Thân thế và sự nghiệp Cường Để
Kỳ Ngoại hầu Cường Để là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu năm đời của
Nguyễn Phúc Cảnh), và là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ông sinh ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (tức 28 tháng 2 năm 1882) tại
Huế, là con của Hàm Hóa Hương công Tăng Nhu. Ông là cháu đích tôn 6 đời
của vua Gia Long, là cháu trực hệ của Hoàng tử Cảnh. Do hoàng tử Cảnh
mất sớm, tổ phụ ông là Hoàng tôn Đán bấy giờ còn nhỏ tuổi, ngôi vua
truyền cho dòng thứ 2 là hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng.
Vì là dòng dõi chính thống trong hoàng tộc nên nhiều nhà ái quốc như
Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đã có kế hoạch liên lạc với gia đình ông
để lập lại ngôi vua, thay cho vua Khải Định vì vị vua này hợp tác với
thực dân Pháp. Tuy nhiên vì lý do tuổi già, cha ông từ chối, nhưng giới
thiệu ông thay mặt gia đình tham gia phong trào. Từ đó ông lấy biệt danh
Nguyễn Trung Hưng. Khi Phan Đình Phùng mất, khả năng đấu tranh bằng lực
lượng vũ trang cũng không còn, ông chuyển sang hoạt động chính trị.
Năm 1906, ông trốn sang Nhật và cùng với Phan Bội Châu cổ động
phong trào Đông Du. Là một hoàng thân nhà Nguyễn, ông có tư tưởng quân
chủ lập hiến và nhận làm người lãnh đạo Việt Nam Phục quốc Đồng minh
Hội. Địa bàn ảnh hưởng của ông mạnh nhất trong giới giáo dân Cao Đài
Năm 1910, người Nhật do muốn vay 300 triệu franc từ chính phủ
Pháp nên chấp thuận yêu sách của Pháp trục xuất ông và Phan Bội Châu,
cũng như các học viên thuộc phong trào Duy Tân tại Nhật. Ông phải rời bỏ
Nhật sang Trung Quốc và lưu lạc một thời gian ở Xiêm và sang cả Âu
Châu.
Năm 1915 ông trở về Nhật Bản, cư ngụ ở phường Ômori,
Tokyo, giao du với những chính khách Nhật như Inukai Tsuyoshi,
Kashiwabara Buntaro, và Matsui Iwane. Những nhân vật này cũng tham gia
hiệp hội Kissaragi-Kai với chủ trương ủng hộ tinh thần và tài chánh cho
Cường Để. Vì trông cậy vào người Nhật, ông ủng hộ quân đội Đế quốc Nhật
Bản xâm chiếm Việt Nam thời Đệ nhị Thế chiến vì nghĩ họ có thể giải
phóng đất nước khỏi tay thực dân Pháp.Tuy nhiên sau đó vì thấy họ không
thật tình muốn giúp người Việt mà chỉ muốn tranh giành ảnh hưởng với các
cường quốc Tây phương tại Á Đông, ông đã thất vọng.
Tại Việt Nam những người đấu tranh cho độc lập dân tộc đã hình thành nên phong trào Cường Để vào những năm 1940 chủ yếu hoạt động ở miền Trung gồm có cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ Lê Toàn, Vũ Đình Di, kỹ sư Vũ Văn An. Tuy nhiên năm 1945 sau khi đảo chính Pháp tại Đông Dương, người Nhật không đưa Cường Để lên nắm quyền nên phong trào Cường Để dần suy tàn.
Tài liệu tham khảo
Xin hãy
Đăng nhập
để có thể đóng góp / báo thiếu nội dung
No comments:
Post a Comment