Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 26 February 2020

Tư liệu: Hoàng thái tử nước Nga đến thăm Đông Dương vào năm 1891

  • 6 tháng 2 2017




  • Bản quyền hình ảnh Cao Phong Pham
    Image caption Bìa cuốn 'Du hành Viễn Đông', bản tiếng Pháp

    Một nhà báo cánh tả gửi tặng tôi một bưu kiện nặng. Hình ảnh Việt Nam những năm 1967-70, ảnh phi công John McCain tõm ở hồ Trúc Bạch, ảnh đám tang ông Hồ Chí Minh với nhiều người khóc và một quyển sách rất hiếm.
    Cuốn sách in trên giấy lụa khổ lớn 30x40 có tựa đề 'Du hành Viễn đông của Hoàng thái tử Cesarevitch (S. M. Nicolas II)’ của Hoàng tử E.E. Oukhtomsky chỉ được in 75 bản trên toàn thế giới, 25 bản bằng tiếng Nhật, 25 bản in tiếng Hà Lan và 25 ấn bản bằng tiếng Pháp.
    Thư viện quốc gia Pháp tại Paris cũng không có ấn phẩm này. Chỉ còn một bản tiếng Pháp tại thư viện Tokyo.
    Dòng chữ run rẩy ông viết làm tôi bối rối: "Cháu ơi, còn nhiều việc phải làm".
    Đáp lại những hồi chuông với gọi cánh tay nhấc máy của ông, tôi chỉ chạm tới dòng tin nhắn: “Tôi đi vắng, nhắn lại cho tôi và đừng quên để lại số nhé". Lần nào cũng thế.
    Nghệ An sẽ hoàn thành dự án tượng Lenin cuối tháng 3
    Lenin từng cấm lễ Giáng Sinh không thành
    Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai?
    Biết tính ông và phong cách lịch sự của người Pháp, tôi chợt hiểu và day dứt. Ông đã đi xa, mang theo biết bao bí ẩn. Những bức ảnh nguyên bản đó ở đâu ra? Và ông có nó như thế nào?
    Tất cả đã muộn. Tại sao ông không tặng quyển sách cho Thư viện Quốc gia trên đường Tràng Thi của Hà Nội, hay bán cho những người yêu sách cổ?
    Những câu hỏi sẽ không có lời đáp.
    Hành trình về Phương Đông
    Ra mắt ngày 20/8/1898, quyển sách dày gần 400 trang và 120 hình ảnh nói về Hạm đội Nga với Sa Hoàng Nicolas II, lúc đó còn là Hoàng thế tử và được gọi trong sách là ‘Altesse Cesarevitch’, kể về chuyến ‘đi đầy' vòng quanh thế giới, có đoạn nói về Việt Nam.
    Số lượng phát hành ít ỏi, biến cố năm 1905, hay Đại chiến Thế giới thứ nhất đã làm sự kiện chìm vào lãng quên?
    Hoàng đế cuối cùng này của nước Nga cùng cả gia đình bị giết bởi những người Bolshevik ngày 17/7/1918.

    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Ảnh chụp gia đình hoàng gia năm 1906. Từ trái sang phải xung quanh Sa Hoàng Nicolas đệ nhị và Hoàng hậu Alexandra, các con Anastasia, Alexis, Marie, Olga và Tatiana. Tất cả đều bị thủ tiêu ngày 17/7/1918
    Cuốn sách viết rằng hạm đội của Hoàng thái tử nước Nga đến thăm Đông Dương vào năm 1891, và đã lưu lại Sài Gòn từ ngày 16 đến 28/3/1891, sau khi tới thăm nước Xiêm (Thái Lan ngày nay).
    "Nước triều lên, chiến hạm Souvenir de l' Azov và Vladimir - Monomaque được tàu kéo dẫn vào sông Đồng Nai. Trước đấy, tàu Mandjour và tàu Coréen đã đánh tín hiệu cập bến an toàn. Chiến hạm L'Amiral - Nakhimov mắc cạn. Sông sâu, rộng lớn, rất nhiều xoáy nước. Chúng tôi đi giữa những cánh rừng thấp và đầm lầy. Thấp thoáng qua tầng lá dày là những ngôi nhà của người bản xứ. Ngược sông khoảng 100km, chúng tôi đến Sài Gòn."
    "Khó tìm được nơi nào có địa thế tốt như thủ phủ Đông Dương. Singapore cũng thua xa về mặt quân sự."

