Thương chiến Mỹ-Trung làm hồi sinh Vành đai-Con đường của TQ?
Cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump đang giúp hồi
sinh Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc, theo nhận định của
một ngòi bút bình luận trên Bloomberg, sau một năm đối diện với những
hoài nghi về những dự án phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh
trên khắp thế giới.
Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch đầy tham vọng nhằm “tăng cường kết nối
khu vực và chào đón tương lai tươi sáng hơn.” Nhưng nhiều người lập
luận rằng Trung Quốc đang nỗ lực thống trị toàn cầu bằng một mạng lưới
giao thương với nước này là tâm điểm, trói buộc các nước tham gia vào
những “bẫy nợ” với những khoản vay giá rẻ.
Trong một bài bình luận đăng ngày 13 tháng 8, Shuli Ren, cây bút
chuyên về các thị trường Châu Á của trang tin kinh tế-tài chính
Bloomberg, ghi nhận trong nửa đầu năm nay, dữ liệu của Bộ Thương mại
Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã kí kết khoảng 64 tỉ đôla hợp đồng mới,
chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, tức là tăng 33% so với năm 2018.
Hai thị trường mới nổi là Malaysia và Indonesia “đang quay trở lại
bàn đàm phán,” tác giả viết, lưu ý rằng Malaysia đã khởi động chương
trình Liên kết Đường sắt Bờ Đông trị giá 20 tỉ đô la vào tháng 7 mà
trước đó từng bị đình chỉ. Tại Indonesia, kế hoạch đường sắt cao tốc
Jakarta-Bandung gây tranh cãi đã quay trở lại đúng hướng sau hơn hai năm
trì hoãn, tác giả cho biết và nói thêm rằng các dự án nhà máy điện và
nhà ở mới cũng đã được phê duyệt.
Bài viết trên Bloomberg đưa ra lí giải rằng các điều kiện tài chính ở
các thị trường Châu Á mới nổi đã cải thiện theo sau chu kỳ nới lỏng của
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, nhưng “quan trọng hơn, khi tăng trưởng
thương mại thế giới giảm xuống mức thấp trong một thập niên, chi tiêu
cho cơ sở hạ tầng là cách duy nhất còn lại để vực dậy các nền kinh tế
mới nổi.”
“Tiền sẽ đến từ đâu? Trung Quốc đang cung cấp,” theo tác giả bài báo.
Bà nhận định trong khi chiến tranh thương mại leo thang, ngay cả Việt
Nam, nước được coi là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn, cũng
không đạt được gì nhiều lắm. “Năm ngoái, thặng dư tài khoản vãng lai chỉ
ở mức 2,7%, dưới mức 3% năm 2016,” bà lưu ý, nói thêm rằng nguồn tài
trợ quy mô lớn thậm chí còn khó khăn hơn đối với các quốc gia chịu thâm
hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài chính như Indonesia.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà quan sát và phân tích chính
trị-kinh tế Trung Quốc ở bang California (Hoa Kỳ), bác bỏ nhận định của
tác giả Shuli Ren về sự hồi sinh của Sáng kiến Vành đai-Con đường nhờ
cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo ông, điều này không phản ánh đúng
những vấn đề nội tại của Trung Quốc.
“Họ phải tìm hiểu thêm rằng hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội của
Trung Quốc bây giờ đang gặp những vấn đề gì, nạn tẩu tán tài sản ra
nước ngoài như thế nào,” ông Nghĩa phân tích.
Ông giải thích rằng các nước như Malaysia, Indonesia và những nước
khác vay vốn của Trung Quốc - vốn “phải thủ thế phòng thân” trước những ý
định chiến lược khả dĩ của Bắc Kinh - khó lòng dứt khoát nói không và
vẫn sẽ tiếp tục thảo luận về các dự án cơ sở hạ tầng đó.
“Nhưng mà khi họ thảo luận như vậy một số ‘nhà bình luận’ coi đó là
một chỉ dấu thuận tiện, tốt đẹp cho Bắc Kinh. Điều đó sai,” ông Nghĩa
nói.
Không rõ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có ảnh hưởng tức thời ra sao
trong việc định hình lại những quan hệ kinh tế và chính trị giữa các
nước Châu Á khác với hai cường quốc hàng đầu này. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát vào tháng 1
với sự tham gia của hơn 1000 người, phần lớn là giới học thuật và quan
chức chính phủ ở Đông Nam Á, 73% tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng kinh
tế lớn nhất trong khu vực. Gần phân nửa xem Trung Quốc có ảnh hưởng
chính trị lớn nhất ở Đông Nam Á, so với 30% dành cho Mỹ.
“Washington nghĩ rằng họ có ảnh hưởng trong lĩnh vực địa chính trị,
nhưng họ ngày càng bị nhìn nhận là thờ ơ với thế giới rộng hơn,” tác giả
Shuli Ren viết trên tờ Bloomberg. “Khi tiền dễ dãi bắt đầu tuôn ra trở
lại và Trump thay đổi chính sách, Mỹ đang đánh mất đồng minh là những
thị trường mới nổi chủ chốt.”
No comments:
Post a Comment