Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Showing posts with label BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG732. Show all posts
Showing posts with label BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG732. Show all posts

Friday, 28 June 2019

Phạm Toàn: 'Sống đẹp khó hơn chết đẹp vạn lần'

  • 28 tháng 6 2019
  • Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Nhà giáo, nhà văn hóa Phạm Toàn có nhiều đóng góp cho giáo dục, văn hóa và phát triển của Việt Nam
    Để khóc hoặc hát cho một người vừa lìa cõi, còn gì vui hơn khi ta có thể nói về người đó, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát "Đã bay cao trong vòm trời đầy".
    Chết đẹp đã là rất khó. Nhưng chết đẹp là quyết định của một khoảnh khắc. Còn để sống đẹp, là cả một đời, là dằng dặc những chuỗi lựa chọn và từ bỏ cám dỗ, thật ít ai làm được.
    Những "người trần mắt thịt" dám bay cao tìm vòm trời đầy khát vọng là một cách sống đẹp.
    Nhà văn, nhà giáo, dịch giả Phạm Toàn không là phi công, nhưng càng về cuối đời, ông càng gắng gỏi bay lên, vừa là để tiếp cận ánh sáng tri thức và tự do, vừa là mong góp chút sức nhỏ "dặm vá" lại bầu trời Việt Nam vốn tròn đầy nhưng đã bị nhiều phần thâm thủng bởi những kẻ cai trị ích kỷ và lừa mỵ.
    Phạm Toàn, những năm bốn mươi năm mươi của thế kỷ trước đã từng là người lính hăng hái lên chiến khu trong ảo tưởng "Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh" (thơ Quang Dũng) để rồi kết cục bị "ngộ độc" sự thật phũ phàng khi phải trải qua Cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn giai phẩm với chủ trương của đảng cộng sản "Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ"...
    Phạm Toàn, cũng như những người thuộc thế hệ ông, đều không may mắn, bất đắc dĩ chứng kiến những bi kịch thuộc vào hàng tàn nhẫn nhất của lịch sử VN: phong kiến lạc hậu, nạn đói, bốn cuộc chiến tranh, sự thống trị gần trăm năm của thể chế cộng sản ngày càng chứng tỏ sự bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, hệ thống công quyền đầy sâu mọt tham nhũng cho đến nay.
    Nhưng sự thật phũ phàng đã không quật ngã được ông. Phạm Toàn với những bạn bè cùng thời hoặc những đàn anh, thế hệ văn sĩ trí thức quý giá như Phùng Quán, Trần Dần, Quang Dũng, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, Dương Tường,... cái thế hệ vàng chịu nhiều khổ nhục ấy đã gắng gỏi biết bao để ngưỡng vọng ánh trời chân thực, tha thiết đem về chia lại cho dân Việt, hòng vươn tới vòm trời tròn đầy nhân văn, tự do, công bằng và bác ái cho người Việt Nam.
    Phạm Toàn sẽ còn được người VN biết ơn, ít nhất vì ba thành tựu đáng kể. Thứ nhất, ông đã cùng một số trí thức sáng lập trang Bauxite Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường sống của người Việt và chủ quyền VN, chống lại sự xâm lược tinh vi của TQ đội lốt các dự án đầu tư kinh tế và thương mại...
    Trang này đã tạo được tiếng vang và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội khiến cho những kẻ âm mưu bán nước phải run sợ và ra đòn thù. Trang này cũng cổ vũ trí thức và người dân dám công khai tôn vinh sự thật và công lý. Ông cũng là một trong những nhà tham gia và ủng hộ nhóm sáng lập Văn đoàn độc lập Việt Nam.
    Thứ hai, ông viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng quan trọng nhất là ông đã dịch một số tác phẩm mang tính khai sáng nhằm cung cấp kiến thức, cổ vũ nền dân chủ và tự do cho Việt Nam, đặc biệt là cuốn "Nền dân trị Mỹ".
    Thứ ba, ông là một nhà cải cách giáo dục thực sự kiên định và đầy tinh thần hy sinh. Ông sáng lập nhóm Cánh Buồm, cùng các cộng sự vét những đồng tiền riêng vốn đã rất eo hẹp của mình để thực hiện dự án dài cả chục năm nhằm viết lại sách giáo khoa cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9.
    Quan trọng hơn nữa, nhóm này đưa ra một triết lý, một phương pháp giáo dục văn minh, cập nhật cách dạy của một số nền giáo dục tiên tiến. giải phóng sự sáng tạo của học sinh, dẫu chưa phải đã hoàn thiện nhưng là hành động thiết thực góp phần „phá vòng nô lệ" về giáo dục VN vốn đang khủng hoảng.
    Phạm Toàn là người sống đẹp, vì những lý do ấy.

