Nguyễn Phú Trọng bị chơi khăm?
Sau khi đã vắng mặt một cách đầy nghi ngờ và nghi ngại trong trọn vẹn
kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng tiếp
tục ‘mất tích’ vào ngày 19/6/2019 - thời điểm mà chỉ một ngày trước một
số tờ báo nhà nước đã đưa tin như đinh đóng cột: “Ngày mai, Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội”.
“Hai tay gìn giữ một sơn hà”
Nhưng ngày 19/6 lặng trôi qua mà vẫn không có bất cứ thông tin nào về
việc ông Trọng ‘tái xuất’ theo cách mà ông ta đã thình lình hiện ra vào
đầu tháng 5 năm 2019 tại sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn
Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên; sau đó là ‘chủ trì họp
Bộ Chính trị’ và chủ trì Hội nghị trung ương 10.
Trám vào tình trạng biệt tích của Trọng là “Tổng bí thư, Chủ tịch
nước xin phép vắng mặt tiếp xúc cử tri do bận công tác” và “Cử tri chúc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sức khỏe, xử lý nghiêm các vi phạm” - một
cách rút tít của báo nhà nước, nhưng không hề nhấn mạnh ‘chúc/mong Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng mau chóng hồi phục sức khỏe’ như trước đây.
Hiện tượng trên là khá tương đồng với vụ ông Trọng ‘biến mất’ tại
cuộc gặp cử tri Hà Nội vào đầu tháng 5 năm 2019 mà đã khiến cử tri Trần
Viết Hoàn, được xem là một trong những “gà đảng” cứ mỗi khi diễn ra cuộc
tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng - tha thiết
trông mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước “hai tay gìn giữ một sơn hà”.
Nhưng vào lần này còn đáng quan ngại hơn bởi toàn bộ các bản tin trên
báo nhà nước về “Ngày mai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
tiếp xúc cử tri tại Hà Nội” hoặc tin tức na ná như thế đã bị bóc gỡ
không còn vết tích nào.
Tin tức trên là do báo nhà nước đăng tự phát hay do ai chỉ đạo?
Có thế lực muốn chơi xấu Trọng?
Cho tới nay, khả năng đăng tin tự phát về sức khỏe lãnh đạo trên báo
nhà nước là gần như không thể, bởi vấn đề này không chỉ là ‘bí mật quốc
gia’, mà tình trạng bệnh tật bị dư luận đồn đoán đến mức ‘liệt giường
liệt chiếu’ của cấp lãnh đạo cao nhất Nguyễn Phú Trọng là yếu tố nhạy
cảm chính trị bậc nhất.
Vậy ai đã chỉ đạo cho báo nhà nước đăng tin “Ngày mai, Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội”? Và ai đã chỉ
đạo gỡ bỏ tin tức này?
Việc hệ thống lại và mổ xẻ những động thái đưa tin bài của truyền
thông quốc doanh xung quanh các vụ scandal nổi tiếng nhưng không thiếu
tai tiếng trong những năm gần đây như cái chết của Trưởng ban Nội chính
trung ương Nguyễn Bá Thanh vào đầu năm 2015, quan chức bộ trưởng quốc
phòng Phùng Quang Thanh bị xem là ‘suýt chết’ nhưng đã chết thật trong
chính trường Việt Nam ngay sau đại hội 12, quan chức chưa chết nhưng đã
biến mất từ cuối năm 2017 đến nay nhưng vẫn giữ trọn một ghế trong Bộ
Chính trị là Đinh Thế Huynh, và đương nhiên phải tính cả cú lìa trần đột
ngột và đáng nghi ngờ của viên cựu bộ trưởng công an trên ghế chủ tịch
nước là Trần Đại Quang… đã cho thấy cấp chỉ đạo báo chí quốc doanh đăng
hoặc gỡ bỏ tin bài về ‘sức khỏe lãnh đạo’ không hề thuộc diện ủy viên
trung ương hoặc bộ trưởng ‘thường’, mà phải là cấp Ban bí thư, ủy viên
bộ chính trị hoặc bộ trưởng có chân trong Bộ Chính trị.
Liệu quan chức chỉ đạo đăng tin “Ngày mai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội” và nhân vật chỉ đao gỡ tin
này có phải là một người? Hay là hai người khác nhau? Các cơ quan Ban
Tuyên giáo trung ương, Ban bí thư, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin
và Truyền thông có vai trò gì trong vụ đăng - gỡ này?
Phải chăng tin tức trên được tung ra chỉ do não trạng số sắng của cấp
dưới để lấy lòng cấp trên, do sơ suất nghề nghiệp và ‘lỗi thằng đánh
máy’? Hay xuất phát từ một động cơ ẩn giấu nào khác?
Kể từ khi Nguyễn Phú Trọng suýt gục ngã tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba
Dũng’ vào tháng 4 năm 2019 và thoắt ẩn thoắt hiện một cách bất thường
trong những ngày sau đó, đã dần hiện ra một luồng dư luận đề cập về một
thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng, thế lực không muốn tình
trạng bệnh tật của ông Trọng bị giấu nhẹm mà muốn vấn nạn này được công
khai trên mặt báo chí cho bàn dân thiên hạ đều biết.
Nhưng thế lực chính trị đó không thuộc về trường phái phản biện xã
hội muốn minh bạch hóa những chủ đề quốc gia đại sự, mà có thể là những
quan chức không thích Trọng hoặc căm ghét và muốn lật đổ ông ta càng sớm
càng tốt, nhất là khi Nguyễn Phú Trọng đang rơi vào tình cảnh ‘gần đất
xa trời’ như lúc này.
Nếu dư luận trên không phải là thuyết âm mưu mà đúng sự thật, những
cú ra đòn trên mặt truyền thông nhà nước vào tháng 5 và tháng 6 năm 2019
về việc Trọng ‘sẽ xuất hiện’ nhưng ngay sau đó là ‘bận công tác’ đã và
đang khiến cho dân tình được cung cấp một loại thông tin mang tính định
hướng về thực trạng căn bệnh của ‘Tổng tịch’ không hề nhẹ nhàng, thậm
chí còn có thể hiểu là bệnh nguy kịch, đẩy nhanh tâm lý hoang mang trong
dân chúng và trong nội bộ đảng, từ đó dần dẫn tới nhu cầu tìm người
thay thế cho ông ta với lý do ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Việc Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trọn vẹn trong kỳ họp quốc hội rõ ràng
không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà
đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng ngày càng bất lợi
đối với ông ta.
Và cho dù ông Trọng đã ‘tái xuất’ vào ngày 21/6 để chủ trì họp Bộ
Chính trị, cái lối thoắt ẩn thoắt hiện của ông ta không thể khiến người
ta bớt hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ, và có
thể cả Canada, một cách hoàn hảo bằng chính đôi chân của ông ta vào
tháng Tám tới.
Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc
tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc
trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng,
từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản
Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt
Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được
Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các
bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý
của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa
Kỳ.
No comments:
Post a Comment