Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 30 May 2019

Tự truyện Ái Vân: Tuổi dậy thì mơ về 'cánh buồm đỏ thắm'

Con nít thế đấy. Cuối cùng chàng cũng hôn. Đang đi bất ngờ chàng ôm ghì hôn lấy hôn để, cứ đè mặt mà hôn. Thế là thích lắm rồi, có biết hôn môi là thế nào đâu.


Tự truyện Để gió cuốn đi của danh ca Ái Vân vừa ra mắt bạn đọc. Sách dày hơn 300 trang có 17 chương được đặt tên: Cuối thời vang bóng, Đại gia đình, Theo nghiệp má, Gánh hát tuổi thơ, Khu nhà 36-38 phố Huế, Ca hát thời bao cấp, Tình duyên, Quê người..
.
Nhân dịp này, đơn vị thực hiện cuốn sách chia sẻ một phần bản thảo trích đăng trên VnExpress. Tên các phần trích đăng do tòa soạn đặt.

Inline image
Phần 1
Vào tuổi dậy thì, năm 1967, tôi được xem bộ phim Cánh buồm đỏ thắm của hãng Mosfilm (Nga), hình như chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Alexandre Grimm. Chuyện phim và phim đẹp như cổ tích. Không còn nhớ hết chuyện phim nữa, chỉ nhớ chàng thủy thủ Gray đẹp trai tuyệt vời thấy cô bé Axôn xinh đẹp ngủ trong rừng, chàng Gray đem lòng yêu say đắm đã đeo chiếc nhẫn vào tay cô bé Axôn. Chỉ vậy thôi nhưng cô bé Axôn tin rằng người đeo nhẫn cho mình sẽ quay trở lại với cánh buồm đỏ thắm trong khi cả làng chê trách Axôn là hoang đường. Thế rồi một buổi sáng đẹp trời chàng đẹp trai Gray xuất hiện cùng con tàu lớn với tầng tầng cánh buồm đỏ thắm. Hạnh phúc đã đến với cô bé Axôn nghèo khổ, còn hơn một giấc mơ đẹp.
Mười ba tuổi ấn tượng mãi cánh buồm đỏ thắm rực rỡ trên bờ biển và chàng trai Gray đẹp trai khiến ngây ngất các cô gái mới lớn như tôi. Nhớ mãi câu nói của Gray: “Nếu trái tim ai đó mong muốn một điều kỳ diệu, thì hãy giúp người đó tìm được nó". Từ mười ba tuổi tới mười tám tuổi đêm nào tôi cũng mơ "điều kì diệu" này: Một chàng nào đó đẹp trai như Gray đến bên giấc ngủ của tôi, đeo chiếc nhẫn cầu hôn và nói: "Ái Vân, anh yêu em". Tuyệt không có ai, chẳng có ai giúp tôi tìm được "điều kỳ diệu". Tuy vậy tôi vẫn không chịu xuống mặt đất, tôi vẫn mơ. Cánh buồm đỏ thắm ám ảnh cả tuổi yêu của tôi.

Danh ca Ái Vân thời trẻ.
Danh ca Ái Vân thời trẻ.
Mối tình đầu đến với tôi quá đỗi bình thường. Sinh nhật năm 1972 tôi mười tám tuổi. Tiệc sinh nhật nho nhỏ, bó hoa đĩa kẹo nước chanh đường, có vậy thôi. Chỉ có mấy anh chị em trong nhà, anh Hoàng Phúc Dzĩ bạn anh Sơn và chàng. Nhà chàng ở phố Nguyễn Du, con một ông lớn. Hồi bé tôi theo ba Bảo Định Giang hay đi hát vào nhà các sếp, có vào nhà chàng hát mấy lần nên quen biết nhau. Chàng đẹp trai hao hao Gray, không thể bì với Gray nhưng dễ thương hơn. Thỉnh thoảng chàng qua nhà tôi chơi với anh Thành anh Sơn, có đầu mày cuối mắt với tôi, chỉ thinh thích vậy thôi chứ không dám nói gì. Bữa sinh nhật đó tôi cũng chỉ tổ chức trong nhà, không mời ai cả, chàng vẫn tới rất đúng giờ, có lẽ do anh Thành mật báo.
Sinh nhật đơn giản mà vui. Anh Hoàng Phúc Dzĩ mở đầu bằng bài hát “Hát mừng Tachiana”. Mừng ngày sinh của nàng Tachiana/ Như hoa hồng, như hoa hồng/ Đẹp xinh mãi mãi Tachiana. Chàng kết thúc bằng nụ hôn trên tóc và nói: “Anh yêu em” đúng như Gray nói với Axôn. Tôi đỏ mặt lí nhí bảo “Vâng”. Ngố thế đấy.
Thế là yêu. Chàng học trường Quân sự ở Vĩnh Phúc, ông già chàng bảo một tháng mới được về một lần nhưng tuần nào chàng cũng về. Sợ ông già, chàng cứ ở bên nhà tôi. Chàng người miền Nam, ba má tôi cứ nghe giọng Nam là mềm nhũn ra rồi, cứ giữ chàng ăn ngủ tại nhà. Chàng chỉ chơi với mấy ông anh bà chị là chính, hát hò ăn uống vui vẻ, thỉnh thoảng cười hì hì rất dễ thương. Chả có lúc nào chúng tôi đi chơi riêng. Thỉnh thoảng vui vui đạp xe một vòng quanh bờ hồ, xong lại giải tán ai ở đâu thì về đấy.
Có lần chàng nói: “Tuần tới chỗ bọn anh rất là vui, em có sang chơi được không?” Tôi “vâng” và rủ cô bạn thân Lã Hương học piano: “Tao đang yêu chàng, chàng bảo tao sang trường chàng chơi. Tới chỗ lạ tao sợ quá, mày có đi chơi với tao không?” Lã Hương vì tò mò ok luôn: “ừ, tao đi với mày.” Từ Hà Bắc, nơi trường nhạc sơ tán, lên Vĩnh Phú khoảng 5 chục cây. Hai đứa đạp xe đi rất là hăm hở. Chàng bắt gà làm cơm chiêu đãi. Chàng có một người bạn thân. Bữa cơm chưa xong tôi phát hiện Lã Hương thích anh chàng này. Hương xinh, mắt xếch, người thon nhỏ. Tôi bắt nọn Lã Hương, nó chối đây đẩy rồi thừa nhận: “Tao yêu chàng đó đấy”. Tôi hỏi: “Nhưng liệu anh ta yêu mày không?” Lã Hương cười hi hi, nói: “Kệ, tao thấy hắn nhìn tao nhiều lắm, toàn gắp cho tao.” Buổi tối ra đường làng chơi, tôi một đường Lã Hương một nẻo. Chàng cứ nắm tay đi mãi chẳng thấy làm gì, cảm thấy hơi phật lòng, tưởng tượng Lã Hương chắc được hôn nhiều lắm, càng tức. Con nít thế đấy. Cuối cùng chàng cũng hôn. Đang đi bất ngờ chàng ôm ghì hôn lấy hôn để, cứ đè mặt mà hôn. Thế là thích lắm rồi, có biết hôn môi là thế nào đâu.
Tôi và Lã Hương được chàng xin cho ngủ nhờ ở nhà dân. Mai chia tay, buồn quá. Hai đứa nằm chổng mông viết nhật kí, làm cả thơ: “Ngày mai em ra về, một mình em lủi thủi”. Hai đứa nhìn nhau xem nghĩ thêm được câu nào hay. Nghĩ mãi không ra Hương kêu: “Mày làm cái vần ủi, khó bỏ mẹ. Chẳng lẽ tao lại bảo: “Hình như em bị hủi….” Ôm nhau cười rũ. Lại hỏi Hương: “Mày có hôn không?”- “Sao lại không, ơ cái con này!”- “Hôn thế nào?” Lã Hương phát mông, đạp tôi ra xa: “Đừng có mà cưa sừng làm nghé nữa nàng ơi!”. Lã Hương cứ tưởng tôi yêu từ thuở mười ba, “lạ gì nữa mà còn giả vờ”. Sau này tôi mới biết quá nhiều người “tưởng” như Hương.
Xong mối tình đầu sang mối tình thứ hai. Mối tình này thì đến cái hôn còn chẳng có. Chàng người Việt gốc Hoa, học thanh nhạc trên tôi 2 năm. Đẹp trai thì hẳn rồi, phục nhất là chép nhạc cực đẹp, nhìn vở chép nhạc cứ mê đi. Chàng chép cho tôi một cuốn sách nhạc toàn là những bài hát Nga. Phải yêu lắm chàng mới bỏ công lớn đến vậy nhưng tôi không hề biết là chàng thích mình. Lại ngố. Năm học xong, ra trường chàng được phân công dạy nhạc ở Trường sư phạm Việt Bắc, chàng tìm tôi để từ biệt.
Lần đó tôi được theo Trường nhạc đi tuyển sinh ở Bãi Cháy (Quảng Ninh).  Một ngày mưa gió chúng tôi tình cờ gặp nhau, không hề biết chàng về cốt để tìm tôi. Chàng nói chàng muốn đến chào tôi. Tôi ngớ ngẩn “Vâng”... “Ô thế à”... “Chúc mừng!” Rồi kéo chàng đi ăn cơm. Ăn xong chàng rủ ra biển, hôm ấy trời sắp bão, đang mưa gió ầm ầm mà vẫn cứ đi. Ngồi trên bờ biển, mặt chàng ngẩn tò te, tần ngần định nói cái gì lại thôi. Tôi buồn cười quá, nói: “Ơ, anh làm sao thế?”- “Không”- “Bị đau bụng à?”- “Không”- “Cảm gió à?”- “Không.” Bất ngờ chàng đứng bật dậy, trút áo quần nhẩy xuống biển. Sóng biển to, tôi không hiểu sao chàng lại muốn bơi. Nghĩ bụng chắc con giai thích làm chuyện ngược đời. Chàng bơi, bơi rất lâu và ra xa, rất xa. Thấy lo lo, tôi tính gọi người cấp cứu thì chàng bơi vào. Chàng nhảy lên bờ, tôi hối chàng mặc quần áo: “Mau lên không cảm chết!” Chàng thay áo quần xong bắt tay tôi, nói: “Thôi, tạm biệt em nhé, anh đi đây”- “Ừ thế anh đi nhá, coi chừng cảm lạnh đấy.” Chàng ôm sầu lê bước, tôi bần thần nhìn theo cứ băn khoăn không hiểu sao chiều nay chàng khùng đến vậy. Mãi sau này sang Đức gặp chàng, chàng nói: “Có biết hôm ấy vì sao anh  nhảy xuống biển không?”- “Không”- “Vì muốn ngỏ lời mà không thể nói lên được. Thấy em quá trẻ con.” Hi hi...
Còn tiếp...
>> Xem thêm:

Tự truyện Ái Vân (phần 2): Tiếng sét ái tình ở tuổi 22

Gặp chàng nói chuyện, chàng có giọng rất ấm, cặp mắt sáng, cặp mắt dường như biết nói. Lần đầu tiên trong đời tôi đã bị tiếng sét ái tình như thế.

