Thân phận dư thừa của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba
Nguyễn Văn Lục
Lý Chánh Trung
Trước 1975, ông từng viết một bài nhan đề rất sâu sắc ác độc Nghĩ về một xã hội tan rã để
ám chỉ đến xã hội miền Nam trước 1975. Tôi nghĩ nếu bài viết ấy dùng để
mô tả xã hội hôm nay của chế độ cộng sản thì quả thực là một lời tiên
tri của Lý Chánh Trung!
Phần hai: Cuộc đời hoạt động sau 1975
Nói cho công bằng, cuộc đời hoạt động của Lý Chánh Trung trước 1975
phong phú bao nhiêu, xông xáo bao nhiêu, có vẻ trí thức bao nhiêu, viết
nhiều nói nhiều, năng nổ bao nhiêu thì phần sau 1975 tẻ nhạt và vô vị
biết bấy nhiêu. Sinh hoạt trí thức của ông trước 1975 là dạy học, là
viết báo, viết sách, là tham gia đủ các hoạt động trí thức mà chính yếu
là chống đối.(*)
Cứ coi chống đối cũng là một thứ hoạt động đi. Sau 1975, ông làm gì ngoài chức vụ bù nhìn của
Tôi muốn viết thêm về vụ linh mục Nguyễn Huy Lịch và Lý Chánh Trung –
hai trí thức công giáo tiêu biểu và hèn cũng tiêu biểu. Họ đã làm những
công việc không đáng làm – những công việc của những tay điểm chỉ, đi
tịch thu những cơ sở tôn giáo, đi làm nhân chứng cho những vụ công an
đàn áp tôn giáo.
Nói đúng chỉ những loại người như họ mới làm được những việc đê tiện ấy!
Linh mục Lịch thuộc một gia đình có bề thế, có tiếng tăm ở Hà Nội;
cha của ông là loại trí thức cấp tiến, thiên tả ở Hà Nội. Bố là luật sư,
chống Pháp nên ngả theo phía bên kia. Sau khi Lm Lịch thi đỗ tú tài có
ngỏ ý xin đi tu và đã bị ông bố tức giận bợp tai vì muốn ông học làm
luật sư. Rồi cuối cùng cũng chiều theo con. Lm Lịch sau đó sang Pháp du
học.
Năm 1954, bố mẹ Lm Lịch chọn ở lại Hà Nội cùng với một người em gái tên Khanh.
Năm 1955, thay vì về Hà Nội với gia đình, Lm Lịch chọn vào miền Nam,
về làm Tuyên úy sinh viên công giáo Câu Lạc Bộ Phục Hưng, số 43 Nguyễn
Thông. Nói đến Lm Lịch, một số đông sinh viên công giáo cũng như không
công giáo đều có một thái độ trân trọng, kính mến ông vì tinh thần cởi
mở và hòa hợp – không phân biệt tôn giáo hay xu hướng chính trị. Có
khoảng 500 sinh viên đã từng ở câu lạc bộ này, xin kể một vài người:
“Nguyễn Đức Quý, Hoàng Ngọc Tuệ, Bùi Thế Cần, Ngô Khắc Tỉnh, Đoàn
Thanh Liêm, Bửu Sao, Trần Ngọc Báu, Tô Lai Chánh, Đặng Tiến, Cao Huy
Thuần, Vĩnh Linh, Pham Đăng Long Cơ, Đỗ Phan Hạnh (Chủ tịch Hội cựu hoc
sinh Chu Văn An).”(30)
Nói chung, người ta nhận ra phong cách trí thức nơi cách diễn đạt- dù
bằng những ngôn từ dễ hiểu – pha chút khôi hài tế nhị sự tôn trọng cá
nhân cũng như sự tôn trọng ý kiến khác biệt, tạo được bầu khí ôn hòa
chấp nhận người khác.
Phong cách đạo đức hẳn cũng có.
Linh Mục Đaminh Maria
Trần Đình Thủ, CMC (1906-2007). Nguồn: dongcong.net
Tuy nhiên có thể Lm Lịch thiếu một phong cách chính trị nào đó. Tôi
rất lấy làm bất nhẫn và dám nói rằng khinh bỉ khi nhìn hình ảnh Lm
Nguyễn Huy Lịch đang leo cái thang để lên trần nhà tìm xem chỗ Lm bề
trên Trần Đình Thủ – một cụ già 80 tuổi đang ẩn nấp ở trên đó.
Cái hình ảnh ấy không đẹp tý nào cả.
Một ông linh mục trí thức phải đóng vai trò công an đi bắt kẻ gian!
Đó có phải là công việc của một người đồng đạo đi tố cáo và bắt một
người đồng đạo khác? Nó tố cáo một sự hăng say và sự mất tư cách của một
linh mục.
Vai trò linh mục không ở chỗ ấy. Cũng chẳng phải vai trò như đứng về
phía kẻ cầm quyền đi bắt một kẻ gian vốn là người anh em của mình.
Hình ảnh linh mục Nguyễn Huy Lịch leo thang lên chỗ trú ẩn của Lm
Trần Đình Thủ mà nhiều người không mấy quan tâm. Nhưng nó lại bộc lộ rõ
cái bản chất, cái hoạt cảnh trơ trẽn của đám linh mục trí thức tiến bộ
thời ấy.
