Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 1 April 2019

Nhật Bản 'khuyến khích' người dân bớt chăm chỉ

  • 29 tháng 5 2017
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Vào tháng Hai, công ty quan hệ công chúng Sunny Side Up đóng tại Nhật tuyên bố các nhân viên của họ có thể nghỉ sớm vào ngày thứ Sáu cuối cùng của mỗi tháng.
    Thế nhưng vấn đề là không ai muốn nghỉ. Bất chấp thông báo của công ty, tất cả mọi người đều ngồi lại chỗ làm.
    "Đó không phải là tác phong của người Nhật," Ryuta Hattori, người đứng đầu bộ phận liên kết toàn cầu của công ty, cho biết. "Trong văn hoá làm việc của người Nhật, chúng tôi làm việc rất chăm chỉ và không ai có thói quen nghỉ sớm."
    Ý tưởng này là một trong các sáng kiến mới của chính phủ Nhật Bản, được đưa ra vào ngày 24 tháng Hai năm 2017. Mục tiêu của nó là nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ văn hoá làm việc quá sức ở nước này.
    Mỗi tháng, vào Ngày Thứ Sáu Đặc biệt - tên gọi của sáng kiến này, các nhân viên được khuyến khích rời văn phòng vào lúc 3 giờ chiều. Chính phủ hy vọng điều này sẽ làm giảm bớt áp lực trong công việc.
    Thế nhưng nói thì dễ chứ thực tế thì khác.
    Tại công ty của Hattori, khẩu hiệu 'hãy tìm niềm vui trong cuộc sống' được đưa ra nhằm khuyến khích các nhân viên rời công sở. "Chúng tôi thậm chí phải thưởng tiền để họ rời khỏi văn phòng," ông nói.
    Bất cứ nhân viên nào đồng ý rời khỏi bàn làm việc vào lúc 3 giờ chiều Ngày Thứ Sáu Đặc biệt đều được nhận một phong bì chứa 3.200 yen (28 đôla). Một số người đến các izakaya - những quán nhậu kiểu Nhật có phục vụ đồ ăn, trong khi một số khác đi chơi bóng đá.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Thế nhưng vẫn rất nhiều lao động tỏ ra do dự trước việc rời công sở sớm. Ý tưởng này dù rất có thể sẽ được hoan nghênh ở các quốc gia khác nhưng tại Nhật, nó lại bắt gặp phải sự dè dặt.

    Đầu tiên là từ các sếp

    Vào chiều muộn ngày thứ Ba, Gian Nomachi đẩy một xe chứa đầy các hộp cơm trống bên ngoài một khu phức hợp nghiên cứu y tế ở tỉnh Hyogo. Cô đi giao đồ ăn trưa ở công sở.
    "Tôi muốn nghỉ sớm vào Ngày Thứ Sáu Đặc biệt, nhưng không thể," Nomachi, 26 tuổi, vừa nói vừa xếp các hộp cơm vào trong xe tải nhỏ. "Thực sự là không thể rời văn phòng sớm."
    Cô nói rất có thể cô sẽ nghỉ sớm nếu sếp cũng làm vậy, nhưng vì điều đó không xảy ra, nên không một nhân viên nào dám nghỉ sớm.
    Đây là hiện trạng chung tại Nhật, nơi mà các lao động phải làm việc quá giờ mà không được trả thêm, Parissa Haghirian, giáo sư về quản trị tại Đại học Sophia, Tokyo, nói.
    Điều này một phần là do tình trạng thiếu lao động, vì vậy tất cả mọi người đều phải làm việc quá sức mình, Haghirian nói.
    "Đây là lý do vì sao người Nhật phải làm việc quá giờ … bởi vì không có đủ lao động." Haghirian nói. "Khi một công ty không có đủ người, bạn không thể rời công sở sớm vì không có người để làm cho xong lượng công việc".
    Tuy nhiên văn hoá làm việc quá sức tại Nhật Bản đang tới mức báo động, khiến chính phủ phải vào cuộc. Nhiều vụ tự sát liên quan đến quá tải trong công việc, được gọi là karoshi trong tiếng Nhật, đã làm dấy lên mối lo ngại về văn hoá này.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Một trong các vụ tự sát như vậy là của Matsuri Takahashi, lãnh đạo 24 tuổi của một công ty quảng cáo, người đã nhảy lầu tự sát vào ngày Giáng Sinh năm 2015. Cô đã làm việc quá thời gian hơn 100 tiếng trong một tháng và đã viết thư tuyệt mệnh cho mẹ, trong đó ghi rằng: "Vì sao mọi thứ lại khó khăn như vậy".
    Cô là một trong số 2.159 lao động khác tự sát vì làm việc quá sức. Hồi tháng 10 năm 2016, thống kê của chính phủ cho thấy một phần tư các công ty có nhân viên làm thêm 80 tiếng mỗi tháng. Con số này cho thấy một lượng lớn các lao động ở nước này đứng trước nguy cơ tự sát vì quá tải.
    Để đối phó với điều này, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giảm tải công việc, trong đó có sáng kiến Ngày Thứ Sáu Đặc biệt.
    Thế nhưng hai tháng kể từ khi sáng kiến này được đưa ra, vẫn không có nhiều sự hưởng ứng từ các công ty.
    Hồi tháng Ba, Ngày thứ Sáu Đặc biệt diễn ra vào đúng dịp hoa anh đào nở, vốn là thời điểm khi mà người dân địa phương và khách du lịch đổ đến các công viên và các đền thờ để ngắm hoa. Tuy nhiên nó cũng cùng thời điểm với ngày cuối cùng của năm tài khoá, vì vậy các nhân viên không thể rời khỏi văn phòng.
    Chuỗi cửa hàng pizza Domino thậm chí còn tung ra một chiến dịch quảng cáo mang tên Ngày thứ Hai Chán nản, trong đó cho thấy các nhân viên quay trở lại làm việc trong sự mệt mỏi vào sáng thứ Hai sau khi để lỡ mất Ngày thứ Sáu Đặc biệt.

