Tô Thùy Yên-Thân phận lưu vong quay cuồng nhớ Việt Nam
Ý kiến nói thơ của Tô Thùy Yên "không dễ đọc" và ông là "nhà thơ phản kháng theo nghĩa đẹp nhất của trí thức, văn nghệ".
Tô Thùy Yên, một thi sĩ lớn của miền Nam Việt Nam vừa qua đời ngày 22/5.
Ông
vừa nằm xuống thì đã thấy ngay một số việc quan trọng: hầu hết các
thông tin về ông đều ở một phía người Sài gòn và hải ngoại. Các dòng chủ
lưu viết về ông trên Facebook, các trang mạng xã hội cũng đều là người
miền Nam và các bạn viết miền Nam là chính.
Điều đó cho thấy vết
hằn văn nghệ Nam - Bắc vẫn là hai cực trái dấu chưa bao giờ được xóa mờ
thậm chí ngày càng sâu trầm, dữ dội.
Cũng
có ý kiến nói rằng ông là nhà thơ lớn của Việt Nam chứ không của chỉ
miền Nam. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là ghi nhận rộng mở thiện chí qua mỗi
trái tim yêu thơ chứ chưa được nhìn nhận như thông tin khách quan trong
nước.
Riêng cái nhìn cá nhân của người viết thì, ông là biểu
tượng thơ độc đáo, đầy kiêu hãnh của Sài gòn cũ. Một nền cộng hòa nhân
bản đã sụp đổ. Là một chứng nhân thơ. Tên tuổi, cuộc đời đã trải qua
nhiều đế chế, chứng kiến sự thăng trầm nguyệt quế của vinh quang, cay
đắng, của tù tội, địa ngục… và qua những bài thơ còn lại khiến ông bất
tử trong tâm hồn những người yêu nghệ thuật và tự do.
Nói về văn hóa Sài Gòn và thơ miền Nam khó có thể quên
ông. Như vậy liệu còn cần nhân danh sớm để tung hô ông là nhà thơ lớn
Việt Nam không? Tôi nghĩ không cần thiết. Và thi sĩ cũng không cần điều
đó. Trước hết, việc bình đẳng trong văn học, văn hóa Việt Nam đến nay
vẫn chưa xảy ra. Các thi phẩm của ông và nhiều thi sĩ chưa được chính
thức in lại một cách công bằng. Nếu thi ca, âm nhạc không hằn gắn nỗi
những vết thương, nỗi đau thì hóa ra tâm thế người Việt hôm nay còn lâu
mới nói đến chuyện hòa giải hòa hợp được!
Thơ 'không dễ đọc'
Tuy vậy, đọc Tô Thùy Yên hoàn toàn không dễ. Ông là một con người mâu thuẫn.
Nói
như thi sĩ William Butler Yeats: "Tôi đang tìm bộ mặt tôi hằng có.
Trước khi thế gian được tạo ra (I'm looking for the face I had/Before
the world was made). Tô Thùy Yên có bốn gương mặt. Một thi sĩ phóng
đãng, một chiến binh thất bại, một tù nhân luyện ngục và một thiền sư
suy mặc. Là một trong những tác giả chủ trương nhóm Sáng Tạo cùng với
các thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Ngọc Dũng, từng có thơ in báo từ
năm 17 tuổi và sáng lập nhà xuất bản Kẻ Sĩ nhưng tuyệt đối ông lại chưa
bao giờ in cho mình một tập thơ.
Nếu nói ở Sài Gòn trước 1975
việc tự do viết, tự do xuất bản ồn ạt dễ dàng như vậy nhưng Tô Thùy Yên
lại không có tập thơ nào thì thật khó tin. Lý giải việc này trong lần
gặp nhau Đức, thi sĩ kể với tôi ông chưa khi nào thấy hài lòng về thơ
của mình. Mãi đến khi ở trong tù ra, đã qua đến Mỹ ông mới tự in một
"Thơ Tô Thùy Yên", mang danh nhà xuất bản An Tiêm. Sau đó là thi phẩm
"Thắp tạ' (2005) ông ký tặng tôi. Với thi ca ông luôn sống với những
hoài nghi.
Nhà thơ phản kháng
Tô
Thùy Yên là một nhà thơ phản kháng theo nghĩa đẹp nhất của trí thức,
văn nghệ. Phản kháng vì luôn đặt ra những câu hỏi, truy xét, vầu vò ngôn
ngữ. Ông luôn đặt mình ở tư thế phản diện để phản biện. Thành ra ông
cũng là người mâu thuẫn. Theo dõi hành trình thơ của ông đôi khi tôi
ngạc nhiên tự hỏi tại sao người ta nói nhiều về ông nhưng rất ít người
hiểu đúng ông. Là người khai phóng và khai sáng nhóm Sáng tạo nhưng thơ
ông về thể thức rất Tân cổ điển, hoàn toàn không chủ trương ý thức làm
mới hẳn như Thanh Tâm Tuyền. Vì vậy suốt một thời gian dài hình như nhóm
Sáng Tạo cũng dè dặt khi đặt ông vào. Mãi đến về sau này với độ lùi
khoảng 50 năm thì người ta lại thấy bóng ông vượt lên "Ta về một bóng
trên đường lớn" trong khi rõ ràng Thanh Tâm Tuyền mờ hẳn đi.