Nó cho người ta thấy rằng có một sự thỏa hiệp đồng lõa giữa những
thành phần thiểu số tiến bộ trong công giáo với chính quyền cộng sản.
Trong khi đa số giáo dân, đa số linh mục tu sĩ sống thầm lặng, chịu
đựng, giữ phẩm cách và không hùa theo đám giáo sĩ và trí thức tiến bộ mà
cái hèn, cái thiển cận, cái óc cơ hội xu thời, cái theo đuôi kẻ mạnh,
kẻ chiến thắng mà trước đây nhiều người vẫn coi là kẻ thù nguy hiểm
nhất.
Họ trở cờ và họ muối mặt hãnh diện về sự trở cờ ấy. Nói nặng thì họ là những kẻ phản bội.
Thời xưa, chỉ có một Juda. Nay thì có khá nhiều. Juda Lý Chánh Trung,
Juda Trương Bá Cần, Juda Huỳnh Công Minh và Juda Nguyễn Huy Lịch, v.v.
nhiều đến đếm không xuể.
Họ không khác gì những người đánh trống và thổi kèn cho chế độ mới.
Cả hai làm công việc đi tiếp thu Cư xá Câu Lạc Bộ Phục Hưng làm chỗ hoạt
động cho chính quyền cộng sản. Họ tiếp tay cho cộng sản!
Chúng ta cùng nhau đọc lại mấy tin tức thời ấy. Tờ Sài Gòn Giả Phóng, số 117 đưa tin:
Đã phá vỡ một ổ phản cách mạng, đội lốt tôn giáo.
Tờ Tin sáng của nhóm Ngô Công Đức- Hồ Ngọc Nhuận Lý Chánh Trung, số 161 thì kết án mạnh bạo hơn đã đưa tin:
“Những bằng cớ tịch thu được của bọn phản cách mạng chứng tỏ bọn
họ muốn phá bỏ những thành quả của nhân dân ta trong suốt 100 năm nay.”
Để tỏ ra khách quan, chính quyền mới đã mời ba người đại diện Thiên
Chúa giáo trong vụ vây bắt này là các ông: Huỳnh Hữu Đặng, Nguyễn Đình
Đầu và Lm Nguyễn Huy Lịch đến chứng kiến vụ vây bắt những người đang cố
thủ trong nhà thờ.
Một lần nữa linh mục Nguyễn Huy Lịch và đám Tin Sáng với Ngô Công Đức, Lý Chánh Trung trở thành những kẻ tay sai, đồng lõa.
Riêng vụ án Vinh Sơn thì người ở ngoài giáo hội lại đề cập tới nhiều.
Mới đây nhất, Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc có nhắc tóm tắt đến vụ Vinh Sơn như sau:
“Đêm 12 rạng sáng 13-2-1976, lực lượng an ninh thành phố bắt đầu
tấn công nhà thờ Vinh Sơn, thu giữ các thiết bị phát thanh và in tiền
giả. Hai linh mục cố thủ trong nhà thờ đã dùng súng và lựu đạn chống trả
quyết liệt, bắn chết Nguyễn Văn Ràng, một cán bộ an ninh. Mãi tới gần
sáng, lực lượng bao vây mới khống chế được nhà thờ, hai linh mục Nguyễn
Hữu Nghị và Nguyễn Quang Minh cùng ba người khác bị bắt.”
Huy Đức chỉ căn cứ vào tài liệu của chính quyền cộng sản, sự thực sự việc xảy ra như thế nào?
Những người bị bắt trong vụ Vinh Sơn như hai vị linh mục, nhất là
Nguyễn Xuân Hùng tự Ali Hùng bị giam chung với cánh nhà văn cũng bị giam
tù thời đó.
Vì thế, có đến ba bài ký ức viết về anh lính Ali Hùng như bà Nhã Ca. Nhất là bài viết của Nguyễn Thụy Long, Ký ức về tiếng hát người tử tù. Và Duyên Anh, trong Nhà Tù, chương 18.
Xin ghi lại một trích đoạn của nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến những giờ phút chót của người tù tử tội Ali Hùng:
“Những câu chuyện vặt trong phòng giam bỗng im bặt, khi tiếng nói thật lớn thật to ở phòng giam tử tội cuối hành lang cất lên:
Chào tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình,
sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất
cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn
vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em
còn ở lại. Tôi là Nguyễn Xuân Hùng, tự Ali Hùng, hai người bạn tôi, một
là linh mục, một là chiến sĩ. Tôi là một người Việt Nam lai da đen, xứ
Phi Châu Sénégalais, mẹ tôi là người Việt Nam, vậy tôi xin nhận nơi này
làm quê hương, vì mẹ Việt Nam của tôi đã nuôi tôi khôn lớn và thành
người. Trong phòng giam của tôi, vị linh mục đang quỳ dâng mình cho
Chúa, người bạn chiến sĩ thì đang huấn nhục. Tôi có giọng khỏe, xin được
hát thân tặng lại tất cả những anh em còn ở lại. Những bài hát thấm
đượm tình quê hương của Phạm Duy mà tôi rất ngưỡng mộ: Chúng tôi đã mất
Sài Gòn thật rồi.”(31)
Chúng tôi lưu ý đến vụ án này là vì theo một nhân chứng rất quan
trong là ông Trần Kim Định, bị án tù chung thân viết lại cho biết:
Trên xe về trại, Ali Hùng nói với tôi:
“Em thật không ngờ ông cha Lịch lại nhẫn tâm làm chứng gian cho
em. Từ việc bắn chết tên Rạng đến việc dùng loa phát thanh đều do Dũng
làm. Tòa án đã cố tìm chứng cớ để cho đủ bản án tử hình.”
