Việt Nam có phát triển hay không?
Thứ Ba, 07/09/2019 - 05:12 — VietTuSaiGon
Đây
là câu hỏi rất cũ cho đến lúc này và đương nhiên trả lời nó cũng không
mang lại điều gì mới mẻ. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, giả sử nhìn theo góc
độ phát triển thì phát triển ra sao và ngược lại. Bởi hơn bao giờ hết,
cũng chưa bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam lại phải sống trong “tuổi trẻ
hoang mang” như bây giờ.
Vậy, nếu gọi là phát triển thì Việt Nam phát triển như thế nào? Có
thể nói rõ ràng, dù nhìn nhận trên bất kì góc độ nào, Việt Nam vẫn là
nước phát triển rất mạnh trong thập niên 2010. Mặc dù ẩn chứa bên trong
của sự phát triển này là nợ công, bất công, tham nhũng, nạn dốt, độc
tài, mất tự do… Nhưng, thử đi bất kì con đường nào trên đất nước, sự
phát triển của các cung đường từ thôn quê cho đến thành thị, sự mọc lên
ngày càng nhiều các khu nhà cao cấp, tòa nhà chọc trời hay khu phức hợp
thương mại cao cấp… Tất cả cũng đủ trả lời cho vẻ bề ngoài phát triển.
Chưa dừng ở đó, sự phát triển còn biểu hiện qua chủ nghĩa tiêu dùng
và khả năng mua của người Việt. Có thể nhìn thấy ở các vùng quê, bất kì
nhà nào, gia đình nào cũng trang bị được quạt điện, ti vi, tủ lạnh và
các phương tiện điện tử. Ngay cả những vùng núi hẻo lánh, việc có ti vi
không còn là chuyện khó khăn hay lạ lẫm của các gia đình tộc người thiểu
số. Đương nhiên, nói về khả năng kinh tế của các tộc người thiểu số còn
quá nhiều điều để bàn, nhưng thử làm một cuộc khảo sát, họ vẫn vô tư
nói rằng đời sống bây giờ khá hơn trước rất nhiều. Khả năng mua sắm, đi
siêu thị của người vùng nông thôn đồng bằng cũng cao hơn trước… Nhìn
chung, chủ nghĩa tiêu dùng đã xuất hiện tại Việt Nam. Vấn đề nó xuất
hiện như thế nào và nguồn sản phẩm trong chuỗi tiêu dùng đó từ đâu chưa
bàn. Dù sao, nó cũng là một nấc trên thang biểu kế kinh tế, nó cho thấy
có sự phát triển.
Nhưng, khi cái nhà, cái xe, mặt tiền, sợi dây chuyền, mặt ngọc, thẻ
vip, thương hiệu đeo trên người trở thành hay thay thế cho các giá trị
đạo đức, thay thế cho các chuẩn mực về thẩm mỹ, lòng trắc ẩn, danh dự…
Thì mọi chuyện không những xấu đi mà có nguy cơ kéo tuột mọi thứ trở về
thời đồ đá. Điều đáng nói là Việt Nam đang ở tình trạng này!
Thanh niên sẵn sàng xếp hàng rồng rắn cả ngàn người dưới cái nắng oi
bức mùa hè, chen chúc nhau hàng vài giờ đồng hồ để được ăn miễn phí một
món sushi hay một chén chè, một ổ bánh mì của tiệm mới khai trương bởi
thương hiệu của nó quá nổi tiếng. Nhưng thanh niên không bao giờ chịu
đựng được quá hai phút chờ đèn đỏ, thậm chí nửa phút, chưa đầy 30s, đèn
chưa kịp xanh thì thanh niên đã nhấn số, vặn ga mà vọt lẹ. Thanh niên
chọn bóng mát dưới những gốc cây ở các ngã tư để chờ đèn đỏ và chẳng dại
gì đứng đúng vạch khi đèn đỏ. Có thể nói rằng, con số rất đông, vô cùng
đông người trẻ thực dụng, sống vô cảm, sống vội vàng, hời hợt và nông
cạn. Đáng sợ hơn nữa là họ định giá con người bằng những gì đeo bám
chung quanh. Một kẻ giang hồ, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, buôn
ma túy… vẫn có thể được coi trọng hơn một trí thức vì y/thị đeo nhiều
vàng, có thế lực và đi xe khủng, có nhiều nhà đất.
Chưa dừng ở đó, tình làng nghĩa xóm trôi tuột chỉ sau một đêm, chiều
hôm qua còn chén tạc chén thù tình anh em xóm làng, sáng hôm nay cò đất
kéo tới, giá đất thổi tăng vùn vụt từng giờ, vậy là cái bờ rào giữa hai
nhà vốn hiền hòa, thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau bỗng dưng trở
thành công sự của hai gia đình. Người ta chỉ vì xê xích một vài tấc đất,
thậm chí vài phân đất giữa hai vườn do cái bờ rào uốn ẹo mà vác dao,
vác rựa, thậm chí vác cả mã tấu ra nói chuyện với nhau.
