Tòa biệt thự 99 cửa ở Sài Gòn và những bí ẩn chưa giải đáp về giai thoại "con ma nhà họ Hứa"
Tồn tại gần 100 năm nay giữa lòng Sài Gòn, tòa biệt thự bề thế của gia tộc họ Hứa vẫn luôn ẩn chứa những điều bí ẩn khiến không ít người tò mò lẫn sợ hãi mỗi khi nhắc đến những giai thoại gắn với nơi này.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu của thế kỷ XX, Chú Hỏa (1845-1901)
nổi lên như một thương gia tài giỏi và giàu có bậc nhất đất Sài Gòn, ông
được dân gian tôn vinh là một trong tứ đại hào phú: "Nhất Sỹ, nhì
Phương, tam Xường, tứ Hỏa" (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ
Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và Chú Hỏa - Hui Bon Hoa).
Công
ty Hui Bon Hoa và các con của gia tộc họ Hứa đã có một thời gian dài
phát triển rất thịnh vượng, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng
Sài Gòn thời bấy giờ. Không chỉ xây các dinh thự hoành
tráng cho gia đình mình, Chú Hỏa còn xây gần 20.000 căn nhà phố, cùng
hàng loạt công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền, trường học…
phục vụ cho người dân.
Có rất nhiều giai
thoại xung quanh gia đình của vị thương gia gốc Hoa này, thế nhưng có lẽ
giai thoại nổi tiếng nhất và khiến người Sài Gòn luôn hoài nghi mỗi khi
nhắc đến đó chính là: con ma nhà họ Hứa - tấn bi kịch của cô tiểu thư
xinh đẹp Hứa Tiểu Lan.
Giai thoại về bi kịch của nhà họ Hứa
Tôi
vẫn nhớ như in ngày còn nhỏ, bà nội (người Sài Gòn chính hiệu) thường
kể cho tôi nghe về giai thoại khá nổi tiếng này như sau: Chú
Hỏa có 3 người con trai và một cô con gái út xinh đẹp tên là Hứa Tiểu
Lan. Vốn rất yêu thương cô con gái út, nên khi vị tiểu thư này mắc phải
căn bệnh phong cùi, chú Hỏa đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để chữa
chạy cho con. Thế nhưng y học thời bấy giờ chưa phát triển, căn bệnh
của Tiểu Lan xem như vô phương cứu chữa.
Tòa biệt thự của gia đình Chú Hỏa nằm trên 3 con đường Nguyễn Thái Bình - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm (quận 1).
Nhằm
không muốn để lộ việc con gái mình bị bệnh phong cùi, ông Hứa đã giam
lỏng tiểu thư trong một căn phòng tối trên tầng cao nhất của tòa biệt
thự. Hàng ngày, kẻ ăn người ở trong nhà luân phiên nhau đem cơm nước,
quần áo cho tiểu thư thông qua một khe cửa. Và đặc biệt tất cả đầy tớ
đều phải đi lùi và không được nhìn tiểu thư.
Vốn
là một tiểu thư đài các, bỗng nhiên biến thành một quái nhân ghẻ lở
khắp người, bị đẩy vào một căn phòng tách biệt với xã hội, tiểu thư họ
Hứa không ngừng gào khóc trong vô vọng. Người Sài Gòn thời đó mỗi lần đi
ngang qua tòa biệt thự thường cố đi thật nhanh và không dám nhìn lên
căn phòng tối ấy vì sợ gặp phải ánh mắt ghê rợn của tiểu thư.
Thời
gian trôi đi, cô tiểu thư cũng qua đời. Vì thương nhớ con gái, muốn tạo
cảm giác như đứa con yêu thương vẫn còn sống bên mình, Chú Hỏa không
khâm liệm, mà đặt thi hài tiểu thư trong một quan tài bằng đá, nắp đậy
là một tấm kính dày 5cm. Hàng ngày vẫn có một bà vú mang thức ăn lên
phòng như khi Tiểu Lan còn sống.