(Trần Kim Định, Hồi ký của Trung tá Trần Kim Định).
Phần tôi thì tin vào lời trối trăn của Ali Hùng. Linh mục thì không còn nữa.
Phải chăng Lý Chánh Trung hoặc Nguyễn Đình Đầu có thể viết lại chuyện này?
Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh và con trai Lý Chánh Trung, Lý Chánh Tiến Dũng: “Nói láo.” (**)
Lý Chánh Dũng con tai trưởng của Lý Chánh Trung. Nguồn Facebook.
Đây là chỉ là câu chuyện nhỏ nhắc lại cho vui. Nhắc đến các con ông,
tôi nhớ là trong một lúc vui miệng, ông kể câu chuyện có lần ông Lê Đức
Anh đến thăm một đơn vị quân đội có nói gì đó đụng chạm đến cá nhân Lý
Chánh Trung. Không ngờ con trai Lý Chánh Trung cũng có mặt bữa đó. Lý Chánh Tiến Dũng , một đại úy mới về từ chiến trường Cam Pu Chia cũng có mặt.
Lý Tiến Dũng, con trai thứ của
Lý Chánh Trung, trong tang lễ bà Maria Trần Thị Gấm (Bà Lý Chánh Đức)
tháng 8, 2014, Nguồn: http://tatrungtravinh.blogspot.ca/
Muốn hiểu đầu đuôi thì cần phải nhắc lại, khi còn làm đại biểu Quốc
Hội, Lý Chánh Trung có đề nghị phải cho báo chí tư nhân hoạt động.
Lời đề nghị đó đi quá xa và làm Nguyễn Văn Linh nổi giận. Bà Ngô Bá
Thành – một thành viên của mặt trận cũng hùa theo phê phán Lý Chánh
Trung dữ dội.
Tiếp theo, Lý Chánh Trung nguyên là Phó chủ tịch Hội Trí thức yêu
nước nên có đồng ý để cho tổ chức một buổi nói chuyện cho nhà văn Dương
Thu Hương nói về cuốn tiểu thuyết đang gây tranh cãi hồi đó nhan đề, Những Thiên đường mù.
Rõ ràng là một cuốn sách chống Đảng.
Từ đó, Lý Chánh Trung không được Mặt trận Tổ Quốc đề cử vào danh sách đại biểu Quốc Hội nữa.
Dư luận còn cho rằng, lợi dụng tình hình ở Đông Âu sụp đổ, một số
thành phần thuộc lực lượng thứ ba trước đây nay đang có mưu đồ diễn tiến
Hòa Bình.
Lê Đức Anh lợi dụng dịp nảy đưa ra trường họp Lý Chánh Trung trong bài nói chuyện của ông ta để mọi cấp cảnh giác.
Nhưng chẳng may có mặt con trai của ông Lý Chánh Trung ngồi đó. Dũng
tức khí vì có kẻ đụng chạm đến bố mình – bất kể kẻ đó là ai – anh tức
khí đứng lên, đập bàn hét lớn, “Nói láo”, rồi vội rời khỏi Hội trường.
Sau này, Lý Chánh Tiến Dũng ra khỏi quân đội và làm Tổng Biên Tập tờ Đại Đoàn kết.
Câu chuyện rồi cũng xong, được Lê Đức Anh bỏ qua.
Giả dụ nếu không phải là con trai Lý Chánh Trung thì số phận viên đại úy quèn này sẽ ra sao?
Kể xong câu chuyện, Lý Chánh Trung cười một cách rất con người – một Lý Chánh Trung rất là Lý Chánh Trung.
Tôi cũng cười nói, “Như thế là nó giống bố nó.”
Tôi cảm nhận và bắt gặp lại cái cười nửa miệng hơn 40 năm về trước
của một trí thức miền Nam – với cá tính miền Nam – với phong cách trí
thức áo vét, măng tô – với cái miệng ngậm ống tẩu – đôi chút cao ngạo
cùng nhau dạo buổi tối trên một con dốc của Viện Đại Học Đà Lạt.
Tôi ngậm ngùi đã có một thời, cuộc sống của người miền Nam có thể
sống an bình hạnh phúc như thế. Con người trí thức xưa ấy và con người
ngày hôm nay ngồi trước mặt tôi, hình như không phải một người.
Sau vài giây phút thoải mái, Lý Chánh Trung trở lại con người thay vì
khoác măng tô mang từ Bỉ về, ông khoác lại chiếc áo Mác xít và nói:
“Này nói chơi thôi nhé, đừng kể cho ai nghe và về bên ấy nhớ đừng viết gì cả.”
Lý Chánh Trung bỏ đạo Chúa theo Mác
Nhắc lại vấn đề này cho thấy cộng sản có thể dùng áp lực chi phối con
người ngay cả trong lãnh vực niềm tin tôn giáo. Một người công giáo bỏ
đạo là điều khó lắm, không dễ. Nhất là bỏ đạo vì áp lực của Đảng. Điều
đáng trách nhất nơi ông – mà điều gì khác cũng có thể xí xóa được – là
khi cộng sản vào một thời gian, trước mặt nhiều người, ông tuyên bố công
khai kể từ nay, ông bỏ đạo công giáo.
