Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 2 January 2014

PHẠM VŨ * * TINH THẦN “HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG” !






HÃY LÀM SỐNG LẠI TINH THẦN
“HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG” !

Nhân ngày Giỗ Trần Hưng Đạo vào ngày 20-8 âm lịch (nhằm ngày 5/10/2012) vừa qua, chúng ta cùng nhau đốt nén nhang thơm, tưởng niệm vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc trong sự nghiệp đánh tan quân xâm lược Mông Cổ ở thế kỷ 13, người đã có công góp phần làm rạng rỡ cho lịch sử oai hùng của nước nhà.
CÙNG HÁT VANG BÀI “HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG” CỦA LƯU HỮU PHƯỚC

- Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
- Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
- Tuôn giày non sông rền vang tiếng vó câu
- Gây oán ngàn thu! …

Đế quốc Mông Cổ lúc đó rất hùng mạnh, đã chinh phục một dải đất chạy dài từ Á sang Âu và chiếm trọn Trung Quốc thành lập nhà Đại Nguyên, thì trái lại, nước Đại Việt lúc đó còn rất nhỏ bé. Cuộc đọ sức mà nhân dân ta tiến hành là cuộc đọ sức hoàn toàn không cân xứng. Vua Trần Nhân Tông sử dụng mọi phương cách ngoại giao không được, Nhà vua ngự thuyền mờ Hội nghị Bình Than (ở chỗ sông Đuống nối với sông Thái Bình), cử Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân và để hội các vương hầu bách quan lại bàn kế chống giữ.
Để tăng thêm sự ủng hộ của nhân dân và thực thi dân chủ, vua Trần Nhân Tông cho quân sĩ thông báo khắp nước đã mời các vị bô lão lên kinh đô Thăng Long tham gia Hội nghị họp tại điện Diên Hồng nên lịch sử gọi là Hội nghị Diên Hồng, để hỏi ý kiến nhân dân, mà các bô lão là đại diện về công cuộc chống quân Nguyên.

- Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
- Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến
- Diên Hồng tâu lên cùng Minh Đế báo ân
- Hỡi đâu Tứ dân!...

Tại Hội nghị Diên Hồng, vua Nhân Tông đã hỏi “Tứ dân” – nghĩa là nhân dân trong nước gồm có 4 giới: sĩ , nông, công, thương – xem là Non sông có nên hòa với giặc Nguyên hay quyết chiến với chúng để bảo vệ Non sông?
Trong khi nhà Lý mất ngôi, nhà Trần lên làm vua ở An Nam, thì nhà Tống bên Tàu bị người Mông Cổ đánh phá. Người Mông Cổ hung tợn, hiếu chiến, ai cũng cưỡi ngựa và bắn tên giỏi. Bởi tính chất và binh pháp hùng mạnh nên lúc đó Thành Cát Tư Hãn, hiệu Nguyên Thái Tổ đã chiếm giữ được cả vùng Trung Á, gần hết Châu Âu. Thành Cát mất, Nguyên Thái Tông lên làm vua, sau đó là Nguyên Định Tông, rồi ngôi vua Mông Cổ về chi khác. Người em con nhà chú là Mông Kha lên làm vua, tức Nguyên Hiến Tông. Vua này sai em là Hốt Tất Liệt sang đánh nhà Tống bên Tàu, cùng lúc đó, Mông Kha mất, Hốt Tất Liệt lên ngôi vua, tức Nguyên Thế Tồ, sau đó nhà Tống thua, cả nước Tàu thuộc về nhà Nguyên cai trị, nên sử gọi là Mông-Nguyên, cũng tương tự sau đó, nước Tàu bị Mãn Châu cai trị nên gọi là Mãn-Thanh, và Hoàng đế Quang Trung đã dẹp tan mộng xâm lăng của quân Mãn-Thanh tại trận Đống Đa.

- Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
- Ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới
- Loa vang vang, Chiếu loan truyền bốn phương
- Theo gió bay khắp miền sông núi réo đòi…

Vì vua Trần không chịu thần phục nhà Nguyên, nên quân Nguyên đã xua quân xâm lược nước ta lần thứ nhất do thái tử Thoát Hoan, vào cuối năm 1257, với ba vạn kỵ binh, đã tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, chiếm cả thành Thăng Long trong 9 ngày trời. Với trận quyết chiến ở Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), quân dân ta đã quét sạch lũ giặc ra khỏi bờ cõi.

- Lòng dân Lạc Hồng nhìn non nước yêu quê hương
- Giống anh hùng nâng cao chí lớn
- Giống anh hùng đua sức tráng cường
- Ta lên đường lòng mong tâu lên Long Nhan
- Giòng Lạc Hồng xin thề liều thân, liều thân
- Đường còn dài, hồn vương trên quan tái
- Xa xa trông áng mây đầu non đoài! …

Sau lần xâm lược thứ nhất bị thất bại, quân Mông Cổ tuy thua phải rút về, nhưng chẳng bao lâu sau khi vua Mông Cổ dứt được nhà Tống , lấy được nước Tàu, rồi có ý muốn bắt vua nước Nam ta sang chầu nhưng vua ta không chịu, vua Nguyên Thế Tổ sai Thoát Hoan mang quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai.
Đầu năm 1285, quân Nguyên huy động 50 vạn quân đánh từ phía bắc xuống và 10 vạn đánh từ phía nam lên, dưới quyền tồng chỉ huy của Thoát Hoan. Nhưng, bằng những trận nghi binh cực kỳ tài giỏi, Trần Hưng Đạo lại dồn kẻ địch vào thế tuyệt vọng, để rồi mở những trận quyết định ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết...chém đầu Toa Đô, đập tan cuộc xâm lược lần thứ hai này.

- Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
- Đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
- Nhìn quân gian ác lấn xâm tràn nước ta
- Ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la…

Nhà Nguyên sau đó lại sai mang quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ ba.
Năm 1288, hơn 50 vạn quân Nguyên, cũng do Thoát Hoan cầm đầu, lại tràn sang xâm lược lần 3, thành lập thêm một đạo thủy binh do Ô-mã-nhi chỉ huy. Những đạo quân khổng lồ này vẫn không thể cướp được nước ta, với trận quyết chiến chiến lược trên cửa sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã đánh tan tành lũ giặc, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lăng cùa quân Mông-Nguyên đối với nước ta.

(Hỏi) – Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) – Quyết chiến!
(Hỏi) – Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) – Quyết chiến!
Quyết chiến luôn! Cứu nước nhà
Nối chí dân hùng anh
(Hỏi) – Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp ) –Hy sinh!
(Hỏi) – Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) – Hy sinh!
Thề liều thân cho sông núi
Muôn năm lừng uy!

Chính tinh thần dân chủ của Hội nghị Diên Hồng làm nức lòng nhân dân, mà đại biểu là các bô lão, tất cả đồng lòng hô vang sự quyết chiến đối với 3 cuộc xâm lược nước ta cùa quân Mông-Nguyên, bằng tất cả sự hy sinh tài lực, vật lực và xương máu của con cháu cùa các vị bô lão, do các bô lão khuyến khích tinh thần nên quân dân Đại Việt – dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo – đã đi từ chiến thắng này, đến chiến thắng khác, nhằm đập tan âm mưu thôn tính nước ta của đế quốc Mông Cổ hung hãn, mặc dù chúng đã xâm chiếm nước Tàu và gần hết châu Âu.
DANH TƯỚNG TRẦN HƯNG ĐẠO
Trong chiến tranh, Hưng Đạo đi đến đâu là ở đó niềm tin vào thắng lợi được củng cố, thật đúng là:

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!