Vào
ngày giỗ đầu của tiểu thư, Chú Hỏa đặt may một bộ áo đầm trắng, mua con
búp bê biết nháy mắt và một dĩa cơm gà để cúng. Sau khi khách ra về, bà
vú lên phòng dọn dẹp như thường lệ, thì bỗng nhiên bà hét lớn rồi chạy
như ma đuổi xuống dưới, miệng liên tục nói: "Cô chủ về! Cô chủ về!".
Trong căn phòng âm u, nắp hòm bằng kính bị mở ra, con búp bê đứng hẳn trên lồng kính, đôi mắt nháy lia lịa, còn dĩa cơm thì đã vơi đi phân nửa, dù các cửa phòng vẫn khóa chặt từ lúc sáng. Biết
có điềm không lành, gia đình họ Hứa đã bí mật đem thi hài tiểu thư chôn
ở một nơi cách xa thành phố. Và kể từ đó, mỗi khi đêm về người ta lại
nghe thấy những tiếng khóc than ghê rợn phát ra từ phía căn phòng tối
của cô tiểu thư xấu số.
Đó
là toàn bộ giai thoại mà người Sài Gòn vẫn hay truyền tai nhau về hồn
ma nhà họ Hứa. Thế nhưng mãi cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có một chứng
cứ rõ ràng nào xác minh câu chuyện trên là sự thật.
Vào năm 1973,
hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương đã sản xuất bộ phim "Con ma nhà họ Hứa",
với lời giới thiệu là dựa trên bi kịch xảy với gia đình Chú Hỏa. Đây là
bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Sự thành công
ngoài mong đợi của bộ phim càng khiến người ta tò mò về sự thật liên
quan đến gia tộc lừng lẫy bậc nhất đất Sài Thành.
Con ma nhà họ Hứa đạt 4,5 triệu trong ngày đầu tiên công chiếu, nhờ ăn theo câu chuyện của gia đình Chú Hỏa.
Sự thật về oan hồn vương vấn của tiểu thư Hứa Tiểu Lan
Sau
khi nghiên cứu các tư liệu có trên mạng và sách báo, tôi đến tòa biệt
thự cổ của gia đình họ Hứa nằm tại số 97 Phó Đức chính (quận 1) nay là
Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM để tìm lời giải cho những bí ẩn xung quanh
giai thoại Hứa Tiểu Lan.
Trong khuôn viên rộng hơn 4.000 m2 là 3 căn dinh thự với lối kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây hài hòa khiến ta choáng ngợp vì sự bề thế, xa hoa. Tòa
biệt thự này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp tên Rivera vào
năm 1929 và được hoàn thành vào năm 1934, do con trai trưởng của Chú Hỏa
quản lý.
Theo bản thảo ban đầu tòa biệt thự có 100 cánh cửa. Tuy nhiên,
khi duyệt sơ đồ kiến trúc, viên toàn quyền người Pháp bắt buộc phải bỏ
một cửa và không cho mở cửa cổng chính vì cổng này lớn hơn cổng của Dinh
Toàn quyền (nay là Dinh Độc Lập). Tòa biệt thự này cũng là nơi đầu tiên
sử dụng thang máy ở Sài Gòn.
Sau
khi Giải phóng miền Nam, gia tộc họ Hứa di tản sang Pháp để sinh sống.
Ngôi dinh thự này được quân Giải phóng vào tiếp quản, đến năm 1987 thì
dùng làm nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tất
cả các căn phòng trong biệt thự được tận dụng làm phòng triển lãm, tuy
nhiên vẫn có một số căn phòng được đóng kín không sử dụng và dán niêm
phong cẩn thận. Và giờ hoạt động của Bảo tàng khá ngắn, từ 9h đến 17h
mỗi ngày.