    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Hình ảnh minh họa trong cuốn sách cảnh đoàn chiến hạm của Hoàng thái tử Nga tới Sài Gòn
    Trong cuốn sách, tác giả có những đánh giá tinh tế về con người địa phương ở Sài Gòn khi ấy:
    "Người Bồ Đào Nha Andrada khám phá ra Cochinchine năm 1516. Một thế kỷ sau, người đồng hương là giáo sĩ Carvalho bắt đầu thuyết giáo ở đây.
    Người dân bản địa dòng giống Mông Cổ và pha trộn những nét của người Hindus và Malaysia. Họ chiến đấu ngoan cường, không dễ dàng chịu khuất phục người da trắng. Suốt một năm rưỡi họ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ, thậm chí không rút chạy trước những lưỡi lê, gươm giáo của người nước ngoài.
    "Họ ưa thích một nhà nước tồi tệ của dân tộc họ hơn là một guồng máy lãnh đạo tốt của người nước ngoài. Một viên quan An Nam nếu phải trao tỉnh lỵ mà ông ta cai quản sẽ chọn uống thuốc độc, hơn là chấp nhận những đề nghị hấp dẫn và hào phóng của sĩ quan người Pháp."

    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Duyệt binh tại Sài Gòn trước Dinh Toàn quyền trong lễ đón Hoàng thái tử Nga
    Tuy nhiên, rốt cuộc thì người Pháp cũng đã thiết lập được vị trí của mình trên mảnh đất này, và hình thành được một lực lượng quân sự đầy ấn tượng:
    "Thật hứng thú quan sát người Pháp đã sử dụng những nhân tố bản xứ trong lĩnh vực quân sự. Họ đào tạo được những chiến binh giỏi, tuân thủ kỷ luật, dũng cảm, thành thạo kỹ thuật. Đấy là điều quan trọng trong điều kiện tác chiến khắc nghiệt ở Đông Dương mà lại rẻ hơn 2 hay 3 lần gọi lính từ mẫu quốc.
    "Ấn tượng đầu tiên là vóc dáng bé nhỏ của họ. Trông họ như những phụ nữ Mông Cổ để tóc đuôi sam tết dài. Họ khoác áo mầu xanh, đeo thắt lưng, quần trắng. Chiếc mũ cói có chóp nhọn bằng đồng. Tiểu đội trưởng mặc binh phục pháo binh hải quân.
    "Những tiểu đoàn lính An Nam gây ấn tượng tốt. Trường hợp đụng độ giáp biên giới Birmanie, họ hoàn toàn có thể đương đầu hiệu quả chống lại Gorkhan của Nepal hay những người Sikhs.
    "Nghịch lý khó tránh được và xung khắc như mặt trăng, mặt trời là họ được huấn luyện tốt, lương bổng sung túc cho cuộc sống. Song lúc giải ngũ dễ biến thành kẻ cướp, họ không còn hợp với cuộc sống dân thường.
    "Đám "Cờ đen" và “Cờ vàng" rất háo hức thu nhận những người như họ cho việc huấn luyện quân sự. Khích động bằng mấy điều bất mãn, thuộc địa non trẻ dễ rơi vào một cuộc chiến không khoan nhượng."

