Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 11 August 2019

Sau những con số

SGGP
“Giờ còn nhớ, để kêu số hông chị?”. “Giỡn hoài mày! Chị ngày xưa là ca sĩ hát chính trong đoàn nha cưng”. Mỗi lần nhắc lại chuyện hát lô tô, chị luôn tự hào khi ngày xưa từng được hát chính trong đoàn. Nhưng rồi đôi mắt lại thoáng một nỗi buồn…
Phận long đong
Cũng hơn 3 năm trời không còn rày đây mai đó theo đoàn lô tô, ba mẹ cũng chấp nhận cho chị trở về trong hình hài một đứa con gái, tên thật chị là Trần Ngọc Út, 42 tuổi, ngụ quận 8.
Nhắc lại chuyện những ngày còn đi hát lô tô, chị lại say sưa, cái lý do để chị chấp nhận cảnh xa nhà, rày đây mai đó cũng bởi muốn được sống đúng với chính mình.
“Hồi xưa, biết chị vậy, ông già la rầy dữ lắm, lén theo đoàn lô tô, rồi tới tết mới dám về nhà, mà cũng chỉ đi cửa sau thôi. Ông già giận bao nhiêu thì bà già khóc hết nước mắt, phận mình cũng không dám trách gì ba má. Ở nhà, 2 đứa đầu là con gái, tới mình là con trai út, hồi má đẻ, ba mừng lắm, ai dè lớn lên nó chỉ mong làm con gái”, chị nói đoạn rồi lấy tay quẹt giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác, nhưng vẫn không quên điểm phấn, tô son cho đúng phận con gái.
Suốt câu chuyện, chị không quên nhấn mạnh bằng giọng hết sức tự hào: “Ngày xưa, chị là ca sĩ hát chính trong đoàn đó cưng”. Cũng phải hơn 20 năm trời theo lô tô, trải qua cũng không dưới 5 đoàn.
Chị kể, không riêng gì chị mà nhiều người khác cũng vậy. Khi theo lô tô thì phải chấp nhận, để được lên sân khấu hát chính, cũng phải trầy trật từ bán vé, đuổi bọ, giặt giũ… Thậm chí, có lúc phải kiêm luôn mấy việc hậu đài như căng dù, căng bạt, dựng sân khấu. Nên được bước lên sân khấu hát chính thì cũng đáng tự hào để kể lại lắm chứ.
Lang bạt hết chỗ này đến chỗ khác, đoàn lô tô đến đâu thì chị cũng theo đến đó. Chị nhớ lại: “Qua tết là mùa kiếm tiền, thường đi về mấy tỉnh miền Tây, bà con khoái lắm. Có lần xuống tới Hậu Giang, gặp mưa bão nên ở lại luôn 3 tháng trời, bà con ở đó thương, ngày nào cũng đem qua cho mớ khô, mớ cá để cả đoàn nấu cơm ăn”.
Sau những con số ảnh 1 Một tiết mục hài trong đêm diễn của đoàn lô tô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1)
Và với những thân phận chấp nhận long đong như chị, để được sống đúng với bản thân mình, trong lòng cũng canh cánh hai tiếng gia đình. “Lúc mới vô thì phụ việc rồi ăn cơm đoàn thôi, sau này được hát thì mỗi đêm có thêm vài chục ngàn, từ từ được vài trăm. Mỗi lần về thăm nhà, lén nhét chút đỉnh vô túi áo bà già, má không hay thì thôi, còn hay thì má đưa lại, biểu giữ để còn phòng thân lúc ốm đau nữa, má ở nhà có tụi nó lo rồi”, chị tâm sự.
Chơi lô tô không ai biết trước được con số nào sẽ ra kế tiếp, cũng như người hát lô tô đến giờ thì lên sân khấu hát, chứ không biết được ngày mai sẽ thế nào. Theo tiến trình của cuộc sống, nhiều hình thức giải trí mới ra đời, lô tô mất dần khán giả, nhiều tháng ròng cả đoàn nương nhau, cơm cháo tạm bợ qua ngày. Người bỏ đi tìm công việc mới, người trở lại quê nhà, bà bầu đoàn cũng đổ bệnh không cáng đáng nổi công việc và cũng không còn đủ vốn liếng để xoay xở.