Trò
chuyện với bác Biên (bảo vệ Bảo tàng) về câu chuyện xung quanh giai
thoại con ma nhà họ Hứa, chú cho biết: "Câu chuyện được kể từ người này
sang người khác thì đương nhiên sẽ có dị bản. Cũng như chuyện vì sao Chú
Hỏa lại giàu như vậy, trong một thời gian ngắn có thể sở hữu 20.000 căn
nhà mặt phố ở Sài Gòn. Có người kể là do ông ta đi bán ve chai nhặt
được vàng. Có người cho rằng gia tộc ông là gia tộc giữ ngân khố của
triều đình nhà Minh, khi nhà Minh bị Mãn Thanh đánh bại, gia tộc ông Hứa
đem theo số vàng ấy chạy sang Việt Nam để lập nghiệp. Thế nhưng dù vì
lý do nào, nếu Chú Hỏa không tài giỏi trong việc nắm bắt thời cơ và nhạy
bén trong kinh doanh thì ông cũng sẽ không có được một cơ ngơi bề thế
như vậy".
Chú
bảo vệ dẫn tôi ra phía sau tòa biệt thự, nơi có một phiến đá hoa cương
ghi lại vị trí phòng ở của các thành viên trong gia đình họ Hứa. Chú
Biên cho rằng trên tấm đá này không có tên của vị tiểu thư họ Hứa, vì
thế ở đây không có căn phòng ma mà mọi người đồn đại.
Những nhân
viên và người bảo vệ làm việc tại đây cũng cho biết đó chỉ là những lời
đồn được thêu dệt nên để thêm phần gay cấn cho giai thoại này.
"Bệnh
phong cùi của Hứa Tiểu Lan - một căn bệnh hoàn toàn có thể xảy ra với
bất kỳ ai, không ngoại trừ con gái của đại phú hào. Thời đó phong cùi là
căn bệnh vô phương cứu chữa, thế nên chuyện tiểu thư than khóc khi còn
sống là hoàn toàn có căn cứ để tin. Tuy nhiên, dân gian vẫn thường hay
thêm bớt tình tiết để câu chuyện thêm phần liêu trai. Vậy nên khi tiểu
thư đã mất, người ta mới đồn đại nhiều tình tiết vào, nói là oan hồn của
Hứa Tiểu Lan còn vương vấn, nhưng chúng tôi làm việc nhiều năm ở đây
cũng chưa thấy những điều bí ẩn như thế bao giờ" - chú bảo vệ tâm sự.
Quay
lại lịch sử ngôi nhà, chúng ta có thể thấy Chú Hỏa mất năm 1901, nhưng
tòa biệt thự được xây năm 1929, nghĩa là tòa biệt thự này được con trai
ông xây lại trên nền tòa biệt thự cũ, vì vậy sự thiếu vắng căn phòng của
Hứa Tiểu Lan là có thể lý giải được.
Thế nhưng theo một số ghi
chép thì vào năm 2006, một người tên là Eddie Hui-Bon-Hoa (con cháu của
Chú Hỏa) khẳng định ông Hui Bon Hoa chỉ có ba người con trai, lần lượt
mang tên là: Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán
(Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa).
Nghĩa là Chú Hỏa không có người con gái nào cả.
Trong
quyển sách tựa đề là "Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa" của tác giả Phạm Phong
Dinh có viết: "Cô con gái Chú Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan mất vì bệnh nan y,
được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa..."(?)
Vậy
liệu có phải ông Hứa chỉ có 3 người con trai, và sự tồn tại của cô con
gái út chỉ là lời đồn nhảm. Có lẽ bí mật ấy sẽ mãi mãi được chôn theo
Chú Hỏa và những người con của ông dưới những lớp đất sâu. Dù thế nào
chúng ta vẫn luôn biết ơn gia đình Chú Hỏa vì những công trình mà họ đã
để lại cho đời sau - những công trình luôn khiến người Sài Gòn tự hào
mỗi khi nhắc đến.
No comments:
Post a Comment