Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 2 August 2019

Phỏng vấn Kim Ngân, Giám Đốc Viện Việt Học

Trống Đồng Đông Sơn, một biểu tượng văn hóa lâu đời của Việt Nam được trưng bày tại Viện Việt Học. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Bài THANH PHONG
LITTLE SAIGON - Hôm nay, Chủ Nhật, ngày 18 tháng Một, 2015, vào lúc 11 giờ trưa Viện Việt Học tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày thành lập. Để tìm hiểu đôi nét về quá trình thành lập cũng như thành quả mà Viện Việt Học đã thực hiện trong 15 năm qua, nhật báo Viễn Đông đã phỏng vấn cô Kim Ngân, Giám Đốc Viện.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi:

Viễn Đông: Xin cô cho độc giả báo Viễn Đông biết qua về thời điểm ra đời của Viện Việt Học, và mục đích của Viện?

Giáo sư Trần Ngọc Ninh, nguyên Viện Trưởng Viện Việt Học, tác giả phương pháp đọc tiếng Việt theo Âm Vị Học. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Cô Kim Ngân: Trước khi trả lời câu hỏi của anh, cho tôi được nói qua về Giải Khuyến Học, vì từ Giải Khuyến Học mới đi đến chỗ thành lập Viện Việt Học sau này.
Vào cuối năm học 1980 – 1981 và đầu năm 1982, sinh viên Việt Nam tại California State University of Long Beach (CSULB) có hai dự án, thứ nhất là thành lập Tổng Hội Sinh Viên VN (THSV) tại miền Nam Cali, và thứ hai là thành lập Giải Khuyến Học. Việc thứ nhất diễn tiến tốt đẹp với 15 trường Đại Học tham dự, và mùa Xuân 1983, THSV đã tổ chức được Hội Xuân đầu tiên tại một công viên ở Westminster.
Dự án thứ hai là vận động thành lập Giải Khuyến Học về Lịch Sử - Văn Học Việt Nam. Ban tổ chức Giải Khuyến Học được thành lập với anh Bùi Tú Khanh (sinh viên ngành Hóa Học, nay là khoa học gia Sinh – Hóa đang làm việc tại Nam California) làm Trưởng Ban Tổ Chức GKH kỳ 1 vào tháng 9/1984 tại CSULB.
Sau vài năm tổ chức, Giải Khuyến Học đã phát động việc thành lập các Trường, các Trung Tâm Việt Ngữ, đặc biệt là sự ra đời của Bản Tin Việt Ngữ (số 1 tháng 3/1988) để vận động thành lập Ban Đại Diện Lâm Thời Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam Cali và sau đó là Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali cũng như các Khóa Tu nghiệp Sư Phạm, nhằm giúp các Thầy, Cô có thêm kiến thức sư phạm trong việc dạy tiếng Việt cho các em. Lớp Việt Ngữ đầu tiên tại Nam Cali là lớp Việt Ngữ của Gia Đình Phật Tử Long Hoa tại chùa Việt Nam ở Los Angeles, được thành lập năm 1976.
Nguyên do sự thành lập Viện Việt Học: Thời gian từ 1992 -1996 Sinh hoạt của Giải Khuyến Học bị khủng hoảng trầm trọng. Qua môi trường Giải Khuyến Học và các Trung Tâm Việt Ngữ, Ban tổ chức nhận thấy có nghĩa vụ phải bảo tồn hương hoa của tiền nhân để lại, trong đó có đạo lý và tình người Việt Nam, sự kiêu hãnh về lịch sử một dân tộc đã có hơn bốn nghìn năm văn hiến với bao xương máu của tiền nhân thấm vào lòng đất để giữ gìn, bảo vệ giang sơn gấm vóc này nên con cháu phải có bổn phận tô bồi, gìn giữ nhất là khi một số khá đông dân Việt đang sống lưu vong tại hải ngoại, làm sao cho giới trẻ này ham thích học hỏi về nguồn gốc và không phải bận tâm vì sự học chữ Việt đi ngược lại sự thụ nhập cái học Âu Mỹ, và đó là nguyên do tiến đến việc thành lập Viện Viện Học vào ngày 26-2-2000.

