''24 năm lấy chồng Đài Loan, tôi như đánh cược cuộc đời''
Hôm 12/1, chúng tôi
lái xe từ Đài Bắc xuống Đào Viên (Taoyuan) để đến thăm nhà thờ Đào
Viên, nơi có một cộng đồng không nhỏ người Việt thường xuyên đến đi lễ,
sinh hoạt và giao lưu.
Khi chúng tôi đến nơi thì đã chị Vũ Thị Ngọc và một số người Việt khác đã đợi sẵn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là một người phụ nữ nhỏ nhắn với một nụ cười hiền lành, ánh mắt dịu dàng đem lại một cảm giác nhẹ nhàng ngọt ngào cho người đối diện.
Nhưng khi chị cất tiếng nói thì sự chân thật, chất phác của con người này lan toả cả căn phòng.
Sinh ra ở Đồng Nai, nhưng gia đình chuyển đến TP Hồ Chí Minh khi chị 17 tuổi. Khi đó gia cảnh quá khó khăn.
"Khi đó bố tôi phải ngồi sửa xe máy, xe đạp bên lề đường. Dưới tôi còn có ba em nhỏ. Em trai tôi khi đó học rất giỏi, nó luôn đứng hạng nhất nhưng nó tính bỏ học. Vì nó bảo 'Mình bố sửa xe mà không có ai giúp đỡ."
Phẩm cách Đài Loan, phẩm cách Việt Nam
"Tôi khi đi làm nghề may, nhiều lúc tôi may miệt mài tới 2 giờ sáng. Nhưng vậy cũng chẳng đủ chi phí cho gia đình."
Rồi một lần đi dự đám cưới, chị lọt vào mắt xanh của một người đàn ông Đài Loan muốn về Việt Nam tìm vợ.
"Đêm đó tôi nằm suy nghĩ mãi. Có cơ hội thì tôi cũng không muốn bỏ lỡ. Một là mình đổi được đời, giúp đỡ gia đình. Hai là coi như mình đi làm xa đi. Cứ tưởng tượng như vậy là được."
Và ấn tượng đầu tiên về người chồng chưa cưới cũng khiến chị yên tâm phần nào.
"Ấn tượng đầu tiên về [chồng] là anh ấy có vẻ là một người hiền lành. Còn lúng túng với phụ nữ. Khi anh lấy cơm hay gắp đồ ăn cho tôi, anh ấy run tới mức đồ ăn rơi ra," chị bật cười khi nhớ lại.
"Nên tôi cảm thấy có lẽ mình có thể giao phó cuộc đời mình cho người đàn ông này được."
Vậy là sau là ba lần gặp mặt, diễn ra vỏn vẹn trong vòng một tuần, chị đồng ý.
Đêm trước ngày cưới, chị khóc sưng mắt.
"Bố mẹ tôi nói 'Đây là một sự hy sinh rất lớn. Con cảm thấy làm được thì làm, nếu con cảm thấy không được thì đừng làm.' Em trai tôi cũng nói 'Chị Hai nếu chị không muốn đi thì đừng đi'."
Nhưng chị không hối hận về quyết định của mình. Sau khi cưới, chị được chồng cho một khoản tiền mua một mảnh đất 32m2 và cất một căn nhà hai tầng cho ba mẹ và các em. Em trai chị sau đó cũng đi học bổ túc lại.
Trước khi đi, chị dặn gia đình nếu có điều gì dặn dò thì nói trước, và đến ngày đi "không một ai được nói điều gì đến lời tạm biệt". Đến ngày chị đi, mọi người đều lặng lẽ tiễn chị ra phi trường.
Nhưng khi đến bên bờ xa lạ, chị nói chị khóc bốn tháng liền vì nỗi nhớ nhà.
"Nhớ nhà, nhớ quê hương. Dù cho quê hương mình có không được tốt lắm, không được như người ta, nhưng mà ở quê hương vẫn tốt hơn," chị nghẹn ngào khiến cả căn phòng gần như nín lặng.