    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Sài Gòn năm 1891 - hình vẽ minh họa trong cuốn 'Du hành Viễn Đông'
    Những ngày lưu lại ở Việt Nam khiến đoàn khách Nga có cơ hội chứng kiến một Sài Gòn ở miền Á Đông xa xôi nhưng lại mang phong cách rất phương Tây, một 'Paris thuộc địa' thật đẹp trong cả kiến trúc lẫn đời sống sinh hoạt của cộng đồng châu Âu.
    Đó là nơi mà vào buổi tối thì 'phố xá và những tiệm cà phê Sài Gòn thắp đèn rực rỡ', còn lúc cuối giờ chiều thì 'những mái ngói đỏ chìm lẫn trong rặng cây. Bầu trời điểm nhẹ những đám mây trong vắt mầu nước biển. Dàn chiếc ca nô trắng toát nổ những loạt súng chào mừng. Phía sau,bên trái là một cổng chào lộng lẫy. Những đám đông cứng nghẹt cầu cảng'.
    Đó là nơi mà cuộc ghé thăm của Hoàng thái tử Nga được đón tiếp nồng hậu với màn duyệt binh, với buổi hòa nhạc ở nhà hát thành phố, và với bữa đại tiệc xa hoa, hào nhoáng, khiến vị vua tương lai của nước Nga phải thốt lên với vị quan toàn quyền Pháp rằng, "Ở Sài Gòn, tôi cảm thấy như trong gia đình. Thật tiếc là không thể nán lại ở lâu hơn với các bạn."
    "Mọi hoạt động đón tiếp được tiến hành trong khuôn viên toà thị chính Thành phố. Người Pháp sử dụng nghệ thuật ẩm thực với nhiều bí quyết và tài hoa để khoản đãi Césarevitch.
    "Một cơ ngơi khổng lồ được khánh thành để ngồi dùng trà và ăn tối. Thảm cỏ của dinh dùng làm sàn nhẩy. Những thương nhân châu Âu mở các tiệm ăn ngoài trời, những quán hàng, biểu diễn trò chơi và bắn súng. Khu vườn tràn ngập mọi người. Ai nấy đều ăn mặc sang trọng và sôi nổi. Hoàng thế tử vui chơi tới tận 3 giờ sáng mới đi nghỉ.
    "Trong yến tiệc tại Dinh Toàn quyền, dàn nhạc chiến hạm Triomphante chơi bản Mazurka của Glinka, giai điệu phóng túng của bản Carmen và Huguenot.
    "Nhóm sĩ quan hải quân Pháp sôi nổi mở đầu vũ khúc. Họ là những hiệp sĩ của nước Pháp mới, một đất nước trao cho họ cả một Đế chế Cận đông khổng lồ để họ chính phục miền đất này với những tiến bộ về khoa học và văn hoá.
    "Bữa tiệc kết thúc bằng một màn pháo hoa hoàng tráng do sĩ quan Hà Lan Mr. Gors điều hành. Ánh sáng Sài Gòn yếu ớt, nên hiệu ứng màn trình diễn càng lộng lẫy."



    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Thần săn bắn của người Việt được họa sĩ Hạm đội Nga mô phỏng