Điều
này cho thấy sự nghiệt ngã của thơ. Sau những trào lưu, đột phá vẫn
chính là lòng người yên nghĩ. Độc giả có thể quay cuồng với một câu thơ
bão bùng trong một giai đoạn, nhưng theo thời gian để lắng lại chỉ có
thể là những câu thơ dễ thuộc, vần vè, bình yên.
Thanh Tâm Tuyền
từng cổ súy rất văn hoa nói rằng Tô Thùy Yên là là thơ miền Nam nhưng
ngôn ngữ thơ của ông hoàn toàn miền Bắc chứ không phải miền Nam. Khen
như thế đồng nghĩa với việc đã ngầm nói ông đã phản bội lại tử ngữ của
mình. Với lại, nếu so sánh bằng cấp độ ngôn ngữ tôi đòi hỏi một mức độ
cao hơn nữa, ví như sao chưa thấy ai phê phán Phạm Công Thiện là Bắc kỳ
với những triết luận, đả phái của ông khi Thiện là dân Mỹ Tho Nam kỳ
rặt? Thành thử nhận định này thoạt đầu nghe có vẻ êm ái nhưng sau đó rất
khó chịu. Đó là sự miễn cưỡng khi nói về cái mới ấu trĩ!
Nhân văn
Giá trị của thơ Tô Thuỳ Yên nằm ở chất nhân văn, cái nhìn xoáy vào thân phận con người. Điều mà hình như ông đã thấu tình đạt lý khi ở trong tù cộng sản ra. Không rõ hành trình đạt tới cảnh giới ý niệm này có được trên tiến trình làm thơ của ông hay khi sự bắt bớ giam cầm quá lâu - 13 năm tổng cộng cả của hai lần của thi sĩ đã khiến ông mệt mỏi? Có thể đây là chung cục của sự suy tư rốt ráo hoặc tư thế buộc phải chọn lựa chứ không còn cách nào khác! Để tồn tại hoặc chết? Nhưng rõ ràng tuy không nói ra thuyết trung dung này đã thuyết phục được tâm lý khác nhiều người. "Ta về cúi mái đầu sương điểm / Nghe nặng từ tâm lượng đất trời / Cám ơn hoa đã vì ta nở / Thế giới vui từ mỗi lẻ loi".Những suy tư đầy yếm thế của "chiến binh thua trận" kiểu này tội thấy khá ít ỏi, hay gần như chưa thấy rõ dung mạo trong tác phẩm của các nhà văn, thi sĩ miền Nam ở Sài gòn cũ hiện vẫn còn sống ở Hải ngoại. Vì hơn ai hết, ngoài phẩm chất một thi sĩ, Tô Thùy Yên là một tướng quân đội. Ông là thiếu tá Tâm lý chiến của quân đội miền Nam Cộng hòa. Ông phải giải mã, trả lời câu hỏi hậu thế đó cho lịch sử. Đành rằng "chính trị là một con điếm" và tư thế của một nhà thơ và một sĩ quan cấp tá vẫn khó liên quan, rằng buộc với nhau.
Khắc kỷ nghệ thuật
Một lý giải khác khá quan trọng với thơ Tô Thùy Yên đó là thi sĩ theo trường phái khắc kỷ nghệ thuật. Hay lý giải theo quan điểm Albert Camus "Sáng tạo là cho số phận ta một hình thù". Như như thế cũng đồng nghĩa từ trong nguyên ủy, ông phản lại, chống lại thơ tự do.Một lần nói chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ bà cho biết ông làm thơ như cực hình không có gì là sung sướng cả! Ông nghiêng hẳn về tứ và ngôn ngữ! Đè nén cảm xúc trong các hình tượng mẫu tự nghiêm nhặt. Vì thế ông chọn thể thức thơ cổ phong, tứ tuyệt hoặc 5 chữ, 7 chữ. Ông đọc và tìm hiểu điển tích rất nhiều.
Bà Thụy Vũ cho biết ông thường "vắt nát óc" cùng kiệt cho một bài thơ. Ông chép đi chép lại một bài thơ và thường vò xé bản thảo viết lại từ đầu nếu thấy câu chữ dó chưa thật đắt, chưa thật ưng ý. "Vì thế mỗi đêm ông làm thơ thì sáng dậy tôi thường phai đem một sọt rác đi đổ vì trong đó đầy ngập những trang viết chưa ưng ý của ông".
