Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 26 February 2020

Tôi như con cá chưa bao giờ tự hỏi mình bơi thế nào!

26/02/2020 14:06 GMT+7

TTO - "Tôi chưa bao giờ tự vấn mình tại sao lại viết, như con cá thuận theo dòng chảy, chưa bao giờ tự hỏi mình bơi thế nào", nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn.

Tôi như con cá chưa bao giờ tự hỏi mình bơi thế nào! - Ảnh 1.
Từ trái qua: Dịch giả Trịnh Lữ, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn và nhà văn Trương Quý trong buổi ra mắt "Những thước phim trong suốt". Dịch giả Trịnh Lữ đem tới hai bức tranh lấy cảm hứng từ hai bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn - Ảnh: TIỂU PHONG
Đọc Tuấn lúc nào tôi cũng rưng rưng. Dung dị như không, nhưng truyền cảm một cách kì lạ.
Họa sĩ Thành Chương
Đọc những thước phim trong suốt tôi nhận thấy thai độ trân trọng cuộc sống của Tuấn. Dù anh ấy đã sống ở giai đoạn rất khó khăn nhưng không một lời oán trách. Tác phẩm tràn ngập sự thân thương, tình cảm của tác giả với con người, với cuộc sống này.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Anh viết nhẹ như không mà hay quá. Những mảnh ký ức chắp nối về những đời người, thế hệ , những ẩm ương thời cuộc, ái tình tan đàn xẻ nghé thế kỷ 20... chưa hết nhẹ dạ ngây thơ nhoáng cái đã hết một đời trai. Chắc phải đến khi về hưu anh mới lần hồi viết ra, đọc có chút tản mạn kiểu nhớ đến đâu viết đến đó, nhưng cuốn hút vô cùng. Tập truyện ký mỏng manh này, dù viết chơi lại toả ra một khí chất hiếm thấy trong văn chương thời nay: tao nhã, duyên dáng mà không thôi tự vấn.
Đạo diễn Phan Đăng Di
Chiều 25-2, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn ra mắt cuốn sách Những thước phim trong suốt. Đây là cuốn sách tập hợp những hồi ức do chính ông viết ra, là thể loại pha trộn giữa truyện và ký, giữa sự thực (là chủ yếu) và hư cấu.
NSND Nguyễn Hữu Tuấn là một trường hợp hi hữu bởi ông là nhà quay phim đầu tiên ở Việt Nam ra mắt truyện ký, chứ không phải sách hướng dẫn về kĩ năng quay phim.
Tôi như con cá chưa bao giờ tự hỏi mình bơi thế nào! - Ảnh 7.
Cuốn "Những thước phim trong suốt" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Tác phẩm này khi còn là những đoạn ghi chép tản mạn trên facebook đã thu hút cho hội bạn bè văn nghệ sĩ, nhà báo quen biết ông.
Cánh bạn già đọc những dòng hồi ức của Nguyễn Hữu Tuấn thì rưng rưng, hội trung niên thì giục "anh phải ra sách thôi anh Tuấn ơi", thanh niên thì "chú kể hay quá, chú kể tiếp nữa đi".
Càng viết ông Tuấn càng khiến những người quen ông ngạc nhiên. Vì ông Tuấn ngoài vai trò tay máy vàng của điện ảnh nhà nước một thời, còn là một tay chơi ảnh thực thụ, lại là người từng học vẽ. Nay thêm khả năng viết, bạn bè nghệ sĩ đều phải lắc đầu "người đâu mà lắm tài lẻ".
Dịch giả Trịnh Lữ cho biết ông thích Nguyễn Hữu Tuấn ở điểm khi ông Tuấn muốn diễn đạt điều gì đó, ông sẽ tùy chọn hình thức biểu đạt là phim, là ảnh, là tranh hoặc viết. "Rất hiếm người làm được như thế", dịch giả Trịnh Lữ nói.
