Chọi gà, thú chơi công phu
Thứ Sáu, 17/09/2010, 02:56:00
Nghề chơi cũng lắm công phu
Theo giới chơi gà, để tạo được một con gà tài (thần kê) hết sức công phu và
việc then chốt là phải biết chọn dòng gà bố mẹ. Gà bố phải thuộc dòng có chân đá
hiểm hóc, nhiều đòn thế hay, có sức bền bỉ chịu đựng, khôn ngoan, lanh lợi.
Giới chơi gà thường dựa vào các đặc điểm: ngực nở, hai eo nách phải đầy, cổ
phải dựng thẳng đứng từ trong vai ra, hai cánh úp sát vào mình, đuôi cúp xuống
đất, hai bắp đùi phải to, mầu vảy chân thật sáng và giao long xuống đều như răng
cưa. Được hội tụ những tố chất trên, trong đám gà con được sinh ra thế nào cũng
được ít nhất là một con gà tài. Trước đây, những dòng gà mái "chiến" đều tập
trung ở các tỉnh phía Nam như: Mũi Né, chợ Cầu (Phan Thiết), dòng gà của cụ Tôn
Thất Đệ ở Nha Trang, dòng "Xám rách" của ông Bảy Đệ ở Vạn Giã (Phú Yên). Còn
hiện nay, do qua nhiều năm các tay chơi trao đổi với nhau nên những dòng gà hay
đã được rải đều ở các địa phương. Điều tối kỵ trong việc "đức" gà là cho gà "lại
dòng" (quan hệ đồng huyết), bởi như thế sẽ sinh ra gà trùng thế sát phạt lẫn
nhau.
Chọn gà tài phải được bắt đầu từ thuở "sơ sinh". Trong một bầy gà vừa nở,
người ta sẽ chọn con gà tách bầy đi bắt sâu kiếm ăn một mình, hoặc đêm về không
"rúc vào nách mẹ" ngủ mà lại nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Còn nếu
chọn gà không do mình tự "đúc" thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: Cựa
nhật nguyệt (đen, trắng), gà lương nhãn (2 con mắt khác màu), gà có bớt trong
lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân sải cánh, duỗi cổ như chết). Những con
gà được xem là "linh kê" khi chúng có những biểu hiện "lập dị" như: chúm chân
bước từng bước đi như lính đi diễu hành, mặt cứ lắc qua lắc lại liên tục, hoặc
mỗi buổi sáng sau khi được phun nước đi vòng quanh lồng (gọi là gà né lồng).
Dân chơi gà đã đúc kết những đặc điểm trên bằng mấy câu thơ cửa miệng: "Nhất
thời chân chúm bỏ ra, nhì thời lắc mặt thứ ba né đồng"! Đến thời điểm gà được
"luyện võ", cho đá "dượt" với gà cùng "lò" hoặc cho một con khác vào giỏ tre như
trên không để tập đòn, tập thế đá cho gà kia. Nếu có được trong tay một còn gà
chuyên cắn lưng, đá ngựa hoặc đâm đùi, xỏ đĩa thì chẳng gì bằng!
Chọi gà xưa và nay
Ngày xưa, ông cha ta chơi gà còn mang đậm tính nghệ thuật. Người chơi có thể
ấn định thời gian "chọi" của gà (hồ chọi) ngắn hoặc dài để gà có điều kiện nghỉ
dưỡng sức. Nay mỗi "hồ" đấu được ấn định 20 phút, nghỉ cho nước năm phút sau đó
tiếp tục "chọi" cho đến khi phân thắng bại. Xưa, nếu gà mệt quá có thể đứng tựa
vào nhau mà nghỉ thoải mái, hoặc sau đó được xử huề. Nay thì người chơi sẽ nắm
đuôi của chúng kéo ra rồi thả vào để giục hăng cho chúng tiếp tục cuộc đấu để
nhanh tiến đến ăn thua.
Để tạo độ bền cho gà, trong những cuộc chơi cha ông ta có thể dùng nước ấm để
áp, thoa gừng hoặc cho gà uống nước tiểu nhưng nay thì không một loại thuốc nào
được mang vào cuộc chơi để tiếp sức cho gà. Gà được ăn cơm, uống nước của trường
gà. Do tính chất của cuộc chơi đã trở nên "quyết tử" như vậy nên chuyện thắng
bại trong một cuộc đấu tuỳ thuộc phần lớn vào tài năng của người chủ. Tài năng
của người chủ được thể hiện qua cách "chạng" gà. Mỗi miền có một cách "chạng" gà
khác nhau. Ở miền nam thì "chạng" gà bằng cách "vô tay" (dùng tay vuốt lưng con
gà đối thủ để đo độ dày mỏng, cân lượng). Còn ở miền trung thì không được sờ tay
vào con gà. Khi "chạng", gà được nhốt trong hai chiếc giỏ, hai người chủ phải
"chạng" gà bằng mắt. Do đó, người chơi phải biết "đo", biết "cân" gà bằng cách
nhìn: con gà nào có khoảng cách từ "chậu" (mấy ngón chân) lên đến đầu gối, từ
gối lên đùi, có "cần" (cái cổ) dài và mình hình bắp chuối thì ấy là con gà cao,
nặng. Còn mọi thứ đều ngắn là gà thấp. Cách cho nước gà sau mỗi "hồ" đấu cũng
quan trọng không kém. Nhìn cách thi đấu của gà người cho nước sẽ biết con gà của
mình cần cho nước nhiều hoặc ít, cần được quạt hay cần ăn cơm. Nếu làm sai gà sẽ
bị làm giảm sức thi đấu.
Trần Đình Văn (Bảy Quéo) 54 tuổi, ở thị trấn Bình Định (An Nhơn, Bình Định)
là một "chuyên gia" đúng nghĩa bởi anh đã biết chơi chọi gà từ năm mới 10 tuổi.
Nhắc đến cái tên Bảy Quéo trong giới chơi gà ở Việt Nam có lẽ không ai là không
biết. Ngoài ra, từ năm 1996 đến nay, anh đã đi chơi gà tại nhiều nước trong khu
vực như: Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc. Bề dày của nghề chơi đã cho anh
nhiều kinh nghiệm từ việc chọn cho đến cách huấn luyện gà. Nhất là anh có đôi
mắt rất tinh tường khi "chạng" gà. Rồi khi nhìn gà ra đòn với nhau, mắt anh đã
"biết" trước kẻ thắng người thua. Do đó, khi gà của anh nuôi ra trường đấu ít
khi phải chịu thất bại. Ngoài những con gà được "đúc" từ "lò" nhà, anh còn
đến các trường gà xem "chân" để chọn mua gà cho "xuất ngoại". Gà trong nước anh
mua từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/con, sang các nước bán được từ 100 đến cả
nghìn USD/con.
TheoTheo Du lịch
http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/13655202-.html
http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/13655202-.html
No comments:
Post a Comment