Việc công khai hóa ấy ông muốn chứng tỏ cho mọi người biết mà không cần dấu diếm.
Việc công bố này làm bỉ mặt nhiều người. Nhất là những người công
giáo. Một người công giáo bình thường không ai làm như vậy. Có ai bắt
ông phải làm một điều như vậy? Bỏ đạo thì có người đã từng làm, nhưng
công bố bỏ đạo là một điều ít ai trên đời này có thể làm được.
Và được biết, chỉ đến khi con trai nhỏ nhất của ông, ông Lý Trung
Dũng, nguyên phóng viên báo Thanh Niên, bị nạn. Ông than thở, cầu cứu
khắp nơi và cuối cùng chẳng còn biết trông cậy vào ai, ông mới hồi tâm
trở lại đạo.
Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay kể như cả gia đình ông đều
ra khỏi công giáo. Tôi cũng được biết rằng ảnh hưởng gia đình bên vợ
ông, bà Bùi Thị Nữ, trong những quyết định của ông theo cộng sản là điều
không nhỏ.
Khi con trai ông, Lý Trung Dũng (1970-2013) qua đời, không thấy đả
động gì đến các nghi thức công giáo cả? [Xem phần đính chính cuối bài –
DCVOnline]
Thôi thì cũng đành.
Sau 1975, ông đã sống khuôn mình vào môi trường CNXH vốn không dễ gì.
Bởi vì, con người Xã Hội chủ nghĩa, ngoài sức khỏe thể xác và tinh thần
còn có một thứ sức khỏe không thiếu được: Đó là sức khỏe chính trị.
Theo sự nhận xét của riêng cá nhân tôi, ông Lý Chánh Trung là người
bằng mọi giá bảo vệ các sức khỏe chính trị này. Tất cả những cánh bạn bè
trí thức cũ hầu như đều tìm cách lánh xa ông và chính ông cũng tìm cách
lánh xa họ để giữ cho trọn vẹn cái sức khỏe chính trị ấy.
Tôi cũng nhận ra được những nỗi khổ của người trí thức biết câm lặng, biết nói điều gì được phép nói.
Mất cái sức khỏe này thì mất tất cả nên ai cũng phải lo giữ gìn.
Cho nên, người ta không lấy làm lạ gì khi cấp lãnh đạo Đảng vào thăm
thành phố Saigòn năm 1975 đã chỉ đưa ra một nhận xét duy nhất cho một
người – một nhận xét xem ra quá khổ về Lý Chánh Trung: Lý Chánh Trung là một người cộng sản không có thẻ đảng.
Lời khen này có thể là một lời khen thật – vì ông được đề nghị cho vô
Quốc Hội mà cũng có thể hàm ý anh vừa vừa thôi nhé, đủ dose rồi, như
một lời đe dọa bóng gió.
Lời nói bóng gió ấy chắc có kẻ sợ giữ mình.
Tôi đã không được biết phản ứng và câu trả lời của Lý Chánh Trung ra sao. Chắc là im lặng.
Nguyễn Văn Trung – Lý Chánh Trung đối đấu với Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn
(T) Lữ Phương (Ảnh: PvD). (P) Nguyễn Trọng Văn (1940-2013)
Có thể nói việc tố giác của Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương chỉ là một
phiên bản mới, tái diễn lại của những cuộc đấu tố đã một thời trong cải
cách ruộng đất. Hay nói đúng hơn, nó gần với phiên bản tố giác như trong
vụ Nhân Văn Giai Phẩm?
Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề bao
giờ thấy xẩy ra. Tại sao Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền
Nam có hạng, trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh.
Kẻ đi tố cáo đã tự làm mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như
trường hợp Tố Hữu tố Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần trong Nhân Văn Giai Phẩm?
Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung giữ thái độ im lặng.
Theo tôi, sự tố giác của Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn không phải là trực
tiếp do hai người đó tự làm. Họ được bật đèn xanh và khuyến dụ cho sự tố
cáo nhau trong hàng ngũ trí thức thành phần thứ ba ở miền Nam.
Rõ ràng, Lý Chánh Trung cũng chỉ là một con bài mà ngay cả kẻ đi tố giác cũng chỉ là một con bài của chế độ cộng sản.
Đó là sách lược cộng sản chia để trị, dùng người này khống trị người kia, đe dọa và răn đe.
Trước 1975, ông nghênh ngang ngậm tẩu, đầy phong cách trí thức, đầy
tự tin, tham dự các cuộc mít tinh biểu tình như một thứ lãnh tụ sinh
viên.
Sau 1975, ông học làm thinh.
Sự làm thinh ấy là một sự khôn ngoan cộng sản để sống còn. Thích Trí
Quang cũng đã làm như vậy trong suốt hơn 40 năm trời. Và trí thức ngoài
miền Bắc của nhiều thế hệ từ Nguyễn Tuân đến những lớp đàn em, đàn em
của đàn em cũng đã học được bài học biết làm thinh như vậy để sống còn.
