Người Ba Lan suýt ngăn được Cuộc chiến VN
Trong Cuộc chiến
Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan đã có một vai trò ngoại giao nhất
định trong Ủy ban Đình chiến với hoạt động cả ở Hà Nội và Sài Gòn.
Đại
sứ Mieczyslaw Maneli, người hai lần làm việc tại Ủy ban Đình chiến còn
được một số báo Ba Lan ca ngợi là "từng có cơ hội ngăn cuộc chiến
Việt Nam bùng nổ".
Nhưng sự thực lịch sử thì không đơn giản như vậy, theo tìm hiểu của nhà báo Nguyễn Giang:
Giáo
sư luật Mieczyslaw Maneli nổi tiếng trong Chiến tranh Lạnh ở vai trò
trưởng phái bộ Ba Lan trong Ủy ban Đình chiến sau Hiệp định Geneva về
Việt Nam.
Ông sang Việt Nam tổng cộng 5 năm (1954-55 và 1962-64) và kể lại các hoạt động này trong cuốn 'War of the Vanquished: A Polish Diplomat in Vietnam', xuất bản năm 1971 ở Phương Tây, khi ông đã rời Ba Lan đi sống lưu vong.
Khi
sang Việt Nam, ngoài công việc ở Ủy ban Đình chiến, ông Maneli còn
theo dõi quan hệ Xô - Trung vốn nhiều mâu thuẫn sau khi Stalin chết cho
chính phủ Ba Lan.
Ông đã gặp Cố vấn Ngô Đình Nhu tại Dinh Độc
Lập năm 1963 với một đề nghị làm trung gian để Sài Gòn và Hà Nội đối
thoại trực tiếp, trước khi Hoa Kỳ đổ quân vào.
Các sử liệu báo Ba Lan giới thiệu cho hay ông Maneli đã gặp ông Nhu "ít ra là vài lần".
Ông Maneli, người thạo tiếng Pháp, cũng gặp các ông Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng và Quốc vương Sihanouk trong các lần đến châu Á.
Theo chính những gì Mieczyslaw Maneli viết lại thì năm 1963 là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đối đầu Nam-Bắc Việt Nam.
Hoa
Kỳ thời JF Kennedy đã tăng sự hiện diện của các cố vấn quân sự tại
Nam Việt Nam lên nhưng chưa quyết định đem quân tác chiến vào chống
cộng sản.
Các tài liệu Phương Tây và của người Việt xuất bản ở
hải ngoại có nói đến tiếp xúc giữa ông Ngô Đình Nhu và lãnh đạo cộng
sản miền Nam, ông Phạm Hùng.
Nhưng đó chỉ là tiếp xúc mang tính thăm dò ở địa phương.
Còn
tiếp xúc cao cấp hơn, với đại sứ Ba Lan làm trung gian, hẳn phải có lý
do chiến lược của cả chính phủ Ngô Đình Diệm và chính phủ Hà Nội.
Thời
điểm diễn ra vài lần trao đổi giữa ông Maneli với ông Nhu ở Sài Gòn,
sau khi ông Maneli đã gặp Phạm Văn Đồng ở Hà Nội trước đó, là rất đáng
chú ý.
Trong 'Choosing War: The Lost Chance for Peace and
the Escalation of War in Vietnam', Frederik Logevall viết rằng chế độ
Ngô Đình Diệm ngày càng thấy sức ép, thậm chí thái độ thù địch từ Hoa
Kỳ tăng lên, và một 'lá bài' của ông Nhu là việc nói chuyện với Hà
Nội.
Về phía miền Bắc, mất mùa năm đó tệ nhất kể từ 1954 khiến
Hà Nội không muốn phụ thuộc vào sự làm ơn của Liên Xô và Trung Quốc
khi xin viện trợ lương thực.
Nếu có trao đổi kinh tế, miền Bắc sẽ
nhận lương thực từ miền Nam chứ không phải từ các đồng minh đang mâu
thuẫn và có các tính toán riêng.
Lúa gạo là một động cơ để nói
chuyện với miền Nam, như nhà báo thân cộng sản người Úc, ông Wilfred
Burchett, cho biết chính Hồ Chí Minh đã nói với ông ta như thế.