Đoàn lô tô rã. Chị trở về nhà... Số tiền ít ỏi dành dụm được trong chục năm trời đi hát, chị mở quán nước trước nhà buôn bán qua ngày. “Có khách ra, khách vô nói chuyện cho vui, tiền lời thì cũng đủ phụ má tiền chợ”, chị kể.
Để có chỗ đứng lâu dài
Bẵng đi một thời gian dài, lô tô dần quay trở lại, tại một số thành phố lớn như TPHCM có hẳn những gameshow truyền hình dành cho các đoàn lô tô. Tại một sân khấu nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), cô đào nhỏ nhắn chạy lên chạy xuống sân khấu để bán vé, tới giờ hát thì cất giọng ngọt ngào cùng cái duyên đưa đẩy với bạn diễn trên sân khấu. Vậy thôi mà khán giả tới vài lần thì nhớ tên, nhớ mặt.
Hơn 10 năm theo nghề hát lô tô, cũng trầy trật qua vài đoàn hát, chị Diệp Thanh Thanh (tên thật Nguyễn Huy Khanh, 40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), kể lại: “Sân khấu như bây giờ thì quá mừng. Chứ hồi xưa, hát lô tô cực lắm, sân khấu dựng giữa ruộng, lỡ bữa trời mưa thì người đứng trên sân khấu hát, còn phía dưới lót tạm mấy tấm ván chen chúc nhau mà ngồi”.
Lô tô không còn là những đoàn hát rày đây mai đó, lang bạt khắp nơi, hay vất vả ngược xuôi theo những cơn mưa không báo trước. Sân khấu cố định, những đêm diễn được giới thiệu trên mạng xã hội, thu hút đông đảo khán giả quan tâm. Trang phục của các cô đào trong đoàn cũng được đầu tư bắt mắt hơn.
“Bây giờ đồ đạc đủ hết, chứ hồi xưa đi hát có 2 túi đồ nhỏ thôi, mà cũng của người này, người kia cho chút mới có. Chứ mới hát, một đêm diễn có vài chục ngàn sao dám sắm cái gì”, chị Thanh kể thêm.
Những đêm diễn vào dịp lễ tết, ngày cuối tuần, khán giả đến trễ đôi khi phải đứng xem, nhưng phần đông đều thích thú. Vé lô tô được bán liên tục, nên gánh nặng, phập phồng chuyện lời lỗ sau mỗi đêm diễn cũng nhẹ đi phần nào. Hiện nay, đoàn chủ yếu diễn các tiết mục hài, hoạt động hoạt náo sân khấu, phần kêu số chỉ chóng vánh. Cách kêu số lặp đi lặp lại, theo lối mòn, thậm chí khán giả nếu tinh ý một chút, nghe vài câu hát có thể đoán được con số sắp ra, chính điều này đã làm giảm đi đáng kể phần kịch tính, hào hứng của lô tô.
“Gần chục năm trở lại đây, lô tô bị mai một, thế hệ trước còn mấy ai nhớ và theo nghề nữa đâu”, chị Lý Mỹ Phụng (nghệ danh BB Phụng) một nghệ sĩ hát lô tô lâu năm chia sẻ.
Dù là loại hình nghệ thuật, hay giải trí dân gian, thì lô tô cũng cần có sự đầu tư nghiêm túc, không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải có chiều sâu về nội dung, mới có thể đứng lâu dài trong lòng khán giả.
Lô tô được biết đến là loại hình giải trí dân gian phổ biến ở miền Nam, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Không có một công thức chung hay bài bản nào quy định về cách kêu số, người kêu số vận dụng linh hoạt từ ca dao, tục ngữ, hò, vè, lý đến cải lương, hồ quảng, bolero, nhạc trẻ… để chọn ca từ tương đồng nhất với con số được kêu. Cách kêu số bằng cách đọc “chạy” các từ có vần phát âm gần giống nhau, đây cũng là một nét đặc trưng trong cách nói của cư dân Nam bộ.

THIÊN THANH

No comments:

Post a Comment