Nhờ những lời động viên của bạn bè mà Những thước phim trong suốt ra đời. Cuốn sách chứa đựng những mẩu hồi ức của ông Tuấn về chiến tranh, về Hà Nội, về những ngôi làng ông đã đi qua, về những con người ông đã gặp trên vạn nẻo đường, về cái thời làm phim amatơ…
Những thước phim trong suốt có câu chuyện "siêu nhỏ" như Đại Lý và cô gái điếm nhỏ kể câu chuyện về những cô gái điếm loay hoay sửa chữ "độ" trong cái tên quán "Nữ nhân 370" thành hình trái tim.
Tôi như con cá chưa bao giờ tự hỏi mình bơi thế nào! - Ảnh 8.
Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn - Ảnh: NAM TRẦN
Còn có câu chuyện nói về những đại tự sự như cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, nhưng lại được kể thông qua câu chuyện của Tiểu Quyên, một cô gái tác giả quen ở Trung Quốc.
Trong Những thước phim trong suốt, Nguyễn Hữu Tuấn không ngần ngại kể ra những câu chuyện cá nhân. Dường như thời gian đã đủ xa để tác giả bình tĩnh kể lại những khoảnh khắc, những động chạm rất đỗi con người của hai kẻ cô đơn trong đêm Mỹ đánh bom Hà Nội năm 1972.
Điều kì lạ là những kí ức vụn, rất đỗi cá nhân của Nguyễn Hữu Tuấn rất thu hút người đọc bởi cảnh trí, mùi vị của ký ức thấm đẫm trong từng câu văn.
Câu văn rất giàu hình ảnh, ngôn từ rất đời, đôi chỗ rất hài hước. Đọc Nguyễn Hữu Tuấn, độc giả sẽ cảm thấy phảng phất chất truyện ngắn của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn.
Tôi như con cá chưa bao giờ tự hỏi mình bơi thế nào! - Ảnh 9.
Bộ sưu tập máy ảnh của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn - Ảnh: NAM TRẦN
"Chi tiết nhỏ là chi tiết đáng nhớ nhất. Có một chi tiết ấy rồi, mình có tưởng tượng thêm. Khi viết, tôi thường lấy chuyện A để nói chuyện B. Đơn cử như khi viết về công sức Thành Chương dựng phủ, tôi kể câu chuyện nửa đêm đá về đến phủ, chúng tôi phải nghĩ cách khiêng tảng đá mười mấy tấn đặt vào phủ.
Lúc đó mưa rất nặng hạt, dưới ánh đèn pin, những giọt mưa rơi xuống tảng đá bắn tung tóe như những giọt pha lê. Lũ đàn ông hò nhau dùng đòn bẩy để di chuyển hòn đó. Cảnh đó vô cùng bi tráng", nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ về lối viết của mình.
Thời còn trẻ, đã từng có người nhắc Nguyễn Hữu Tuấn "đừng tha thiết, đừng khắc khoải quá Tuấn ơi, cẩn thận bị tim đấy nhé".
Nhưng Nguyễn Hữu Tuấn cả đời làm cái gì cũng muốn đi đến tận cùng. Trái tim người nghệ sĩ lúc nào cũng thấy xốn xang trước vẻ đẹp của cuộc sống, như con người "nóng ruột" khi nghe tiếng chim tu hú gọi hè trong hai câu thơ của Chế Lan Viên: "Cái con tu hú liên hồi. Ta ôm cuộc đời sao xuể".
Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn: Thảnh thơi chơi với hình ảnh Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn: Thảnh thơi chơi với hình ảnh
TTO - Ông Nguyễn Hữu Tuấn được coi là đạo diễn hình ảnh bậc thầy của điện ảnh Việt, nếu ai đã xem Thương nhớ đồng quê, Thị xã trong tầm tay hay Bến không chồng...
NGỌC DIỆP

No comments:

Post a Comment