Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 30 May 2019

Vì sao tiếng Việt được cho phát triển mạnh ở Đài Loan?

  • 12 tháng 4 2019
  • Bản quyền hình ảnh Pham Cao Phong
    Image caption Sinh viên học tiếng Việt ở ITI - Trung tâm đào tạo nhân tài, Bộ Kinh tế
    Tôi đến Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm. Sự kiện 152 người Việt trốn ở lại vẫn chưa lùi xa và Tết đang đứng trước thềm.
    Ngoài những chủ đề khác, tôi mong muốn hiểu, Việt Nam ra sao trong ánh mắt bạn bè.
    Câu chuyện bắt đầu từ việc chữ nghĩa Việt đang hoành hành tại Đài Loan.
    Chị Liên Hương, giảng viên Đại học Quốc gia Đài Loan, trường Đại học hàng đầu đất nước, nơi các đời Tổng thống ở Đài Loan tốt nghiệp, kể cho tôi:
    "Khi bước vào nghề dạy học ở đây, tiếng Việt không có được vị trí như các ngoại ngữ khác.
    Mình nhớ mãi cảm giác tủi thân khi bước vào trong lớp chỉ có sáu bạn thôi, trong khi đó bên lớp tiếng Hàn và tiếng Nhật sinh viên xếp hàng từ tầng 1 lên tầng 4 để bốc thăm."

    Hiện trạng đã đổi khác

    "So với cách đây 10 năm, bây giờ đã có thời điểm có em phải ngồi dưới đất và đứng ngoài cửa để xin học tiếng Việt thì xúc động không thể nói được. Những năm gần đây số sinh viên đăng kí học tiếng Việt tăng vọt lên 40-50 người/một lớp dẫn đến tình trạngnhững ngày đầu của mỗi học kì bao giờ cũng bị quá tải.
    Các em đứng tràn cả ra hành lang, chỉ để đợi đến hết giờ để lấy lá phiếu bắt thăm có được học tiếp không? Vì mình quy định mỗi lớp tiếng Việt chỉ từ 20-25 sinh viên. Nhìn những gương mặt thất vọng tràn trề của các em khi biết không thể tiếp tục học làm mình cũng rất áy náy.
    Mình vẫn nhớ một kỉ niệm về một em sinh viên khoa Luật đã rất thất vọng vì sau hai vòng bắt thăm vẫn không được vào học, em đợi cả lớp về hết rồi đứng lại nói: cô có nhìn thấy trên mặt em có hai chữ gì không ạ: đó là hai chữ "thành ý", em thực sự rất muốn học tiếng Việt và mong cô cho em một cơ hội... rất cảm động, sau cùng mình đã đồng ý nhận em vào lớp."
    Chắc khó nơi nào thấy hình ảnh một em ngồi dưới đất nghe giảng đến sáu tiếng và thiết tha với việc học một ngôn ngữ mới đến như thế.
    Asuka Lee, một phóng viên người Đài Bắc chia sẻ:
    "Có một người cảnh sát Đài Loan trước đây đã tham gia lớp học tiếng Việt của cô Liên Hương. Trong một lần xử lý một vụ bạo hành của một gia đình có hôn nhân xuyên quốc gia (ngụ ý một gia đình Việt - Đài), người cảnh sát này đã phát hiện ra đứa bé không nói được tiếng Trung và cứ khóc suốt, người cảnh sát đã dỗ dành bằng cách hát lại mấy bài hát tiếng Việt trước đây được học trong lớp, và em bé đã ngủ thiếp đi ngon lành trong đồn cảnh sát. "
    Thái độ văn hóa phản ánh một trình độ trí thức. Những câu chuyện nhỏ nhỏ, đôi khi làm thay đổi về cách nhìn một xã hội.
    Hình ảnh một đất nước Đài Loan nghị lực, mềm mại, mến người, thay dần cách nghĩ đã hằn nếp quen ở Việt Nam về những người thi hành công vụ.
    Tại sân bay quốc tế Đào Viên có những viên chức hải quan ân cần hỏi bằng tiếng Việt những du khách Việt "ghét ngoại ngữ".
    Bản quyền hình ảnh Pham Cao Phong
    Image caption Học sinh Đài Loan
    Tôi đến trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát. Nhân viên Hải quan phi trường đứng kiểm tra xem du khách có mang theo đồ ăn hay không, phát tờ rơi in bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Hoa.
    Ra đón tôi khi đến thăm một lớp học tiếng Việt tại ITI - Trung tâm đào tạo nhân tài - Hiệp hội ngoại thương Đài Loan - Bộ Kinh tế, là mấy sinh viên trong trang phục áo dài và áo tứ thân rất Việt.
    Các em đều dành cho tôinhững lời thăm hỏi bằng tiếng Việt lưu loát, ấm áp, ngọt ngào. Dù mới học bảy tháng, các em đã làm chủ những âm sắc thuần Việt.
    Cần ghi nhận, người gốc Trung Hoa, dù có thể ở Việt Nam lâu năm, vẫn thường bộc lộ những lỗi chết người khi phải sử dụng ngôn ngữ Việt.
    Tôi hỏi, điều gì đã thúc đẩy các em ở một đất nước phát triển trong top 20 của thế giới lại quan tâm đến ngôn ngữ của chú Rồng đang ngủ.
    Bản quyền hình ảnh Pham Cao Phong
    Image caption Các em học tiếng Việt trong một lớp học tại Đài Bắc
    Kim Nhân Hạo nói với tôi:
    "Em đã từng đến Việt Nam, rất thích ẩm thực và văn hóa nơi đây. Món ăn Việt Nam rất ngon như bánh mỳ, phở bò, phở gà. Em thấy người Việt Nam dễ gần, thân thiện. Trong tương lai, em muốn đến làm việc ở Việt Nam lâu dài."
    Hạo đồng thời là một nhà báo, và đã bỏ bốn tháng để viết một phóng sự điều tra về nạn nghiện rượu dẫn đến những tai nạn giao thông thương tâm đăng trên chuyên mục của Apple Daily. Trong cơ thể gầy gò và ánh mắt chăm chú của em, tôi thấy một nghị lực lớn.

