Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 2 June 2019

Voi VN lên tàu Ba Lan ra Bắc rồi đi đâu?

  • 18 tháng 11 2017
  • Bản quyền hình ảnh AFP/Getty Images
    Image caption Một con voi của Việt Minh đem hàng lên tàu Ba Lan Kilinski năm 1955
    Trong một kho tư liệu ảnh về Chiến tranh Việt Nam có bức hình lạ: voi trên tàu thủy ở Việt Nam.
    Chú thích của hình, mà nay thuộc AFP/Getty Images, chỉ ghi ngắn gọn:
    "Ảnh công bố lần đầu 26/04/1955: một quản tượng Việt Nam trên tàu hơi nước Ba Lan, Kilinski để vận chuyển quân đội cộng sản ra Bắc Kỳ (Tonkin)."
    Câu chuyện tàu Jan Kilinski của Ba Lan, tham gia chiến dịch quốc tế chuyển người ở Việt Nam sau Hiệp định Geneva thì đã được nói đến nhiều.
    Nhưng số phận của đàn voi hoặc một vài con voi thì còn ít được nhắc tới, ít ra là ở Việt Nam.
    Tàu hàng thành tàu bệnh viện?
    Nhưng chuyện về tàu Kilinski còn được ghi lại trong lịch sử ngành y, từ một góc độ hoàn toàn khác.
    Carl Bartecchi, trong 'A Doctor's Vietnam Journal' (Nhật ký Việt Nam của một bác sỹ) đã mô tả lại bệnh dịch hoành hành trên con tàu Ba Lan và các chuyến hải hành cực khổ vào Nam ra Bắc, tổng cộng 370 ngày.
    Bản quyền hình ảnh Camau
    Image caption Tàu Kilinski sang Việt Nam hai lần, năm 1955-56 và 1972
    Tàu Kilinski đã thực hiện cả thảy 27 chuyến vào Nam ra Bắc, chuyên chở tới 85 ngàn bộ đội Việt Minh tập kết, theo quy định của Hiệp định Geneva.
    Carl Bartecchi viết một phần vì nhiều người đã mắc các bệnh nhiệt đới và không ít còn bị thương nên tình trạng của họ còn khủng khiếp hơn khi bị say sóng.
    Vấn đề y tế và các bệnh nhiệt đới trên tàu Kilinski được ghi nhận trong các tài liệu y tế, vì đây là một lần hiếm có khi thủy thủ đoàn toàn người châu Âu tiếp xúc và phục vụ một số lượng rất đông đảo người Việt Nam, đa số từ bưng biền đi ra, liên tục trong nhiều tháng.
    Thủy thủ đoàn và nhiều hành khách, mỗi chuyến tàu chở 3000 tới 4000 người, đã mắc bệnh tiêu chảy và trên con tàu không có ai là bác sỹ, theo tác giả Bartecchi.
    Sách của Carl Bartecchi cũng xác nhận chuyến tàu đem ra Bắc (nhưng không nói là đưa sang tận châu Âu), cả một "vườn thú nhỏ": có khỉ, voi, chim chóc.
    Trước khi xem lại chuyện 'vườn thú', ta hãy tìm hiểu xem các nguồn của Ba Lan viết gì về chuyến tàu lịch sử này.
    Trên trang Porta Mare của ngành hàng hải Ba Lan, có cuộc phỏng vấn với chính ông Miroslaw Jurdzinski, từ tàu Kilinski năm đó.
    Ông Jurdzinski, người sau này thành giáo sư Đại học Bách khoa Gdansk và Học viện Hàng hải Gdynia, đã kể một số chi tiết thú vị.

