Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Showing posts with label BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 552. Show all posts
Showing posts with label BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 552. Show all posts

Thursday, 4 April 2019

Thủ tướng Anh tìm cách trì hoãn Brexit



Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại Quốc hội ở London, ngày 20/3/2019.


Thủ tướng Anh, Theresa May, ngày 20/3 yêu cầu trì hoãn Brexit 3 tháng để mua thời gian cho thỏa thuận Anh rời khỏi EU vốn đã bị Quốc hội bác hai lần. Tuy nhiên yêu cầu này bị Ủy ban châu Âu từ chối ngay tức khắc.
Lâu nay bà May vẫn kiên quyết khẳng định Anh sẽ rời khỏi Liên hiệp Châu Âu vào ngày 29/3/2019. Thế nhưng trong nỗ lực giải quyết tiến trình ly khai đang trì trệ, bà May ngày 20/3 cho biết đã viết thư cho người đứng đầu EU, ông Donald Tusk để yêu cầu gia hạn 3 tháng.
Theo một tài liệu Reuters trông thấy-EU cương quyết nói rằng việc trì hoãn hoặc gia hạn đến ngày 23/5 để tránh xung đột với những cuộc bầu cử tại châu Âu diễn ra trong tháng đó, hoặc ít nhất trì hoãn cho đến cuối năm, buộc Anh phải tham gia.
Bà May nói trì hoãn Brexit không loại bỏ hẳn khả năng ‘không có thỏa thuận’ nhưng bà dự trù mang thỏa thuận đã hai lần bị đánh bại trở lại Quốc hội Anh, nhưng bà không cho biết thời điểm.
Ngay cả khi bà May được dành thêm thì giờ, phe ủng hộ Brexit cũng chống lại việc trì hoãn lâu hơn vì có thể gặp nguy cơ xảy ra kịch bản không có Brexit.
Những người còn lại sẽ ủng hộ một sự trì hoãn vì lý do ngược lại. Điều này có nghĩa là có khả năng không có Brexit- hay có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về yêu cầu trì hoãn của bà May tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cuối tuần này.

Diễn đàn Facebook

 https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-anh-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-tr%C3%AC-ho%C3%A3n-brexit-/4840213.html