Đại sứ Maneli ghi nhận bối cảnh đó trong một báo cáo viết về Warsaw:
"Căn
cứ vào thông tin tôi nhận được hoàn toàn mang tính riêng tư ở miền
Bắc, có thể kết luận rằng một số cuộc nói chuyện Ngô - Hồ đã bắt
đầu, thông qua những người được miền Bắc ủy nhiệm trực tiếp."
Không nhận được phản đối từ Ba Lan, ông bắt đầu công việc này.
Các
tài liệu của nhân chứng VNCH sau in ở nước ngoài cũng nói vào mùa hè
năm 1963, Sài Gòn đầy các các tin đồn rằng ông Nhu thương thảo gì đó với
Hà Nội.
Theo Logevall, các trao đổi này không hẳn là bí mật, và
ngoài Maneli còn có Roger Laloulette (đại sứ Pháp) và Ramchundur
Goburdhun (đại biểu Ấn Độ thuộc Ủy ban Đình chiến), biết và chia sẻ
niềm tin tương tự về viễn cảnh thương thảo Nam - Bắc.
Mặt khác, có vẻ rằng lãnh đạo hai bên lo ngại viễn cảnh Hoa Kỳ cứ đổ quân vào, bất chấp phản đối của Sài Gòn.
Sir
Robert Thompson, chuyên gia Anh giúp Sài Gòn trong chương trình Ấp
Chiến lược thì ghi nhận rằng lúc đó, ông Hồ 'sẵn sàng trả bất cứ giá
nào' để Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam.
Hà Nội lo ngại về rạn
nứt Trung - Xô và sợ rằng nếu chiến tranh leo thang, miền Bắc Việt Nam
sẽ thành chiến trường giữa quân Mỹ và Trung Quốc.
Ngăn được cuộc chiến?
Và
như một bài trên trang wp.pl hồi 2015 viết lại, ông Mieczyslaw Maneli
"từng nỗ lực ngăn lại cuộc chiến Việt Nam" trước khi nó xảy ra.
Điều đáng chú ý là các hoạt động của trưởng đoàn Ba Lan đã xảy ra không thông báo với người Nga, theo các báo Ba Lan.
Tin tức về các cuộc gặp Maneli- Ngô Đình Nhu được phía Ba Lan báo cho người Mỹ thông qua đại sứ J. K. Galbraith ở Ấn Độ.
Theo một tài liệu nghiên cứu của Margaret Gnoinska, thì phía Mỹ lại tưởng đó là sáng kiến đến từ Moscow.
Kết cục thì Moscow đã ra lệnh cho Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Adam Rapacki, chấm dứt ngay các việc như vậy.
Các
tài liệu ngày nay cho hay sau khi thông tin này lộ ra, các lãnh đạo
Ba Lan tại Warsaw vô cùng hoảng sợ vì lo Moscow phật lòng.
Moscow không hề muốn có những tiếp xúc như thế, và
câu chuyện "hòa giải" giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam được xếp vào
mục 'sáng kiến riêng' của đại sứ Maneli và chấm dứt ở đó.
Không
lâu sau các cuộc gặp cuối hè 1963, hai anh em ông Diệm - Nhu bị giết ở
Sài Gòn, và vài tuần sau nữa, Tổng thống JF Kenney bị bắn chết tại
Dallas, Hoa Kỳ.
Lyndon B. Johnson lên làm tổng thống và sang năm
1964, ông đã 'dùng vụ Vịnh Bắc Bộ' để có ủy quyền của Hạ viện cho hoạt
động quân sự chống lại Bắc Việt.
Vào tháng 3/1965 Johnson đưa 3500 thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đến Nam Việt Nam.
Trong vài tháng sau, ông chuẩn thuận để triển khai tới 175 nghìn quân tác chiến.
Con số này còn tăng sau đó cùng sự leo thang của cuộc chiến Việt Nam.
Miền Bắc cũng đưa quân vào Nam ngày càng nhiều và cuộc chiến lên đến đỉnh điểm bằng trận Tết Mậu Thân 1968.
Nhà ngoại giao 'khác thường'
Mieczyslaw Maneli không phải là một nhà ngoại giao bình thường.
Sinh
năm 1922 ở Miechow, Ba Lan, ông Maneli là giáo sư công pháp quốc tế
tại Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Warsaw và đã có nhiều tác phẩm trong
lĩnh vực này.