Và để gỡ tội với chế độ, ông đã điều chỉnh cách nhìn, quay 180 độ,
đổi giọng. Và đây mới là điều đáng trách, đây mới là điều tủi hổ cho trí
thức miền Nam.
Thà chạy mẹ ra nước ngoài cho yên. Thà buông súng đầu hàng.
Hay thà ngồi trong trại Cải Tạo nó bảo trắng thì mình bảo trắng, nó bảo đen thì mình bảo đen.
Ở đây có ai bắt ông chịu nhục phải viết như thế!
Trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói với một giọng điệu nịnh bợ, dối trá và hèn mạt như sau:
“Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa, đúng mực và
khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi.
Chúng tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn
bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một
yếu tố quyết định.”(32)
Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo để
che đậy, rất thuyết phục. Câu nói sau đây có vẻ can trường lắm:
Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí.
Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay nghề mới nói được như thế.
Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được
coi là dại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng:
“Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản.”(33)
Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và yêu
Đảng vào làm một. Yêu nước và yêu đảng là một là một luận điệu rẻ tiền
ngụy trá của người cộng sản quen dùng!
Điều này rõ ràng ông học được – không phải từ trường đại học Louvain –
mà từ trường Đảng, trường dạy ngụy biện gian dối có đẳng cấp nhất mà
tôi thường được nghe từ những nhà trí thức đủ loại ở Hà Nội.
Tôi có thể bỏ qua cho ông tất cả những gì ông đã làm, đã nói trước
1975. Nhưng thật là khó cho tôi không thể dung nhượng được những điều
ông nói và làm sau 1975.
Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn tiêu biểu cho
một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975. Bi kịch của những kẻ được
coi là kẻ dư thừa, không bao giờ được cộng sản tin dùng.
Có lẽ lời nhận định của Nguyễn Văn Trung đáng lẽ trước tiên phải được
dành ưu tiên cho Lý Chánh Trung – người bạn đồng hành của ông – mới
phải:
Tham gia cách mạng là tham gia vào quá trình tự tiêu diệt chính mình.
Cái độc ác và cái tàn bạo của cộng sản là biết dùng người này trị
người kia. Họ tạo ra những hiểu lầm, những mâu thuẫn để những kẻ đáng
nhẽ tôn trọng nhau như thầy trò trở thành phường ăn cháo đái bát, phản
bội và ám hại nhau bằng đủ thứ tố cáo.
Điều ấy đã xảy ra trong các trại cải tạo, trong trường học, trong tổ
chức tôn giáo và ngay cả trong phạm vi một gia đình và trong những các
bản tự khai. Con tố cao cha, vợ tố cáo chồng!
Xã hội mất mẹ nó niềm tin vào nhau. Đi dạy học thì cẩn thận từng lời
nói, từng cử chỉ kẻo có những đứa học trò được chỉ thị theo dõi thầy. Xã
hội làm sao không đảo điên!
Con người tự hạ mình mất nhân cách trở thành ăng ten, trở thành những tên điểm chỉ.
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại vụ phê bình của Lữ Phương và Nguyễn
Trọng Văn (có thêm một người nữa là ông Nguyễn Văn Bảy) về hai người đàn
anh của họ là Nguyễn Văn Trung-Lý Chánh Trung, tôi không còn mang nỗi
bực tức như trước đây nữa.
Mà hiểu rằng, điều đó nó phải xảy ra như thế trong một xã hội cộng
sản, trong đó người ta nghi ngờ nhau, tố cáo nhau, triệt hạ nhau. Và nếu
trong tay có quyền thế họ có thể hạ bệ, cách chức và cả thanh trừng
nữa.
Các cuộc thanh toán nội bộ đã xảy ra như chuyện cơm bữa trong đám quyền lực của đảng.
Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn đã làm theo đúng sách vở, và nhiều phần làm theo lệnh Đảng hoặc làm để lấy điểm.
Cứ giả dụ rằng không có 1975 thì mối giao hảo giữa Nguyễn Trọng Văn,
Lữ Phương đối với Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung – dù có không ưa nhau
đi nữa – đã không bao giờ có cảnh tố thầy trên báo như thế!
Cho nên, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề nội dung phê bình đúng sai.
Những nạn nhân như ông Lý Chánh Trung thì nay không còn biết gì nữa.
Nguyễn Văn Trung thì từ lâu đã gác mọi chuyện và để ngoài tai cả mười
năm nay rồi.
Phần Lữ Phương thì cũng đã thấm đòn, thất vọng ngay từ sau 1975 đã
không được trọng dụng và ở thế ngồi chơi xơi nước. Sau đó xoay ra ngồi
nghiên cứu phê bình chủ nghĩa Mác xít – mà tự nó, chủ nghĩa này đã lỗi
thời – nên cũng chẳng ai quan tâm và chẳng gây đuợc tiếng vang gì.
Nguyễn Trọng Văn thì giọng phê bình như đao búa, gần như mạt sát nẩy lửa. Đó cũng là cái tài của anh ta.
Chẳng bao lâu sau, lấy điểm cũng không xong, anh ta bị Đảng cấm cầm
bút. Sau đó thì anh ta bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn, và
qua đời cách đây được hơn một năm.
Cuộc đời Nguyễn Trọng Văn có cái may là cả hai đời vợ đều tốt nết.