"Ngày nào tôi cũng ra đồng. Vì quê chồng tôi đồng ruộng mênh mông cò bay thẳng cánh. Tôi hay cùng bố chồng tôi ra ruộng xem người ta cày cấy.''
"Khi tôi đi lang thang ngoài ruộng, nhìn lên trời thấy máy bay tôi cứ nghĩ bao giờ mình mới được lên máy bay. Vì có lên máy bay thì mới về nhà được."
Sau khi sinh con đầu lòng được một tuổi, chị đưa cháu về gặp ông bà ngoại ở Việt Nam.
"Phản ứng đầu tiên của họ là gọi ngay 'Đài Loan con!'" chị bật cười khúc khích. "Vì những đứa trẻ Đài Loan dù sinh ra là mẹ người Việt Nam nhưng nó vẫn giống y hệt bố nó, như hai giọt nước vậy. Cho nên chỉ cần nhìn qua người ta đã biết và gọi ngay là 'Đài Loan con'."
Khi sinh con ra, chị chia sẻ rằng chị cũng muốn con mình học tiếng Việt, nhưng khi nhỏ các cháu không phân biệt được tiếng Trung và tiếng Việt.
Chị quyết định để các cháu lớn hơn nhưng rồi nhận ra đó cũng là một sai lầm. Khi lớn rồi thì hai con của chị lại không thể học tiếng Việt được nữa.
Chị cũng không phủ nhận việc con cái từng bị bạn bè trêu chọc vì "mẹ nó là người Việt" nhưng khi các con lớn lên chị nhận thấy tình trạng này cải thiện dần.
Bản thân chị, cũng như nhiều bà mẹ Việt khác cũng không tránh khỏi ánh mắt hiếu kỳ của những người Đài Loan địa phương.
"Tôi có thể khẳng định cô dâu Việt Nam có khi còn dạy con tốt hơn," chị nhìn tôi tự tin nói.
"Vì về giáo dục ở trường thì ở đây là đã tốt lắm rồi. Nhưng về cách giáo dục, quản lý con cái ở nhà thì tôi thấy người Việt mình làm tốt hơn.''
"Người Việt mình nói con mấy giờ cần đi ngủ, mấy giờ cần ăn và đi học về phải làm gì. Khi thấy các chú, các ông thì phải chào. Khi ăn cơm thì phải mời."
"Tôi thấy mấy đứa trẻ Đài Loan, khi chúng nó muốn ăn là ăn, chẳng mời ai xung quanh cả. Về khoản này thì chồng tôi và bố mẹ chồng tôi khen tôi dạy con ngoan," chị nói.
Tôi hỏi chị nghĩ gì về những định kiến đối với các cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, chị trầm ngâm rồi nói.
"Tôi nghĩ họ nói có cái đúng, nhưng cũng có cái không đúng. Một số người như chúng tôi lấy chồng để hy vọng có cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Nói như vậy thì không công bằng với chúng tôi…"
"Nếu có người hỏi 'Bạn từ đâu đến?' Tôi cũng lớn tiếng trả lời 'Tôi là người Việt Nam. Tôi lấy chồng sang đây," chị nói một cách tự hào.
Còn về lời khuyên cho những cô dâu Việt muốn cười chồng Đài Loan, chị chỉ dặn: "Khi đến một đất nước xa lạ, có nhiều cái khó mà ngay lúc đầu có thể hoà đồng ngay được."
"Ông bà mình có một câu mà. Một điều nhịn thì chín điều lành. Cái gì mình hiểu thì mình trả lời. Cái gì không biết thì mình cứ 'Vâng ạ!'. Thế là qua chuyện thôi," chị lại cười khúc khích.
Giờ đã có hai con trai lớn, chị nhìn lại hành trình cuộc đời 24 năm nơi xứ lạ với nụ cười, "tôi thấy… cũng được!"
No comments:
Post a Comment