    Các bạn khác cũng chia sẻ ý kiến vì sao họ học tiếng Việt.

    Tạ Cát Lâm: "Sau khi nghiên cứu, em thấy Việt Nam thích hợp với em. Thu nhập ở nước ngoài cao hơn thu nhập ở Đài Loan, nên em nghĩ đó là cơ hội cho em. "
    Lý Hiểu Kỳ: "Em học tiếng Việt và thấy tiếng Việt rất thú vị và càng học càng yêu. Bên cạnh đó kinh tế Đông Nam Á phát triển ngày càng tốt và Việt nam đã theo kịp các nước. Nếu có cơ hội em muốn đi Việt Nam làm việc."
    Liễu Tân Du: "Em thấy văn hóa Việt Nam gần gũi văn hóa Đài Loan. Người ViệtNam nồng ấm và làm việc rất chăm chỉ. Em muốn kinh tế Việt Nam phát triển như Đài Loan và muốn làm việc gì đó giúp đỡ Việt Nam."
    Lý Hân Dung: "Một năm trước em đã đến thăm Hà Nội và Vịnh Hạ Long. Lúc đó em chưa biết tiếng Việt nhưng đã cảm nhận được tình cảm nồng ấm của người Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên của Việt Nam rất đẹp. Em hy vọng học tốt tiếng Việt để giao lưu với các bạn Việt Nam."
    Lý Quốc Thừa :"Em chọn môn tiếng Việt vì trước đây em có đi Trung Quốc làm việc, khi đó sếp của em nói kinh tế các nước Đông nam Á đang khởi sắc trong đó Việt Nam là một quốc gia có kinh tế phát triển rất tốt, vì vậy em mong có cơ hội đến đó làm việc."
    Quách Vân Hiên: "Trước khi vào đây học em không bao giờ nghĩ là em học tiếng Việt. Nhưng giờ thì em càng ngày càng thích rồi. Em đã tới thăm quan các công ty đầu tư của Đài Loan ở Việt Nam tại Sài Gòn cùng các bạn. Em thấy Sài Gòn rất giống Đài Bắc."

    Điều gì làm tiếng Việt được quan tâm như vậy?