- Trần Hưng Đạo – Tấm Gương Sáng Ngời của Ý Thức Chủ Động Xây Dựng Khối Đại Đoàn Kết để Cứu Nước:
Trần Hưng Đạo đã sớm nhận thức và triệt để xóa bỏ mọi hiền khích trong nội bộ triều Trần, như việc: Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) mâu thuẫn gay gắt với anh ruột là Trần Liễu, bởi trước đó, Trần Thủ Độ đã ép Trần Liễu phải nhường một người vợ đang có thai cho Trần Cảnh. Trước khi chết, Trần Liễu trăng trối cho con là Hưng Đạo phải trả mối thù đó. Giữa Hưng Đạo và Trần Quang Khải cũng có mối bất hòa. Sử cũ chép rằng, Hưng Đạo đã tìm mọi cách để biến suy nghĩ tốt đẹp của mình thành suy nghĩ chung của cả nhà về việc không nên theo lời trăng trối của Trần Liễu. Hưng Đạo cũng đã chủ động hòa giải tốt đẹp mối bất hòa với Quang Khải.
- Củng cố Khối Đoàn kết Triều đình trên cơ sở Triệt để Thống nhất về Phương hướng Chiến lược Chỉ huy Chống Xâm lăng:
Với Hội nghị Bình Than, năm 1282, cùa quý tộc và tướng lĩnh cao cấp nhất, do vua Trần điều khiển, tại đó, Triều đình đã nhất trí cao độ về chiến lược chống xâm lăng và xây dựng bộ máy chỉ huy, đứng đầu là Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo.
- Trên Cơ sở Khối Đoàn kết của Triều đình, Xây dựng Khối Đoàn kết của Toàn dân:
Đầu năm 1285, khi quân Nguyên đã áp sát biên giới của nước ta, nhà Trần đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng, đấy là lần đầu tiên trong lịch sử, đại biểu của nhân dân được cùng với Nhà vua thảo luận vấn đề chống xâm lăng, Sử chép rằng, tiếng hô quyết chiến của các vị bô lão đã làm rung chuyển cà điện Diên Hồng.
- Khôn khéo Kích động mạnh mẽ Lòng Yêu nước và Lòng Căm thù giặc sâu sắc của Toàn dân:
Trong lĩnh vực này, Hưng Đạo đã viết và phổ biến bài “Hịch Tướng sĩ văn”, ở đây, với lý luận chặt chẽ và cắc bén, với lời lẽ hùng hồn và tha thiết, Hưng Đạo đã có công thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước cùa toàn dân mà trước hết là tướng sĩ của triều Trần. Ông viết; “ Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi; chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng sĩ bại trận...Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi phỗng có được không? “
- Trần Hưng Đạo – Nhà Văn hóa Lớn của Dân tộc:
Thiên tài văn hóa của ông trải rộng trên nhiều lãnh vực khác nhau và lãnh vực nào cũng sắc sảo. Ngoài thiên tài quân sự, Hưng Đạo còn là Nhà văn, Nhà y học lớn của thế kỷ 13. trước tác cùa ông để lại không nhiều, đã thế, một phần đáng kể của những trước tác còn lại ấy, đã bị người sau tự ý sửa chữa. “Binh thư yếu lược” là sách binh pháp, cũng có thể coi đó là một tác phẩm văn học có giá trị. Tuy nhiên, tài năng văn học cùa Hưng Đạo được thể hiện tập trung nhất, sắc sảo nhất lại chính là ở “Hịch Tướng sĩ văn”, đây là tác phẩm đã kết hợp một cách tinh tế và hài hòa giữa nội dung tư tưởng sâu sắc với nghệ thuật thể hiện hết sức hài hòa.
Trong chiến tranh, thương vong là điều không sao tránh khỏi. Với tấm lòng thực sự thương yêu binh sĩ dưới quyền, Hưng Đạo đã tranh thủ mọi thời gian có thể tranh thủ được để học làm thuốc và học cách chữa bệnh. Trí thông minh bẩm sinh cộng với đức độ và sự cần mẫn hiếm có ấy, đã đưa Hưng Đạo đến với đỉnh cao của Y học đương thời. Hoạt động Y học của Hưng Đạo, chẳng những có giá trị thực tiễn to lớn trong thế kỷ 13 mà còn có giá trị đặt tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của Y học Dân tộc trong các thế kỷ sau đó. Người được kế thừa và đã có công đẩy nền Y học Dân tộc lên một trình độ cao hơn trong thế kỷ 14 chính là Nguyễn Bá Tĩnh, tức danh y Tuệ Tĩnh.
TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM CA NGỢI CÔNG LAO CỦA DANH TƯỚNG TRẦN HƯNG ĐẠO
Đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo (1226-1300) ở xã Vạn kiếp, nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí linh, Hải dương. Đền có một số bức hoành phi và câu đối biểu thị lòng thương tiếc và ca ngợi công lao của người anh hùng dân tộc đã nhiều phen đánh tan quân Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt. Ai đã đến tham quan đền Kiếp Bạc hẳn còn nhớ đôi câu đối dẫn, được khắc tại cổng tam quan đền, của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm):