Viễn Đông: Xin cho biết các vị nào là những người có công đầu trong việc thành lập Viện Việt Học?
Cô Kim Ngân: Từ năm 1992 – 1999, sau nhiều lần bàn thảo, tìm hiểu, đầu năm 1999, nhóm vận động thành lập Viện Đại Học Việt Nam Hải Ngoại đề cử anh Nguyễn Minh Lân thảo dự án thành lập Viện Đại Học VNHN. Đề án được gửi đến 19 vị giáo sư, học giả lãnh đạo nền Giáo Dục VNCH cũng như các vị Giáo Sư VN đang dạy tại một số trường Đại Học ở hải ngoại. Đề án được sự hỗ trợ tích cực cụ thể, các vị giáo sư, học giả đã có nhiều trao đổi, thảo luận về sự khả thi của dự án.
Cuối cùng, các vị khuyến khích nhóm vận động thỉnh ý các giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Đình Hòa, Trần Anh Tuấn. Buổi họp tại nhà giáo sư Hà Mai Phương trong hai ngày 18 và 19 tháng 9 năm 1999.
Buổi họp quyết định thành lập Viện Đại Học Việt Nam Hải Ngoại (VĐHVNHN) và đề cử giáo sư Nguyễn Đình Hòa tham khảo ý kiến GS Nguyễn Khắc Hoạch, GS Trần Ngọc Ninh và các GS ở vùng Nam Cali. Tháng 11/1999 vào dịp lễ Thanksgiving, các giáo sư trên đã đồng thuận nhưng thay vì thành lập Viện Đại Học Việt Nam Hải Ngoại đổi lại danh xưng là Viện Việt Học, và một buổi lễ ra mắt Viện Việt Học được tổ chức ngày 26-2-2000 tại Garden Grove với GS Nguyễn Đình Hòa làm Viện Trưởng đầu tiên, sau đó là các giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Trần Ngọc Ninh, Lê Bảo Xuyến

Viễn Đông: Đường hướng và đối tượng của Viện Việt Học như thế nào?
Cô Kim Ngân: Viện Việt Học chủ trương vừa bảo tồn được cái cốt tủy của văn hóa dân tộc, cùng lúc hấp thụ cái tinh hoa của tư tưởng nhân loại, góp phần xây dựng một thế hệ người Việt mới, có sự hiểu biết và lối suy nghĩ ngang tầm thời đại để đưa đất nước và dân tộc được độc lập, tự do, dân chủ và phú cường mà đối tượng là giới trẻ Việt Nam.

Viễn Đông: Xin cô cho biết về cơ cấu tổ chức của Viện?
Cô Kim Ngân: Viện Việt Học có một Hội Đồng Quản Trị do GS Nguyễn Thế Anh (nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Huế); GS Nguyễn Cao Hách (nguyên Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Saigon); GS Nguyễn Đình Hòa (nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon); GS Nguyễn Khắc Hoạch (nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon); GS Nguyễn Khắc Kham (nguyên Giám Đốc Nha Văn Khố); GS Trần Ngọc Ninh (nguyên Tổng Trưởng Văn Hóa Xã Hội, Đặc Trách Giáo Dục); GS Lê Văn (nguyên Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Huế); Luật sư Nguyễn Quang Trung và ông Nguyễn Minh Lân.
Viện có Thư Viện với hàng chục ngàn đầu sách và do GS Phạm Thị Lệ Hương làm Giám Đốc. Một Ban Điều Hành Viện; một Ban Cố Vấn và một Ban Giáo Sư.