    Không ai muốn làm trước

    Áp lực phải ở lại văn phòng giống như các đồng nghiệp khiến nhiều lao động làm việc đến tối khuya. Và điều này khó có khả năng sẽ thay đổi ngay cả khi chính phủ đã đưa ra sáng kiến Ngày thứ Sáu Đặc biệt.
    Những lao động ngoại quốc tại Nhật Bản thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn. Hầu hết trong số họ đều làm việc quá thời gian tại các công ty Nhật Bản, Haghirian nói. Các công ty phương Tây thường bắt đầu làm việc sớm, vào lúc 6 giờ sáng cho đến 10 hoặc 12 tiếng sau.
    "Thế nhưng ít ra thì họ không làm việc đến khuya như lao động Nhật Bản," Haghirian nói.
    Bất chấp nỗ lực của chính phủ, sáng kiến Ngày thứ Sáu Đặc biệt vẫn không được áp dụng rộng rãi, ngay cả trong các cơ quan của chính phủ.
    Bản quyền hình ảnh Eric Barton
    Giống như hầu hết các lao động Nhật Bản khác, những nhân viên tại Toà thị chính Thành phố Kobe bắt đầu làm việc vào lúc 9 giờ sáng, khi chuông báo hiệu đến giờ làm việc vừa vang lên. Chuông vang lên một lần nữa vào lúc 1 giờ chiều, báo hiệu đến giờ ăn trưa, nhưng hầu hết các nhân viên đều ăn trưa một cách nhanh chóng tại bàn.
    Đến 5 giờ chiều, chuông lại vang lên để báo hiệu hết giờ làm việc. Thế nhưng bạn sẽ không nhìn thấy nhiều người rời khỏi bàn. Đến 9 giờ tối, chuông báo hiệu vang lên một lần nữa để khuyến cáo các lao động không nên ở lại lâu hơn. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người tiếp tục ở lại.
    Thị trưởng Kobe, Kizo Hisamoto, nói ông rất hy vọng sẽ có thể thay đổi thói quen này. Ông cho biết ông ủng hộ sáng kiến Ngày thứ Sáu Đặc biệt và nỗ lực giảm áp lực trong công việc. Thế nhưng các nhân viên tại toà thị chính của ông lại không tham gia sáng kiến.
    "Chúng tôi có nhiệm vụ phải đáp ứng yêu cầu từ người dân," Hisamoto nói.
    Thay vào đó, ông nói ông bắt đầu giảm thời gian làm ngoài giờ của các nhân viên.
    Cho đến nay, mới chỉ có 130 công ty cho biết họ sẽ tham gia vào sáng kiến Ngày thứ Sáu Đặc biệt, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên chính phủ vẫn không có thông tin chính xác về việc các công ty này sẽ thực hiện sáng kiến này ra sao, hoặc liệu các công ty có áp dụng sáng kiến này cho tất cả các lao động hay không.
    Tại hãng PR của Hattori, công việc không bị chậm lại chỉ vì các nhân viên nghỉ sớm. Trái lại, Hattori phải trả lời rất nhiều cuộc gọi trong Ngày thứ Sáu Đặc biệt đầu tiên. Vì vậy khi các đồng nghiệp của mình đi ra các quán nhậu hoặc chơi đá bóng, ông vẫn phải làm việc.
    Tuy nhiên vào tháng Ba, cả văn phòng đóng cửa vào Ngày thứ Sáu đặc biệt. Lần này, công ty không phải thưởng cho nhân viên để khuyến khích họ về sớm mà toàn bộ các nhân viên đều được trả lương giống như thể họ vẫn đi làm bình thường. Hattori nói ông và các đồng nghiệp đi uống bia, xem phim hoặc đi cắt tóc.
    Hattori không phải là người duy nhất nghỉ việc sớm vào Ngày thứ Sáu Đặc biệt tháng này. Thủ tướng Abe cũng rời văn phòng vào đúng 3 giờ chiều hôm đó, theo truyền thông địa phương, cũng là lần đầu tiên ông thủ tướng làm vậy kể từ khi ông có kỳ nghỉ hồi tháng Tám năm ngoái.

    No comments:

    Post a Comment