Ông thuộc thế hệ trí thức Ba Lan lớn lên trong nền
văn hóa dân chủ tư sản châu Âu trước Thế chiến 2 và được các tài liệu
tiếng Anh mô tả là người "văn minh, hài hước, có quan điểm xã hội dân
chủ và nhân văn" (urbane, witty, a social democrat and self-styled
humanist).
Ông lên được vị trí cao trong ngành ngoại giao CHND Ba
Lan "không phải qua bộ máy của Đảng Cộng sản, mà nhờ hoạt động du
kích chống phát-xít trong Thế Chiến 2, và tài năng ngành luật".
Thạo các ngoại ngữ châu Âu, ông cũng đánh giá cao vai trò của quân đội Hoa Kỳ đã cứu châu Âu khỏi thảm họa phát-xít.
Chính vì thế, trong toàn bộ giai đoạn có mặt tại Việt Nam, ông chưa bao giờ phê phán người Mỹ.
Chẳng hạn, khi Bắc Kinh và Hà Nội yêu cầu ông nêu
ra các cáo buộc nhắm vào hoạt động rải chất da cam của quân đội Hoa
Kỳ, coi nó làm 'đối trọng' cho cáo buộc Bắc Việt Nam đưa quân đội xâm
nhập lãnh thổ VNCH, ông đã từ chối.
Mieczyslaw Maneli nêu quan điểm rằng ông không thấy có bằng chứng quân đội Mỹ làm gì khác ngoài việc rải chất diệt cỏ.
Tuy là đại sứ cho một nước cộng sản, ông cũng ghi lại các quan sát cá nhân sắc bén về những nước 'đồng minh'.
Chẳng hạn về quan chức Trung Quốc, ông cho rằng họ là ví dụ "kinh khủng nhất về sự thô bạo ngoại giao".
Và so với họ thì người Nga "dễ chịu hơn nhiều".
Còn về Bắc Việt Nam, ông viết rằng đó là "một máy quan liêu trùng điệp".
Động cơ 'làm trung gian hòa giải' là gì?
Các
tài liệu sau này đã nói rõ hai phe cộng sản và tư bản, nhất là Hoa
Kỳ, Nga và Trung Quốc không hề ủng hộ cho một cuộc đối thoại Hà Nội -
Sài Gòn.
Có vẻ như ông Mieczyslaw Maneli biết thế nhưng vẫn cố
gắng đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn để làm việc mà ông tin rằng sẽ giúp
cho Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm tìm ra một giải pháp ngăn được cuộc
chiến.
Ngày nay chúng ta thấy rõ các cấp trên của ông Maneli ở Ba
Lan cũng không hề có một chính sách can thiệp vào vấn đề quốc tế như
ông tự làm ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Margaret Gnoinska cho rằng mọi thứ ông Maneli làm "chỉ hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn, giá trị đạo đức cá nhân".
Cuộc đời Mieczyslaw Maneli có thể lý giải phần nào động cơ của ông.
Ông
từng bị cầm tù ở biệt khu (ghetto) ở Warsaw, nơi Đức giam người Do
Thái trước khi đưa họ đến các lò thiêu, và thoát chết khi đã vào trại
Auschwitz.
Có thể ông nghĩ về chiến tranh, về sự hủy diệt theo
cách khác những chính trị gia cùng thời muốn dùng Chiến tranh Lạnh là
địa bàn để tranh giành ảnh hưởng.
Không loại trừ khả năng ông hiểu được số phận đôi khi vô vọng của các dân tộc bé nhỏ trước sức ép của các đại cường.
Năm
1968, khi đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan tung ra phong trào 'chống
chủ nghĩa Zionism' ông Maneli đã bị thanh trừng và phải đi sống lưu
vong.
Năm 1984, khi Ba Lan và Đông Âu vẫn còn trong Chiến tranh
Lạnh, Mieczyslaw Maneli đã xuất bản cuốn sách 'Tự do và Bao dung'
(Freedom and Tolerance).
Tác phẩm của Maneil đánh giá nền tảng
triết học cho một xã hội đa nguyên, dân chủ và bao dung, và sau thành
sách giáo khoa ở nhiều trường Phương Tây.