Cánh buồm đỏ thắm chưa về, chàng đẹp trai Gray vẫn chưa tới, lần lượt đi qua những mối tình tình hờ, tình câm, tình con nít kết cục chỉ để lại tiếng “linh tinh” chứ chẳng được gì.
Năm 75, anh Quang Thọ và tôi có tiêu chuẩn đi học Liên Xô nhưng trước tiên phải thi đỗ văn hóa. Hai anh em nhờ một người dạy kèm. Khi thi cả hai anh em đều trượt, riêng tôi thì đỗ chút tình với thầy dạy kèm, có tí tình vắt vai. Được nắm tay, được vuốt tóc, được hôn. Rồi biết không đi tới đâu. Tôi dốt về kiến trúc, chàng thì không thiết gì thanh nhạc, ngồi với nhau ông nói gà bà nói vịt, rồi cũng thôi.
Trường nhạc năm 1976 khi không còn chiến tranh nữa ai nấy đều tươi tắn hẳn lên, không gian như bừng sáng hơn, sân trường cũng sạch sẽ hơn. Áo quần của học sinh sinh viên thời trang hơn, rực rỡ hơn. Người thì có người nhà gửi từ miền Nam ra, người thì  gửi tiền cho người đi Sài Gòn mua mang ra. Lúc này tôi đã lên đại học, không còn bỡ ngỡ nữa mà đã tự tin hơn. Mọi người bắt đầu nghĩ đến mode, ăn mặc sành điệu hơn. Tôi vẫn diện bộ hai bộ áo quần chị Chi may cho rất đẹp và rất mode, "sáng cả sân trường" như thơ một chàng viết tặng (nhưng sợ chết giấu tên)
Cũng năm đó suýt nữa cắn câu một chàng (hay chàng cắn câu tôi cũng chẳng biết nữa). Chàng ở Đức về, chàng công tác bên Viện khoa học. Chàng yêu văn nghệ, đàn guitar khá hay. Chàng đến chơi nhà mấy buổi, thấy thinh thích, cùng nhau đạp xe quanh Bờ Hồ mấy vòng. Hôm đầu chàng cầm tay nói lời yêu. Hôm sau hy vọng được chàng hôn nhưng chàng đã bỏ qua giai đoạn rưng rưng, lâng lâng đưa tôi đến thẳng nhà chàng và gặp ngay gương mặt băng giá của mẹ chàng. Về sau mới biết mẹ chàng không chấp nhận cái nghề xướng ca vô loài mà tôi đang đeo đuổi. Thế là  tự ái, thế là tan.
Ca sĩ Ái Vân thời trẻ.
Ca sĩ Ái Vân thời trẻ.

Một chàng nhạc trưởng tốt nghiệp ở Triều Tiên về, sau này là nhạc sĩ rất nổi tiếng. Chàng cao ráo trắng trẻo đẹp trai. Hồi đó cứ ai đi nước ngoài đều oách cả. Đi Triều Tiên, Cuba càng oách. Chàng mới về nước, xem tôi hát một lần đến nhà chơi tôi ba lần, lần nào cũng khen tôi có “khả năng”, có “triển vọng”, chẳng thấy khả năng, triển vọng gì trong cuộc tình cả. Chị Ái Mai mách: "Tay này lúc đứng một mình rất hay soi gương và tập vung tay chỉ huy say sưa lắm". Nghe thế thì sợ, âm thầm bye bye chàng. Chàng cũng không tỏ chút gì là luyến tiếc, chắc là chàng đã âm thầm bye bye tôi từ trước.
Đã đến lúc không còn tưởng bở mơ mộng Cánh buồm đỏ thắm nữa. Hai mốt tuổi rồi vẫn chưa thực sự có một mối tình, thấy lo lo khéo không ế mất. Thấy anh Hồng Phi hẹn ra quán ở Hai Bà Trưng, dắt thêm một người nhỏ nhắn, mắt to, hầm hố, là nhà văn Chu Lai, hồi này mới chiến trường ra. Chắc anh Hồng Phi làm mối ông em đây, khấp khởi mừng thầm. Nhưng mừng hụt, hóa ra không vừa mắt Chu Lai, gặp được mỗi hôm đó rồi nhà văn lặn một hơi không sủi tăm cho đến năm 2010 mới gặp lại.
Một chàng tiền đạo số một Đội Thể Công, khét tiếng cả nước. Mỗi tuần chàng đến chơi nhà hai lần, mỗi lần ngồi hai tiếng không có tôi, uống hai cốc nước, nói chuyện với hai ông anh, đá cộc cộc vào tường hai cái như ra hiệu với tôi: “Anh đến thăm em rồi nhé!” rồi ra về. Chừng hai tháng thì chàng bỏ cuộc. Bù lại nhà tôi có chỗ xin vé xem bóng đá. Tôi nhớ cuối năm 1978 cả nhà được vé đi xem trận Thể Công- Thiên Tân (Trung Quốc), trận đó cầu thủ đánh nhau, khán giả cũng đánh nhau. Như có điềm báo, năm sau chiến tranh biên giới bùng nổ.
Một chàng nữa học kỹ sư bên Nga về, gia đình định giới thiệu cho chị Ái Mai, chẳng ngờ chàng lại để ý tôi. Chàng thích đi săn bắn, vào dịp cuối thu nhà tôi hay được chàng biếu mấy con chim sâm cầm nếm thử. Đã cũng đi chơi vài lần, cũng ngồi bờ hồ Halle tâm sự bị muỗi đốt sưng chân. Nhưng rồi cũng không đi đến đâu vì chẳng biết nói chuyện gì. Càng gần gũi nhau càng thấy nên là anh em không nên bồ bịch, và từ đó gia đình coi chàng như con, tôi coi chàng như anh trai cho đến tận bây giờ.
Cho đến lúc hết hy vọng có một chàng Gray đẹp trai nào trên đời dành cho tôi và Cánh buồm đỏ thắm chỉ là giấc mơ hão huyền thì chàng Tập Một từ Nga trở về. Chàng không sánh được với Gray nhưng cũng là người tình trong mộng của biết bao cô gái Hà Thành. Đặc biệt chàng đã mang về nghệ thuật kịch câm cũng rực rỡ như Cánh buồm đỏ thắm.
Tập Một


Năm 1970 hay 1971 gì đó tôi không thật nhớ chính xác, Hà Nội có một sự kiện văn hóa đặc biệt, đó là nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng thế giới Marcel Marceau từ Pháp bay sang biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tôi may mắn được xem chương trình của ông. Được chiêm ngưỡng thì đúng hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi được chiêm ngưỡng ngôn ngữ hình thể của một thiên tài với những tác phẩm Đi ngược gióCái cũiThợ làm mặt nạTrong công viên... Chỉ bằng hình thể không có gì khác, với những chuỗi động tác ngắn ông đã diễn tả hết các nhân vật đặc biệt trong các tình huống đặc biệt, trong mỗi bối cảnh đặc biệt. Chưa bao giờ xem một tác phẩm nghệ thuật mà tôi rạo rực ngây ngất đến vậy.
Với tôi lúc đó Marcel Marceau là tiên ông, là thiên sứ nhà trời xuống đây mở mắt cho tôi, giúp tôi yêu thêm sân khấu mà có lúc tôi cảm thấy tẻ nhạt và đơn điệu. Kết thúc buổi diễn tôi đi vòng ra hậu đài nhìn trộm ông tẩy trang. Không giống như tụi tôi cứ quẹt quẹt chùi mặt rất đại khái, ông cầm miếng bông gòn nhẹ nhàng chùi son phấn trên mặt cẩn trọng từng tí một. Thấy ông trân trọng từ cách tẩy trang, thật cảm động. Nghệ thuật không chỉ miếng cơm manh áo, chỉ qua cách tẩy trang của ông thôi cho thấy Nghệ thuật thật thiêng liêng. Đêm diễn của Marcel Marceau ám ảnh tôi không lúc nào nguôi, cho đến tận bây giờ. Từ khi ông rời Hà Nội tôi những mong ông trở lại, nếu không ông thì học trò của ông, đồng nghiệp bộ môn kịch câm của ông trở lại để tôi chiêm ngưỡng lần nữa. Mơ được ước thấy, chàng Tập Một trở về

ghệ sĩ kịch câm đại vĩ đại Marcel Marceau (1923-2007) người Pháp,
Nghệ sĩ kịch câm người Pháp Marcel Marceau (1923-2007).
Vào giữa năm 1976 tự nhiên Hà Nội lao xao có một anh chàng đi học Nga về, “diễn kịch câm hay lắm”. Hai tiếng kịch câm làm tôi háo hức bồn chồn. Nghe nói sẽ có một buổi báo cáo ở Nhà hát lớn. Tôi thích lắm, phải đi xem cho bằng được. Đêm diễn ở Nhà hát lớn, buổi đầu còn có người đứng ra giải thích sóng trên tay thế nào, sóng trên thân, trên cánh tay chạy thế nào để khán giả có hình dung sơ bộ về ngôn ngữ kịch câm. Và chàng xuất hiện. Cả khán phòng 3 tầng Nhà hát lớn nín thở xem chàng diễn. Nhạc trong phim Bố già nổi lên, chàng đi ngược gió, chàng kéo lưới, chàng cùng người tình trong công viên, chàng leo cầu thang, chàng trèo ghế, chàng kéo lưới cùng đám đông trên bờ biển. Tất cả chỉ có mình chàng và âm nhạc. Giống như sau đêm diễn của Marcel Marceau, tôi cũng lặng người đi sau đêm diễn của chàng. Tôi đã bị chàng hớp hồn và đổ đánh rầm kể từ đêm diễn ấy, khi mà chàng chưa biết tôi là ai.
Lớp trẻ Hà Nội đã quá quen với một không gian âm nhạc chỉ có hát với múa, sau đêm diễn của chàng bỗng sôi động hẳn lên, họ như tìm thấy chân trời mới, tất cả cứ nháo nhào tìm nơi chàng diễn để xem, xem nữa, xem nhiều lần nữa. Sau đó chàng báo cáo một số nơi. Có vào trường nhạc để báo cáo. Chàng có nguyện vọng tìm một MC, MC này phải theo phong cách kịch câm chứ không phải chỉ nói bình thường. Được lời như cởi tấm lòng, con bé mê kịch câm thích thử nghiệm xung phong ngay. Để ra dáng một MC kịch câm, chàng phải dạy cho tôi một vài động tác kịch câm. Phải nghĩ cách giới thiệu trước mỗi tiết mục thế nào. Muốn vậy phải đến nhà chàng để bàn luận và tập dượt, cái cớ để cho tôi câu chàng (hoặc để cho chàng câu tôi). Gặp chàng nói chuyện, chàng có giọng rất ấm, cặp mắt sáng, cặp mắt dường như biết nói. Lần đầu tiên trong đời tôi đã bị tiếng sét ái tình như thế.
Phần 1còn tiếp...