Vạn Kiếp hữu sơn giai Kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất Thu thanh

Đôi câu đối dẫn ngắn gọn, cô đọng, nhưng đã thể hiện được khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược trong lịch sử xa xưa của dân tộc vẫn còn vang vọng mãi đến tận hôm nay làm cho chúng ta thêm tự hào và phấn chấn.
Tuy nhien về mặt chữ nghĩa của đôi câu đối cũng đã có không ít cuộc tranh luận trên mặt báo. Chỉ kể từ năm 1992 đến nay, chữ “thu thanh´ trong đôi câu đối đã được nhiều người đề cập đến trên nhiều tạp chí.
- Trước đó vào những năm 1960 của thế kỷ trước, không biết nhà văn Lãng Nhân Phùng tất Đắc đã căn cứ vào nguồn tư liệu nào mà đổi chữ “thu thanh” thành “trang thanh” (tiếng đóng cọc). Năm 1987, Nguyễn Quảng Tuân cũng đề nghị chữa lại chữ “Thu thanh” thành ‘thung thanh”, ông cho rằng đã ghi nhầm chữ “thung” ra chữ “thu”. Năm 1995 Hoàng hữu Xứng cũng đồng ý với nhận xét trên và tỏ ra bức xúc. Năm 2001, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn tiến Đoàn ở Thái bình thì lại cho rằng chữ “thu” ở đây phải có “bộ khẩu” bên cạnh với nghĩa là tiếng trẻ con (!)
- Theo nhà thư pháp học Thế Anh, những lập luận trên đây xem ra vẫn thiếu cơ sở khoa học và không đủ sức thuyết phục. Đôi câu đối này đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20, lúc đó còn nhiều nhà khoa bảng, nhiều bậc túc nho, nên không thể có chuyện nhầm lẫn, sơ xuất “chữ tác đánh chữ tộ” để chữ nghĩa sai ở nơi thắng tích như đền Kiếp Bạc (Còn ngày nay thì khác, ngay ở trung tâm thủ đô như đền Ngọc Sơn hoặc Văn Miếu-Quốc tử giám vẫn có những đôi câu đối xếp ngược). Chúng tôi đồng tình với cách giải thích của nhà Hán học lão thành Tảo Trang Vũ tuân Sán trong bài “Lai bàn về “thu thanh” hay “trang thanh” (Tạp chí Hán Nôm số 2/13-1992) và bài “Kiếm khí” “thu thanh” của PGS Sử học Tạ Ngọc trên Tuần báo Văn Nghệ số 387 ngày 17-09-2000. Chúng tôi xin trích dẫn lời giải thích của cụ Tảo Trang:
“Thu thanh” không nên hiểu là tiếng thu đơn thuần. Theo triết học cổ truyền phương đông, mùa thu thuộc hành kim trong ngũ hành tương ứng với phương tây. Mùa thu là mùa lá cây vàng úa, có sương giáng, có gió tây khiến lá rụng, đó là quy luật nghiêm khắc của tạo hóa loại trừ những thứ không còn sự sống. “Tiếng thu” là tiếng gió tây làm rụng lá vàng, ý nghĩa đặc biệt của nó được ghi ở bài phú nổi tiếng: “Thu thanh phú” (Phú tiếng thu) của Âu Dương Tu (1007-1972) đời Tống, trong đó có câu: “Thu là vị quan thi hành hình phạt...Đó là sức mạnh đạo nghĩa của trời đất, thường dụng tâm nghiêm khắc diệt trừ”
Xét theo ý nghĩa trên đây thì “Thu thanh” trong đôi câu đối trên không phải là tiếng Thu đơn thuần ở bất cứ con sông nào cũng có mà nó chỉ xuất hiện ở nơi xảy ra trận chiến như sông Lục Đầu chẳng hạn. Chữ “thu” ở đây cũng không phải để nói về mùa thu cụ thể mà có thể chỉ bất cứ thời gian nào trong năm khi xảy ra cuộc chiến. Trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn có câu “Tây phong minh tiên xuất Vị kiều” mà Đoàn Thị Điểm dịch là “Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”. “Tây phong” mà dịch là “gió thu” là một sự vận dụng điển cố có liên quan đến chữ “thu” đang đề cập đến trên đây.
- Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), đôi câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) có nghĩa bóng muốn nhắc tới võ công giết giặc Nguyên-Mông xâm lược của Đức Thánh Trần ở thế kỷ 13, gần đây có người muốn đổi chữ “Thu” làm chữ “Thung” (cái cọc gỗ), vì vậy từ “Thu thanh” sẽ thành ‘thung thanh’ (tiếng đóng cọc gỗ). Tôi thiết nghĩ đó không còn là chữ nghĩa của bậc đại khoa như cụ Thám Hàm nữa!
- Hoàng Thúc Trâm trong sách “Trần Hưng Đạo” viết: Khoảng năm 1945 (gần 40 năm sau khi Vũ Phạm Hàm mất) một nhà báo Nhật Bản đến thăm đền Kiếp Bạc, cảm xúc trước đôi câu đối cùa người quá cố, đã viết:

Thanh kỳ biệt hữu thử giang sơn, Sản xuất anh hùng biểu thế gian.
Kiếm khí do binh hồ lỗ phách, Thu thanh túc sái thủy sàn sàn.

Nghĩa là: Ở đây riêng có cảnh núi sông thanh kỳ này, chung đúc nên trang anh hùng làm tiêu biểu cho thế gian. Hơi thanh kiếm (của ngài) làm giặc Nguyên-Mông phải kinh hồn mất vía, tiếng mùa Thu vi vút lạnh lùng, nước (Lục Đầu) ào ạt vang xa!
Hẳn là hơi của thanh kiếm đời Trần, tiếng của mùa Thu đã được người nước ngoài cảm xúc. Hai câu đối phảng phất nét tâm linh với cái nhìn giác quan thứ sáu của Vũ Phạm Hàm đã vang vọng ra nước ngoài.
TÓM LẠI, chữ “thu thanh” trong đôi câu đối của Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) cúng ở đền Kiếp Bạc và được ghi lại ở đền thờ Trần Hưng Đạo tại TpHCM là có xuất xứ từ điển cố. Phổ biến hơn là cho chữ “Thu thanh” của Vũ Phạm Hàm, theo quan điểm chính thức của Viện Hán Nôm như sau:
- Nguyễn Khắc Bảo, trong Thông báo Hán Nôm năm 1998 cho rằng từ “Thu thanh” trong câu đối thì “Thu” là mùa thu, với nghĩa hàm xúc là để chỉ chiến tranh và đau thương tang tóc, như các vị Trần Thái Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du đã ghi trong thơ của mình. “Thu thanh” là tiếng mùa thu, trừu tượng, nếu đối với “Kiếm khí” (hơi kiếm) cũng là trừu tượng, là những dạng phi vật chất mà ta chỉ có thể cảm nhận được bằng linh cảm là rất hợp, rất chỉnh.

______________________________________

(Tham khảo: - sách Lịch sử Việt Nam của Huỳnh Công Bá, NXB Thuận Hóa -2004 và Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm, NXB Văn hóa Thông tin -2009)




© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 15.12.2012 theo nguyên bản của tác giả từ SaìGòn .
. Đăng tải lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com

No comments:

Post a Comment