Nỗ lực cá nhân 'cứu vãn Việt Nam' khỏi chiến tranh của Mieczyslaw Maneli thực ra đã hoàn toàn thất bại.
Ba Lan và Cuộc chiến Việt Nam
Kể
từ khi tham gia Ủy ban Đình chiến cho đến nhiều năm sau này, Cộng hòa
Nhân dân Ba Lan sau đó hoàn toàn vào cuộc về phía miền Bắc Việt Nam.
Trong
hàng trăm quân nhân Ba Lan luân phiên đến Ủy ban Đình chiến, gồm cả
trung tá Ryszard Kuklinski (sau lên đại tá), 'kẻ phản bội nổi tiếng'.
Ông
tiếp xúc lần đầu với CIA ở Sài Gòn trong trận Tết Mậu Thân 1968 và
sau làm gián điệp cho Mỹ trước khi đào tẩu khỏi Ba Lan năm 1981.
Ngoài ra có 2500 cán bộ, chuyên gia, bác sỹ, thủy thủ Ba Lan đã sang Việt Nam hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhận
nhiệm vụ của Ủy ban Đình chiến, tàu thủy Kilinski của Ba Lan đã chở
quân đội cộng sản từ miền Nam ra Bắc tập kết trong năm 1955 và một
số đồng bào Công giáo Thanh Hóa di cư vào Nam.
Trở lại Việt Nam
năm 1972, tàu Kilinski cùng hai tàu Ba Lan: Jozef Konrad và Moniuszko
chở hàng cho Bắc Việt Nam bị kẹt lại ở Hải Phòng đến 1973 vì Mỹ phong
tỏa cảng.
Một số cây bút thiên tả nổi tiếng của Ba Lan như bà
Monika Warnenska còn đi từ Bắc Việt vào cả chiến trường miền Nam để
viết phóng sự.
Nhà báo Daniel Passent, ngôi sao truyền hình Grzegorz Woźniak, nhà soạn nhạc Robert Satanowski...đều từng sang Bắc Việt Nam thời chiến.
Cảm nhận của họ về chiến tranh ở Việt Nam hẳn cũng đem lại cho công chúng Ba Lan cùng thời một cái nhìn.
Nhưng với người Việt Nam ngày nay thì các hoạt động đó lu mờ trước nghĩa cử 'ngăn chặn chiến tranh' tuy bất thành của Mieczyslaw Maneli.
Xem thêm Cuộc chiến Việt Nam và trận Tết Mậu Thân:
Phong trào phản chiến Mỹ sau Tết Mậu Thân
Mậu Thân: 'Cái chết ám ảnh' trước Dinh Độc Lập
USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế
Xem thêm nguồn bên ngoài về Mieczyslaw Maneli trên New York Times, Đàn Chim Việt, Diễn Đàn Người Dân, Wp.pl, Woodrow Wilson Center...
Nhà báo Daniel Passent, ngôi sao truyền hình Grzegorz Woźniak, nhà soạn nhạc Robert Satanowski...đều từng sang Bắc Việt Nam thời chiến.
Cảm nhận của họ về chiến tranh ở Việt Nam hẳn cũng đem lại cho công chúng Ba Lan cùng thời một cái nhìn.
Nhưng với người Việt Nam ngày nay thì các hoạt động đó lu mờ trước nghĩa cử 'ngăn chặn chiến tranh' tuy bất thành của Mieczyslaw Maneli.
Xem thêm Cuộc chiến Việt Nam và trận Tết Mậu Thân:
Phong trào phản chiến Mỹ sau Tết Mậu Thân
Mậu Thân: 'Cái chết ám ảnh' trước Dinh Độc Lập
USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế
Xem thêm nguồn bên ngoài về Mieczyslaw Maneli trên New York Times, Đàn Chim Việt, Diễn Đàn Người Dân, Wp.pl, Woodrow Wilson Center...
Tin liên quan
- Nhà Ngô thứ nhì nằm xuống loạn lạc nổi lên
- Bà Trần Lệ Xuân qua lời kể và bình luận
- Voi VN lên tàu Ba Lan ra Bắc rồi đi đâu?
- Walesa ‘làm đặc tình cho cộng sản Ba Lan’
- Giám mục Ba Lan: 'hãy để yên người quá cố'
No comments:
Post a Comment