Tự truyện Ái Vân (phần 3): Người chồng sắp cưới gây nợ nần

Chắc mẩm mấy kẻ đố kỵ với chàng bịa đặt thì nói vậy thôi, không có chuyện ăn chơi kiểu đại gia đâu... Ai dám cho sinh viên mượn tiền. Thế rồi một tối tôi nhận được ba thư đòi nợ.









Có lẽ tôi đến với chàng chính là vì sự hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật kịch câm. Hai đứa đến với nhau một cách tự nhiên. Chàng tuy không đẹp trai bằng Graynhưng mà sang, giọng nói ấm áp và lịch lãm. Lúc đó chàng đang nổi lắm, nhà chàng dập dìu tài tử giai nhân. Trước cửa nhà chàng lúc nào cũng có vài ba cô gái xinh đẹp “tình cờ” đi qua, “tình cờ” hỏng xe”, “tình cờ” lạc ngõ. Tôi chỉ là một trong số thôi, thật may tôi đến nhà chàng theo yêu cầu của chàng, không phải sử dụng thủ pháp “tình cờ”.
Có lần đến nhà chàng, đang khóa xe tôi thấy một nàng từ cầu thang nhà chàng đi xuống đang mở khóa xe, đó là Hồ Thiên Nga diễn viên múa ba lê. Hồ Thiên Nga có cậu em trai là Hồ Hoàn Kiếm, hai chị em nổi tiếng thời đó. Cả hai chị em lai tây nên rất trắng. Hồ Thiên Nga dong dỏng cao da trắng ngần, khi nào cũng buộc tóc đuôi ngựa, chị có một vẻ đẹp thanh cao. Tôi có cảm giác đây là đối thủ cũng lo lo nhưng nghĩ bụng thôi kệ, mình đến làm việc là chính thôi, không cần thiết phải “bon chen”… cứ kiêu kiêu thế biết đâu lại thắng.
tu-truyen-ai-van-phan-3-nguoi-chong-sap-cuoi-gay-no-nan
Ái Vân trong bộ phim "Chị Nhung".

Sau đó tôi cứ lẽo đẽo theo chàng vừa làm MC vừa diễn cùng chàng. Vẫn thấy Thiên Nga lặng lẽ theo các buổi diễn của chàng. Nhiều khi thấy trong túi chàng khi thì gói ô mai, lúc thì thứ này thứ khác. Nghĩ bụng quả này không khéo mình thua rồi. May trời thương, nhờ chiến lược “kiêu kiêu” dần dà “tình yêu nảy nở trong công tác”, tôi và chàng phải lòng nhau, đúng ra đến lúc này chàng mới phải lòng tôi. Nụ hôn đầu tiên ngọt ngào hơn tôi tưởng, ngọt ngào hơn cả mọi ngọt ngào.
Bố chàng làm chánh văn phòng một cơ quan truyền thông lớn. Ông là người rất chu đáo, văn hóa và lịch lãm. Mẹ chàng làm ở phòng hành chính, hiền lành và phúc hậu. Bà chỉ phàn nàn với chàng, nghe Ái Vân rất nhiều người yêu, sợ sẽ không phải là người vợ tốt. Chàng kể như thế, tôi chỉ biết cười nhạt nói với chàng: “Cái đó thì em không thanh minh vì tin đồn về em thì nhiều lắm. Nếu yêu nhau, tin nhau thì lấy nhau rồi sẽ biết". May chàng tin tôi, quyết định kéo cuộc tình ra công khai. Mừng húm. Được mấy tháng, sang năm 1977 chàng đi Nga học hai năm. Trước đó chàng học điện, bây giờ mới chính thức học kịch câm. Trước khi chàng đi học, hai gia đình tổ chức lễ đính hôn, thực ra chỉ là một bữa cơm 6 người gồm bố mẹ hai bên, tôi và chàng tại khách sạn Thống nhất. Chàng và tôi trao nhẫn đính hôn, mỗi người đeo một cái nhẫn bạc.
Rời lễ đính hôn tôi ngồi sau lưng chàng lòng hân hoan khó tả. À ha, mình đã có chồng rồi a? Cái ông ngồi đây là chồng mình à? Đi đâu cũng có ánh mắt nhìn theo, thích lắm. Mọi người khen đẹp đôi nhất Hà Nội mà. Có ngờ đâu chàng và nàng đang dắt nhau vào một chương đầy nước mắt.
Năm đầu yêu nhau da diết đúng nghĩa của từ này, chàng ở Nga viết thư đều đặn mỗi tháng hai thư. Nàng ở nhà chỉ biết ngửa mặt ngóng thư, đọc thư trong nước mắt, mỗi lần đọc thư là khóc. Chưa có cuộc tình nào nhớ và buồn khi xa nhau đến thế. Nhất là khi chàng mang theo cả kịch câm đi nữa. Cảm thấy trống trải kinh khủng, chỉ mong gặp chàng dù chỉ một giờ.
Lại mơ được ước thấy. Năm 1978 tôi, Vũ Dậu, Mạnh Hà cùng đoàn Văn công công an Biên phòng đi dự festival thanh niên thế giới lần thứ 11 ở Cu Ba, có đi qua Nga dừng lại hai ngày để đổi máy bay. Gặp được chàng rưng rưng nước mắt, chàng đưa đi dọc đại lộ gì đó táo rất nhiều. Lúc này khí hậu bên Nga rất khô, rất hanh, nắng đẹp lắm. Chàng lấy vé xe lửa đi về Tulaguberniva, quê hương của nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy. Ở Tula có cái hồ, hồ này có truyền thuyết trai gái yêu nhau ném nhẫn cưới xuống hồ sẽ không bao giờ rời nhau. Chàng bảo: "Hai đứa ước nguyện suốt đời bên nhau, mình ném nhẫn xuống đây nhé". Tôi và chàng cùng ném. Về sau cứ tiếc mãi, tại sao lại ném nhẫn cưới đi để cầu chung thủy hạnh phúc, rõ là vớ vẩn.
Nhẫn cưới ném rồi, sang năm thứ hai tự nhiên thư chàng thưa thớt một cách đặc biệt, không hiểu sao. Đi festival Cu Ba về tôi phải đi diễn báo cáo nhiều nơi, rất bận rộn, nên sự nhớ nhung bớt đi phần nào... Tuy nhiên rất khó hiểu tại sao chàng lại ít thư từ như thế, lâu lắm mới có cái thư thì sự da diết dường như biến mất. Đùng cái anh Hà Quang Văn học ở Kiev viết thư về kể: “ ở bên Nga lôi thôi lắm. Sang Nga tiêu xài kinh lắm, rượu vodka đãi bạn suốt, sinh nhật bạn nữ nào bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu bông hồng. Hồng bên Nga rất đắt, 3 rúp 1 bông. Trong lúc học bổng có 60 rúp/ tháng thôi. Bạn ở xa về chơi thì bao tiền taxi đi về như đại gia….” Tôi hoảng lên viết thư hỏi lại anh Văn có thật không. Anh Văn khẳng định thật, “dù anh ở Kiev nhưng tin tức về  anh nắm chắc lắm.”
Cuối cùng anh Văn viết: " nợ tiền lung tung rồi. Em phải cẩn thận, không thì phiền lắm đấy". Anh em trong nhà tôi biết, anh Văn chả bịa đặt cho ai bao giờ. Tôi hoang mang không hiểu thế nào. Không nghĩ chàng có mối tình nào nhưng tôi e là ông này phai nhạt rồi. Buồn và bực. Tôi nghĩ mình thì rất đàng hoàng, tại sao ông lại đối với mình như thế. Tự ái. Thấy chán. Viết thư cho chàng xem thế nào. Ba tháng sau không thấy thư chàng hồi đáp. Khóc một trận rồi gạt nước mắt quyết định dứt khoát phải chia tay.


tu-truyen-ai-van-phan-3-nguoi-chong-sap-cuoi-gay-no-nan-1
Ái Vân biểu diễn trên sân khấu Nhật Bản năm 1979.
Tháng 9 Năm 1979 tôi cùng với ca sĩ Thanh Hòa sang Nga tham gia chương trình Mùa thu vàng. Dự kiến sang gặp chàng để nói lời chia tay. Tới Moscow thời tiết xấu, phải ngừng ở phi trường Moscow gần một ngày trước khi bay tới Tasken, cơ hội để tôi gặp chàng. Thanh Hòa và tôi ở chung một phòng. Chừng 9 giờ tối chàng tới. Mấy giờ liền chàng nàng đối đáp quanh co, thấy đã khuya rồi, sợ phiền chị Thanh Hòa ngủ rồi, tôi phải “kết luận” ngay. Tôi nói có hai lý do không thể tiếp tục, một là tình cảm đã phai nhạt, hai là không thể chấp nhận kiểu sinh viên tiêu xài như đại gia. Nói xong khóc một trận rồi đuổi chàng: “Thôi anh về đi, em còn ngủ để mai bay sớm".
Chàng không về. Bắc cái ghế ngang chỗ tôi nằm, chàng cứ ngồi thuyết phục, rủ rỉ hết chuyện này sang chuyện khác. Chàng nói ít viết thư vì năm thứ hai (năm cuối) quá nhiều bài tập, “làm việc nhiều đến nỗi không kịp tắm”. Còn chuyện tiêu xài như đại gia là “ai đó bịa đặt ác ý”. Đoán anh Văn  báo cho tôi, chàng nói: “Anh em trong nhà còn phá nhau. Nếu hai đứa không thể tiếp tục nữa cũng vì người nhà cả thôi". Chàng nói mãi, nói mãi, tôi cũng cảm thấy xuôi xuôi, lại buồn ngủ quá, buồn ngủ ríu cả mắt, tôi nói: “ok ok tin rồi".
Chàng hôn cảm ơn, rồi nói: “Tình hình này học xong là mình cưới ngay, để lâu lời ra tiếng vào khó giữ được nhau lắm”. Con gái 25 tuổi nghe nói cưới, ai cũng mừng, tôi ok liền. Chàng nói: “Sắp cưới nhau mà tụi mình không có gì, anh sắp về không biết lấy đâu tiền để đóng thùng”. Tôi cũng không có tiền. Trước đó đi Nhật kết hợp với Đoàn ca múa dân tộc tôi mua được cái cassette hiệu Sony của Nhật, thỏa ước mơ bấy lâu có máy ghi âm để khi ra nước ngoài ghi lại các bài hát hay của các ca sĩ thế giới để học tập. Thích lắm. Chàng nghe nói cassette liền bảo “đưa ngay cho anh”. Tuy quá yêu quí chiếc máy nên dù tiếc đứt ruột cũng đành đưa anh đem bán lấy tiền... “đóng thùng”.
Hai tháng sau kết thúc chương trình Mùa thu vàng, tôi về Moscow mấy ngày rồi sẽ bay về Việt Nam. Cả đợt diễn tôi có chừng 700 rúp tiền cát xê, tính mua sắm mấy thứ đem về việt Nam bán lấy lời. Cát xê của Mùa thu vàng khá lớn, 60 rúp một đêm diễn, có 60 buổi tính ra cũng kha khá. Nhưng phải trả 75% cho Bộ tài chính, mình còn 15 rúp một đêm thôi. 15 rúp cho tất tần tật tiền ăn uống, tiêu xài, mua sắm trong 2 tháng… tiết kiệm được 700 rúp là giỏi rồi. Ca sĩ các nước khác người ta ăn chơi như đại gia, mình ki bo quá người ta cười. Hồi đó đi đâu chỉ lo mỗi chuyện “nhục quốc thể”, sợ người ta cười khinh. Kì thực có mấy ai quan tâm đến sinh hoạt của mình đâu.
Về Moscow biết chàng đã về Việt Nam, nghĩ tới chuyến này về cưới lòng cứ lâng lâng. Chắc mẩm mấy kẻ đố kị với chàng bịa đặt thì nói vậy thôi, không có chuyện ăn chơi kiểu đại gia đâu. Mà mượn ai? Ai dám cho sinh viên mượn tiền, giỏi lắm chỉ cho mượn 5, 10 rúp. Tiền đâu mà hoa hồng, taxi với vodka?
Thế rồi một tối tôi nhận được ba thư đòi nợ.
Phần 1phần 2còn tiếp...
>> Xem thêm:

Tự truyện Ái Vân (phần 4): Hư thai con đầu lòng vì chạy show trả nợ

Tôi có bầu ba tháng vẫn lao vào diễn như điên. Có khi một ngày diễn bảy nơi. Đi xe đạp chạy show hớt hải. Một lần diễn về trượt hòn gạch ngã xuống đường. Mất luôn em bé. Cay đắng vô cùng.
Thư của chú Vũ Xuân Hồng, bố nuôi chàng là bí thư Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (chú là người cùng hoạt động với anh Hiến trước đây): “Con gái ơi, con diễn về thành công lắm phải không. Nó về rồi, nó đóng thùng rồi, tốt lắm. À, nó nợ bố 800 rúp. Nó bảo là khi nào con về Mát-xcơ-va con trả cho bố”.
Thư của chú Thành lái xe Sứ quán: “Cháu Vân thân mến! Chú nghe nói đoàn thành công lắm. Cháu về đây rất là mừng. Hôm nào chú cháu gặp nhau nhé! Tái bút: À, nó đóng thùng về rồi. Tốt lắm. Mua được nhiều đồ lắm. Nó còn nợ chú 1.200 rúp, bảo là Vân sẽ trả, chú yên tâm”.
Thư của anh bạn quen của chàng: “Em ơi vừa rồi anh giúp nó đóng thùng. Hàng chiến lược mua được đầy đủ hết, thùng đóng ngon lành. Nó nợ anh 700 rúp. Em thanh toán giùm anh nhé, anh cũng đang đóng thùng”.

Ái Vân một thời xuân sắc.
Ái Vân một thời xuân sắc.
Cả thảy là 2.700 rúp. Tôi quýnh lên, còn có mấy ngày nữa là về rồi, làm sao bây giờ? Đánh liều vào sứ quán gọi điện về gặp chàng, tôi vừa nói vừa khóc: “Anh nợ ai, nợ vì việc gì có nói với em đâu, sao để người ta đòi nợ em thế này?” Chàng nói: “Được rồi được rồi, yên tâm yên tâm. Mai có người sang Nga anh sẽ viết thư và gửi ít quần bò sang bảo lãnh nợ cho em về". Chàng viết thư, gửi ít hàng và tôi về. Chuyến bay nặng như đá đeo, chỉ mong về nhà nói một câu stop cho xong.
Nếu chuyến đó tôi dứt khoát chia tay được với chàng thì tốt cho tôi mà cũng tốt cho chàng biết bao nhiêu, chúng tôi không phải tốn nhiều nước mắt vì nhau. Kẹt nỗi lúc đó Chiến tranh biên giới đã bùng nổ. Cả nước chỉ nói chuyện chiến tranh, không nói chuyện gì khác. Câu chuyện tình duyên của tôi đâm lạc lõng. Chàng không nói gì khi tôi tuyên bố stop, chỉ cười nhạt: “Em không hiểu đâu… Em không hiểu đâu”- “Thế vì sao anh nợ nần ghê gớm làm vậy, nói em nghe nào?” Chàng lại ngồi im, cười nhạt. Thế mới điên.
Chiến tranh gần kề lắm rồi. Ông già chàng sang nhà tôi nói chuyện: “Bố hiểu chuyện tình cảm bố không o ép gì đâu. Nhưng mà con thử nghĩ xem, chiến tranh tới nơi rồi, sắp phải sơ tán vào miền Nam. Chạy loạn có vợ có chồng có phải hay không? Hai đứa đã đính hôn với nhau rồi, tình cảm cũng rất bền vững rồi. Bây giờ chỉ những phút nông nổi, con tức giận con quyết định cắt đứt thì bố thấy quá uổng phí.”
Bây giờ nhớ lại thấy lý lẽ của ông già thật buồn cười nhưng khi đó tôi nghe rất vừa tai. Tôi chặc lưỡi, ok vậy thôi, thì cưới. Khi không hiểu nhau hãy khoan lấy nhau, tôi đã khuyên điều này với nhiều người nhưng tôi đã không khuyên nổi tôi. Vì tôi quá yêu chàng. Chàng là một khối kín như bưng không ai hiểu nổi, bố mẹ chàng cũng không hiểu. Tôi đã quyết định cưới một khối kín như bưng, tin và yêu khối kín như bưng ấy, đó là sai lầm của tôi. Giờ đây tôi chỉ biết trách tôi chứ không thể trách ai hết.
Ngày cưới đã ấn định rồi, ngày 16/12/1979. Bàn chuyện cưới xin, chàng ôm tôi nói: “Vợ chồng mới cưới xong mà không có vốn liếng gì cả. Cần phải làm gì để kiếm ít tiền làm vốn, chứ ở chung với ông bà già cũng kẹt”. Tôi hỏi: “Làm gì?”. Chàng nói: “Có thương vụ đánh xe đạp Diamond bên Đức sang, chơi món này trúng lắm.” Xe đạp Diamond đang là mode thời thượng của Hà Nội. Tôi ok liền. Tôi kiểm tiền thấy nếu đổi ra USD thì được khoảng năm nghìn rưỡi đô. Đây là số tiền kiếm được trong chuyến đi Nhật, mang hàng từ Nhật về bán được giá cao. Tôi tính mua cái xe máy Peugeot 104, vì đi làm ở Mai Dịch xa. Xe máy Peugeot 104, 103 đang là mode của các cô gái Hà Thành. Hoãn lại việc mua xe, tôi lấy ngay số tiền đưa cho Ái Xuân nhờ đổi ra USD. Ái Xuân vừa cầm về, chàng cầm vài tờ soi qua rồi bảo: “ok rồi !” và đút luôn vào túi. Tôi chưa kịp nhìn thấy đồng Dollar tròn méo thế nào thì nó đã bay theo “thương vụ” của chàng.
Nửa tháng sau thấy im tịt chẳng thấy gì cả. Mải lo cưới nhưng thỉnh thoảng tôi hỏi vụ xe Diamond đến đâu rồi, chàng bảo: “yên tâm yên tâm, không sao hết”. Cưới xong vẫn không thấy gì, tôi hỏi: “Sao không thấy anh nói gì về xe Diamond?”. Chàng nói: “Xe Diamond bây giờ đang tắc nghẽn.” - “Thế tiền kia đâu?”- “Tiền kia bị tắc chỗ kia rồi, yên tâm đi, không mất đâu, chỉ tắc thôi”. Tôi chẳng hiểu tắc thế nào, tắc vì cái gì nhưng không muốn hỏi kĩ, đang tuần trăng mật mất vui.
Hôm sau chàng nói: “Vụ xe Diamond mình phải chờ chút. Bây giờ chuyển sang thuốc lá Ba số (555) đang rất được, vụ này nhỏ lẻ đánh nhanh thắng nhanh”. Lại phải cần vốn nữa. Tôi chẳng tin lắm nhưng vợ chồng mới cưới chưa đầy tháng chồng bảo đưa tiền chẳng lẽ không đưa. Còn ít tiền, tôi móc hết ra đưa chàng. Duy nhất còn sáu bảy chục đồng tôi giấu trong quần áo. Đi diễn Hải Phòng tôi tính mang đi mua xe đạp mi ni của dân Vosco hay buôn xe về theo đường tàu thủy. Lục trong tủ chẳng thấy tiền đâu. “Ôi anh ơi!”- “Em tìm gì?”- “Em định đi mua xe đạp mi ni dưới Hải Phòng, sao tìm mãi không thấy tiền đâu cả?” Chàng không nói gì cả. Tôi thấy nghi nghi bèn hỏi: “Thế xe Diamond với thuốc lá ba số đâu anh?” Mặt chàng biến sắc lạnh như băng, thủng thẳng đáp: “Thế này nhá: cả tiền xe Diamond, cả tiền thuốc lá ba số, cả bảy chục đồng kia em quên đi nhé!” Tôi sững người: “Quên là quên thế nào?”. Chàng nói như ra lệnh: “Tốt nhất là đừng nhắc tới nó nữa”. Tôi im tịt. Thế là xong. Thất vọng tràn trề.

