Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 11 August 2019

Sunday, September 9, 2018

Nhân vật giáo dục VNCH: Vài kỷ niệm với cố giáo sư Dương Thiệu Tống

Tiếp tục loạt bài về GD VNCH, tôi sẽ thu thập và đưa lên đây những bài viết liên quan đến một nhân vật khá nổi tiếng là cố GS DTT, mà bài đầu tiên là bài này của chính tôi.

Lần đầu tiên tôi nghe đến tên GS DTT khoảng đầu thập niên 1990, khi ấy tôi còn là một giảng viên trẻ ở Đại học Tổng hợp TP HCM. Lúc ấy, giáo dục đại học của VN đang có những thay đổi lớn để đáp ứng giai đoạn VN vừa mở cửa với thế giới sau một thời gian dài đóng cửa và chỉ có quan hệ với "các nước xã hội chủ nghĩa anh em", mà đặc biệt là ông anh cả LX. Nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có vấn đề thi cử và tuyển sinh, và việc áp dụng hình thức trắc nghiêm khách quan trong tuyển sinh đại học.

Người ta bắt đầu nhắc đến GS Tống vì ông là người đã từng có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tú tài IBM trước năm 1975, và tên tuổi của ông gắn chặt với đo lường - đánh giá trong giáo dục. Mãi đến tận sau này tôi mới hiểu thực ra những hiểu biết của ông không chỉ có thế, và đó cũng không phải là lĩnh vực quan tâm chính của ông. Luận án tiến sĩ của GS Tống, mà tôi rất may mắn được nhìn lướt qua một lần bản copy chép từ nơi ông tốt nghiệp tiến sĩ (hình như là ĐH Chicago?) do GS David Berman, một người bạn cố tri của tôi từ ĐH Pittsburgh, đem đến VN để tặng lại cho gia đình của ông, là xây dựng mô hình trường phổ thông kiểu mới cho VN.

Nhưng đó là chuyện mãi sau này. Còn lúc ấy, tôi chỉ biết GS Tống có hiểu biết về đo lường - đánh giá trong giáo dục, nên năm 1996 khi đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại ĐH La Trobe (Úc) và trong giai đoạn gửi đi cho các examiners ở nước ngoài chấm (nước ngoài ở đây là ngoài nước Úc), khi được hỏi tôi có đề nghị ai từ VN vào trong danh sách chấm luận án cho tôi hay không, tôi đã đưa tên GS DTT nhưng cuối cùng không liên lạc được.

Về nước làm việc trở lại vào năm 1997, lúc ấy ĐHQG-HCM vừa ra đời được hơn 1 năm, tôi lại có dịp dự nhiều buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của GS Tống tại trường ĐHKHXH-NV trong một dự án thành lập Khoa Giáo dục tại trường (với ý định trở thành trường ĐH Giáo dục trực thuộc ĐHQG-HCM), và cũng được bạn bè rủ đến dự lớp học tại gia vào sáng thứ năm hàng tuần tại nhà GS Tống. Căn nhà nhỏ, nằm trong hẻm đường Lê Văn Sỹ, sạch sẽ nhưng thanh bạch, với những người học trò cũng là đồng nghiệp trẻ của ông tại Khoa Tâm lý giáo dục của ĐHSP. Lớp học này tôi chỉ đến dự được một lần vì không sắp xếp được thời gian, và nội dung cũng không phù hợp vì lớp học dành cho những người mới nhập môn về đo lường - đánh giá, trong khi tôi đã lấy xong tiến sĩ và đã đi khá sâu vào lĩnh vực này rồi.

Không được tiếp xúc nhiều, và chắc chắn là không đủ để cho ông nhớ tôi, nhưng cũng đủ cho tôi có ấn tượng về một nhà giáo thanh bạch, có một chút gì đó giống hình ảnh các nhà nho trong đầu tôi (mặc dù tôi cũng chưa hề quen biết hoặc gặp gỡ bất kỳ một nhà nho nào thực thụ). Và đặc biệt là rất nhiều trăn trở đối với nền giáo dục nước nhà. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Những gì tôi biết thêm về ông, tiếc thay lại là sau khi ông qua đời.

Kỷ niệm cuối cùng của tôi đối với GS Tống là qua một người bạn Mỹ của ông, GS David Berman (hiện đã về hưu, đang sinh sống ở Pittbsurgh). Lúc ấy, khoảng năm 2008-2009 gì đó, tôi còn làm việc tại ĐHQG-HCM và ông Berman đến làm việc với DHQG-HCM. Sau mỗi đợt làm việc, bao giờ David cũng dành vài ngày để đi thăm bạn, mà  tôi thường đóng vai trò là tài xế hoặc tour guide. Nhưng lần ấy, khi tôi hỏi có đi thăm ai không, thì David tỏ ra rất buồn và nói: "Người mà tao muốn đi thăm giờ đã không còn nữa. GS Tống đã mất rồi. Lần trước về VN tao định ghé nhưng rồi bận việc này việc kia đã không ghé. Giờ thì đã quá muộn rồi." Rồi David nói thêm: "Vì vậy, nếu có việc gì mà mày nghĩ là cần làm thì nên làm ngay đi, bởi có thể sẽ là quá trễ."

Vâng, đó cũng là lý do mấy hôm nay tôi viết lại entry này, dù thực ra không có hứng và viết hơi lộn xộn, ít trau chuốt. Thôi thì cứ viết xuống để lưu lại, vì nếu cứ chần chừ thì có thể đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ. Viết xuống, như một nỗ lực ghi lại những gì có liên quan đến GD thời VNCH, để bắt đầu cái dự án nghiên cứu mà tôi nghĩ là ai đó - kể cả tôi - nhất định phải làm: Nghiên cứu về GD thời VNCH, như một cách đóng góp giải pháp cho nền giáo dục hiện nay của VN.

PS: Trong clip nói về giáo sư DTT dưới các bạn sẽ tìm thấy tôi vào phút thứ 10:30, tôi mặc áo trắng, ngồi chung bàn với cố PGS Đỗ Huy Thịnh, cũng là một nhân vật có ít nhiều hiểu biết về giáo dục thời VNCH. Lúc ấy có lẽ khoảng năm 1998-1999 gì đó.

https://www.youtube.com/watch?feature=share&v=D3A_oPZQco8&app=desktop

PS: Tôi đã tìm được tên luận án tiến sĩ của GS DTT rồi, tại ĐH Columbia năm 1968, tựa như sau

A PROPOSAL FOR THE COMPREHENSIVE SECONDARY SCHOOL CURRICULUM IN VIETNAM


No comments:

Post a Comment