    Mộ phần của kẻ "nhẹ tênh"

    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Phạm Toàn qua đời ở tuổi 88 tại Hà Nội
    "Gia đình xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng)". Đó là thông báo về đám tang Phạm Toàn do gia đình ông công bố.
    Dẫu rất thương tiếc ông, nhưng cũng như khi đã viết về Phùng Quán, Lê Đạt, Quang Dũng, Nguyễn Hữu Đang, Bùi Ngọc Tấn, Bùi Tín... ngày họ lìa đời, tôi không cảm thấy hụt hẫng. Vì những người cầm bút và những bậc thức giả dám đấu tranh cho sự thật, cho công lý, góp phần cho nền khai sáng, dẫu họ có ra đi thì ảnh hình của họ vẫn lấp đầy nhân thế bởi di sản của họ, bởi lòng da diết phụng sự quên mình cho sự tròn đầy tự do và bác ái cho người dân Việt Nam.
    Qua đây, không thể không nhận ra tại Việt Nam có hai cách hành xử trái ngược.
    Kẻ thức giả - những trí thức có kiến thức uyên thâm, có tinh thần và hành động khai sáng- càng tài năng, càng cống nạp bản thân cho sự bình an của cộng đồng thì càng biết mình bé nhỏ.
    Kẻ thức giả biết đời là hữu hạn nên càng cố công chịu nhọc nhằn kiếp nạn cho đến những phút cuối cùng để tiếp tục sứ mạng của mình. Sứ mạng ấy, cây thánh giá trĩu nặng ấy là do mình tự đặt lên vai, một ngày không vác được nó lên đỉnh đồi thì lòng đầy ăn năn.
    Kẻ đó, trước khi lìa đời, đinh ninh dặn con cháu thậm chí một vòng hoa của người viếng cũng không nhận vì sợ ngay cả làm đau và lạm dụng cây cỏ, còn nói chi đến chuyện nhận tiền bạc phúng viếng của người khác. Đương nhiên họ ghê sợ lăng mộ rình rang chiếm đất người sống. Phạm Toàn là một trong những người như vậy.
    Vâng, đương nhiên kẻ thức giả hành xử ngược lại với lũ ô trọc tham lam lấy việc cướp đoạt của người làm lẽ sống. Nuối tiếc sự xa hoa ô nhục, đám ấy sợ chết đến mức chiếm nhiều ha đất của dân xây đền đài lăng tẩm nguy nga chờ sẵn đến ngày chui xuống.
    Bản quyền hình ảnh Other
    Image caption Phạm Toàn là đồng sáng lập tờ báo mạng và trang blog Bauxite Việt Nam được nhiều người quan tâm
    Đám đó vừa dùng quyền vừa dùng tiền ép buộc hoặc mua chuộc sư hổ mang, lũ "đại đức" vô đạo lén lút đưa tên tuổi bài vị chúng vào chùa, hòng đợi lâu ngày người dân quên tội lỗi của chúng mà thờ chúng như thần thánh. Ngay cả trước cái chết, đám này cũng phải bài binh bố trận để tham nhũng, làm cú vét chót lớn nhất kể cả vật chất và tâm linh, hối lộ đánh lận khỏi cốt cách quỷ ma hòng lên bậc thánh thần!
    Phạm Toàn ra đi nhẹ tênh, chẳng chút tham lam và rổn rảng còn trong đời tiếng cười ông hào sảng.
    Vì thế, chỉ nói lời tạm biệt thôi, đâu có gì mà vĩnh biệt.
    Như từ năm 1986, nhà thơ Phạm Toàn đã viết trong chính một bài thơ của ông "Sao lại nói bên mồ lời tạm biệt":
    "Khi người đi mãi mãi đã ra đi
    Cây nghĩa trang có nghe gió thầm thì
    Người nằm đó đâu nào còn nghe biết
    Sao chẳng nói bên mồ lời vĩnh biệt
    Dù Chúa cho ta rồi sẽ gặp nhau
    Đời bắt ta còn nấn ná dài lâu
    Mà nói nhịu lúc ngỏ lời tâm huyết
    Mà suy sụp mỗi lần bên cái chết
    Sống đẹp khó hơn chết đẹp vạn lần
    Dẫu băm bổ đường dài
    Dẫu bịn rịn bước chân
    Vẫn đứng lại đi hoài đi tiếp
    Song vẫn nói bên mồ lời tạm biệt
    Dù người đi mãi mãi đã ra đi
    Cây nghĩa trang đứng nghe gió thầm thì".
    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhà thơ và nhà báo Võ Thị Hảo, người đang sinh sống và làm việc ở Berlin, CHLB Đức.

    Chủ đề liên quan

    BNG lên tiếng về chỉ trích của Trump cáo buộc Việt Nam ‘lạm dụng’ thương mại



    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump chụp ảnh bên lề Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hôm 28/6. (Twitter @VNGovtPortal)


    Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 28/6 nói rằng Việt Nam muốn phát triển quan hệ thương mại “công bằng” với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc quốc gia Đông Nam Á là đang lạm dụng Mỹ về thương mại “tệ hơn cả Trung Quốc.”
    Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với VOA, qua một email trả lời liên quan tới phản ứng của Việt Nam trước những phát chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng “Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.”
    Trả lời phỏng vấn Fox Business hôm 26/6, ông Trump nói Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
    Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại (với Mỹ).
    Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn BNG Việt Nam
    “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước,” ông Trump nói.
    Đây là lần đầu tiên ông Trump đưa ra chỉ trích sắc bén nhắm vào Việt Nam về thương mại, một trong những vấn đề hàng đầu trong chủ trương chính sách của ông suốt hơn hai năm rưỡi nắm quyền.
    Mức thâm hụt thương mại của mỹ với Việt Nam là 39,5 tỷ USD năm 2018, tăng 3,1% so với năm 2017, theo dữ liệu của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam hiện đang thứ 17 trong số những bạn hàng thương mại lớn nhất với Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,9 tỷ USD vào năm ngoái.
    Chính quyền Trump đã tăng áp lực để Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
    “Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước,” bà Hằng cho VOA biết và nói thêm rằng Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện với Mỹ.
    Theo người phát ngôn BNG, Việt Nam đã và đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ.”
    Khi được hỏi liệu có đánh thuế hàng hóa của Việt Nam hay không, Tổng thống Trump nói với người dẫn chương trình của Fox Business hôm 26/6 rằng “chúng tôi đang thảo luận” với Việt Nam nhưng không nói rõ là vấn đề gì.
    Trả lời câu hỏi của VOA về việc liệu chính quyền của ông Trump có đang thảo luận với Việt Nam hay không, bà Hằng cho biết “Việt Nam và Hoa Kỳ thường xuyên trao đổi thông qua cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh.”
    Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại hiện đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
    “Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” tổng thống Mỹ nói hôm 26/6, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng do bị đánh thuế.
    Hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 38% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
    Trong khi đó, xuất khẩu hàng điện tử và máy tính Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng mạnh trong năm nay, cho thấy các công ty Trung Quốc đang tìm cách tránh thuế quan của Mỹ bằng cách tuồn hàng sang Việt Nam để thay bao bì trước khi lại xuất khẩu các mặt hàng đó sang Mỹ. Các quan chức Việt Nam đầu tháng này nói rằng Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc hàng hóa.
    Trong bối cảnh đó, người phát ngôn BNG cho VOA biết rằng “Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.”
    Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế với VOA, Việt Nam cần khẩn trương giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, công bố sách trắng về xuất khẩu, và quan trọng nhất là chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc dán mác Việt Nam để củng cố lòng tin từ phía Hoa Kỳ sau tuyên bố chỉ trích Việt Nam của Tổng thống Trump.


    FACE BOOK GÓP Ý:
    Lãnh đạo Việt Nam hiện tại là bọn gian gião, thế giới nên coi chừng!