Người vợ đầu tôi thấy chị ấy thật là hiền thục. Ít nói, hỏi gì chị chỉ
cười nhẹ. Người vợ thứ hai nhanh nhẹn, xinh xắn, hết lòng chăm sóc lo
cho Nguyễn Trọng Văn từng miếng cơm.
Còn ngoài ra, con người Nguyễn Trọng Văn, ngay từ ngày còn ngồi trên
ghế nhà trường đại học, tôi đã nhận ra tính bá đạo dựa trên những suy
luận biện chứng.
Trong một bữa ăn tụ họp anh em bạn bè cũ cùng học, sau 1975, khi tôi
có dịp về thăm Việt Nam. Một người bạn đã chỉ thẳng mặt Nguyễn Trọng Văn
tố cáo Văn đã làm chỉ điểm hại bạn bè.
Những chuyện nghi ngờ như thế, khó kiểm chứng, khó biết thật là đúng
hay sai như chuyện làm ăng ten trong các trại cải tạo. Tôi đã đứng lên
can thiệp và yêu cầu anh bạn ngồi xuống để bữa ăn họp mặt được trọn vẹn.
Phần Nguyễn Trọng Văn ngồi im lặng, không phản ứng gì trong suốt bữa ăn.
Cảnh đó, nghĩ lại nay cũng thấy tội nghiệp. Bạn bè nghi kỵ, trở thành thù địch. Đàn em tố cáo, hại đàn anh.
Những điều như thế chỉ có thể xảy ra trong Xã Hội cộng sản.
Tôi còn nhớ, khi Nguyễn Trọng Văn ra tòa xin ly dị với bà vợ người
Tàu lai, làm nghề châm cứu. Nguyễn Trọng Văn đã tố cáo vợ trước tòa đại
loại như sau:
“Đây là một người đàn bà bất xứng, phản bội lại tổ quốc vì đã vươt
biển. Vậy thưa quý tòa, người đàn bà này có còn xứng đáng có quyền để
nuôi giữ đứa con trai của tôi Không?”
Quan tòa nghe vậy thì chột dạ đành quyết định trao đứa con trai cho
Nguyễn Trọng Văn. Nghe chuyện này, anh em bạn bè đều ngao ngán.
Riêng Nguyễn Ngọc Lan (linh mục hoàn tục), một cây viết phê bình sắc sảo và khá thâm độc cũng phải lắc đầu: Thật chịu thầy thôi.
Hai bài tham luận của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn cùng một chủ đề.
Bài của Nguyễn Văn Bảy nhan đề Phê Bình quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản của hai ông Nguyễn Văn Trung trong Nhận Định IV, Nam Sơn, tháng 5-1966 và của Lý Chánh Trung, trong Cách mạng và Đạo Đức, Nam Sơn, tháng 1-1966
Bài của Lữ Phương nhan đề Vài ý kiến về các xu hướng gọi là ‘Cách mạng Xã Hội không cộng sản’, ở miền Nam trước đây.
Bài của Nguyễn Trọng Văn nhan đề Chủ nghĩa Xã hội không cộng sản
tại miền Nam Việt Nam – Nội dung và ảnh hưởng. (Tham luận của Nguyễn
Trọng Văn, tại Đại học Tổng Hợp, cơ sở hai, TP Hồ Chí Minh).
Lý Chánh Trung và về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học
Tôi đang ở Munich tại nhà một người bạn vào năm 1988 thì được cho
biết là có một bài báo đang gây sôi nổi lắm ở Việt Nam của Lý Chánh
Trung. Bài báo được đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, 13-11-1988.
Thú thật đây là bài báo gây sảng khoái, thích thú nhất trong số cả trăm bài khác của ông Lý Chánh Trung mà tôi đã đọc.
Tôi thầm nghĩ trong bụng, phải như thế mới là Lý Chánh Trung.
Ông viết thật xuất phát từ tim gan, viết gọn ngắn, rất thẳng thừng.
Dù ngắn gọn cũng là ấp ủ một hoài bão muốn xóa bỏ môn học chết tiệt đó.
Hơn ai hết, một người thấm nhuần tư tưởng văn học, triết học từ
phương Tây làm sao chịu thấu những định đề cứng nhắc của triết học Mác
xít?
Một nền giáo dục xứng đáng, nhân bản đôi khi chỉ cần là biết trở về
nguồn, trở về nguồn cõi đích thực mà cha ông bao đời đã để lại.
Người ta đã biến một lý thuyết xã hội thành phương châm, thành một thứ luân lý chính trị làm kiểu mẫu đạo đức cho giáo dục Việt Nam, cho con người Việt Nam cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam ngày nay nó hỏng từ đó, mục ruỗng từ đó.
Tưởng rằng sau đó nó sẽ được thay đổi!
Cái môn học ấy mà Lý Chánh Trung cho rằng nó làm khổ thầy giáo, làm
khổ học trò từ bao nhiêu năm rồi! Không muốn dậy mà cứ phải dậy, không
muốn học mà cứ phải học. Học như vẹt. Nay mới có một người dám nói lên
sự thật.
Bài báo gây chấn động, gây thích thú cho mọi người. Ông Đoàn Thanh
Liêm có kể lại rằng, có một nhân sĩ sau khi đọc xong bài này đã nhờ ông
Liêm gửi tặng ông Lý Chánh Trung một món tiền(34).
