Việt Nam bên bờ vực khủng hoảng năng lượng?
Việt Nam vừa ký với
công ty khí ga Novatek của Nga để phát triển một dự án năng lượng tại
Ninh Thuận, sử dụng khí ga hóa lỏng tự nhiên của Việt Nam, theo trang Oilprice.com.
Theo
đó, dự án sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có và phát triển cơ sở hạ tầng
mới, bao gồm xây dựng trạm khí ga hóa lỏng và các nhà máy nhiệt điện khí
đốt mới ở Việt Nam.
Chủ tịch Novatek, ông Leonid Mikhelson, lưu ý
rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam tạo ra nhu cầu năng lượng
bổ sung, điều này có thể được đáp ứng một cách bền vững bằng cách phát
triển các dự án sản xuất khí ga tích hợp, bài viết trên trang
Oilprice.com cho hay.
Tác
giả bài viết, Tim Daiss, một nhà báo chuyên phân tích thị trường dầu
khí tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, bình luận rằng sự hợp tác này
diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang ở trên bờ của khủng hoảng năng
lượng.
"Do tăng trưởng cả về kinh tế và dân số, Việt Nam có nhu
cầu ngày càng lớn về năng lượng, và đang phải tìm các nguồn năng lượng
thay thế để bù đắp lại thiếu hụt trong sản xuất khí đốt nội địa," ông
Tim Daiss viết.
"Ví dụ như Việt Nam phải chuyển sang năng lượng
gió, năng lượng mặt trời, và khí ga hóa lỏng tự nhiên để đa dạng hóa các
nguồn năng lượng... Vấn đề đối với Việt Nam không phải là họ không có
trữ lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi dồi dào, mà do chúng nằm trong
vùng biển mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền... Bắc Kinh đã cản trở các
kế hoạch của Việt Nam hai lần trong vài năm qua bằng các đe dọa cả về
kinh tế và quân sự nếu Việt Nam tiếp tục hai trong số các dự án sản xuất
khí đốt gần như đã hoàn thiện."
Hồi tháng 3/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã buộc phải dừng dự án khí đốt Cá Rồng Đỏ hợp tác với công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc.
Địa
điểm đặt giàn khoan nằm trong Lô 07/03, nơi Việt Nam và các công ty con
của Repsol trước đó từng ước tính là có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và
172 tỷ feet khối khí gas.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng 7/2017.
'Bên bờ khủng hoảng năng lượng'?
"Nói là khủng hoảng thì chưa phải, mà là Việt Nam sẽ
có các khó khăn [về năng lượng]," Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thanh, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ xanh nói với BBC hôm 29/5.
"Nói
nguy cơ khủng hoảng năng lượng thì nước nào trên thế giới cũng có nguy
cơ. Chỉ khi nào con người chủ động được các nguồn năng lượng từ tự nhiên
thì mới cải thiện được. Vì các mỏ than, gas, dầu khí khai thác mãi rồi
cũng cạn kiệt. Ngoài ra khai thác năng lượng từ các nguồn này gây ô
nhiễm môi trường trầm trọng."
Về các dự án khí đốt, ông Thanh cho rằng 'lợi bất cập hại'.
""Tôi
e rằng dùng khí hóa lỏng cũng gây ảnh hưởng môi trường vì nó là khí
đốt, là một lý do làm trái đất nóng lên, gây ra các hiện tượng cực đoan
như El Nino, La Nina. Các nhà máy khí đốt giống như một cái lò tỏa
nhiệt, ngoài ra còn khói bụi. Tôi cho rằng Nga có tiềm năng khí đốt rất
lớn nên có thể họ muốn tuyên truyền thôi."
"Ngoài ra để làm các
nhà máy khí đốt còn phải có đường ống dẫn, và như thế không an toàn cho
con người. Trong khi điều kiện nước ta làm các bồn chứa, đường ống không
tốt thì rất nguy hiểm."
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ
các nước như Trung Quốc, Lào. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu
than cho sản xuất điện và nhu cầu này sẽ ngày càng tăng, theo Tổng công
ty Điện lực Việt Nam.
Việt Nam cũng bắt đầu phát triển một số dự
án điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận, Ninh Thuận, tuy nhiên công
suất không lớn.
Mới đây, dự án điện mặt trời tại Đầm Trà Ổ, Bình Định vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân địa phương do lo ngại nguy cơ ô nhiễm nước từ các tấm pin.
'Cần đa dạng các nguồn năng lượng'
Trong bối cảnh đó, ông Thanh cho rằng Việt Nam cần
đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đặc biệt cần tập trung vào các tiềm
năng sẵn có như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện.
"Theo
tôi, nếu Việt Nam phát triển được hệ thống điện mặt trời thì vấn đề
thiếu năng lượng sẽ không lớn lắm. Nhưng vừa rồi có phát sinh một số vấn
đề không hay, người dân sợ rằng sử dụng năng lượng mặt trời thì sẽ phát
sinh ô nhiễm môi trường nước từ các tấm pin, họ lo pin chảy ra rồi có
axit hoặc chất nọ chất kia thấm vào nước" ông Thanh nói.
"Tôi cho
rằng nhà nước nên có thái độ rõ ràng về năng lượng mặt trời. Năng lượng
này rất tốt, lợi nhiều hơn hại. Các tỉnh phía nam lượng nắng trong ngày
mạnh, thời gian nắng dài thì phát triển điện mặt trời tốt."
"Nhưng
do đầu tư cho năng lượng mặt trời đắt nên ít người dùng. Ví dụ để lắp
một bình nóng lạnh ở thành phố thì cần bỏ ra 20 triệu cho tấm pin mặt
trời loại nhỏ, nếu không, có thể phải đến 50 triệu."
"Ngoài ra Việt Nam có bờ biển dài, có thể phát triển điện gió. Hiện mới chỉ một số nơi như Bình Thuận lắp đặt các cột thu gió."
"Bên
cạnh đó, Việt Nam cũng nên tận dụng phát triển thủy điện do có nhiều
sông hồ, mùa mưa có lũ, phải tranh thủ khai thác. Nên phát triển ở tầm
quốc gia. Tất nhiên làm thủy điện lớn sẽ tạo ra các lưu vực hồ, nó có
thể có một diện tích lớn cây cối bị chết, nhưng bù lại cải tạo được khí
hậu ở vùng đó, và nuôi được thủy sản."
Tin liên quan
- Việt Nam 'bỏ dự án Cá Rồng Đỏ' ở Biển Đông
- VN ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' sau Cá Rồng Đỏ?
- VN cần hợp tác khai thác hay đưa ra LHQ?
- Bình Định: Dân xô xát với công an phản đối điện mặt trời ở Đầm Trà Ổ
- Điện mặt trời Bình Định: Dự án tạm dừng vì dân phản đối
- 'Căng thẳng biển Đông ảnh hưởng hoạt động của PVN'
No comments:
Post a Comment