Ái Vân trên poster Festival Cuba năm 1978.
Ái Vân trên poster Festival Cuba năm 1978.
Tôi không dám nói với ai chuyện này. Về nhà không dám nói tí nào với ba má. Ba má hỏi: “Con đi hát Nga hát Nhật không mua lấy cái xe máy mà đi". Câm miệng hến, không dám ho he. Giá tôi thú thật với ba tôi chuyện này thế nào ông cũng tìm ra cho bằng được vì sao chàng tiêu tiền đến thế. Ba tôi có biệt tài này, lắm khi ông hệt như Sherlock Holmes vậy, chuyện gì cũng tìm ra được manh mối. Chỉ khi trả lời được câu hỏi đó mới có thể tìm được lối thoát cho cuộc hôn nhân. Đấy là hướng đi đúng, nhưng tôi đã không làm. Tôi im lặng sống với khối kín như bưng ấy. Cũng là tuổi trẻ, vợ chồng mới cưới cứ tình cảm cặp kè đi diễn chỗ nọ chỗ kia, rồi cũng nguôi ngoai. Cuối cùng mọi chuyện theo nhau qua đi. Lắm khi nghĩ đến cũng buồn nhưng chậc lưỡi thôi kệ, đến đâu hay đó.
Năm 1980, ra Tết hai đứa theo gia đình chồng dọn về số 8 Trần Hưng Đạo. Nhà số 8 Trần Hưng Đạo của Thông tấn xã Việt Nam phân cho bố mẹ chồng. Nhà có 4 phòng, phòng bố mẹ trước rồi đến phòng chàng và tôi, sau đó là phòng hai đứa em. Một hôm em trai chàng về nhà khóc lóc. Các cụ lôi vào phòng tra hỏi, cậu em bảo phải đi vay tiền để trả nợ cho chàng. Tôi hoảng lên tra hỏi chàng số tiền nợ bên Nga là bao nhiêu. Chàng cứ quanh co mãi cuối cùng mới vỡ lẽ ra chàng nợ gần hai vạn rúp. Không phải 2.700 rúp mà gần hai vạn rúp trời ạ. Tôi chết sững, như rơi xuống vực thẳm.
Bên Nga có tối hậu thư là, nếu không trả họ sẽ sang sứ quán làm um lên. Ông bố đang là chánh văn phòng, bí thư Đảng ủy nữa. Chàng đang ở đỉnh vinh quang vẻ vang thế mà dính vào chuyện đó còn ra cái gì. Gia đình mới bàn nhau gửi mua quần bò, áo cành mai cứ ai sang Nga ông già cũng gửi hàng sang bán đi trả nợ. Với lợi thế là chánh văn phòng và là người đáng trọng, ai đi Nga ông đều biết và nhờ mang hàng, cũng chẳng ai nỡ chối từ. Tôi đi Nga vừa đi hát vừa kiêm nhiệm vụ mang hàng sang bán trả nợ cho chàng. Hè năm 1980 tôi chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ, vì chàng làm ở đấy, nghĩ vợ chồng làm cùng nhau, biểu diễn cùng nhau, thôi thì cố gắng gây dựng cả sự nghiệp, cả kinh tế khá lên vì đang nợ ngập đầu. Lúc đó may lại rất đắt show diễn, chàng chạy đằng chàng tôi chạy đằng tôi. Tôi có bầu ba tháng vẫn lao vào diễn như điên. Có khi một ngày diễn bảy nơi. Đi xe đạp chạy show hớt hải. Một lần diễn về trượt hòn gạch ngã xuống đường. Mất luôn em bé. Cay đắng vô cùng.
Thấy Nhà hát Tuổi trẻ nặng về kịch - cô Hà Nhân và chị Phạm Thị Thành đều dân kịch hết, ca nhạc khó mà phát triển, tôi lại xin về Nhà hát ca múa nhạc trung ương. Nhờ sang Nhà hát ca múa nhạc tôi mới được chọn đi thi ở Dresden - Đức và được giải thưởng.
Trả nợ liên tục cho đến cuối năm 1982 tôi đi Đức, ghé qua Nga, cô bạn Galia người Nga báo tin: “Ái Vân, hết nợ, xong hết rồi”. Mừng ơi là mừng, thoát được một việc khủng khiếp, tưởng như trút được gánh nặng ngàn cân. Thế là xong, tin chắc chàng rút được kinh nghiệm, từ này vợ chồng chăm chỉ làm ăn, tay không vẫn dựng được cơ đồ, không lo.
Phần 1phần 2, phần 3còn tiếp...

Tự truyện Ái Vân (phần 5): Cuộc ly hôn lặng lẽ

Không một bữa cơm nào không có người xông vào nhà đòi nợ. Lúc này tôi mới hiểu thế nào là cơm chan nước mắt. Tôi không thể hiểu chàng vay để làm gì...
Do được giải thưởng lớn ở Festival Dresden năm 1981, tôi được mời dự Festival Dresden năm 1982 với tư cách khách mời danh dự rồi sau đó diễn vòng quanh nước Đức, chương trình kéo dài hai tháng, sau đó tôi được mời qua tiếp Ba Lan biểu diễn. Sau mấy tháng đi biểu diễn xa nhà, đến cuối tháng 11 năm 1982 tôi về nước. Mọi khi đi diễn nước ngoài về chỉ có ba tôi hoặc một vài người trong gia đình tôi đi đón. Lần đó lại đông đủ hết gia đình hai bên cùng ra phi trường đón tôi, rất lạ. Xe đưa thẳng về số 8 Trần Hưng Đạo. Tuy bay chặng đường dài rất mệt nhưng không hiểu sao tôi không được về phòng mình ngay. Bố mẹ chồng cứ giữ lại bên phòng các cụ nói chuyện. Ba má tôi và bố mẹ chồng cứ chuyện Đông chuyên Tây một hồi, câu chuyện cứ nhạt dần. Tối rồi, mệt rồi, đói nữa. Tôi cứ ngáp ngắn ngáp dài.
Cuối cùng tôi tự mình đề nghị: “Thôi thế chắc phải nghỉ thôi nhỉ, con mệt quá”. Khi đó mẹ chồng mới mếu máo: “Con ơi con, con đi vắng ở nhà tự nhiên điện tăng đột ngột. Nó đang làm nhạc để diễn tự nhiên điện tăng lên, cháy hết cát xét, ti vi tủ lạnh, còn cái xe máy ở nhà thì mang đi sửa mấy hôm nữa mới lấy về". Điện Hà Nội lúc đó lên xuống rất thất thường, việc cháy đồ vì tăng điện cũng xảy ra nhiều, không có gì lạ. Tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu cái xe máy thì dính dáng gì đến điện và sao mẹ lại mếu máo quá mức cần thiết. Tôi nói: “Thôi mẹ, nợ nần trả rồi, mấy thứ đó cháy rồi sau mua sắm lại thôi mà. Mẹ đừng buồn quá".


được mời dự Festival Dresden năm 1982 với tư cách khách mời danh dự
Ái Vân bên nhạc sĩ Đức Holger Biege khi được mời dự Festival Dresden năm 1982 với tư cách khách mời danh dự.
Về phòng hai vợ chồng, vừa mở cửa tôi sững lại. Mặc dù mẹ chồng đã rào trước đón sau rồi nhưng khi mở cửa có gì rất lạnh và rất trống ập vào ngực tôi. Phòng chỉ còn một cái giường, một cái quạt trần và một cái tủ quần áo, ngoài ra tất cả những gì đáng giá trong nhà đều không còn ở đó nữa. Tôi vẫn chỉ nghĩ vì sự cố điện chứ không hề nghĩ đến chuyện khác. Vừa thở phào vì niềm vui sạch nợ ở nước Nga nên khó lòng hình dung ra bi kịch khác còn kinh hồn hơn.
Đêm hôm đó chàng không ngủ được, cứ bồn chồn ngồi lên nằm xuống. Nghe có tiếng động gì đó là chàng bật dậy, ngồi im trong màn, nhìn ra phía sân nghe ngóng. Tôi ngạc nhiên: “Sao anh không ngủ đi?” Chàng lặng thinh, nét mặt là lạ, bất bình thường. Khoảng 10 giờ sáng sau như thường lệ mỗi khi đi nước ngoài về, tôi mở va li lấy quà chia cho mọi người thì ba tôi và Ái Xuân đi sang. Ba sang phòng bố mẹ chồng nói chuyện, Ái Xuân vào phòng tôi thì thầm: “Có bất kỳ thứ gì đáng giá thì mang về nhà ngay lập tức". Tôi hoảng lên: “Là sao?” Xuân nói: “Ổng nợ khắp Hà Nội rồi chị ơi, hết một triệu bảy!” Sét đánh ngang đầu tôi. Vàng lúc đó một chỉ 80 đồng, một triệu bảy nó khủng khiếp đến thế nào.
Đến bữa trưa. Nghe tiếng chuông cổng, vừa đi ra hỏi: “Ai đấy?” lập tức có người kêu rống lên: “Ôi giời Vân ơi là Vân… giả tiền tôi đi!” Bắt đầu từ đó trở đi cứ đến giờ cơm là hết người nọ đến người kia tới đòi nợ. Thư đòi nợ tới tấp, thống thiết cũng có van xin cũng có đe dọa cũng có, đủ hết. Suốt tuần công an gọi tôi lên hỏi chung quanh chuyện nợ nần và những chuyến đi nước ngoài của tôi. Mệt mỏi vô cùng. Thì ra tôi mải đi nước ngoài không biết, chuyện đã ầm cả Hà Nội từ lâu rồi. Qua tìm hiểu, tôi lờ mờ hình dung ra cách chàng mượn nợ na ná chuyện ông Nguyễn Văn Mười Hai của Nước hoa Thanh Hương thời điểm này vậy, là thế này: Chàng nói với người ta rằng đang có những chuyến buôn của chuyên cơ, cần đánh hàng, đây có chừng nay rồi, thiếu chừng này nữa, góp vào đây rồi cứ một tháng là lãi 15- 20 %". Hồi đó có chuyện chuyên cơ chở hàng thật, nghe vậy ai cũng tin. Với lãi suất khủng vậy ai cũng ham.
Những người đầu thì lấy lời thật, có những người chơi đầu vài ba tháng đã gần lấy hết vốn rồi. Cả nhà tôi đều theo chàng, mấy nhà thông gia cũng theo chàng luôn. Thấy nhà tôi theo ai mà không theo. Anh Văn, rồi Ái Xuân, Văn Hai mới đi diễn Tây Đức về có cassette 777, xe gắn máy đều bán đi đổ tiền theo chàng chơi cho bằng hết. Ba tôi bỏ thuốc lá từ lâu, khi cho vay lấy lãi có tiền rủng rẻng ông hút trở lại. Con anh Văn nghịch bật lửa của ông bán bật lửa đầu phố Nguyễn Du, ông mách ba tôi: “Coi chừng cháu ông làm hỏng bật lửa của tôi đấy.” Bật lửa lúc đó cũng quý hiếm lắm. Ba tôi nói như đại gia: “Cứ cho cháu nó chơi, hỏng bao nhiêu tôi đền". Nghe ông nói cứ như thời của Công tử Hà Thành đã trở lại. Hóa ra mỡ nó rán nó, chàng lấy tiền mượn người sau trả lãi cho người trước, trả một lúc thì hết tiền trong khi nợ ngày một chất đống.

Ái Vân là
Ái Vân là ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Chị từng đoạt giải Grand Prix tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) năm 1981.
Vậy là đồn rầm lên: “thằng này nó lừa đảo rồi!” Các chủ nợ nháo nhào đòi nợ, xiết nợ. Bây giờ mới vỡ ra chàng dính khắp Hà Nội. Văn nghệ sĩ Hà Thành quen chàng không sót một ai, trừ những người không có tiền, hết thảy đều đổ cho chàng cả. Đến lừng lẫy như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi hay họa sĩ Doãn Châu cũng dính. Tóm lại từ thượng tầng tới dân nghèo, từ mấy bà bán giò chả ngoài chợ tới sinh viên mới ra trường. Cả Hà Nội như đang lên cơn sốt vì đòi nợ. Nhiều người mất tiền chỉ biết đắng cay ngậm bồ hòn vì thân quen quá nên chẳng nỡ đòi. Nhưng không ít người vì “của đau con xót”, vì mất nhiều hoặc tuy mất số không lớn nhưng là tiền kiếm bằng khó nhọc mồ hôi nước mắt nên phải cương quyết đòi bằng được. Không một bữa cơm nào không có người xông vào nhà đòi nợ. Lúc này tôi mới hiểu thế nào là cơm chan nước mắt. Tôi không thể hiểu chàng vay để làm gì, nếu vay làm ăn buôn bán thì trong nhà phải có của chứ, tại sao của cải lại đội nón ra đi?
Bố mẹ chàng đã gặp công an, đề nghị công an bắt chàng. Nhưng công an không bắt. Họ bảo sợ “ném chuột vỡ bình”. Bình là tôi, vì tôi vừa được giải Grand Prix, nếu bắt chàng điều tra thì ảnh hưởng uy tín của tôi. Tôi không nghĩ vậy, họ chưa bắt vì muốn dò tìm thêm nhiều manh mối. Họ nghi cả tôi. Công an nghi ngờ chuyện vay nợ của chàng có liên quan tới các cuộc đi hát nước ngoài của tôi, giống như có chuyện hoạt động bí mật gì đấy. “Nếu không thế thì một triệu bảy dùng vào việc gì?” Câu hỏi rất có lý. Tôi không trả lời được còn chàng vẫn cứ kín như bưng. Chàng chỉ có mỗi câu trả lời: “Chuyện này nó dài dòng văn tự lắm, nhà không hiểu được đâu”. Tôi nói: “Cứ thế này có khi anh giết người rồi về anh nằm cạnh em thì em cũng không biết. Có chuyện gì phải nói ra chứ. Thế tại sao anh làm ăn có tiền không cho em biết, bây giờ thất bại đổ bể lại đòi đến em là thế nào?” Chàng không có câu trả lời. Nhà chàng cũng thế. Không biết chàng có nói với bố mẹ chàng không. Chắc là không. Vì chuyện này nhà chàng cũng tan nát bao nhiêu là chuyện….
Hàng xóm, bà con, bạn bè, đồng nghiệp... khi không làm gì được chàng liền chĩa mũi dùi vào tôi. Cả Nhà hát ca múa nhạc cũng ghẻ lạnh và dè chừng. Nhờ được giải Grand Prix nên được biết sang năm 1983 tôi sẽ được lên hai bậc lương, rồi chiến sĩ thi đua, và được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu… bây giờ đều bị cúp hết. Những chương trình diễn quan trọng tôi cũng không được diễn. Liên hoan Orfei vàng ở Bungary là liên hoan ca nhạc quốc tế uy tín nhất trong hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa, kể cả Âu châu, tôi được mời đích danh nhưng Bộ Văn hóa không cho đi. Tất cả xa lánh tôi. Chưa lúc nào tôi cảm thấy đơn độc như lúc này. Sự nghiệp cũng coi như mất hết, sạch sành sanh.
Gia đình tôi họp năm lần bảy lượt yêu cầu tôi ly dị chàng. Ba tôi ra tối hậu thư: “Thằng này lừa đảo, mày phải bỏ nó. Nếu mày còn muốn sống với nó có nghĩa là mày là con lừa đảo. Thì thôi, không còn gì để nói nữa rồi”. Cùng đường rồi. Lúc đó tôi nghĩ chỉ có con đường chết. Mỗi lần từ nhà phố Huế về nhà chồng là mỗi lần khóc ròng. Có lần nhìn xe tải đi ngược chiều tôi chỉ muốn lao đầu vào. Nhưng rồi nghĩ lại, ai cũng nghĩ mình dính dáng với chàng, mình chết đi ai thanh minh cho mình? Nhờ nghĩ vậy mà vượt qua được cái chết thoáng trong đầu.
Phải ly dị thôi, tôi quyết định. Một chiều cơm xong tôi nói: “Em không thể sống như thế này được. Nợ nần là một chuyện, cái chính là em phải hiểu anh đã làm cái gì để dẫn đến tình trạng như thế này". Chàng hỏi: “Em hiểu để làm gì?” Tôi chán ngán nói thẳng: “Tụi mình chia tay thôi, không còn con đường nào khác". Chàng đang ngồi cạnh tủ liền vớ cái kéo đâm vào cổ. Tôi sợ quá hô hoán lên, gọi bố mẹ chồng đến. Chàng cũng cùng đường rồi, thâm tâm tôi rất thương chàng nhưng việc sống với nhau là không thể.
Tôi không dám chia tay theo kiểu nói chính thức như thế nữa. Tôi về nhà nói với ba má: “Con quyết định rồi, con sẽ chia tay". Ba má nói: “Tốt quá, mừng quá. Mất của phải cứu lấy con". Ba má lên kế hoạch trước mắt phải tách hai đứa ra cái đã. Nhân một buổi đi xem diễn ở Nhà hát lớn, ba má cũng đi xem, sau đó tôi theo ba má về phố Huế luôn. Các cụ cử Ái Xuân sang nhà chàng nói: “Chị Vân đi xem bị cảm lạnh, phải về phố Huế nằm nghỉ”. Tôi ở luôn bên đó và viết đơn ly dị. Mấy hôm sau ba và anh Sơn sang số 8 Trần Hưng Đạo lấy đồ đạc của tôi về.
Khi theo thủ tục của tòa phải gặp nhau hòa giải, chúng tôi chọn nhà bố mẹ vợ anh Hà Quang Sơn ở Nguyễn Du. Tôi rất sợ chàng lại làm liều nên phải cậy nhờ công an. Giám đốc Sở công an Hà Nội lúc ấy là chú Lê Nghĩa rất quý gia đình tôi. Lên gặp chú Nghĩa, tôi nói: “Cháu chỉ sợ anh ấy làm liều. Nhờ chú giúp đỡ.” Chú bảo: “Cái này không phải nhiệm vụ công an, nhưng vì bảo vệ gia đình, và bảo vệ cháu nên các chú sẽ cử hai công an đứng sau cánh cửa, nếu có chuyện gì nguy hiểm, cháu cứ kêu lên, họ sẽ xông vào can thiệp”.
Cuộc hòa giải êm thấm. Chúng tôi ngồi nói chuyện ở trước cửa nhà, rất yên tâm vì biết đằng sau cánh cửa là hai anh công an. Cuộc nói chuyện nhẹ nhàng vì cuối cùng chàng hiểu ra và chấp nhận. Chắc chàng thấm đủ lắm rồi, suốt mấy năm trời chàng quá thấm đủ. Ngày chia tay chàng đến nhà đón tôi đi, hai đứa lên tòa ở Hàng Trống, Hoàn Kiếm. Nghe tòa tuyên và ký một số giấy tờ rồi chở nhau đi ăn bún chả ở Hàng Mành. Tôi mua tặng chàng cái kính râm. Cuộc chia tay lặng lẽ và lịch sự.

Tự truyện Ái Vân (phần 6): Nỗi đau bị mất căn nhà yêu dấu

Ngôi nhà của chúng tôi đã mất, vì sự nhẹ dạ cả tin của ba má tôi mà nó đã biến mất trước sự ngơ ngác đắng cay của các thành viên trong gia đình tôi.
Nói hay không nói nỗi đau mất mát này trong cuốn sách nhỏ của tôi? Tôi đã trăn trở rất nhiều điều này. Dù sao đây cũng là cuốn tự truyện ghi dấu những kỷ niệm của tôi, của gia đình và bạn bè. Chuyện mất nhà của gia đình có vẻ không thích hợp cho cuốn sách thuần túy văn chương này. Nghĩ đi là vậy, nghĩ lại thì thấy nếu bỏ qua việc mất nhà, chính xác là bị cướp mất nhà, chính là bỏ qua một mất mát to lớn, một nỗi đau dai dẳng của gia đình tôi.
Khu nhà 36-38 Phố Huế rất rộng, thực tế gia đình tôi chỉ sống ở nhà số 36 với diện tích 136 mét vuông, còn nhà số 38 với diện tích 600 mét vuông chỉ dùng làm sân chơi. Sau năm 1945 ba tôi cho làm sàn nhảy Paramount rất nổi tiếng, hằng đêm thanh niên Hà Nội tụ tập về đây rất đông. Mãi đến năm 1952, Gánh hát Ái Liên sau nhiều năm lưu diễn khắp Đông Dương về “định cư” ở Hà Nội, ba dùng mảnh đất 600 mét vuông của nhà 38 xây Rạp Ái Liên. Giấy phép và họa đồ số 580 cho xây rạp Ái Liên được Sở Công chính Hà Nội cấp ngày 26/5/1952 vẫn còn đấy.

tu-truyen-ai-van-phan-sau-mat-can-nha-yeu-dau
Cha mẹ của Ái Vân - Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên và ông Hà Quang Định - bên chiếc xe hơi riêng thời gia đình vẫn còn sung túc năm 1949, ở Hà Nội.
Gánh hát Ái Liên tan rã vào cuối năm 1953. Ba tôi chuyển sang làm phim, ông sử dụng Rạp Ái Liên làm trụ sở Hãng Vietfilm. Sau Giải phóng Thủ đô năm 1954 Hãng Vietfilm cũng tan rã nốt. Ngay sau đó Đoàn Ca kịch liên khu 4 từ Thanh Hóa trở về Thủ đô, mượn ngôi nhà này làm nơi tập luyện và biểu diễn. Cái tên Đoàn ca kịch liên khu 4 thoạt nghe dễ nhầm đó là đoàn văn công địa phương, thực chất nó là đoàn văn công chủ chốt của cách mạng, giống như Đoàn văn công Giải phóng vậy. Đó là đoàn ca kịch Trung Ương, cốt lõi của cách mạng, “dùng nghệ thuật để làm công tác tuyên truyền cách mạng”.
Khi Đoàn Ca kịch liên khu 4 hỏi mượn ngôi nhà 38 làm trụ sở và rạp hát, ba má tôi rất phấn khởi. Còn bao nhiêu vốn liếng ba tôi bỏ ra tu sửa rạp, mua thêm ghế ngồi, lắp quạt trần, trang bị âm thanh cho rạp hát. Má tôi và chị Ái Loan cũng đầu quân vào Đoàn Ca kịch liên khu 4, coi đây như gánh hát của gia đình rất gần gũi thân thiết.
Một thời gian sau Vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa đề nghị cho Vụ thuê, tiền thuê nhà mỗi tháng là 24 đồng. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng ba má chấp thuận vì đây là nơi diễn của hai má con Ái Liên, Ái Loan. Nhờ có rạp hát bà ngoại cũng có việc làm. Bà ngoại bán các thứ lặt vặt trong rạp: kẹo, bánh, ô mai, mía, trái cây… cho khách đến xem cũng có đồng vào đồng ra.
Ngày 3 tháng 5 năm 1959, ông Mai Vy vụ phó Vụ Nghệ thuật viết cho ba má một tờ giấy là văn phòng Bộ định sửa chữa nhà 38 phố Huế, muốn “mượn” giấy tờ ngôi nhà. Ba má tôi vui vẻ đưa liền không nghĩ ngợi gì. Từ đó giấy tờ nhà không trả lại, đòi thế nào cũng không trả lại. Rồi Vụ Nghệ thuật ra thông báo không thuê nhà 38 nữa mà “chuyển lên Bộ quản lý”. Tưởng “Chuyển lên Bộ quản lý” thế nào, té ra Bộ tiếp tục đưa Đoàn múa rối đến diễn ở đây. Đoàn múa rối bỏ đi thì Bộ nhanh chóng biến nơi đây thành nhà ăn tập thể, rồi dần dà cho các gia đình cán bộ, công nhân viên của Bộ Văn hóa tới ở. Biến nơi đây thành một khu tập thể nho nhỏ của Bộ Văn hóa. Nhà 38 phố Huế của tôi mất trắng từ đó.
Liên tục trong những năm 1970-1980-1990, ba tôi đã có nhiều đơn khiếu nại gửi Bộ Văn hóa để đòi lại toàn bộ diện tích 600 mét vuông mà Bộ Văn hóa chiếm giữ và sử dụng trái phép, nhưng không ai giải quyết. Buồn cười nhất là ngày 24-1-1989 gia đình nhận được “Giấy chứng nhận diện tích nhà được để lại sau cải tạo nhà cửa” số 55/ QLCS của UBND TP Hà Nội với nội dung gia đình tôi chỉ được sử dụng 130 mét vuông trong tổng diện tích 756 mét vuông vốn thuộc quyền thừa kế hợp pháp của ông Hà Quang Định. Tại sao chúng tôi chỉ được sử dụng 130 mét vuông? Còn diện tích 626 mét vuông cũng là đất thừa kế của ba tôi lại không được sử dụng?...

tu-truyen-ai-van-phan-sau-mat-can-nha-yeu-dau-1
Ái Vân và cha - ông Hà Quang Định - trong một lần đi biểu diễn ở Pleiku.
Năm 2000 anh Hà Quang Văn, anh trai thứ tư của tôi, được thông báo cho mua ngôi nhà số 68 Trúc Đường, khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh với giá một tỷ đồng (Nhà của Bộ Văn hóa bán phân phối cho cán bộ trong ngành. Anh Văn là hiệu trưởng Trường sân khấu điện ảnh Thành phố HCM nên có tiêu chuẩn được Bộ phân phối cho mua nhà này). Nhưng khi nhận được đơn khiếu nại của ba tôi (ông Hà Quang Định) về căn nhà 36-38 phố Huế, Bộ Văn hóa thông tin đã có văn bản trả lời rằng căn nhà 68 Trúc Đường cấp cho ông Hà Quang Văn là “để bù vào một phần diện tích tại 36-38 phố Huế mà gia đình ông đã hiến cho Nhà nước”...
Năm 1998-1999 ba tôi đã có đơn khiếu nại trực tiếp gửi ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Văn Kiệt. Ông Phạm Văn Đồng đã có trao đổi với Bộ Văn hóa trên tinh thần ủng hộ “về phương diện chính sách đối với gia đình có công với cách mạng trên mặt trận văn hóa nói chung và tình cảm nói riêng". Bộ Văn hóa có cho gia đình biết rằng Bộ đang có khó khăn về nhà đất nên Bộ chưa giải quyết được. Sau đó Bộ lại thông báo có thể giải quyết đền bù bằng tiền mặt. Từ đó đến nay là năm 2015 vẫn hoàn toàn không có một động thái nào từ phía Bộ Văn hóa. Lời hứa vẫn chỉ là hứa suông.
Ngôi nhà của chúng tôi đã mất, vì sự nhẹ dạ cả tin của ba má tôi mà nó đã biến mất trước sự ngơ ngác đắng cay của các thành viên trong gia đình tôi. Ba tôi không là kẻ khờ khạo, trái lại ông rất thông minh, láu lỉnh. Ba bán ô tô cho Hãng Renault, bán xe đạp cho Hãng Dura Mercier, làm ông bầu cho Gánh hát Ái Liên, làm ông chủ Hãng Vietfilms, nhờ lắm “mẹo vặt” mà ba thoát được nhiều khó khăn bất thường. Nhưng với ngôi nhà này... ba tôi trở thành người khờ dại và ngây thơ. Bao nhiêu “mẹo vặt” của ba cũng không thể giữ được ngôi nhà.
Năm 2007 ba tôi chuẩn bị về trời, ông cho gọi con cháu về đầy đủ. Ba lần lượt cầm tay các con, nói: “Ba má không có gì để lại cho các con hết, chỉ có khu nhà 36- 38 phố Huế nhưng đã bị người ta lừa lấy gần hết. Tại ba nhẹ dạ cả tin…". Ba nghẹn lại không nói thêm được lời nào nữa, nước mắt lưng tròng. Ít lâu sau ông đi.
Phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5, còn tiếp...

Tự truyện Ái Vân (phần cuối): Cuộc sống thời đào hầm tránh bom

Buồn cười nhất là thằng Quân con anh Hồng điếc và chị Sơn, mỗi lần báo động chạy xuống hầm đều cầm theo lọ đường, hỏi tại sao thì nó bảo: mẹ cháu bảo ngộ nhỡ bị bom vùi thì có đường ăn là không lo chết đói.
Chừng năm, sáu tuổi tôi không còn thấy Rạp hát Ái Liên hay Hãng Việtfilm nữa, cả Đoàn văn công Liên khu 4 cũng đi đâu mất. Lúc này nhà 38 được sử dụng làm sân khấu múa rối. Người ta đã nâng lớp sàn gỗ lên để phù hợp cho phần biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Tôi vẫn được xem múa rối hằng đêm. Thế giới những con rối là thế giới kỳ lạ đầu tiên tôi được biết. Gầm sân khấu múa rối cũng là nơi chúng tôi chơi trốn tìm. Những đêm đoàn múa rối nghỉ diễn, anh em chúng tôi cùng đám bạn ngoài phố về đây chơi trốn tìm, cãi nhau chí chóe, rất vui.
Khu nhà 38 rộng, có đến 600 mét vuông, xung quanh sân khấu múa rối vẫn thừa nhiều đất. Để cải thiện bữa ăn, ba má tôi nuôi lợn, nuôi ngỗng, thỏ, gà và trồng một giàn nho xanh mướt, cây lá che kín khắp cả miếng sân trước nhà. Chiều chiều, mấy anh em tôi mang thùng sang Đoàn Cải lương Nam bộ số 23 Ngô Thì Nhiệm xin nước gạo về để nấu cám cho lợn ăn. Nhớ mãi khi còi Nhà hát lớn rúc lên cũng là lúc đàn gia súc nhà tôi lên tiếng. Lợn kêu đòi bữa. Ngỗng nghe lợn kêu cũng quang quác kêu theo. Và con gà mái nhảy ổ cục tác váng nhà. Vui quá là vui!
Bỗng đâu nhà 38 bị biến thành bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa. Mảnh sân nhà, nơi chất đầy kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ của chúng tôi, giờ chật ních mấy chục chiếc xe đạp của nhân viên Bộ Văn hóa tới ăn bếp ăn tập thể. Vậy là bao nhiêu lợn, gà, ngỗng, thỏ và cả giàn nho xanh um mướt mát đều bị phá bỏ và lên mâm.