Phần tôi nghĩ rằng câu nói của Lý Chánh Trung sẽ mãi mãi được người đời ghi nhớ chẳng khác gì câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu.
Buồn thay vào ngày 22-12-2004, Bộ giáo dục đào tạo đã đưa ra hai
phương án cho các trường đại học áp dụng kỳ thi tốt nghiệp phải có môn
học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Triết học Mác-Lênin. Nguồn: NXB Chính trị Quốc gia
Phần kết luận
Nói về hành trạng của một người trí thức miền Nam thì từng ấy trang
giấy hẳn là vẫn không đủ. Nhưng phải chấp nhận cái giới hạn của chữ
nghĩa với chừng ấy sự kiện và bằng cớ.
Khi suy nghĩ về trường hợp Lý Chánh Trung xin thưa rằng như viết về
nhiều người khác, tôi không có một liên hệ ân oán gì, ngược lại có nhiều
thời gian với những kỷ niệm đẹp, với những giao tình trong mối quan hệ
nhiều phía mà không thiếu sự trân trọng tầm mức trí thức của người họ
Lý.
Nhưng chính ở chỗ đó, tôi có một cảm thức chua xót là tại sao người
cộng sản đã có khả năng khuyến dụ, uốn nắn ngay cả chỉ đạo và bịt mắt
một người trí thức như Lý Chánh Trung.
Nay đã có biết bao nhiêu trí thức đã thức tỉnh và bầy tỏ sự hối hận vì đã có thời lầm lỡ.
Riêng Lý Chánh Trung thì nay trí nhớ hầu như xa vắng và ông không có
cơ hội để bày tỏ một thái độ trí thức dứt khoát như những người khác.
Có lẽ, đó là điều đáng tiếc nhất cho ông. Một bi kịch làm người trong chế độ cộng sản.
Trước 1975, ông từng viết một bài nhan đề rất sâu sắc ác độc Nghĩ về một xã hội tan rã để
ám chỉ đến xã hội miền Nam trước 1975. Tôi nghĩ nếu bài viết ấy dùng để
mô tả xã hội hôm nay của chế độ cộng sản thì quả thực là một lời tiên
tri của Lý Chánh Trung!
© 2015 DCVOnline
DCVOnline biên tập, minh họa và chú thích bổ túc
(30) Nguyễn Văn Trung, Nhận Định X, 1994-1998
(31) Nguyễn Thụy Long, Ký ức về tiếng hát người tử tù, đăng lại trên Khởi Hành, số 104, trang 24, tháng 9-2005.
Trong bài “Toàn cảnh Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam – Mặt Trận Liên Tôn kháng cộng sau 1975” của Nhóm Thư Viện Phạm Văn Thành đăng ngày 15/6/2015 có đoạn về vụ biến động “Nhà Thờ Vinh Sơn”, Saigon như sau:
“Linh mục Nguyễn Quang Minh, Cha Chánh Xứ Nhà Thờ Vinh Sơn chủ xướng
cùng vài chí hữu là Linh mục Nguyễn Hữu Nghị, và cựu sĩ quan QLVNCH
Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Xuân Hùng lập Tổ Chức Dân Quân Phục Quốc, chủ
trương dùng vũ lực chống lại tà quyền cộng sản vào cuối năm 1975, đặt
bản doanh tại Nhà Thờ Vinh Sơn, đường Trần Quốc Toản Saigon. Tổ chức đã
soạn thảo Tuyên Ngôn 11 điểm, chọn Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca, và thiết
lập hệ thống chính quyền phục quốc cũng như lực lượng binh sĩ có võ
trang.
Bị lộ và Nhà Thờ Vinh Sơn bị cộng quân bao vây đêm 12/2/1976, các chí hữu Dân Quân Phục Quốc cố thủ trong Nhà Thờ.
Ngày 13 / 2 / 1976 VC tấn công vào Nhà Thờ, các thành viên tổ chức bị
bắt. Tháng 9/1976, tòa VC tại Saigon xử vụ Vinh Sơn: tử hình Linh mục
Nguyễn Hữu Nghị, Nguyễn Việt Hưng, và Nguyễn Xuân Hùng; các chí hữu còn
lại bị tù từ 3 năm đến chung thân.”
(32) Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 182
(33) Alain Ruscio, Ibid, trang 214: “Ly
Chanh Trung m’a expliqué: On ne pouvait être patriote, partisan de la
paix, de la reconciliation nationale, et rester en même temps
anticommuniste.”
(34) Đoàn Thanh Liêm, Nỗi khó xử của giáo sư Lý Chánh Trung, Danchimviet.com, 12/12/2009.
“Ông cụ nay đã quy tiên từ lâu, nên bây giờ tôi có thể nêu danh tánh
của cụ. Đó là cụ Đinh Văn Năm, nguyên trước năm 1954 cụ đã giữ chức vụ
Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Bùi chu, mà người dân địa phương đều biết đến và
mến chuộng đức độ và sự tận tâm phục vụ của cụ cả trong việc đời, lẫn
việc đạo.”
Đính chính của tác giả
Đính chính và xin lỗi gia đình giáo sư Lý Chánh Trung
Trong bài viêt “Thân Phận dư thừa của một người trí thức thiên tả”, tôi có viết, “Khi con trai ông, Lý Trung Dũng (1970-2013) qua đời, không thấy đả động gì đến các nghi thức công giáo cả?”