    Thị trường VN rớt 1,7% sau khi TT Trump tố cáo là ‘kẻ lạm dụng tồi tệ nhất’


    Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phó Trọng tại Hà Nội, ngày 27/2/2019.
    Hôm 27/6, thị trường chứng khoán Việt Nam VN Index rớt giá gần 1,7% ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ, theo hãng tin Bloomberg.
    Vào cuối ngày 27/6/2019, trang Bloomberg loan tin chỉ số VN Index giảm 16.02 điểm, sụt 1,67%.
    Bloomberg nói rằng đây là lần sụt giảm đến mức thấp nhất của VN Index kể từ ngày 12/2/2019 cho đến nay.
    Trang VNExpress cũng chạy tít là “VN-Index giảm hơn 16 điểm,” nhưng không nói rõ lý do, chỉ nói rằng: “lực bán bất ngờ gia tăng trong khi dòng tiền bắt đáy không đủ sức hấp thụ.”
    Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business hôm 26/6, ông Trump nêu nhận định về một loạt vấn đề kinh tế, vài tiếng trước khi ông lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị của Nhóm 20 cường quốc kinh tế.
    “Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” tổng thống nói, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng.
    Khi được hỏi ông có muốn đánh thuế lên Việt Nam hay không, ông không phủ nhận và cho biết Mỹ “đang thảo luận” với Việt Nam, nhưng không nói rõ là về vấn đề gì, và nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người.”
    Ông Trump thường xuyên than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ và đang áp đặt những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh điều mà ông xem là sự mất cân bằng thương mại, trong đó có Việt Nam.
    Bloomberg cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức về bình luận này.
    Theo quan sát của VOA, truyền thông Việt Nam trong ngày qua cũng không đề cập đến phát biểu chỉ trích Việt Nam của ông Trump.
    Các chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng hôm 26/6 chứng tỏ rằng thương chiến Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng và bây giờ đến lượt Việt Nam là mục tiêu trong việc tăng thuế suất tiếp theo dưới chính sách thương mại của ông Trump.
    Từ Florida, Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí nói:
    Vấn đề như vậy là nghiêm trọng. Việt Nam đừng nên coi thường lời tuyên bố của ông ấy. Như vậy cũng gây bất lợi cho chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng)
    TS Phạm Đỗ Chí
    . Qúa bất lợi! Tôi không ngờ ông ấy lại lôi Việt Nam ra mà nói mạnh như vậy.
    “Hoa Kỳ đặt Việt Nam sau Trung Quốc về địch thủ trong chiến tranh thương mại. Phía Mỹ nêu ra vấn đề này thì sẽ cản trở mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay cũng như việc hướng đến quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.”
    Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên nhận định:
    “Khi ông Trump nói như thế tôi nghĩ rằng ông đặt vấn đề xem Việt Nam có ý lợi dụng hệ thống của Hoa Kỳ để tiếp tay với Trung Quốc.
    “Ông Trump là người nói thẳng. Từ lúc lên nắm quyền cho tới nay, anh có tính giơ cao đánh khẽ, nghĩa là bước đầu ông dọa nạt, đánh phủ đầu, sau đó thì tìm một thương ước hay một thỏa thuận để có lợi cho Hoa Kỳ, nhằm gây áp lực với những nước cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam, buộc họ phải thay đổi cấu trúc mới giải quyết được vấn đề, tức là các nền kinh tế phải tương đồng.
    “Tôi cho rằng vi phạm của Việt Nam là nghiêm trọng, và những vi phạm này cũng dễ thấy, không cần tin tình báo cũng biết được: đó là nhiều công ty Trung Quốc sang Việt Nam và dùng Made in Vietnam để đưa hàng sang Hoa Kỳ. Ông Trump nhận xét như vậy là quá đúng, nhưng để giải quyết vấn đề này thì rất phức tạp.”
    Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí cho biết thêm:
    “Việc hàng Trung Quốc sang và gắn mác hàng Việt Nam là điều mà người Mỹ lo ngại nhất.”
    Chính quyền Trump đã tăng áp lực để Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
    Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 theo thống kê về ngoại thương của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
    Dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 6 cho thấy thuế quan của Mỹ đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump.
    Theo CNN, hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng 38% trong 4 tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái, trong khi đó Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi tới gần 30 tỷ đôla để nhập hàng hóa từ Trung Quốc, tăng12,3% so với cùng kỳ năm trước.
    Từ California, nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nói với VOA rằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có bao gồm hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc là ‘điều đã quá rõ ràng’.
    Ông Nghĩa nói rằng mặc dù Tổng thống Donald Trump hay tuyên bố lung tung, nhưng việc ông nói đến tên Việt Nam trong một chương trình chuyên về kinh tế như vậy có nghĩa là ông đã được cấp dưới thông báo và cập nhật về tình hình giao thương của Việt Nam với Mỹ.
    “Ông ấy muốn răn đe Việt Nam là ông ấy đang nghĩ đến việc đó,” ông Nghĩa nói và cho biết phía Mỹ ‘đã bỏ qua việc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ rồi’ nên trong vấn đề này nếu Việt Nam không giải quyết cho rõ ‘thì sẽ bị thiệt hại rất nặng’.
    “Trong 11 tháng chiến tranh thương mại vừa rồi, nhiều người Việt Nam nghĩ rằng có thể lợi dụng được tình hình,” ông giải thích. “Họ dán nhãn ‘Made in Vietnam’ lên hàng Trung Quốc để bán sang Hoa Kỳ.”
    “Số lượng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ gia tăng dữ dội trong vòng 5, 6 tháng đầu năm. Họ (người Mỹ) biết hết. Họ khui ra hết. Việt Nam nếu không giải quyết chuyện này thì nghĩa là lợi bất cập hại,” ông nói thêm.
    Theo ông Nghĩa thì mặc dù Chính phủ Việt Nam không có chủ trương như vậy nhưng lại không kiểm soát để các cơ sở kinh doanh có hành vi thương mại như thế.
    Khi được hỏi lời phàn nàn của ông Trump như vậy là nhắm vào thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hay nhắm vào việc Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc lách thuế của Mỹ, ông Nghĩa nói: “Thặng dư thì còn có thể thảo luận được. Nhưng nếu trong thặng dư đó có một phần lớn là thặng dư của Trung Quốc ngụy trang thành hàng Việt Nam thì tức là toa rập với Trung Quốc để lừa nước Mỹ thì sẽ rất có hại cho Việt Nam.”
    (còn tiếp)

