'Vành đai, Con đường': Trung Quốc hứa minh bạch, nhưng còn hồ nghi
Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế "Một vành đai, một con đường" lần thứ hai đã bế mạc tại Bắc Kinh hôm 27/4.
Tại
họp báo sau hội nghị, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận tuyên bố Hội
nghị đã ra Tuyên bố chung và các bên cả thảy đã đạt được 283 thành quả
"thiết thực".
Trong đó, Hội nghị các nhà doanh nghiệp tổ chức
lần đầu tại diễn đàn cả thảy đã ký thoả thuận các dự án hợp tác trị giá
hơn 64 tỷ đôla Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc nói sáng kiến "Một vành đai, một con đường" sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cùng phồn vinh.
Trước
đó hôm 26/4, phát biểu khai mạc, ông Tập Cận Bình nói kết cấu kết nối
"6 hành lang, 6 con đường, nhiều bến cảng của nhiều nước" đã được cơ bản
hình thành.
Ông Tập cho hay hơn 150 quốc gia và tổ chức quốc tế
đã ký thoả thuận hợp tác cùng xây dựng "Một vành đai, một con đường"
với Trung Quốc.
Tại hội nghị lần thứ nhất năm 2017, chỉ có 29 nước ký tuyên bố chung.
Nhưng lần này, 37 nước tham gia ký, với các nước mới như Thái Lan, Bồ Đào Nha, Áo, UAE và Singapore.
Được
Trung Quốc đề xướng năm 2013, "Một vành đai, một con đường" đã bị chỉ
trích vì cáo buộc thiếu kiểm soát tài chính, gây hại môi trường, và chỉ
có lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc ý thức được sự chỉ trích này,
đặc biệt từ Hoa Kỳ. Do đó, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chung thận trọng kêu
gọi "hỗ trợ tài chính bền vững và đa dạng".
Trung Quốc cũng hứa không để xảy ra nợ xấu và chống tham nhũng trong dự án.
Ủng hộ gia tăng
Hồi tháng Ba, Trung Quốc có thành công khi Italy là nước đầu tiên trong G7 ủng hộ dự án.
Hôm 27/4, tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer đã ký vào tuyên bố chung ở Bắc Kinh.
Một số nhà quan sát nói nhiều quốc gia đang thừa nhận tiềm năng kinh tế khi tham gia.
Cảng
Piraeus của Hy Lạp hiện do công ty nhà nước Trung Quốc Cosco quản lý.
Năm ngoái, cảng này trở thành cảng đông đúc thứ sáu ở châu Âu, từ chỗ
đứng ngoài tốp 15 cảng.
Trung Quốc cũng nói nhà máy thép Smederevo
được HBIS Group của Trung Quốc mua lại khi sắp phá sản năm 2016. Nay
công ty này là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của Serbia.
Rút ngắn quy mô
Nhưng sáng kiến của Trung Quốc cũng đã gặp nhiều khó khăn và chỉ trích ở các nước khác.
Năm
ngoái, khi Mahathir Mohamad quay lại làm thủ tướng Malaysia, ông tạm
hoãn dự án làm đường sắt của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tháng này, hai bên
đồng ý tiếp tục dự án sau khi Trung Quốc nói sẽ cắt giảm một phần ba
chi phí.
Tại Myanmar, chính phủ yêu cầu xem lại giá của cảng nước sâu Kyaukpyu mặc dù vẫn ủng hộ dự án.
Mặc dù là đồng minh của Trung Quốc, Pakistan cũng đã tìm cách giảm bớt nợ nước ngoài vì khó khăn kinh tế.
Bộ
trưởng đường sắt Pakistan tháng 10 năm ngoái nói sẽ giảm tiền vay Trung
Quốc làm đường sắt, từ 8,2 tỉ đôla xuống còn 6,2 tỉ đôla.
Các ví dụ này cho thấy nhiều nước ngày càng nhận ra rủi ro của bẫy nợ.
Gần
đây, công ty Trung Quốc đã trở thành cổ đông đa số của cảng Hambantota
sau khi Sri Lanka không trả được nợ. Diễn tiến này tạo ra lo ngại Bắc
Kinh có thể dùng cảng này cho mục đích quân sự sau này.
Bảy rủi ro
Đầu tháng Tư, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, CNAS, ra báo cáo nói có bảy rủi ro thường gặp trong các dự án của "Một vành đai, một con đường".Đó là:
- Suy giảm chủ quyền: Bắc Kinh kiểm soát các dự án hạ tầng thông qua việc cho vay, hoặc hợp đồng kéo dài vài chục năm
- Thiếu minh bạch: Nhiều dự án không rõ ràng về quy trình đấu thầu, và điều khoản tài chính không được công bố cho công chúng
- Gánh nặng tài chính: Tiền vay của Trung Quốc làm tăng rủi ro vỡ nợ hoặc khó khăn trong trả nợ. Một số dự án hoàn thành không tạo ra đủ lợi nhuận
- Kinh tế địa phương không được lợi: Các dự án thường dùng công ty và nhân công Trung Quốc cho xây dựng, đôi khi thỏa thuận chia lợi nhuận không bình đẳng
- Rủi ro địa chính trị: Một số dự án do Trung Quốc thực hiện có thể gây nguy hiểm cho hạ tầng viễn thông sở tại, hoặc đặt quốc gia đó vào giữa cạnh tranh giữa Bắc Kinh và các nước
- Tác động môi trường: Một số dự án diễn ra mà không có đánh giá môi trường đủ, hoặc đã gây hại môi trường
- Tham nhũng: Tại một số nước, các dự án tạo ra hối lộ cho quan chức
Liệu ngôn từ mới của Trung Quốc sẽ chuyển hóa thành thực tế hay không, còn chờ thời gian để biết.
No comments:
Post a Comment