Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 27 July 2019

BA BẢI  THƠ, MỘT TÂM TRẠNG
SON TRUNG


Ba bài thơ này nói lên tâm trạng của những người mất người yêu.

I. KHÓC THỊ BẰNG
 Ới thị Bằng ơi đã hết rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.

Về tác giả bài thơ này, một số sách chép của vua Tự Đức khóc Bằng phi, một số cho rằng của Nguyễn Gia Thiều khóc khóc nàng Bằng Cơ, một người vợ lẽ của ông. Nhận định bài thơ này là của Tự Đức có lẽ bắt đầu từ Phan Khôi trong bài Nam âm thi thoại đăng trên Nam Phong tạp chí số 8 (2-1918), sau in thành sách Chương dân thi thoại (1936) và có thể được nhiều sách dẫn lại, trong đó có Văn đàn bảo giám (Trần Trung Viên, 1926), Quốc văn trích diễm (Dương Quảng Hàm, 1925), Văn học Việt Nam (Dương Quảng Hàm, 1939).

Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy bài thơ này không phải của Tự Đức. Xét trong các phi tần của ông, không có ai là Bằng phi.

Nhà nghiên cứu Châu Hải Đường dẫn sách Xuyết thập tạp ký 掇拾雜記 của Lý Văn Phức phần viết về Nguyễn Gia Thiều có đoạn chép “Lại có câu khóc vợ rằng: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng; Xếp tàn y lại để dành hơi”, cho rằng Lý Văn Phức từng làm quan dưới triều Tự Đức, nên khó có thể chép nhầm việc này.

Trong Thi văn bình chú (1942), Ngô Tất Tố cũng nhận định: “Xét ra vua Tự Đức cũng ít khi làm thơ quốc âm. Coi tập Việt sử tổng vịnh và những nhời phê của ngài ở bộ Việt sử Khâm Định, thì biết tính ngài rất bệ vệ, lúc nào cũng muốn tỏ mình là đấng anh quân. Với cái tính kiểu sức ấy, chắc không khi nào ngài chịu dùng những chữ tình chữ duyên để khóc một người đàn bà. Huống chi thơ vua Tự Đức rất dở, cả tập Việt sử tổng vịnh không được mấy bài nghe được. Vậy mà bài này lại là một bài rất hay, có lẽ sức ngài không thể làm nổi.”

Quách Tấn trong Hương vườn cũ lại có thông tin rằng đây là thơ của Tự Đức, trong đó hai câu trên sửa từ hai câu nguyên gốc của Nguyễn Gia Thiều là “Đập mảnh gương xưa tìm lấy bóng, Xếp manh áo cũ để dành hơi”, và câu thơ của Nguyễn Gia Thiều vốn dịch từ hai câu chữ Hán của Trần Danh Án: “Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh, Trùng phong khâm tử hộ dư hương”.

 Bài thơ này lời thiết tha và nghiêm nhặt tỏ ra khí độ của một quốc vương cho nên người ta tin rằng tác giả là vua Tự Đức.

II.ĐINH HÙNG * GỬI NGƯỜI DƯỚI MỘ

Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.

Em mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu,
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa.

Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn.

Em hãy cười lên vang cõi âm,
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm.
Những hồn phiêu bạt bao năm trước,
Nay đã vào chung một chỗ nằm.

Cười lên em!
Khóc lên em!
Đâu trăng tình sử,
Nép áo trần duyên?
Gót sen tố nữ
Xôn xao đêm huyền.
Ta đi, lạc xứ thần tiên,
Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh.

Ta gởi bài thơ anh linh,
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?

Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết trinh!
Mê em, ta thoát thân hình,
Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm.

Em có vui thêm?
Em có buồn thêm?
Ngồi bên cửa mộ,
Kể cho ta biết nỗi niềm.

Thần chết cười trong bộ ngực điên,
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền.
Nỗi lòng xưa dậy tan Thanh Vắng.
Hơi đất mê người - Trăng hiện lên.


III. HỮU LOAN *MÀU TÍM HOA SIM

Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...

1949

Bài thơ này có nhiều dị bản truyền tụng khác nhau, đây đã được xác nhận là bản gốc. Bài thơ này đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh, Nguyễn Đặng Mừng, Thu Hồ, Hồng Vân...

Vợ tác giả tên thật là Lê Đỗ Thị Ninh, là con gái cụ Lê Đỗ Kỳ. Lê Đỗ Kỳ cùng công tác tại Uỷ ban tỉnh Thanh Hoá sau Cách mạng tháng Tám với Hữu Loan. Cụ Kỳ nguyên là Chánh Thanh tra Lâm nghiệp toàn Đông Dương. Cụ Kỳ có nhiều con trai là sỹ quan quân đội Nhân dân VN nổi tiếng: Con trai cả là Lê Đỗ Khôi, hy sinh tại Điện Biên Phủ 5 tiếng đồng hồ trước khi quân ta cắm cờ trên sở chỉ huy của Pháp. Tiếp đó là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Hồng Cư. Em ông Cư là Lê Đỗ An, tức Nguyễn Tiên Phong, sau là Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM. Em ông Nguyên là Đại tá Lê Đỗ Thái. Hai ông Hồng Cư và Lê Đỗ Thái hiện sống ở Hà Nội và đều lấy con gái GS. Đặng Thai Mai.

Nguồn: Màu tím hoa sim, NXB Văn học, 1990

No comments:

Post a Comment