    Các vấn đề kỹ thuật

    Theo ông, đây là tàu vận tải hơi nước do Mỹ sản xuất, loại Victory-C3, được một công ty hàng hải Ba Lan mua lại năm 1947.
    Bản quyền hình ảnh STF
    Image caption Tháng 10/1954: một đơn vị Việt Minh vào Hà Nội trên cầu Long Biên (khi đó còn có tên là cầu Paul Doumer)
    Tàu do thuyền trưởng Romuald Cielewicz chỉ huy đã phải chỉnh sửa ở Trung Quốc để cải tạo thành tàu chở khách trước khi sang Việt Nam.
    Trong 200 ngày trước khi bàn giao lại miền Nam cho quân Pháp, Việt Minh lập ra ba điểm tập kết ở Cà Mau, Vũng Tàu - ông Jurdzinski dùng từ cũ là Cap Saint Jacques - và Quy Nhơn.
    Các điểm này đều có thủy triều cao, hoặc sát bờ là bãi sình lầy, gây khó khăn lớn cho việc vận chuyển xe cộ, vũ khí, hàng hóa, thương binh lên tàu.
    Voi và thuyền được đem vào sử dụng cho việc chuyển quân và hàng ra tàu.
    Trang của tỉnh Cà Mau viết Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn "lên tàu Kilinski ở cửa sông Ông Đốc, thuộc khu tập kết ở báo đảo Cà Mau nhưng nửa đêm bí mật xuống tàu ở lại".
    Một tài liệu khác ở Ba lan nói có 12 voi gốc từ Campuchia (hoặc từ vùng giáp biên giới) đã được Việt Minh dùng thời kháng chiến có mặt tải hàng cho tàu Kilinski.
    Nhưng một bài trên Tuổi Trẻ (10/2014) trích lời ông Đỗ Thái Bình kể lại về tàu Ba Lan và hai tàu Liên Xô trong chiến dịch tập kết thì bốn voi là voi Việt Nam:
    "Đó là những con voi Tây Nguyên được thuần hóa, đã từng băng rừng vượt suối tải gạo, tải đạn, tải thương, tham gia những chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê (1952)."
    Trên chuyến tàu cuối cùng thì cả đàn voi cũng ra Bắc luôn, theo ông Jurdzinski.
    Trên suốt tuyến đường ra Bắc, chiếc tàu Ba Lan không hề có bản đồ và cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đều không có kênh thông tin hàng hải về thời tiết.
    Vì thế, thủy thủ đoàn Ba Lan phải lắng nghe tin radio của Hoa Kỳ bên Philippines để tránh bão, theo ông Jurdzinski.
    Liên Xô, Pháp, Ba Lan và Miến Điện
    Lý do tàu Kilinski sang Việt Nam nhận một nhiệm vụ khác thường là vì chính phủ Hồ Chí Minh nhờ Liên Xô trợ giúp cho công tác tập kết quân nhân của họ.
    Nhưng Liên Xô chỉ cử được hai tàu Arkhangelsk, Stavropol và yêu cầu Ba Lan giúp.
    Con tàu mang tên vị anh hùng Ba Lan chống lại Nga năm 1794, Jan Kilinski, người có tượng ở khu Thành Cổ Warsaw, lại tham gia một chiến dịch do Moscow chỉ đạo.
    Ngoài voi còn có không ít quân nhân Pháp, và trong số họ là người Pháp gốc Ba Lan, tham gia vận chuyển hàng hóa, người lên tàu.
    Ông Jurdzinski kể rằng các cán bộ Việt Minh không đủ trình độ để thông báo các thông số kỹ thuật về hàng hóa lên tàu.
    Phía Việt Minh cũng đưa cả súng đạn, xe cộ để mang ra Bắc và theo ông Jurdzinski, thật may mắn là các khối hàng "hết sức nguy hiểm" được chuyển đi an toàn qua cả các trận bão.
    Các lính Pháp trẻ tuổi đã thực hiện nhiều chuyến chở bộ đội Việt Minh bằng thuyền đổ bộ từ bờ ra tàu Kilinski.
    Cũng chính nhờ hỏi các lính Pháp gốc Ba Lan nên thủy thủ đoàn đã tổ chức tốt hơn các chuyến nhận người và hàng, cũng như tình trạng sức khoẻ của quân Việt Minh.
    Hoạt động của tàu Kilinski chỉ là một phần của chiến dịch lớn hơn, gồm nhiều tàu của Pháp, Liên Xô, và có tàu Mỹ (USS Bayfield) và Anh (HMS Warrior) vận chuyển người Việt Nam.
    Các sử liệu nói con số người dân di cư vào Nam đông gấp nhiều lần số quân nhân Việt Nam tập kết ra Bắc.
    Trong một chuyến từ Bắc vào Nam, tàu Kilinski đã chở đồng bào di cư từ Thanh Hóa.
    Trong thời gian ở Việt Nam, tàu Kilinski còn sang Miến Điện chuyển gạo về giúp chính quyền VNDCCH chống đói.

    Thực chất vấn đề y tế

    Khác với bức tranh khá đen tối mà Carl Bartecchi mô tả trong sách, dịch vụ y tế cho các chuyến tập kết được tổ chức đều, theo ông Miroslaw Jurdzinski.
    Ngoài một bác sỹ Pháp tên là Furlonge, còn có bác sỹ Phạm Kinh (hoặc Kính - bản tiếng Ba Lan ghi là Pham Kihn), là người Việt Nam có mặt trên tàu.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Lính thủy và tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, năm 1954 trước khi rời miền Bắc theo quy định của Hiệp định Geneva
    Ông Jurdzinski cũng nói ở các bến đỗ luôn có các nhóm y bác sỹ Việt Nam lên tàu kiểm tra sức khoẻ, điều trị thương binh.
    Nhưng bệnh tiêu chảy hoành hành là có thật.
    Là người có kinh nghiệm y tế ở Antwerp, Bỉ, ông Jurdzinski đã lo kiểm tra sức khoẻ cho các bộ đội Việt Nam và thủy thủ Ba Lan.
    Dù vậy, sau mấy tháng đi biển liên tục từ miền Nam ra Hòn Gai và quay lại hàng chục lần, trong thủy thủ đoàn tàu Ba Lan có tới 80% mắc bệnh nhiệt đới.
    Có một thủy thủ người gốc Hy Lạp bị suy sụp tinh thần vì lao lực và tự tử không chết.

