Trung Quốc sẽ để Vành đai Con đường lặng lẽ chết?
Chuyên gia Bùi Mẫn
Hân gần đây đặt câu hỏi là liệu Trung Quốc có sẽ để cho dự án Vành đai
Con đường chết một cái chết lặng lẽ.
Vành đai Con đường là
sáng kiến đầu tư rộng lớn, đầy tham vọng của Trung Quốc, do Chủ tịch
Tập Cận Bình đề ra với mục đích kéo thế giới lại gần và biến quốc gia
này thành trung tâm chính trị và kinh tế của hơn 60 quốc gia trong vòng
quét của dự án.
Nhiều nước 'lưỡng lự, tẩy chay'
Đưa ra phân tích của mình trong bài "Will China let Belt and Road die quietly?" tác giả Bùi Mẫn Hân trước tiên đề cập đến những thái độ tẩy chay, hay ít ra là xét lại của hàng loạt các nước quanh vùng.
Thủ
tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ hai dự án Vành đai Con
đường lớn, một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí
quá cao.
Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại viên ngọc
quý của Vành đai Con đường - Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan
(CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đôla.
Chính phủ Myanmar vừa nói với Bắc Kinh rằng việc xây
dựng một đập thủy điện đã bị đình chỉ do Trung Quốc tài trợ sẽ không
được khởi động lại.
Maldives, quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương,
đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỷ đôla - bằng hai phần ba tổng sản
phẩm quốc nội - mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự
án Vành đai Con đường.
Ngoại hối suy giảm, ngân sách thâm hụt
Dự
án đầy tham vọng này của Trung Quốc không chỉ khó tồn tại vì sự tẩy
chay của các nước trong vùng, nó đang gặp khó khăn vì tình hình kinh tế
của nước này.
Môi trường tài chánh của Trung Quốc giờ đây không
còn giống như thời Tập Cận Bình tung ra Vành đai Con đường vào năm
2013. Lúc đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ đôla.
Và với số tiền ấy, việc dùng một số hối đoái nước ngoài là một ý tưởng
tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cùng với việc sử dụng các nhà
thầu và vật liệu của Trung Quốc, Vành đai Con đường còn có thể giúp giải
quyết vấn đề thặng dư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thép,
xi măng và xây dựng.
Nhưng trong 5 năm qua suy thoái kinh tế đã
rút đi hơn 1 nghìn tỷ đôla từ dự trữ ngoại hối nói trên. Nếu tính thêm
ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể
tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho Vành đai Con đường ở một quy
mô như trước. Thuế quan áp đặt bởi Mỹ cộng với sự không chắc chắn về
quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung
Quốc sang Mỹ và, ở mức độ thấp hơn, các thị trường phát triển khác.
"Vì
thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng
dư tài khoản vãng lai, việc xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm
đáng kể dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản ̣(vãng lai) cho Trung
Quốc, nếu không thể bù đắp được sự thiếu hụt bằng cách xuất khẩu sang
các thị trường khác (một điều khó thực hiện). Khả năng thanh toán xấu
đi sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng dự trữ ngoại hối chủ yếu để bảo vệ đồng Nhân
dân tệ và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ
mô của Trung Quốc." Chuyên gia Bùi Mẫn Hân dẫn giải.
Chưa hết! Về
mặt đối nội, Bắc Kinh phải đương đầu với một cơn bão về chi phí lương
hưu tăng, tăng trưởng kinh tế làm chậm và tiền thu thuế giảm dần.
Thẳng
thừng cảnh báo về triển vọng tài chính nghiệt ngã này, cuối tháng 12
năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn nói: "Tất cả các cấp
của chính phủ phải lãnh đạo bằng cách thắt lưng buộc bụng và làm hết sức
mình để giảm chi phí hành chính." Và ngay sau cuộc họp, Thượng Hải,
thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã ra lệnh cắt giảm 5% cho hầu hết các
cơ quan trong năm 2019.
Lỗ hổng ngân sách lớn nhất của Bắc Kinh là
lương hưu cho dân số già hóa nhanh chóng. Tỉnh Hắc Long Giang thâm hụt
23 tỷ nhân dân tệ trong tài khoản lương hưu tính đến năm 2016, và sáu
tỉnh khác, với dân số kết hợp là 236 triệu người, đã tham gia đóng góp
lương hưu ít hơn so với chi trả trong năm 2016. Bức tranh lương hưu cho
toàn Trung Quốc trông cũng đen tối không kém. Bộ Tài chính nước này
cho biết chính phủ đã phải đóng góp 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm
2017 để tài trợ cho những thiếu hụt cho lương hưu.
Bùi Mẫn Hân kết luận:
''Trong
tình trạng kinh tế bị trì hoãn vì chiến tranh thương mại với Mỹ, và
phải đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia nhận tiền Vành đai Con
đường, những người hoài nghi dự án này, bao gồm các học giả, nhà kinh tế
và doanh nhân, đang lặng lẽ hỏi liệu chính phủ có đang xử dụng đúng đắn
nguồn lực khan hiếm của quốc gia hay không."
"Các dự án vĩ đại
được hình thành và ra chào đời khi túi ngoại hối còn đầy sẽ phải được
Bắc Kinh đánh giá lại. Một số sẽ phải bị giới hạn hoặc thậm chí bị bỏ
rơi hoàn toàn. Điều dường như đang xảy ra ở Bắc Kinh là trong khi giới
lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục sát cánh với Vành đai Con đường, tham vọng
ban đầu của ông Tập đang bị đẩy lùi khỏi tầm nhìn của công chúng. Sẽ
không nên ngạc nhiên nếu cuối cùng Bắc Kinh để cho Vành đai Con đường,
ít nhất là Vành đai Con đường phiên bản 1, chết một cái chết lặng lẽ."
Những nhận định khác
Không có thông báo chính thức nào cho thấy Bắc Kinh sắp sửa dập tắt giấc mơ Vành đai Con đường của Tập Cận Bình. Điều này không có gì ngạc nhiên. Kiểm duyệt chặt chẽ đã loại bỏ bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào, nếu có, về dự án này khỏi mọi phương tiện truyền thông.Thế nhưng, nếu để ý kỹ, người ta vẫn thấy được dấu hiệu. Trong tháng 1 năm 2018, tờ The People's Daily, tiếng nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc có 20 bài viết về Vành đai Con đường. Tháng 1 năm nay, tờ báo này chỉ có 7 bài viết về cùng đề tài.
Dù cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh không còn lớn tiếng quảng bá Vành đai Con đường, tác giả David Hutt, chuyên gia theo dõi chính trị châu Á, không đồng ý với nhận định của Bùi Mẫn Hân.
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 15/2, ông nói:
"Cũng không đáng ngạc nhiên là thoạt nhìn thì mọi thứ đang không suôn sẻ lắm đối với Vành đai Con đường. Không ai nghi ngờ là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đặt ra một vấn đề lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.''
''Một số nhận định, tuy nhiên, có thể hơi được phóng đại. Một số nhà phân tích cho rằng việc xuất khẩu chậm lại thực sự có thể là điều tốt, vì Bắc Kinh giờ đây sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để làm cho nền kinh tế trở nên hướng nội và tự chủ hơn, vì hy vọng sẽ biến nó thành một khuynh hướng dài hạn, và chuyển công dân từ việc chi tiêu quá mức sang tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, hơn là hàng hóa. Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ có tác động tiêu cực đến chính sách Vành đai Con đường".
Ông phân tích:
"Nhìn vào chuỗi cung ứng. Campuchia, chẳng hạn, bán rất nhiều sản phẩm may mặc cho EU và Mỹ. Nhưng hầu hết chỉ đơn giản là nguyên liệu thô được mua từ Trung Quốc, sau đó được sản xuất nhẹ ở Campuchia và được bán dưới dạng hàng hóa do Campuchia sản xuất. Với các biện pháp trừng phạt hiện nay với các sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ, thậm chí còn có nhiều lý do để thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc hơn, như xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, nơi chúng có thể được thay đổi một chút và sau đó được bán lại như là hàng hóa sản xuất bởi nước ngoài (nhưng Trung Quốc vẫn có lời)."
"Hơn nữa, trong khi Trung Quốc đang mất một số đồng minh ở châu Á (Malaysia, Pakistan, Sri Lanka, v.v...) Bắc Kinh dường như không nhận ra rằng người dân ở các quốc gia này tức giận với số lượng tiền đầu tư của Trung Quốc vào nước họ - thay vào đó, lãnh đạo Trung Quốc có vẻ nghĩ rằng chỉ đơn giản là phải chuyển hướng đầu tư Con đường Vành đai sang nhiều quốc gia khác."
Tác giả Nadege Rolland, trong bài Reports of Belt and Road's Death Are Greatly Exaggerated cũng cho rằng những suy đoán rằng Vành đai Con đường đang chết hay rồi sẽ chết, 'có tính phóng đại cao':
"Vành đai Con đường không chỉ là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí reo rắc hạt giống hợp tác kinh tế. Thay vào đó, như Tập Cận Bình đã nói rõ Trung Quốc coi dự án là một phương tiện để "cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu" và đưa ra một "cộng đồng có định mệnh chung".
Giải thích về ''cộng đồng' này, ông Nadege Rolland nói:
''Vành đai Con đường phản ánh tầm nhìn của Bắc Kinh về vai trò cường quốc đứng đầu một trật tự khu vực của Trung Quốc - một trật tự không bị ràng buộc bởi những quy tắc, chuẩn mực và giá trị tự do mà Bắc Kinh bác bỏ là di tích của một trật tự không công bằng và lỗi thời do phương Tây quy định".
"Dự án này nằm ở cốt lõi của chiến lược lớn của Đảng Cộng sản, điều này có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ nó. Nhưng Vành đai Con đường cũng là một phòng thí nghiệm. Đã gạt sang một bên lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc nên "tránh thu hút chú ý" trong các vấn đề quốc tế, giới lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy tự tin, và, theo cách nói của ông Tập, "phấn đấu để đạt được thành tựu." Nhưng nó vẫn "băng qua sông bằng cách cảm nhận những viên đá" (một chủ nghĩa khác của Đặng). Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng vì đây là sáng kiến đầu tiên mà Bắc Kinh thực hiện với quy mô lớn như vậy, cần phải có nỗ lực và thời gian cho cả đảng lẫn thế giới bên ngoài thích nghi."
Nadege Rolland khuyến cáo ''các nhà quan sát phương Tây không nên diễn giải quá mức các dấu hiệu đẩy lùi Vành đai Con đường là dự án này đang thất bại, cũng không nên đánh giá thấp khả năng thích nghi và học hỏi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang phải tìm cách tốt nhất để bảo vệ phiên bản trật tự quốc tế tự do và cởi mở của họ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bước đi tiếp theo."
Vậy số phận Vành đai Con đường của Trung Quốc rồi sẽ ra sao? Chúng ta hãy chờ xem!
No comments:
Post a Comment