Viễn Đông: Hội Đồng Quản Trị và Hội Đồng Điều Hành Viện Việt Học hiện nay gồm những vị nào?
Cô Kim Ngân: Hiện nay tôi (Kim Ngân) là Giám Đốc kiêm Ngoại Vụ. Ông Vương Quốc Anh (Ly) là Phó Giám Đốc Nội Vụ kiêm đặc trách Website; ông Nguyễn Minh Lân (Tổng Thư Ký kiêm đặc trách điều hành Ban Học Vụ); Cô Nguyễn Hoàng Lan (Tổng Thủ Quỹ); ông Nguyễn Khắc Đôn (Kỹ Thuật); ông Nguyễn Tuấn Khanh (Trưởng Ban Tu Thư kiêm đặc trách điều hành cơ sở xuất bản Viện Việt Học); ông Nguyễn Chí Thông (đặc trách Website); cô Trần Uyên Thy – Hoài Hương (đặc trách Website); ông Nguyễn Doãn Vượng (đặc trách Website).

Viễn Đông: Xin tóm lược một số hoạt động chính của Viện Việt Học trong 15 năm qua.
Cô Kim Ngân: Viện Việt Học tự nguyện và giới hạn mình trong vai trò của một cơ quan văn hóa giáo dục. Từ 15 năm qua, Viện vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hiện nay, Viện vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu của các vị trong Ban Giáo Sư qua các bộ môn văn chương, lịch sử, địa lý, văn hóa và văn minh Việt Nam, đặc biệt là nối mạng mạch, sức sống của dân tộc trong cái tro tàn còn âm ỉ lửa hương Việt.
Viện đã tổ chức các Khóa Việt Học về Sử, Địa, văn minh, văn hóa VN, chữ Nho, chữ Nôm. Nguồn gốc tiếng Việt, Cơ cấu Việt ngữ, Võ Thuật cổ truyền Tây Sơn - Bình Định – Khóa bổ túc Sư Phạm, lớp đào tạo thông dịch viên tòa án hữu thệ, Phương pháp dạy tiếng Việt theo Âm Vị Học; Chương trình Xứ Sở và Con Người – Chương trình Việt Học Đó Đây – Chương Trình Vui Học Lịch Sử Văn Hóa Việt, Diễn Đàn Viện Việt Học, Trường Việt Ngữ Việt Học. Ngoài ra, Viện thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình chuyên đề, Hội nghị chuyên đề, Triển lãm, Ra mắt thơ, sách, Nhạc, tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ v.v..Đặc biệt, Viện đã thực hiện được bộ DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí gồm 36 dĩa nay thu lại còn 6 dĩa chứa 210 số Nam Phong Tạp Chí với trên 35 ngàn trang chữ abc, Hán, Pháp, bộ Từ Điển Chữ Nôm cùng ấn hành nhiều sách khác như: Dẫn Nhập Vào Văn Hóa VN – Cơ Cấu Việt Ngữ - Dạy Đọc Tiếng Việt theo Âm Vị Học – và ra mắt Phong Bao Mừng Tuổi, Phong Bao Chúc Mừng với nét vẽ đặc trưng văn hóa VN do Họa sĩ Doãn Quốc Vinh thực hiện. Trong tương lai, Viện sẽ xuất bản nhiều loại sách, tài liệu hiếm qúy khác.

Viễn Đông: Những khó khăn hiện nay như thế nào?
Cô Kim Ngân: Như anh biết, Viện Việt Học là một tổ chức bất vụ lợi, không có ngân sách, không được ai tài trợ chỉ tồn tại được bằng cái nhiệt tâm của các nhà hoạt động văn hóa, do đó vấn đề trang trải phí tổn thuê địa điểm không thôi cũng là mối lo của Viện hiện nay. Chúng tôi luôn ao ước được các nhà mạnh thường quân có tấm lòng với việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam lưu tâm giúp đỡ để Viện Việt Học tồn tại. Xin cám ơn Ban Giám Đốc và nhân viên nhật báo Viễn Đông đã phổ biến sinh hoạt của Viện chúng tôi.
Ngày hôm nay, Viện Việt Học sẽ mừng sinh nhật 15 năm vào lúc 11 giờ sáng đến 7 giờ tối tại Viện Việt Học (trên lầu khu nhà hàng Seafood World) đường Brookhurst, Westminster; bảo trợ $15 một phần ăn. Liên lạc (714) 775-2050 Email: info@viethoc.com.

No comments:

Post a Comment