Dân biểu gốc Việt vinh danh Cựu Chiến binh Việt Nam


Từ trái sang, các Dân biểu bang Georgia: Al Williams, Bee Nguyễn và Bill Hitchens. Photo Twitter Bee Nguyen
Dân biểu bang Georgia gốc Việt Bee Nguyễn tri ân những cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, và những ân nhân thời hậu chiến đã giúp gia đình bà đến Mỹ tị nạn.
Hôm 29/3, nữ dân biểu gốc Việt Bee Nguyễn, đại diện Hạt 89 của bang Georgia viết trên Twitter: “Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, tôi muốn tri ân bố tôi vì đã từng phục vụ như một trung úy trong quân y; cựu binh Dwight Frideres, đã giúp gia đình tôi định cư, xin tri ân cựu chiến binh Al Williams & đại tá Bill Hitchens hiện đang là dân biểu Hạ viện bang Georgia.”
Dân biểu Bee Nguyễn chia sẻ với VOA:
“Cha mẹ tôi là thuyền nhân, rời bỏ Việt Nam đi vượt biên vào cuối những năm 1970. Họ được một nhà thờ Công giáo ở bang Iowa bảo trợ người di cư đến Hoa Kỳ. Tôi sinh ra tại Iowa vào năm 1981, khi ấy cha tôi làm tới hai công việc khác nhau để nuôi gia đình.”
Bà cho biết thân phụ của bà từng phục vụ trong quân y Việt Nam Cộng Hòa và sau năm 1975 ông bị chính quyền cộng sản đưa vào trại tù cải tạo 3 năm, sau khi tước giấy hành nghề dược sĩ.
“Ông bị giam trong trại cải tạo ở Việt Nam sau năm 1975, ông bị bỏ đói, bị kết án lao động khổ sai, và bị ép phải học thuộc lòng học thuyết Cộng sản.”
Bee Nguyễn viết trên Facebook: “Cựu binh Dwight Frideres và vợ ông, bà Judy Frideres, đã đồng bảo trợ cho gia đình thân mẫu tôi tái định cư đến Hoa Kỳ. Ông Frideres từng là kỹ sư sửa chữa máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam.”
Bee Nguyễn cho biết bà ra đời năm 1981, ngay sau khi cha mẹ bà định cư tại Hoa Kỳ, và bà chỉ biết về cuộc chiến Việt Nam qua lời kể của cha mẹ.
Ngay sau khi trở thành người phụ nữ Á Châu đầu tiên được bầu vào nghị viện tiểu bang vào đầu năm ngoái, Bee Nguyễn đã đồng bảo trợ cho các nghị quyết tôn vinh cựu chiến binh và cộng đồng người gốc Việt.
Bà Bee Nguyễn và các dân biểu Williams, Hitchens vào năm ngoái đã đồng bảo trợ cho một nghị quyết dành một tuần lễ để tôn vinh các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, gia đình, cũng như cộng đồng người gốc Việt tại tiểu bang Georgia nơi có 228,000 binh sĩ Hoa Kỳ tham gia trận chiến, với tổng cộng 1,584 binh sĩ tử trận.
Dân biểu Al Williams, đại diện Hạt 168 từ năm 2003 cho đến nay, từng là một binh nhì thuộc Sư đoàn Kỵ binh 1 tại chiến trường Tây Nguyên, một đơn vị radar giám sát mặt đất, vào những năm 1966-1967 và sau đó ông chuyển đến chiến trường Huế và Quảng Trị trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968.
Dân biểu Bill Hitchens, đại diện Hạt 161 từ năm 2013 cho đến nay, từng là trung úy thủy quân lục chiến, phục vụ ở chiến trường miền nam Việt Nam vào năm 1968-1969.
Cũng tại thành phố Augusta, quê nhà của Dân biểu Bee Nguyễn ở bang Georgia, chính quyền thành phố hôm 29/3 đã khánh thành đài tưởng niệm Chiến binh Chiến tranh Việt Nam. Augusta là nơi có hơn 15,000 cư dân từng phục vụ và 169 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam.
Trang Augusta Chronicle trích lời ông Doug Hastings, cựu quân nhân phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam, cho biết: “Đài tưởng niệm này là một cách tuyệt vời để tôn vinh và vinh danh những người con của thành phố đã chết trong trận chiến.”
Ông Hastings nói thêm: “Tôi nghĩ đó là một ngày tuyệt vời khi bất kỳ thị trấn, thành phố, tiểu bang nào cũng đều vinh danh những người đã nỗ lực hết mình để phụng sự đất nước này và, cụ thể đối với các vị được vinh danh trên bức tường này, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh mạng sống của họ.”
Trước đó tại Atlanta hôm 28/3, Thống đốc bang George Brian Kem đã long trọng chủ trì buổi lễ tưởng niệm Ngày các cựu chiến binh Việt Nam Toàn quốc tại bang George, theo trang The Northeast Georgian.
Vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật Công nhận Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, theo đó, hàng năm Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm Ngày Quốc lễ Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam vào ngày 29/3.
“Ngày 29/3/1973 là ngày binh sĩ cuối cùng của chúng ta đã rút khỏi Việt Nam. Đó là ngày là các binh sĩ Mỹ bị bắt làm tù nhân ở miền bắc Việt Nam được trả về nhà,” Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ Robert Wikie phát biểu vào tháng trước.
Bộ Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ hỗ trợ hàng trăm sự kiện ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ để công nhận, tôn vinh và cảm tạ các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam.
Hoạt động Kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam vinh danh tất cả những quân nhân nam nữ từng phục vụ chính quy trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ từ ngày 1/11/1955 đến ngày 7/5/1975.
Các hoạt động này kéo dài cho đến Ngày Cựu chiến binh năm 2025, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc.


Thủ tướng Anh ‘thoát hiểm’, tiếp tục tìm đồng thuận về Brexit



Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu sau khi vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 16/1/2019.


Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Anh ngày 16/1, mở đường cho bà May trong việc đạt được sự đồng thuận trong các nghị sĩ về thỏa thuận Brexit.
Các nghị sĩ Anh với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống cho thấy họ vẫn tin tưởng chính phủ của bà May, chỉ 24 giờ sau khi họ đánh bại thỏa thuận Brexit của bà May khiến cho việc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu của nước Anh gặp xáo trộn.
Với hạn chót luật định về Brexit 29/3 gần kề, Vương quốc Anh hiện gặp cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng nhất trong nửa thế kỷ vào lúc Anh chật vật đối phó với việc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu như thế nào và có nên hay không, một tổ chức mà Anh gia nhập vào năm 1973.
Bà May hứa làm việc với các chính trị gia kỳ cựu trong quốc hội để tìm một thỏa hiệp có thể tránh việc không có thỏa thuận Brexit gây xáo trộn hay một cuộc trưng cầu dân ý khác về tư cách thành viên của EU. Tuy nhiên các chỉ trích nói bà không lay chuyển về một thỏa thuận làm các bên của cuộc tranh luận rối trí.
Ông John McDonnell, phát ngôn viên tài chánh của Đảng Lao động đối lập, nói bà May chung cuộc có thể đạt được một thỏa thuận với quốc hội nếu bà đàm phán về một thỏa hiệp với đảng của ông. Đảng này muốn một thuế quan thống nhất lâu dài với EU, mối quan hệ lớn hơn với thị trường duy nhất này và các công nhân và người tiêu dùng Anh được bảo vệ mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên phát ngôn viên của bà nói chính sách của chính phủ vẫn là nằm ngoài thuế quan thống nhất của EU trong khi bà May, lúc đầu là người chống lại Brexit và thắng chức Thủ tướng trong những xáo trộn tiếp sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, vẫn cương quyết là Anh sẽ rời khỏi khối này vào ngày 29 tháng 3 như dự trù làm cho có ít thì giờ để tìm một giải pháp.
Tuy nhiên vụ thất bại thảm hại vào ngày thứ Ba 15/1 dường như đã giết chết chiến lược hai năm của bà hình thành một vụ Brexit êm đẹp theo đó giai đoạn chuyển tiếp nguyên trạng sẽ tiếp theo bằng việc Anh điều hành một chính sách thương mại độc lập cùng với các mối quan hệ chặt chẽ với EU, thị trường duy nhất lớn nhất thế giới.
Lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn nói bà hiện đang lãnh đạo một “chính phủ chết đi sống lại”. Đảng này tuyên bố mục đích của đảng là nhằm nắm lấy chính quyền và thương thuyết về một Brexit tốt hơn.
Tuy nhiên nhiều thành viên trong đảng này muốn thấy một cuộc trưng cầu dân ý khác với một lựa chọn là hủy bỏ Brexit, và đảng này tuyên bố họ sẽ không loại trừ khả năng nào nếu họ thất bại trong việc lật đổ bà May.

Diễn đàn Facebook

Đọc nhiều nhất 

 https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-anh-tho%C3%A1t-hi%E1%BB%83m-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-t%C3%ACm-%C4%91%E1%BB%93ng-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-brexit-/4746642.html

Nghị viện Anh bác kế hoạch Brexit của Thủ tướng May


Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Nghị viện trước cuộc biểu quyết về kế hoạch Brexit của bà ở London, Anh, ngày 15 tháng 1, 2019.
Các nhà lập pháp Anh đã bác bỏ kế hoạch Brexit Thủ tướng Theresa May vào ngày thứ Ba, khơi ra một biến động chính trị mà có thể khiến Anh rời khỏi EU trong tình trạng lộn xộn hoặc thậm chí đảo ngược quyết định rời đi vào năm 2016.
Nghị viện biểu quyết với tỉ lệ 432-202 chống lại thỏa thuận của bà. Đây là thất bại nặng nề nhất cho một một chính phủ trong lịch sử gần đây của Anh tại Nghị viện, với hàng loạt các nhà lập pháp thuộc đảng của bà - cả những người ủng hộ Brexit lẫn những người ủng hộ Anh ở lại EU - cùng hợp lực biểu quyết bác bỏ thỏa thuận.
Lãnh đạo Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn đã nhanh chóng kêu gọi một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà May, tổ chức trong vòng 24 giờ.
Với hạn chót cho Brexit là ngày 29 tháng 3 theo luật định, Anh hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong nửa thế kỉ khi nước này chật vật tìm cách rời khỏi liên minh mà họ tham gia vào năm 1973, hay liệu có nên rời đi hay không.
Thất bại nặng nề của bà May, là lần đầu tiên Nghị viện Anh bác bỏ một hiệp ước kể từ năm 1864, đánh dấu sự sụp đổ chiến lược hai năm qua của bà nhằm thu xếp để Anh rời đi êm thắm trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với EU sau ngày 29 tháng 3.
Bà May nói nghị viện đã lên tiếng và chính phủ đã lắng nghe. Một đảng nhỏ là DUP Bắc Ireland, vốn góp phần hậu thuẫn chính phủ thiểu số của bà và trước đó đã nói sẽ phản đối thỏa thuận, cho biết họ sẽ vẫn hậu thuẫn bà vào tháng 5 trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
EU nói thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo Anh rời khỏi EU một cách có trật tự.
Kể từ khi Anh bỏ phiếu 52-48 phần trăm để rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 năm 2016, tầng lớp chính trị vẫn đang tranh luận về cách thức rời khỏi liên minh do Pháp và Đức kiến tạo sau những hoang tàn thời Thế chiến thứ hai.
Nhiều người phản đối Brexit hi vọng sự thất bại của bà May cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý khác về tư cách thành viên EU của Anh, dù những người ủng hộ Brexit nói rằng cản trở ý nguyện của 17,4 triệu người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit có thể khiến phần lớn cử tri trở nên cực đoan.
Những người ủng hộ Brexit mô tả việc rời bỏ Liên minh mà họ xem là quá quan liêu và đang nhanh chóng tụt hậu so với các cường quốc kinh tế hàng đầu của thế kỷ 21, Mỹ và Trung Quốc.

Hỗn loạn Brexit: nước Anh không thấy lối ra




Những người ủng hộ Brexit đang biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh đòi chính phủ thực thị Brexit



Thất bại của Thủ tướng Anh Theresa May trong việc đưa thỏa thuận Brexit qua ải Quốc hội khiến cho nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn với tương lai bất định trong khi vẫn chưa tìm được lối thoát, các nhà phân tích chính trị nhận định.
Hôm 14/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến đi đến thị trấn sản xuất đồ gốm Stoke-on-Trent để đưa ra lời cảnh báo cuối cùng về những nguy cơ nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận. Thỏa thuận được đưa ra bỏ phiếu ở Hạ viện vào ngày hôm sau là kết quả của nhiều tháng đàm phán thất thường với các đối tác châu Âu trong bối cảnh những lời đả kích hằn học ở trong nước. Nếu không được thông qua thì khả năng Brexit không có thỏa thuận sẽ tăng cao.
Bà May thừa nhận rằng thỏa thuận mà bà trung gian ‘không hoàn hảo’, nhưng bà lập luận rằng những lựa chọn khác còn tệ hơn. “Nếu không có thỏa thuận, chúng ta sẽ không có giai đoạn thực thi, không hợp tác an ninh, không đảm bảo cho các công dân Anh ở châu Âu, không có gì chắc chắn cho các doanh nghiệp và lao động ở Stoke này cũng như trên khắp nước Anh,” Thủ tướng May nói.
Sau đó, bà May tiếp tục lời kêu gọi mà ngày càng có nhiều người lên tiếng về khả năng trưng cầu dân ý lần hai về Brexit mà có khả năng sẽ bãi bỏ luôn toàn bộ quá trình này.
Một ngày sau đó, hôm thứ Ba ngày 15/1, Thủ tướng May đã gánh chịu sự thất bại lớn chưa từng thấy đối với bất kỳ chính phủ nào trong lịch sử hiện đại của nước Anh với 432 nghị sỹ bỏ phiếu chống thỏa thuận và chỉ có 202 phiếu ủng hộ. Đó là một thất bại chấn động vốn càng tồi tệ hơn đối với bà May khi có 118 thành viên trong Đảng Bảo thủ của bà trong Hạ viện bỏ phiếu chống lại ý định bà.
“Những sự kiện ở Hạ viện hôm nay thật sự đặc biệt,” nhà sử học chính trị Luke Blaxill nhận định.
Mặc dù đó dường như là một khoảnh khắc định mệnh, nó đã được dự đoán từ lâu. Thỏa thuận của bà May khó lòng thỏa mãn những người ủng hộ Brexit cứng rắn trong nội bộ Đảng Bảo thủ của bà vốn xem nhiều điều khoản trong thỏa thuận, trong đó có cột chặt nước Anh với quy trình hải quan của EU, là ‘quá mềm dẻo’ cũng như không làm vừa ý những người chống đối Brexit. Theo lập luận của những người này thì tại sao phải sắp xếp việc Brexit trong khi ở lại với Brussels rõ ràng là lựa chọn tốt hơn?
“Vậy bà May có thể làm gì vào lúc này? Có lẽ không còn quan trọng nữa,” nhà báo chuyên về đối ngoại Ishaan Tharoor nhận định trên tờ Washington Post.
“Những gì mà bà Theresa May làm vào lúc này đang trở nên ngày không còn ý nghĩa với kết quả nữa,” ông Rob Ford, giáo sư chính trị tại Đại học Manchester, nói với Washington Post. “Vấn đề chủ chốt để theo dõi là liệu Hạ viện sẽ làm gì tiếp theo và Đảng Lao động đối lập sẽ làm gì tiếp theo.”
Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động ngay sau đó đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May hôm 16/1. Bà May cuối cùng đã chật vật vượt qua cánh cửa hẹp để trụ lại. Nhiều nghị sỹ Bảo thủ vốn bỏ phiếu chống thỏa thuận Brexit của bà May đã bỏ phiếu bảo vệ bà. Việc này khiến mong muốn của ông Corbyn về tổ chức một cuộc bầu cử sớm không thành hiện thực.
“Sau thất bại tại Hạ viện đối với thỏa thuận Brexit, con đường đi về phía trước đối với bà May trở nên mơ hồ. Những ủng hộ viên của bà nói bà sẽ không từ chức ngay cả khi bà bị thất bại nặng nề. Thay vào đó, họ cho rằng bà May nên quay lại Brussels để tìm kiếm sự nhượng bộ đối với những điều khoản gây tranh cãi về đường biên giới mềm giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland vốn vẫn là thành viên EU hay thậm chí là tìm cách khởi động lại các cuôc đàm phán,” nhà báo Tharoor cho biết.
Tuy nhiên các quan chức châu Âu đã nhanh chóng thể hiện một mặt trận đoàn kết sau kết quả bỏ phiếu ở Anh. EU nói rằng họ không sẵn lòng mở một vòng đàm phán mới. “Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ giải pháp mới nào được đặt lên bàn có liên quan đến những gì đã được đàm phán và nhất trí,” Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với các phóng viên tại một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gợi ý một lựa chọn khác: chấm dứt toàn bộ quá trình Brexit.
Tuy nhiên, điều này có thể là một quả bom chính trị. Vào mùa hè năm 2016, người dân Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên minh châu Âu với tỷ lệ 52/48. Kể từ đó, bà May và các chính khách hàng đầu Anh Quốc đã nhấn mạnh rằng chính phủ của bà sẽ tôn trọng quyết định đó.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lập luận rằng các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy đa số người dân Anh muốn ‘ở lại’. Họ chỉ ra rằng 1,4 triệu người trẻ - nhóm dân số ủng hộ áp đảo việc ở lại EU – đã không đủ điều kiện bỏ phiếu hồi năm 206 giờ đây đã có thể thể hiện quan điểm chính trị của mình. Họ nêu lên những trường hợp khác ở châu Âu nơi các nước đã tổ chức thành công các cuộc trưng cầu dân ý lần hai.
“EU là một câu lạc bộ đem đến những lợi ích chủ yếu là cho các nước thành viên của họ,” ông Dalibor Rohac của Viện nghiên cứu American Enterprise Institute viết trong một bài bình luận. “Quan điểm mà những người chủ trương Brexit nêu lên để thuyết phục công chúng rằng nước Anh có thể nằm ngoài khối, không còn bị ràng buộc bởi những quy định của khối nhưng vẫn được hưởng phần lớn những lợi ích của khối là hoang đường.”
Trong một cuộc tranh luận trước khi bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit hôm 15/1, nghị sỹ Lao động David Lammy đã phát biểu tại sao ông cảm thấy ông phải chất vấn những đồng nghiệp ủng hộ Brexit của ông: “Tại sao? Bởi vì chúng ta có trách nhiệm nói với các cử tri của chúng ta về sự thật ngay cả khi họ quyết liệt không đồng ý. Brexit là một trò lừa đảo, trò lường gạt, trò giả trá, trò gian lận.”
Trừ phi có biến chuyển gì lớn, nước Anh đang trên đường hướng đến kết cục tai hại là rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 29/3. Có khả năng cả Brussels và London sẽ tìm cách trì hoãn quá trình này cho đến mùa hè – một động thái tạo thời cơ cho một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Tuy nhiên, hỗn loạn chính trị vẫn chưa dừng lại.
“Ngay cả khi phe chủ trương ở lại chiến thắng, mọi việc vẫn tiếp tục ồn ào. Đảng Bảo thủ có thể bị phân liệt với trục chủ trương Brexit sẵn sàng gây hỗn loạn,” nhà bình luận Polly Toynbee viết trên tờ Guardian với ý nhắc đến những người cổ súy Brexit cứng rắn đã kích động sự bất bình của dân chúng.
Nếu Brexit không xảy ra, ông Nigel Farage, cựu lãnh đạo của Đảng Nước Anh Độc lập (UKIP) và là một nhân vật cổ súy mạnh mẽ cho Brexit, đe dọa sẽ có ‘quân đội nhân dân’ và đưa ra tuyên bố nguy hiểm rằng ‘Quốc hội chống lại ý nguyện nhân dân’.
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đưa ra giả thiết âm mưu với lời cảnh báo rằng ‘sự cấu kết ở thượng tầng chính trị’ đang cản đường Brexit.
Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling cảnh báo sẽ có bạo loạn nếu Brexit không được thực thi.

 https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BB%97n-lo%E1%BA%A1n-brexit-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-anh-kh%C3%B4ng-th%E1%BA%A5y-l%E1%BB%91i-ra/4746636.html

Châu Âu chuẩn bị cho khả năng Brexit hỗn loạn


Ông Michel Barnier, nhà đàm phán chính của EU về Brexit với Anh
Liên minh châu Âu hôm 2/4 nói rằng nước Anh có thể đang hướng tới sự ra đi trong hỗn loạn và không có thỏa thuận nào trong lúc Thủ tướng Anh Theresay May dự định sẽ đưa thỏa thuận của bà ra bỏ phiếu lần thứ tư trong tuần này sau ba lần bị bác.
“Trong những ngày qua khả năng không có thỏa thuận ngày càng hiển hiện, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tránh được nó,” nhà đàm phán chính về Brexit của EU, ông Michel Barnier, phát biểu ở Brussels.
Ông Francois Villeroy de Galhau, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nói rằng các thị trường nên tính đến nguy cơ ngày một tăng của Brexit không có thỏa thuận.
Ít nhất một nửa các nghị sỹ Đảng Bảo thủ của bà May muốn rời EU mà không có thỏa thuận do họ không muốn trì hoãn Brexit lâu hơn nữa mặc dù một số nghị sỹ và các bộ trưởng yêu cầu bà May phải giữ nước Anh gắn chặt với quỹ đạo kinh tế của EU.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Bản thân Nghị viện Anh đã nói rằng họ không muốn Brexit hỗn loạn,” Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ở Paris rằng nếu sau gần ba năm kể từ khi trưng cầu dân ý mà nước Anh vẫn không thể tìm ra được giải pháp thì ‘chính họ đã chọn việc ra đi mà không có thỏa thuận’.
Phát biểu ở Điện Elysee bên cạnh Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, ông Macron nói rằng lúc này nước Anh phải quyết định hoặc là bầu cử mới, trưng cầu dân ý lại hay là liên minh hải quan với EU.
“Điều đó tùy thuộc vào London, và họ phải nói ngay vào lúc này,” ông Maron nói.
Với việc cử tri Anh, hai đảng phái chính của nước này và nội các tất cả đều chia rẽ về Brexit, bà May có nguy cơ sẽ làm phân rã Đảng Bảo thủ của bà cho dù bà có nghiêng về phía nào đi nữa. 

 https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%A2u-%C3%A2u-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-cho-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-brexit-h%E1%BB%97n-lo%E1%BA%A1n-/4859197.html

Nga theo chân Mỹ đình chỉ Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung

  • 2 tháng 2 2019
  • Bản quyền hình ảnh EPA
    Image caption Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cáo buộc của Nato là bối cảnh cho Mỹ rời hiệp ước
    Nga vừa đình chỉ tham gia vào Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) thời Chiến tranh lạnh sau khi Mỹ có quyết định tương tự.
    Tổng thống Vladimir Putin nói Nga sẽ bắt đầu phát triển tên lửa mới.
    Hôm thứ Sáu 1/2, Mỹ, nước từ lâu đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, chính thức tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước.
    Được Mỹ và Nga ký kết năm 1987, hiệp ước cấm cả hai bên sử dụng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
    "Các đối tác Mỹ của chúng tôi tuyên bố họ sẽ đình chỉ tham gia vào hiệp ước, và chúng tôi cũng làm như vậy," Ông Putin nói hôm thứ Bảy 2/2.
    "Tất cả các đề xuất của chúng tôi trong lĩnh vực này, như trước đây, vẫn để ngỏ. Cánh cửa để đàm phán vẫn mở," ông nói thêm.
    Bản quyền hình ảnh EPA
    Image caption Nga phủ nhận đã xây dựng tên lửa vi phạm hiệp ước
    Sáng thứ Bảy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với BBC: "Tất cả các đồng minh (Châu Âu) đồng thuận với Mỹ vì Nga đã vi phạm hiệp ước trong vài năm qua. Họ đang triển khai ngày càng nhiều tên lửa có khả năng hạt nhân ở châu Âu."
    Nga phủ nhận đã vi phạm hiệp ước INF.

    Nga bị cáo buộc những gì?

    Người Mỹ nói họ có bằng chứng rằng một tên lửa mới của Nga nằm trong tầm 500-5,500km bị cấm bởi hiệp ước.
    Quan chức Mỹ cho biết Nga đã triển khai một số tên lửa 9M729 - hay được NATO gọi là SSC-8.
    Bản quyền hình ảnh Reuters
    Image caption Tên lửa 9M729 mới của Nga là Mỹ và đồng minh lo ngại
    Những bằng chững này được đưa ra cho các đồng minh ở NATO của Mỹ và họ đều ủng hộ Mỹ.
    Hồi tháng 12, chính quyền Trump ra điều kiện cho Nga phải tuân thủ trở lại các điều khoản của hiệp ước trong 60 ngày, nếu không Mỹ cũng sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước.
    Ngoài chuyện phủ nhận đã vi phạm INF, Moscow nói các thiết bị chống tên lửa đạn đạo của Mỹ đang được triển khai ở Đông Âu cũng có khả năng vi phạm các điều khoản của hiệp ước.

    Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

    Tại cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Nga hôm thứ Bảy, Tổng thống Putin nói có thể sẽ bắt đầu lên kế hoạch phát triển vũ khí mới.
    Những vũ khí này, ông nói, sẽ gồm một dạng của tên lửa hành trình phóng từ biển Kalibr, và các vũ khí siêu ấm mới có khả năng di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh năm lần.
    Nhưng ông Putin nói Moscow sẽ không bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, và sẽ không triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trừ khi Mỹ triển khai trước.
    Một cuộc chạy đua vũ trang sẽ là điều hết sức đáng lo ngại cho các nước châu Âu.
    "Những tên lửa mới này di động, khó phát hiện, có khả năng hạt nhân và có thể vươn tới các thành phố châu Âu. Chúng có thời gian cảnh báo rất ngắn nên chúng làm giảm ngưỡng [đề phòng] việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể trong một cuộc xung đột," Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg nói với BBC.

    Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) là gì?

    Bản quyền hình ảnh AFP
    Image caption Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước năm 1987
    • Được Mỹ và Nga ký kết năm 1987, hiệp ước kiểm soát vũ khí này cấm tất cả các tên lửa hạt nhân và phi hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, trừ các loại vũ khí được phóng từ đại dương
    • Mỹ đã quan ngại về việc Nga triển khai hệ thống tên lửa SS-20 và phản ứng bằng cách đặt tên lửa hành trình và tên lửa Pershing ở châu Âu - làm dấy lên các cuộc biểu tình rộng rãi
    • Tới năm 1991, gần 2700 tên lửa đã bị phá hủy
    • Cả hai quốc gia được phép thanh tra các chương trình lắp đặt tên lửa của nước kia
    • Năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hiệp ước không còn phục vụ lợi ích của Nga
    • Động thái này diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi Hiệpước chống Tên lửa đạn đạo năm 2002 
    •  
    •  https://www.bbc.com/vietnamese/world-47101861

    Trung Quốc áp lực các nước chớ lên án nhân quyền Bắc Kinh


    Người Uyghur trong các trại tập trung của Trung Quốc
    Các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động nhân quyền hôm 1/4 lên án việc Trung Quốc vận động, gây áp lực quyết liệt và thậm chí đe dọa để bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước.
    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cáo buộc rằng phái đoàn Trung Quốc ở Geneva đã gửi thư đến đại diện các nước ở Liên Hiệp Quốc để kêu gọi họ tránh xa một sự kiện do Mỹ tổ chức hôm 13/3 để bàn về cách Trung Quốc đối xử với người Uyghur và các sắc dân Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương.
    Theo nội dung lá thư do Đại sứ Trung Quốc Du Kiến Hoa ký tên mà hãng tin AFP có được thì Bắc Kinh yêu cầu các nước ‘không được tài trợ, tham gia hay có mặt tại sự kiện bên lề này… vì lợi ích của quan hệ song phương của chúng ta và sự hợp tác đa phương’.
    HRW đã lên án lời đe dọa này của Trung Quốc. Giám đốc của HRW ở Geneva, ông John Fisher, cảnh báo rằng sự lên án của dư luận đối với cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo thiểu số đã ‘đặt Trung Quốc vào chế độ sợ hãi’. Theo lời ông thì giờ đây các quan chức Trung Quốc đang sử dụng ‘áp lực công khai lẫn kín đáo để ngăn trở những hành động phối hợp của quốc tế’.
    Phái bộ Trung Quốc không phản hồi ngay trước yêu cầu xác nhận và bình luận của AFP, nhưng một số nhà ngoại giao xác nhận rằng phái bộ của họ đã nhận được lá thư này ngay trước khi xảy ra sự kiện.
    Sự kiện này diễn ra bên lề phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền và tập trung vào những cáo buộc rằng có trên một triệu người Uyghur và các sắc dân thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ ở các trại tập trung ở Tân Cương.
    Trung Quốc lập luận rằng những người Uyghur này được đưa tới ‘cơ sở đào tạo hướng nghiệp’ được lập ra nhằm chống lại nạn cực đoan hóa.
    Khu tự trị Tân Cương, có chung đường biên giới với một vài nước bao gồm Pakistan và Afghanistan, từ lâu đã chứng kiến các cuộc nổi dậy bạo lực mà Bắc Kinh cáo buộc là do các phong trào ‘khủng bố’ có tổ chức đòi độc lập cho Tân Cương đạo diễn.
    Tuy nhiên, nhiều người Uyghur và các chuyên gia Tân Cương nói rằng tình trạng bạo lực ở đây chủ yếu bắt nguồn từ phẫn nộ bộc phát của người dân đối với sự đàn áp văn hóa và tôn giáo của Bắc Kinh và rằng Bắc Kinh chơi lá bài ‘chống khủng bố’ chỉ để biện hộ cho việc họ tăng cường kiểm soát khu vực giàu tài nguyên này.
    Hôm 1/4, một số nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng ủng hộ cáo buộc của HRW rằng Trung Quốc đã gây sức ép mạnh mẽ buộc các nước phải lên tiếng bảo vệ Trung Quốc trong phiên bế mạc buổi kiểm điểm thành tích nhân quyền của họ trước Hội đồng nhân quyền hôm 15/3.
    “Họ đang cố hết sức để kiểm soát mọi thứ ở cấp độ nhà nước,” một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với AFP.
    Khi anh thấy có ít nước lên tiếng về Tân Cương như thế nào thì tôi chắc rằng việc Trung Quốc gây áp lực đã có tác dụng,” nhà ngoại giao này nói thêm.
    Theo HRW, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã áp lực buộc gỡ bỏ những nội dung do các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ cung cấp ra khỏi báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) và tìm cách chặn quá trình cấp giấy thông hành đến Liên Hiệp Quốc cho nhà hoạt động Uyghur, Dolkun Isa.
    Một quan chức Liên Hiệp Quốc nói với AFP rằng ‘việc các chính phủ gây áp lực để bóp nghẹt tiếng nói chỉ trích họ điều rất thường xuyên, nhưng Trung Quốc đưa ra một số lượng cao bất thường những lời than phiền về mức độ tin cậy của những người tham gia’.
    HRW cũng cáo buộc rằng Trung Quốc đã cố tình đẩy những nước thân thiện của họ ra chiếm diễn đàn trong phiên kết luận kéo dài 20 phút.
    Có gần 100 nước xin lên phát biểu - nhiều hơn gấp ba lần bình thường trong tình huống như thế này – nhưng chỉ có đại diện 13 nước được lên bục phát biểu.
    Trước đó, Hội đồng Nhân quyền đã rút thăm tên quốc gia đầu tiên được lên phát biểu – Mali – và từ đó các nước sẽ lần lượt được gọi lên theo thứ tự bảng chữ cái Latin cho đến Philippines.
    Điều này có nghĩa là những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất từ châu Âu và Bắc Mỹ không được gọi lên và trong số các nước phát biểu, chỉ có Na Uy lên tiếng chống lại các chính sách Tân Cương của Trung Quốc.
    Các tổ chức phi chính phủ cũng được cho lên phát biểu trên diễn đàn nhưng, tương tự, các tổ chức ca ngợi Trung Quốc chiếm đến 6 trong 10 lượt phát biểu.