Cũng chưa bao giờ có chuyện làng xóm vì chuyện phân heo của nhà này
bốc ra hôi thối, nhà kia nhắc nhở, không những nhà này không khắc phục
mà còn mướn giang hồ về đánh nhà kia để dằn mặt. Đánh nhau chưa đủ, sát
hại nhau đến mức mất mạng kia mới vừa lòng. Có vẻ như chuyện này chỉ mới
xuất hiện trong thời giá đất tăng vọt, xuất hiện trong thời mà mọi thứ
giá trị được định vị trên chiếc xe, cái nhà và bộ áo quần hay chiếc điện
thoại thông minh. Lạ ở chỗ, người ta càng xài đồ thông minh thì bản
thân con người lại càng trở nên u mê ám chướng và tàn độc.
Tất cả những biểu hiện trên cho thấy rằng về mặt kinh tế, Việt Nam có
phát triển. Nhưng rất tiếc đây là một sự phát triển có trả giá, không
đồng hướng với đạo đức và văn hóa. Tại sao lại có hiện tượng kì quặc
này? Bởi vì với bất kì quốc gia nào, phát triển kinh tế là cái nền tốt
nhất để phát triển các giá trị tinh thần, ngay cả chủ nghĩa Cộng sản
cũng từng nói “con người, phải ăn, mặc, ở đầy đủ rồi mới đến phát triển
văn chương, nghệ thuật, các giá trị tinh thần…” (Tư Bản Luận – K. Maxr).
Sự ngược chiều giữa đạo đức và kinh tế này do đâu mà có?
Xin bỏ qua giai đoạn kinh tế hợp tác xã, tập trung bao cấp, cái giai
đoạn mà miếng ăn đã cướp mất linh hồn và cốt tủy của dân tộc, nỗi sợ hãi
đã đè bẹp khí chất quốc gia. Ở đây, tôi muốn nói đến giai đoạn bây giờ,
con người còn manh động gấp triệu lần giai đoạn kinh tế tập thể. Vì
đâu? Vì hầu hết cái vệt nối tệ hại của thời bao cấp chưa chịu dừng mà
chúng càng nở rộ. Thử nhìn trong một quốc gia mà tỉ lệ tốt nghiệp đại
học, du học xong về nước thất nghiệp quá cao, trong khi hầu hết các chân
quyền lực từ địa phương tới cấp tỉnh đều là những kẻ dốt đặc cán mai.
Nói nghiêm túc là dốt đặc cán mai, vì lẽ, những năm 1986 trở về sau, hầu
hết những kẻ chen chân vào hệ thống hành chính xã đều là dân thất
nghiệp, học dốt, chịu làm sai nha. Từ chân một anh xã đội trưởng ăn cục
nói hòn, chữ bẻ đôi cũng còn vết mẻ lại bu bám mãi cho đến Phó chủ tịch
xã rồi chủ tịch xã, chưa dừng, lên tới cấp huyện. Sau đó, chính vào thời
ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, cách quản lý hành chính thay đổi
đáng kể từ trục dọc sang trục ngang. Từ chỗ Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện
chỉ quản lý về lkinh tế, văn hóa và y tế chuyển sang quản lý luôn ngành
giáo dục. Và họ được tạo điều kiện để hợp thức hóa bằng cử nhân, trên
đại học. Vì có như vậy họ mới đủ “tư cách” sai bảo hiệu trưởng các
trường trong địa hạt quản lý của họ.
Hậu quả là hàng chục triệu tấm bằng từ tốt nghiệp trung học phổ thông
cho đến đại học, trên đại học được ra lò để đảm bảo chỗ ngồi cho các
lãnh đạo địa phương. Và khi có đủ quyền bính trong tay, họ tha hồ tác
oai tác quái, họ liên kết với xã hội đen, bảo kê cho các quán, các dịch
vụ trong khu vực quản lý và hình thành hẳn một tầng lớp xã hội đỏ, về
mặt quyền lực đứng trên xã hội đen một bậc, về mặt hung hăng thì các
nhóm xã hội đen sẽ làm tay sai ủy nhiệm của xã hội đỏ. Người dân từ chỗ
chưa kịp hoàn hồn sau cái đói đã phải chuyển sang trạng thái luôn luôn
đối phó với hai cái tròng trên cổ và chẳng còn đủ thời gian để kiếm ăn
thì lấy đâu ra thời gian để suy tư, để bồi bổ nhân tính, để hoàn thiện
đạo đức!
Nói cho cùng, đạo đức người Việt trở nên suy đồi và mục ruỗng như
ngày hôm nay là do hai thế lực vừa dốt, vừa hung ác có tên xã hội đen và
xã hội đỏ này gây ra. Người dân phải chụp giật miếng ăn trước hai con
quái thú ham ăn này, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội mà yêu thương hay nghĩ
về lòng nhân. Và, nếu không tiêu diệt hai con quái thú này, đến một lúc
nào đó, chúng sẽ tự cắn nhau, người dân lại nổi dậy để tiêu diệt chúng…
Và đáng buồn thay, lúc đó, chẳng ai có cơ hội lành lặn để đi tiếp trên
con đường tiến bộ của nhân loại. Lại phải lùi về thuở ban đầu trong thú
đau thương của một người vừa được cởi tròng và trả giá không nhỏ cho
việc đó. Có thể nói rằng, chưa bao giờ muộn nếu chúng ta kịp suy nghĩ và
làm đúng cách!
VietTuSaiGon's blog
No comments:
Post a Comment