Hai chị em Ái Vân (trái) và Ái Xuân thời nhỏ.
Hai chị em Ái Vân (trái) và Ái Xuân thời nhỏ.

Tôi yêu quý những chú thỏ vô cùng, con vật xinh đẹp đáng yêu là thế cũng bị cho vào nồi, nên tôi nhất quyết không ăn. Anh Thành cũng vậy. Khi con lợn mà anh Thành hàng ngày chăm sóc bị giết mổ, anh đã khóc hu hu, rồi trốn khỏi nhà một mạch từ sáng tới đêm mới quay trở về.
Ngày ngôi nhà 38 bị trưng dụng thành nhà ăn tập thể là ngày tang tóc của bọn trẻ chúng tôi. Chị Mai, anh Thành khóc thương con lợn bị giết. Tôi khóc thương đàn thỏ bị làm thịt. Ái Xuân khóc thương đàn ngỗng “xinh ơi là xinh” của nó.
Anh em chúng tôi khóc lóc kiên quyết không ăn thịt các con vật mà chúng tôi đã nuôi và chăm sóc, nhưng rồi cuối cùng đói quá cũng phải ăn. Cái thời đến mỡ cũng không có mà ăn nói gì đến thịt. Khi anh Thành chị Mai đành phải quyết định ăn thịt lợn thì vừa thút thít khóc vừa ăn. Tôi vẫn kiên quyết không ăn thịt thỏ dù bà ngoại dỗ dành thế nào. Nhưng khi cả nhà ngủ hết, đói quá, tôi đành lò dò xuống bếp mò ăn thịt thỏ quay, ăn xong lại ngồi khóc tu tu.
Riêng hai chú ngỗng sau khi “bị” hóa kiếp thì được bà ngoại tôi lấy mỡ ngỗng rán lên, bỏ vào cặp lồng. Bếp ăn tập thể bữa nào nấu cơm có cháy, bà xin về, lấy mỡ ngỗng rưới lên trên cơm cháy rồi cho lũ cháu chúng tôi ăn. Trong ký ức của mấy anh em tôi, mỡ ngỗng ăn với cơm cháy đã trở thành món ăn kỷ niệm ngon nhất trong những ngày mùa đông giá rét ở Hà Nội.
Lúc này chẳng những nhà 38 bị chiếm dụng mà một phần gác trên của nhà 36 cũng bị Bộ văn hóa “bố trí” cho ba gia đình của Bộ tới ở. Cuối năm 1967 Bộ Văn hóa rút luôn nhà ăn tập thể, dần dà cấp đất cấp nhà cho các gia đình của Bộ về đây ở mà không thèm hỏi ba má tôi một câu nào. Lúc này chẳng những nhà 38 bị chiếm dụng mà phần lớn gác trên của nhà 36-38 cũng bị “bố trí” cho các gia đình của Bộ. Ba má tôi phản đối, đơn từ khiếu kiện rất nhiều nhưng chẳng ăn thua, đành thủ phận sống chung với lũ. Gia đình chung sống rất hòa thuận với khu tập thể của Bộ Văn hóa, bản thân các gia đình này không có lỗi, họ cũng làm theo sự cấp phát nhà đất của Bộ Văn hóa mà thôi.
Kể từ khi biến thành khu tập thể, nhà 36-38 phát sinh nhiều khó khăn mới trước đây chưa từng có, đặc biệt là nước và vệ sinh.
Cái vòi nước ngày xưa chỉ là chỗ rửa chân cho chúng tôi mỗi khi đi chơi về, nay là vòi nước chung của cả xóm. Suốt ngày đêm luôn luôn có một dãy xô chậu xếp hàng lấy nước. Rồi nước thành phố cấp cũng yếu dần, lắm lúc chỉ nhỏ giọt hứng cả giờ không đầy xô. Bí thế phải đào giếng. Thế rồi cái giếng nước trở thành nơi sinh hoạt của xóm. Lâu ngày nó giống như một hãng thông tấn. Ai muốn biết thông tin thời sự cứ ra đấy ngồi hóng chuyện, biết hết. Cái nhà vệ sinh cũng trở thành hãng thông tấn. Sáng nào cũng vậy, cả mấy chục người sắp hàng dài trước nhà vệ sinh, mỗi người một tờ báo đọc và chuyện trò đợi đến lượt mình. Đàn bà con gái ớn nhất mấy vụ này nhưng chẳng biết sao, đành “ngồi trên hố xí đợi ngày mai”. Lâu ngày cũng chai mặt, cũng sắp hàng chuyện trò ỏm tỏi, hứng lên còn hát nữa.
Rồi chiến tranh, hết sơ tán tới đào hầm. Xóm nhà 36-38 chúng tôi đào hầm ngay nền nhà ăn tập thể, tức là sân khấu rạp hát xưa kia. Chiếc hầm chiếm trọn chiều ngang gian nhà, được trát xi măng rất kiên cố. Hầm rộng, có thể chứa được khoảng 20 người. Những lần có báo động, người lớn trẻ con hốt hoảng xuống hầm. Về sau, khi đã quen, việc chạy xuống hầm đã thành bình thường, thậm chí nhiều người còn mang cơm xuống ăn uống và chuyện trò rôm rả. Cái hầm lại trở thành một hãng thông tấn. Muốn biết thông tin từ thượng vàng đến hạ cám cứ chui xuống hầm. Người lớn đàn ông cũng già chuyện như ai. Lúc đầu thấy kỳ kỳ, dần dần cũng thấy chuyện đó là bình thường. Buồn cười nhất là thằng Quân con anh Hồng điếc và chị Sơn, mỗi lần báo động chạy xuống hầm đều cầm theo lọ đường, hỏi tại sao thì nó bảo: mẹ cháu bảo ngộ nhỡ bị bom vùi thì có đường ăn là không lo chết đói.
Có những thứ cực khổ vô cùng khi qua rồi lại nhớ, đôi khi ước được sống lại với kỷ niệm ngày ấy dù chỉ một lần...

Ông Hà Quang Định (phải, cha của danh ca Ái Vân) đến thăm nghệ sĩ Phùng Há.
Ông Hà Quang Định (phải, cha của danh ca Ái Vân) đến thăm nghệ sĩ Phùng Há.
Ở nhà 36 ba tôi cũng đào một chiếc hầm ngay dưới gầm giường để phòng khi báo động vào ban đêm. Hầm đào trúng phải mạch nước ngầm nhỏ, lúc nào nước cũng lấp xấp nền hầm. Lũ nhỏ chúng tôi phải thay nhau múc nước đổ đi. Bà ngoại đã để sẵn vài chiếc ghế đẩu nhỏ cho các cháu khỏi ướt chân. Khi có báo động, trẻ con được xuống hầm, người lớn thì chui xuống nằm dưới gầm giường, còn ba tôi ở bên trên phủ vội chiếc chăn bông và những chiếc gối, đề phòng có bom bi.
Ngồi ở dưới hầm là cả một cực hình. Căn hầm ẩm ướt, muỗi bay vù vù cắn sưng người. Chúng tôi phải ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu, chân mỏi nhừ. Một lần đang ngủ trưa trên võng, chợt loa truyền thanh vang vang: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50 km! Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu! Mọi người cần nhanh chóng vào hầm trú ẩn và nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của Ủy ban Phòng không nhân dân Thành phố…”. Bình thường khi nào máy bay cách Hà Nội 30 km thì mới phải xuống hầm, nhưng chắc hôm ấy máy bay bay… quá nhanh hay sao đó mà mới cách 50 km thì còi báo động của Nhà hát Lớn đã vang lên.
Cả nhà thi nhau nhảy đại xuống hầm. Tôi đang nằm ngủ trên võng, nhào vội xuống. Vừa cuống vừa ngái ngủ tôi ríu hết cả chân không chạy được, khóc toáng lên: “Má ơi cứu con!” Má tôi vội chạy tới, nửa cõng, nửa kéo lê tôi cố chạy về phía căn hầm tập thể. Má cũng cuống lên chẳng nhích được là bao. Từ trong nhà ba thấy cảnh dở khóc dở cười bèn la lên: “Má con làm gì thế? Buông nhau ra chạy đi!” Má nhìn con, con nhìn má, tự nhiên hai má con bỗng bật cười rũ rượi. Vậy là hết quýnh quáng. Lại chạy được thoăn thoắt xuống hầm. Ba chạy xuống theo. Ông cười nói: “Bây giờ mới hiểu thần hồn nát thần tính là thế nào”.
Tìm được người đàn ông yêu và say vợ như ba yêu má thật hiếm. Chuyện gì ba cũng bắt đầu từ hai tiếng Ái Liên. Ái Liên nói thế này, Ái Liên nói thế kia, hôm qua Ái Liên thế này, bữa trước Ái Liên thế kia. Thời chiến di tản liên tục, để tránh đồ đạc thất lạc, mất mát thứ gì ba đánh dấu tên má bằng hai chữ viết tắt: A.L. Xoong nồi A.L, công tắc điện A.L, xô chậu A.L, thìa muỗng A.L, chén bát A.L… Thậm chí đến cả bức tường của nhà vệ sinh công cộng, ông cũng khắc lên đó hai chữ A.L.
Tháng 8/2011, khi quay trở về Việt Nam, tôi có tới thăm căn nhà phố Huế của mình, vẫn nhìn thấy cái công tắc có chữ A.L được khắc trên đó mà không khỏi phì cười. Cười xong rồi lại nhớ ra khu nhà này không còn nữa, nó đã mất từ lâu rồi. Lại khóc.
https://vnexpress.net/giai-tri/tu-truyen-ai-van-tuoi-day-thi-mo-ve-canh-buom-do-tham-3398011.html

No comments:

Post a Comment