Về hình thức ông theo quan điểm của Adgar Allan Poe cho rằng độ dài của bài thơ không nên quá ngắn vì "một bài thơ cực ngắn có thể lúc này hay lúc khác sẽ gây được tiếng vang nhưng sẽ không bao giờ tạo ra được ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài" (Nguyên lý thơ ca - The Poetic Pr - NHHM dịch).
Vì thế những bài thơ nổi tiếng của ông như "Trường Sa hành", "Ta về", "Chiều trên phá Tam giang"… đều có một độ dài cần thiết về hình thức đáng nể. Gây được ấn tượng cho người đọc. Tuy vậy, dưới mắt những người làm thơ đôi khi vẫn thấy ông cũng khá tham lam bày tỏ "thi bất tận ngôn" dẫn đến thừa thãi và quên "ý tại ngôn ngoại". Ngay cả ông trong bài thơ "Ta về" khá dài ông vẫn còn tiếc rẻ "Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/Đành không trải hết được lòng ta".
Chưa được dịch giả quan tâm
Một điều rất đáng tiếc, một giọng thơ ngoại hạng như Tô Thùy Yên vẫn chưa được các dịch giả quan tâm đúng mức dịch để chuyển ngữ, dịch giới thiệu ra với thế giới. Từ trường phạm vi phổ biến thơ ông cũng chỉ ở trong nước, đặc biệt là người Sài Gòn.Năm 2005, lần đầu tiên trung tâm LiteraturWERKstatt và Viện Goethe có tổ chức một chuyên đề thơ "105 kinh độ đông" ở Đức đã mời nhà thơ Tô Thùy Yên (từ Hoa Kỳ) và tôi (Việt Nam). Phần thơ của ông và tôi được các nhà nghiên cứu Sollozz, tiến sĩ Thái Kim Lan và dịch giả Hồ Phạm Huy Đôn chuyển ngữ.
Dịp này ông và tôi có hai buổi giao lưu với khán giả yêu thơ ở Berlin và Munich. Bài thơ "Cánh đồng con ngựa, chuyến tàu" của Tô Thùy Yên được xem như bài thơ tiều biểu của ông giai đoạn khởi đầu cùng nhóm Sáng tạo. Bài này có được ông chọn lại trong dịp một số thi phẩm của ông được chuyển ngữ.
Chuyến đi khá ấn tượng vì chúng tôi có dịp được gần nhau. Tôi lại phát hiện thêm một mâu thuẫn kỳ lạ trọng tâm hồn thi sĩ Tô Thùy Yên. Ông nói bằng tiếng Anh và phản đối đến cùng chế độ toàn trị độc tài Cộng sản khi giao lưu với khán giả. Một chế độ cầm tù và làm nhục văn nghệ sĩ. Hoàn toàn khác với những bài thơ ngỡ đã đạt đến cảnh giới giác ngộ của ông, "Ta về khai giải bùa thiêng yểm/Thức dậy đi nào gỗ đá ơi/Hãy kể lại mười năm mộng dữ/Một lần kể lại để rồi thôi…".
Ông nói với tôi "Thi sĩ, không ai có thể làm nhục được hắn ngoài chính nó". Và đọc cho tôi câu thơ của W.Emest Henley: "I am the master of my fate, I am the captain of my soul".
Vâng, ông đã đúng. Cái chết của ông cũng là một cột mốc gần như cuối cùng bị phá đổ bởi thủy triều thời gian nghiệt ngã dành cho một nền Dân chủ Cộng hòa sớm tàn lụi. Như ngọn lửa danh dự mà ông đã giữ được đến phút cuối cùng. Ông làm chủ số phận mình, chữ nghĩa... Ông đã là và sẽ mãi là thuyền trưởng của hồn thơ, một con tàu thơ!
Nhớ đến Tô Thùy Yên, phút chốc mắt tôi nhòa lệ khi nhớ lại những ngày hai anh em lang thang giữa biên giới Đức và Pháp. Anh nói thân phận lưu vong làm anh luôn quay cuồng nhớ Việt Nam. Và nhớ đứa con tật nguyển còn mắc lại ở rửng núi Lộc Ninh không rõ sống chết thế nào? Tại sân bay Munich, không kiềm nổi lòng mình, anh ngửa mặt lên trời khóc lớn. Rồi buồn thảm kéo vali đi giữa tuyết trắng Berlin.
Rồi sẽ còn những câu thơ anh Tô Thùy Yên ạ! Như anh đã đọc câu thơ của Saint - Pol Roux mà em thấy hay quá nhờ anh chép lại vào sổ tay, anh nhớ không? "Cây thơ ca cắm rễ của nó vào tương lai!".
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà thơ hiện đang sống tại Sài Gòn.
Tin liên quan
- Về nữ văn sỹ của miền Nam Nguyễn Thị Thụy Vũ
- Tập thơ nạm vàng vẫn say đắm người thời nay
No comments:
Post a Comment