    Món quà cho Ba Lan

    Tàu Kilinski, theo lời ông Jurdzinski, đã để lại hai "di sản" bất ngờ cho Ba Lan.
    Một là việc lập ra tại Gdansk trung tâm điều trị bệnh nhiệt đới đầu tiên ở Ba Lan, chỉ để chữa trị và nghiên cứu bệnh mà thủy thủ đoàn tàu Kilinski "mang về".
    Theo ông Jurdzinski, khi biết vườn thú Oliwia, cần động vật quý hiếm, phía Việt Nam đã tặng cho họ bảy con trăn, 12 con khỉ, 16 con chim, hai con cáo, hai con chồn và một con voi.
    Cả bầu đoàn voi khỉ chim chóc đó được các thủy thủ Ba Lan đã về 'quê mới' vào mùa hè năm 1956.
    Chuyến đi cũng được báo chí Ba Lan ghi lại, với chuyện con voi gây khốn đốn cho các thủy thủ Ba Lan.
    Số thân chuối tươi họ mang theo chỉ đủ cho voi ăn trong một tuần và đến Sri Lanka, tàu phải cử người lên bộ mua cỏ.
    Bản quyền hình ảnh JANEK SKARZYNSKI
    Image caption Voi nghịch nước ở Vườn thú Warsaw năm 2015 - hình minh họa
    Nhưng voi không buồn ăn cỏ.
    Đến Kênh đào Suez, người Ba Lan lại lên bờ tìm mua rất nhiều bắp cải.
    Voi cũng không ăn bắp cải Ai Cập mà còn lấy vòi nhặt bắp cải ném vào thủy thủ.
    Cuối cùng thì voi Việt Nam lại thích các món Ba Lan như khoai tây và củ cải đỏ và tàu đã phải 'nhập hàng' loại này khi vào Kênh Nord-Ostsee ở Đức để nuôi voi.
    Về tới cảng Ba Lan, đoàn thú được đón tiếp linh đình và voi được 'nhập cảnh' với cái tên 'Partyzant' (Du kích).
    Chiến tranh và đình chiến là câu chuyện lớn với hàng triệu người Việt Nam nhưng số phận chú voi 'sang Ba Lan định cư' cũng rất quan trọng với dân Gdansk.
    Trang web thành phố đến nay rất còn tiếc rằng Con voi Du kích, "món quà oách nhất từ Việt Nam xa xôi cho sở thú Oliwia', đã không được 'nhập hộ khẩu' Gdansk.
    Sau khi thủy thủ đoàn được Tổng bí thư Boleslaw Bierut đón tiếp long trọng để cảm ơn thì thủ đô Warsaw cũng rước luôn chú voi về để ở vườn thú trung ương.
    Trang về lịch sử vườn thú Gdansk viết:
    "Tiếu lâm thời đó nói voi Liên Xô là người cộng sản cao to nhất thế giới, voi Cuba là cậu em của nó, còn voi Việt Nam thì không được nói đến...vì ngay lập tức chúng tôi đã phải gửi nó lên Warsaw."
    Vườn thứ Warsaw từng có voi Tuzinka nhưng bị quân phát-xít cướp đem về Đức hồi Thế Chiến 2.
    Con voi Việt Nam đã góp mặt nâng cấp vườn thú thủ đô và thu hút nhiều trẻ em đến xem.
    Nó qua đời hai năm sau đó và nay vẫn có một trang Wikipedia riêng bằng tiếng Ba Lan.
    Ba Lan mua tranh Da Vinci 'giá rẻ'
    Xe tăng và quân Mỹ bắt đầu tới Ba Lan
    Tự do báo chí ở Ba Lan tụt hạng

    Tin liên quan

    Vẻ đẹp cố đô Nam Kinh quyến rũ người nước ngoài

    Món ăn quý của người Ethiopia bị Hà Lan chiếm đoạt

    Shin Kanemaru: ‘Bố già tham nhũng và dựng lên thủ tướng Nhật’

    Đại bàng Mỹ cào mặt Gấu Panda TQ

    VN: Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?

    Lịch sử dân chủ hóa đẫm máu của Hàn Quốc

    Giới đấu tranh VN tuyệt thực đòi tin tức về Nguyễn Văn Hóa

    Vì sao Tưởng Kinh Quốc cho phép có đảng đối lập ở Đài Loan?

    No comments:

    Post a Comment