    Những mối tình hư ảo

    Tôi viết thêm đôi chút nói thêm cái duyên hội ngộ nào đã đưa Nicolas II đến đất Việt.
    Sa hoàng Nicolas đệ nhị tiến hành cuộc hải trình này đi xuyên qua Calcutta, Bombay, Trinopoli, Ceylan, Colombo, Singapore, Batavia, Bangkok, Saigon, Hong Kong, Kobe, Vladivostok, Khabarovsk.
    Nicolas khi đó mới 22 tuổi và vẫn là Hoàng thái tử với suy nghĩ rằng tương lai nước Nga là ở châu Á nhưng phải giữ bản ngã “trắng” của người Nga.
    Những tìm tòi của Viện sĩ Hàn lâm Pháp Henri Troyat, gốc Nga, rời bỏ quê hương sau Cách mạng tháng Mười 1917 sang sinh sống rồi mất tại Paris, cho thêm những chi tiết thú vị trước chuyến đi của Sa Hoàng Nga tương lai.
    Ông viết trong cuốn 'Nicolas II, Sa Hoàng cuối cùng' (Nhà xuất bản Flamarion 1991) như sau:
    “Thật sự Hoàng tử kế vị đã thu nhận được tất cả những sự giáo dục cần thiết trước cả khi kết thúc cái tuổi phổng phao của ông. Cha ông, Sa Hoàng Alexandre III đòi hỏi các con trai mình không được sao nhãng học hành hay sớm bước vào vòng tình ái.
    "Nicolas tỏ ra ngoan ngoãn, nghe lời phụ thân. Với cá tính kiềm chế, Nicolas quen biết vài cô gái nhưng chỉ dừng ở mức độ đùa giỡn.
    "Một lần do bạn bè xúi bẩy, Nicolas nhẩy rào với thiếu nữ Labounski, một cô gái bé nhỏ trong dàn đồng ca. Họ hẹn hò tại nhà hàng Dussot. Nhưng rất nhanh, theo lệnh của Thánh Thượng, tổng trấn cảnh sát Saint Petersbourg đã can thiệp làm gián đoạn mối quan hệ. Nước mắt lưng tròng, nàng thiếu nữ Labounski buộc phải ra nước ngoài.
    "Nicolas không phí nhiều thời gian thất tình. Niềm an ủi mới hiện ra ngay ở chân trời. Đó là cô vũ nữ Mathilde Kschessinska gốc Ba Lan. Trẻ trung, mảnh dẻ, nhí nhảnh, hài hước, cô gái thu hút ngay sự chú ý của Nicolas trong buổi tổng duyệt có mặt cả Sa Hoàng và Hoàng hậu của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia mà cô còn là học trò. Suốt tối, Nicolas chỉ quanh quẩn bên Kschessinska, mắt trao mắt.
    "Vài tháng sau, Nicolas gặp lại cô gái trong buổi diễn tập quân sự cùng với tiểu đoàn của chàng tại Krasnoie Selo. Thiếu nữ đến cùng những nghệ sĩ tài hoa nhất kinh đô cùng nhà hát của nàng. Nicolas gục hoàn toàn. Kschessinska không chỉ là một thiếu nữ kiều diễm mà còn là linh hồn của vũ điệu, đôi cánh thiên nga và tia sáng của vầng trăng."
    Ngày 17/7/1890, Nicolas ghi trong nhật ký: "Kschessinska thật đáng yêu”. Và ngày 30/7: “Chuyện trò với Kschessinska bé nhỏ bên cửa sổ”.
    Dòng chữ mang âm hưởng buồn bã. Ngay tối hôm trước, vua cha đã quyết định gửi Hoàng thế tử theo một chuyến viễn hành gian khổ.
    Không nghi ngờ gì, Hoàng thượng muốn ngăn con trai đá lông mày, nheo đuôi mắt với cô tình nhân bé nhỏ.
    Tối 31/7/1890, chàng Nicolas tội nghiệp cúi đầu nghi những dòng chữ trong nhật ký: "Tối qua sau buổi huấn luyện quân sự, chúng tôi uống 125 chai champagne. Lúc 6 giờ dậy tập hợp cùng với tiểu đoàn trên bãi tập. Diễn tập triển khai kỵ binh phối hợp tấn công cùng hỏa lực pháo binh. Nắng ấm. Ăn trưa tại Krasnoie. Khoảng 5 giờ mưa như trút. Sau khi điểm danh, rẽ qua ngôi nhà hát bé nhỏ, thân thương ở Krasnoie Selo. Chào vĩnh biệt Kschessinska”.
    Sa Hoàng Nicolas đến Việt Nam như thế. Kẻ đa tình thường vướng vào những tình cảm không có hậu để rồi không bao giờ gặp lại nụ cười mỹ nhân.
    Lần vương tình với nước Việt cũng hư ảo, phiêu bồng tặng chúng ta một thoáng bồi hồi.
    Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris. Phần trích dẫn nội dung sách và trích dẫn Viện sĩ Hàn lâm Troyat do tác giả dịch từ bản tiếng Pháp.
    Xem thêm:
    Ngoại giao Pháp và những cơ hội bị bỏ lỡ của VN
    Các vương triều Đông Nam Á

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment