Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 28 April 2019

Ra mắt Phỏng Vấn Ký Đời Cách Mạng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để


Nhà báo Du Miên tường trình nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời bôn ba nơi hải ngoại trên đường cứu nước của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG
GARDEN GROVE - Trong lịch sử Việt Nam cận đại, một nhà chí sĩ yêu nước là Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, cháu đích tôn năm đời của Vua Gia Long, được triều đình Huế và Pháp đưa lên ngôi Vua thay vua Thành Thái bị Pháp truất phế. Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để không chịu làm vua bù nhìn, ông trả lại ngôi vua và Hoàng Bào cho triều đình bù nhìn và thực dân Pháp, trốn khỏi kinh thành Huế vào Quảng Nam thành lập Quang Phục Hội để chống Pháp.
Năm 1906, ông trốn sang Nhật và cùng cụ Phan Bội Châu cổ động phong trào Đông Du. Một ký giả người Nhật tên là Tùng Lâm đã phỏng vấn Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và viết thành cuốn “Phỏng Vấn Ký.”
Cuốn Phỏng Vấn Ký viết bằng tiếng Nhật, sau này được Ban Tuyên Truyền của Phục Quốc Đồng Minh Hội tại Tokyo, Nhật Bản dịch sang Việt ngữ. Trưởng Nữ và Trưởng Nam, Thứ Nam của Đức Cường Để là bà Công Tôn Thị Hảo và Hoàng Thân Tráng Liệt, Hoàng Thân Tráng Cử in thành sách. Nay lại được ông Nguyễn Phúc Liên Thành, cháu nội Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để tái bản và ra mắt tại Thư Viện Việt Nam vào ngày thứ Bảy 6 tháng 4, 2019 vừa qua.


Ông Nguyễn Phúc Liên Thành, cháu nội của Đức Kỳ Ngoại Hầu, người chủ trương tái bản cuốn Phỏng Vấn Ký của ký giả Nhật Bản. (Thanh Phong/Viễn Đông)
Bìa cuốn “Phỏng Vấn Ký” vừa ra mắt tại Thư Viện Việt Nam. (Thanh Phong/Viễn Đông)
Trong buổi ra mắt, ký giả Du Miên đã có bài nói về lịch sử, dòng dõi Đức Kỳ Ngoại Hầu khiến người tham dự chăm chú theo dõi, vì ông đã nêu một số sử liệu về Đức Kỳ Ngoại Hầu mà nhiều người chưa được biết. Đây là một thiên Phỏng Vấn rất giá trị về mặt lịch sử của một ký giả ngoại quốc viết về một nhà chí sĩ Việt Nam..
Cuốn Phỏng Vấn Ký dầy 194 trang, trong đó Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để vừa trả lời phỏng vấn vừa kể cho ký giả Nhật Bản về thời niên thiếu, về cụ Phan Bội Châu, về Quang Phục Hội, kể chuyện sang Nhật, sang Xiêm (Thái Lan), tạm rời khỏi đất Nhật, bơ vơ giữa Thượng Hải và Hồng Kông, bôn tẩu ở Trung Hoa và Thái Lan, ba tháng ở Nam Kỳ, mắc Nạn tại Hồng Kông, tám tháng tại Châu Âu, chuyện hão ở Bắc Kinh, trở lại Nhật Bản, vụ Phan Bá Ngọc, sang Tàu lại về Nhật, ông Phan Bội Châu bị bắt, một mối đau đớn, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, tình trạng tại Đông Kinh.
Mỗi đề tài trên là một chuyện lý thú và một số hình ảnh về cuộc đời bôn ba của ngài. Tuy nhiên, ba người con của Đức Kỳ Ngoại Hầu đã rất cẩn trọng khi viết Lời Nói Đầu trong cuốn sách: “Quý vị xem cuốn sách này chỉ là một tài liệu có liên quan đến lịch sử tranh đấu giành độc lập của nước nhà trong một thời gian và không gian thuộc về dĩ vãng. Thiết tưởng những sự việc trong sách này cũng có thể giúp những người viết sử Việt Nam trong muôn một khi muốn nghiên cứu sưu tầm một khúc quanh của lịch sử cách mạng của nước ta, nên chúng tôi có ý định đem in thành sách để phổ biến.”
Trong phần cuối cuốn Phỏng Vấn Ký có tiểu sử đầy đủ của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Quý độc giả Viễn Đông muốn có cuốn Phỏng Vấn Ký nói trên xin liên lạc với ông Nguyễn Phúc Liên Thành qua số điện thoại (626) 257-1057 hay email: nguyenphuclt1966@gmail.com.

Viết bình luận đầu tiên
Advertising
http://viendongdaily.com/ra-mat-phong-van-ky-doi-cach-mang-ky-ngoai-hau-cuong-de-XlFq5NA9.html

No comments:

Post a Comment