn) càng
ngày càng đi vào nền nếp và có chất lượng. Về đội ngũ thầy giáo môn Anh
văn cũng được bổ sung thêm một số thầy từ Trường TH chuyên khoa ở Huế
ra, như các thầy Hà Thúc Chính (học ở Đại học Anh về), Bửu Hoan, Tôn
Thất Hàn. Cũng trong thời gian đó, GS Dương Thiệu Tống không ngừng phấn
đấu nâng cao trình độ, theo lớp tu nghiệp GS Anh văn được tổ chức tại
Huế vào hè năm 1946. Cuối hè năm đó, anh Dương Thiệu Tống lại được cử
làm thư ký hội đồng, kiêm giám khảo Anh văn trong kỳ thi trung học phổ
thông (khóa 2) tại thành phố Vinh. Uy tín của GS Dương Thiệu Tống trong
việc dạy Anh văn lan rộng ở Liên khu 4, nên cũng trong thời gian này
(vào khoảng năm 1947 hay 1948 gì đó, tôi không còn nhớ rõ), anh Dương
Thiệu Tống được cử làm giám khảo kỳ thi tuyển cán bộ phiên dịch Anh văn
cho Bộ Ngoại giao, được tổ chức ngay tại Trường TH Đào Duy Từ, thí sinh
kỳ thi tuyển dụng công chức ngoại giao lần đầu tiên này có nhiều người
dạy Anh văn tại các trường TH tham dự; rồi còn chấm thi Anh văn cho học
sinh tốt nghiệp chuyên khoa các trường Liên khu 3 dời vào.
Xin nói qua về việc
dạy tiếng Anh bậc TH bấy giờ. Thực hiện chương trình và theo sự phân
công của nhà trường, anh Tống dạy tiếng Anh tất cả các lớp, từ năm thứ
nhất đến năm thứ 4. Sách giáo khoa lúc đó là bộ sách tiếng Anh của
Carpentier-Fialip, dùng cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 4 theo hệ thống
trường Pháp, với thời lượng 4 giờ một tuần. Trong giảng dạy, GS Tống đã
chú ý kích thích lòng ham thích của học sinh bằng việc phổ biến các bài
hát tiếng Anh vào đầu giờ dạy hay cuối giờ, giúp cho học sinh luyện
giọng và nhớ những từ ngữ học trong bài. GS Tống thuộc rất nhiều bài
dân ca của nước Anh có thể dùng cho mọi chủ đề học tập. Mà GS Tống là
người hát rất hay, đã từng chỉ huy học sinh hát quốc ca trong những buổi
lễ chào cờ. GS Tống lại có tài vẽ rất nhanh và rất đẹp cho nên đã dùng
hình vẽ trên bảng đen để minh họa bài giảng, gây hứng thú cho học sinh
học tập và giúp cho họ nhớ nhanh và nhớ lâu các từ. Đặc biệt GS Tống nhờ
được đào tạo Anh văn có hệ thống, bài bản nên trong việc dạy tiếng, anh
đã vận dụng phương pháp dạy học tiên tiến như phiên âm quốc tế giúp cho
học sinh nắm vững cách phát âm, luyện giọng. Anh Dương Thiệu Tống chính
là người dịch sang tiếng Anh một số bài hát nổi tiếng thời kháng chiến
chống Pháp như bài “Đuốc gươm thiêng” ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh, hay
bài “Thiên Thai” của Văn Cao. Sau mấy năm công tác tại Trường TH Đào Duy
Từ, anh Dương Thiệu Tống chuyển đi dạy ở nhiều trường khác. Vì vậy số
học sinh được anh khai tâm về Anh văn rất đông. Năm 1982, nhân đi sang
Pháp dạy học theo lời mời của Trường ĐH Paris 7, tôi có được gặp GS
Huỳnh Kim Khánh (dạy ở Trường Đại học Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách
“Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam” (1925 – 1982), xuất bản tại Mỹ năm 1982,
ông đã tự nhận là học sinh của GS Dương Thiệu Tống tại Trường TH Hải
Phòng. Tôi cũng đã gặp nhiều học sinh cũ ở Thanh Hóa, họ đều khẳng định
chính nhờ cái vốn Anh văn ban đầu do thầy Tống truyền đạt mà về sau họ
có điều kiện nâng cao trình độ để công tác.
Với cái vốn Anh văn
uyên bác, GS Dương Thiệu Tống sau này đã đi sâu vào nghiên cứu giáo dục
học – ông là người Việt Nam duy nhất đã tốt nghiệp văn bằng tiến sĩ
khoa học về khoa học giáo dục tại Trường Đại học Columbia New York danh
tiếng của Hoa Kỳ, là một trong những người Việt Nam đầu tiên học và
nghiên cứu, giảng dạy về giáo dục học, đã viết nhiều bài báo, nghị luận,
sách nghiên cứu…, về hiện thực giáo dục và khoa học giáo dục cùng nhiều
lĩnh vực khác của nước nhà và đã được Nhà nước ta phong học hàm GS tại
Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Với sự uyên bác và tính cương
trực, GS đã đóng góp nhiều ý kiến cho diễn đàn cải tổ giáo dục, đồng
thời GS – TSKH Dương Thiệu Tống còn là thành viên tích cực của hội đồng
khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh.
GS -TSKH Dương
Thiệu Tống mất ngày 3-9-2008 thọ 83 tuổi, tại TP Hồ Chí Minh trong sự
thương tiếc sâu sắc của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong nước cũng
như ở nước ngoài. Trong đợt phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân –
Nhà giáo Ưu tú vừa qua, cố GS – TSKH Dương Thiệu Tống đã được truy tặng
danh hiệu cao quý thể hiện sự đánh giá trân trọng của Đảng, Chính phủ,
Bộ Giáo dục – Đào tạo đối với một nhà giáo lão thành đầy tâm huyết và
giàu tài năng, một đời đã phấn đấu không ngừng cho nền giáo dục nước
nhà trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hà Nội, tháng 1-2009
Giáo sư Đinh Xuân Lâm
(Trường ĐH Khoa học xã hội
và Nhân văn – ĐH quốc gia Hà Nội)
No comments:
Post a Comment