    Ở Hội An, một người bạn cho tôi biết, để kiếm một nhân viên lễ tân khách sạn biết nói tiếng Anh, lương tháng thông thường 9, 10 triệu đồng Việt Nam.
    Nhân công phổ thông không biết ngoại ngữ chỉ nhận được một nửa lương như vậy.
    Tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại các sinh viên Đài Loan trong lớp học này tại Việt Nam. Các em là nhóm những "nhân tài" được ITI đầu tư, giúp cho sự phát triển giao lưu với Việt Nam.
    Bản quyền hình ảnh Pham Cao Phong
    Image caption Giới thiệu sách của cô giáo Liên Hương
    Sau ba năm thử nghiệm, tiếng Việt cũng như ngôn ngữ các nước Đông Nam Á khác đã được công nhận như ngoại ngữ chính thức được dạy trong tất cả các cấp cơ sở và trung học của Đài Loan.
    Để so sánh, xin nhắc rằng tại nơi tôi sống là Pháp, tiếng Việt đã biến khỏi danh sách được coi là ngoại ngữ hai trong nhà trường kể từ những năm thập niên 80, dù Pháp có lịch sử gắn bó với Việt Nam hơn một thế kỷ và được coi là đối tác quan trọng.
    Tránh mặc cảm cho việc hội nhập, ở Đài Loan, cụm từ "cư dân mới" được dùng thay cho cụm từ ‚"người di dân" hay ‚"cô dâu ngoại quốc".
    Đài Loan áp dụng Luật Chế định để người dân được hưởng giáo dục nghĩa vụ 9 năm. Có đến 99,12 % (con số 2012) học sinh tiếp tục học tại các trường trung học cao cấp hay trung học kỹ thuật cao cấp.
    Đường lối này nằm trong chính sách Tân hướng Nam của chính phủ Đảng Dân Tiến do Tổng thống Thái Anh Văn đưa ra - nhằm thoát Trung.
    Trước đây, vào những năm 1990, Tổng thống Lý Đăng Huy cũng đã từng đưa ra chính sách Hướng Nam lần đầu.
    Chính phủ đã đón trước việc tăng dân số với yếu tố các em bé thế hệ thứ hai có cha hoặc mẹ là người gốc Việt sẽ chiếm tỷ lệ quan trọng trong những thập niên tới, trong khi người gốc Đài Loan có xu hướng hạn chế sinh đẻ, sụt giảm nhân công lao động.
    Đài Loan có GDP năm 2017 là 1.177,05 tỷ USD, xếp hạng 22 thế giới, cao hơn nhiều so với Việt Nam.
    Nhưng vì có sinh suất thấp vào loại nhất thế giới, đến 2030, Đài Loan sẽ thiếu nhân công.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Quốc kỳ Đài Loan - màu xanh sao trắng, còn gọi là Thanh thiên Bạch nhật
    Quốc kỳ Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi nhà nước Đài Loan) như ẩn chứa định mệnh chính thể cộng hòa lâu đời nhất châu Á này gánh chịu.
    Chỉ còn một màu xanh dương bị mầu đỏ dồn nén vào một góc, một chút thoi thóp dưới ánh mặt trời trắng.
    Từ vị trí thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc, hiện tại Đài Loan chỉ được 16 quốc gia thành viên LHQ và Vatican có duy trì quan hệ ngoại giao chính thức.
    Liệt kê thấy đau lòng, vì chắc gì người Việt Nam nào chỉ đúng được trên bản đồ các nước: Kiribati, Nauru, Palau, quần đảo Marshall, Salomon, Tuvalu, Belize, hay Swaziland, St.Kitts-Nevis, St.Lucia-St.Vincent…vẫn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao.
    Nước Trung Hoa Đỏ của Tập Cận Bình và đường lối ngoại giao con buôn của Hoa Kỳ làm các nhà ngoại giao Đài Loan chẳng xoay xở nổi.
    Vậy sao đất nước bị đe dọa hàng ngày vẫn phát triển? Trên bình diện quốc tế khốn khổ và nhạt nhẽo, họ vẫn vươn lên, bất chấp?
    Đài Loan chỉ có 23,5 triệu dân, Việt Nam dân đông gấp bốn lần, và cứ mải khen nhau có giai đoạn vàng về tuổi lao động, đầy tham vọng về cải cách giáo dục, mà một con đường 12 km Hà Nội -Hà Đông phập phù như ma.
    Bao giờ tôi sẽ được bước vào một lớp học ở Việt Nam như ở đây, như tại Trung tâm đào tạo nhân tài này, mà lại để đào tạo những người ra nước ngoài kiếm tiền cho đất nước?
    Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong ở Paris. Ông vừa có chuyến đi vùng Đông Nam Á.
    Bản quyền hình ảnh Pham Cao Phong
    Image caption Cảnh Đài Loan
    Xem thêm:


    No comments:

    Post a Comment