Do chỉ đọc một cáo phó đưa tin về cái chết của ông Lý
Trung Dũng trong đó không thấy có đả động gì đến các nghi thức tôn
giáo, tôi đã viết như thế. Nay có dip đọc trong bản tin ở trang Gia đình
Tạ-Trung-Trà Vinh, tôi nhận thấy có ghi cả tên thánh Phanxicô và trong
tang lễ có ghi đầy đủ các nghi thưc tôn giáo.
Vì thế, tôi xin được đính chính tin tức trên và thành
thật có lời xin lỗi đến gia đình giáo sư Lý Chánh Trung vì sự sai xót
ngoài ý muốn này.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: http://tatrungtravinh.blogspot.ca/2013/11/tin-buon.html
|
Nguồn: http://tatrungtravinh.blogspot.ca/2013/11/tang-le-phanxico-ly-trung-dung.html
|
DCVOnline:
(*) Từ 1970 đến 1975 Lý Chánh Trung đã viết khoảng hơn 300 bài báo
đăng trên các báo đông độc giả ở Sài Gòn, phần lớn đăng trên hai tờ Tin
Sáng và Điện tín. Tháng 9-1967, trong một bài nói chuyện tại Hội Liên
trường ở Sài Gòn, bình luận về hai chữ “mất nước”, Lý Chánh Trung nói,
“Lãnh thổ, dân tộc và chủ quyền là ba yếu tố thiết yếu để tạo
thành một nước. Có nhà mà không được làm chủ trong nhà mình thì có khác
gì không nhà. Có nước mà không làm chủ trong nước thì đúng là mất nước.
Dân tộc trưởng thành trong quốc gia và sứ mạng của quốc gia là bảo vệ
chủ quyền của dân tộc, để dân tộc có thể hành động trong lịch sử như là
một chủ thể. Một quốc gia không có chủ quyền là một ý niệm rỗng, hư vô.”
Đọc đoạn văn trên đây tưởng chừng như ông Lý Chánh Trung đang bàn luận về hiện tình đất nước.
Bài viết này đã được đăng trong cuốn Chung một bóng cờ, một
tuyển tập hồi ký của nhiều đảng viên, cảm tình viên Cộng Sản do Nguyễn
Văn Linh nhuận bút. Hội đồng chỉ đạo biên tập và ban biên tập gồm những
khuôn mặt quan trọng của Cộng Sản ở miền Nam. Sách gồm 979 trang do NXB
Chính trị Quốc gia, Hà Nội phát hành năm 1993. Nguồn: (i) Thanh Khê, Giáo sư Lý Chánh Trung và những bài báo “Đối diện với chiến tranh”, Báo Đại Đoàn Kết, Cơ quan Trung ương của MTTQVN, 20 tháng 6, 2015.
(ii) Nguyễn Kỳ Phong, Về một số thư liệu của Cộng Sản Việt Nam.
(**) Ban biên tập DCVOnline ghi lầm tên đệm của đại úy Lý Tiến Dũng
và đã chỉnh sửa. Trong bài “Xa lộ Thông tin chỉ còn lề phải – Nhân Ngày
Báo chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng Sáu (1)” của Thiện Ý đăng trên
Talawas (15/06/2009) tác giả viết:
“Tại cuộc họp cán bộ cao cấp quân đội ở Hội trường Quân khu 7, Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh đến nói toẹt câu chuyện trên nhằm nâng
cao tinh thần cảnh giác cho các sĩ quan. Ông Bộ trưởng đang hùng hồn thì
bất ngờ một sĩ quan trẻ đập bàn hét lớn: “Nói láo!”rồi đứng
lên rời khỏi hội trường. Lập tức cảnh vệ đuổi theo đưa anh gặp đại tá
phó Hiệu trưởng. Đó là đại úy Lý Tiến Dũng, quân nhân có quân hàm thấp
nhất cuộc họp, vừa mới từ chiến trường chống bọn diệt chủng Pol Pot trở
về. Trả lời ông đại tá, Lý Tiến Dũng nói: “Nếu ban nãy ngồi đối diện với ông ấy, tôi đã cho một cái tát! Bởi vì tôi không thể ngồi nghe kẻ nào chửi cha mình!” Sau
đó, anh cởi áo lính, đi tập viết báo. Hơn 10 năm sau, anh trở thành một
cây bút chính luận sắc bén, rồi trở thành Tổng Biên tập báo Đại Đoàn
Kết và nổi tiếng vì dám quyết định đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
yêu cầu không phá bỏ Hội trường Ba Đình, sau khi đã có lệnh cấm của Ban
Tuyên huấn Trung ương Đảng (Có 9 tờ báo không dám đăng lá thư này.) Anh
bị bãi chức Tổng Biên tập bởi đi không đúng “lề phải” của ông Lê Doãn
Hợp, lại còn viết bài xài xể phó trưởng an Tuyên huấn Trung ương Hồng
Vinh là người thiếu năng lực và không có tư cách. (Hồng Vinh cũng là
người không cho báo Quốc Tế của Bộ Ngoại giao đăng bài của ông Võ Văn
Kiệt. Ông Kiệt chất vấn, nhưng không được Trưởng ban Tuyên huấn Nguyễn
Khoa Điềm trả lời.)”