    Hoa Kỳ muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng mạnh hơn với Việt Nam


    Ông Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
    “Mối quan hệ quốc phòng của chúng ta [với Việt Nam] rất bền chặt và là một trong những trụ cột mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ song phương trên nhiều phương diện của chúng ta,” ông Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ phát biểu hôm 3/4/2019 tại thủ đô Washington.
    Ông Schriver phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam vừa được củng cố hơn nữa trong hai năm qua, và hai bện đang có các kế hoạch tăng cường hơn nữa mối quan hệ này dựa trên nền tảng lợi ích chung của hai quốc gia, tác giả David Vergun viết trên trang tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 3/4.
    Quan hệ quân sự mạnh
    Hoa Kỳ muốn tìm kiếm các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với Việt Nam, ông Schriver nói. Chẳng hạn, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng vào năm ngoái, trong chuyến thăm đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam, và hai bên cũng đang có các cuộc thảo luận về việc có một chuyến thăm hàng không mẫu hạm khác trong năm nay.
    Năm 2017, Hoa Kỳ đã chuyển giao một phần lớn thiết bị quốc phòng cho Việt Nam – ví dụ như tàu khu trục USCGC Morgenthau lớp Hamilton dành cho Cảnh sát biển. Con tàu này hiện đang hoạt động rất tích cực trong các nhiệm vụ an ninh hàng hải cho Việt Nam, ông Schriver nói. “Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành và chuyển giao chiếc tàu khu truc thứ hai.”
    Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam và theo đuổi các cơ hội huấn luyện và hợp tác quân sự, tập trung vào các mảng như:
    - An ninh và ổn định khu vực cho Việt Nam
    - An ninh hàng hải và nhận thức về hàng hải
    - Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai
    - Giáo dục quân sự chuyên nghiệp, bao gồm đào tạo tiếng Anh
    - Quân y
    - Tìm kiếm và giải cứu
    - Hoạt động gìn giữ hòa bình
    Về mảng gìn giữ hòa bình, ông Schriver cho biết rằng Việt Nam đã triển khai một đơn vị gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan, trong đó có một số hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đối tác khác.
    Ngoài ra, ông cho biết thêm: “Chúng tôi đã nâng cấp mức độ các cuộc đối thoại quốc phòng hàng năm và các quan chức cấp cao của hai bên đã gặp gỡ nhau nhiều hơn, ngoài hai chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam trong hai năm qua và chỉ riêng trong năm rồi Bộ trưởng Quốc phòng [James] Mattis đã thăm Việt Nam hai lần.
    Trong một lĩnh vực hợp tác khác, ông Schriver cho biết ông đánh giá cao sự sẵn lòng hợp tác của Việt Nam trong việc cho phép nhóm nghiên cứu và điều tra của Cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích POW/MIA thực hiện các hoạt động khai quật hài cốt những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
    Lý do để tăng cường mối quan hệ quốc phòng
    Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Schriver cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam có cùng lợi ích chung “trong việc thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền hợp pháp riêng của các quốc gia, bất kể quy mô hay có lo ngại về một sự xói mòn tiềm ẩn trong trật tự dựa trên quy tắc mà từ trước đến nay đã cho phép tất cả các quốc gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trỗi vậy và thịnh vượng.
    Ông nói thêm: “Chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng để Ấn Độ-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển, mỗi quốc gia trong khu vực phải được tự do xác định hướng đi của riêng mình trong một hệ thống các giá trị đảm bảo cơ hội cho cả những quốc gia nhỏ nhất phát triển và thoát khỏi sự hà hiếp của các nước mạnh. Nói tóm lại, đối với Việt Nam, những gì chúng ta muốn là một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập, vậy đấy.”
    Theo tác giả David Vergun, sự hà hiếp mà ông Schriver nhắc đến là từ Trung Quốc.
    “Một khu vực đang ngày càng phải đối mặt với một Trung Quốc hung hăng, quyết đoán hơn, sẵn sàng chấp nhận tranh chấp trong việc theo đuổi lợi ích của mình,” ông Schriver nói, nhắc đến việc Trung quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.

     https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-muon-that-chat-quan-he-quoc-phong-manh-hon-voi-vn/4861614.html