    Thủ tướng Phúc tiếp cận tổng thống Mỹ sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam


    Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ông Trump hôm 26/6 chỉ trích Việt Nam vì lạm dụng thương mại với Mỹ. (Ảnh chụp từ VTV1)
    Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/6 tiếp cận Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một buổi làm việc vào giờ ăn trưa tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, chỉ hai ngày sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại.
    Hôm 26/6, nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ khi nói rằng “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” hơn cả Trung Quốc.
    "(Tổng thống Trump) hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam."
    Báo điện tử Chính phủ Việt Nam
    Truyền thông chính thống Việt Nam không đăng tải bất cứ thông tin nào về chỉ trích của ông Trump đối với Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.
    Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu của VOA gửi hôm 27/6 xin bình luận về phát biểu của tổng thống Mỹ.
    Tại Osaka hôm 28/6, Thủ tướng Phúc đã tiếp cận ông Trump sau khi tổng thống Mỹ ngồi xuống để bắt đầu một buổi làm việc vào giờ ăn trưa của hội nghị G20, theo phóng viên Nhà Trắng của VOA tháp tùng ông Trump tới dự hội nghị này.
    Tổng thống Mỹ lắng nghe trong lúc thủ tướng Việt Nam đứng giải thích điều gì đó với ông qua một người phiên dịch, trong tư thế ngồi và hai tay quàng trước ngực với khuôn mặt nghiêm nghị.
    Việt Nam là một trong 8 nước được mời tới dự hội nghị đang diễn ra ở Nhật Bản và theo báo điện tử Chính phủ Việt Nam cho biết hôm 28/6, ông Phúc và ông Trump đã gặp gỡ bên lề hội nghị tại Nhật Bản.
    "Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng," theo bản tin của báo Điện tử Chính phủ (VGP News) được đăng kèm với bức ảnh 2 vị nguyên thủ tươi cười giơ ngón tay cái.
    Bản tin còn cho biết: "Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam."
    "Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương," theo VGP News.
    Ông Phúc cũng là người đã tiếp ông Trump tại Hà Nội trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới dự cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 2 vừa qua, trong đó hình ảnh 2 nguyên thủ quốc gia cầm cờ Việt Nam và Mỹ vẫy chào được coi là dấu hiệu của một mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa hai cựu thù.
    Tuy nhiên, phát biểu hôm 26/6 của ông Trump cho thấy giọng điệu chỉ trích gay gắt nhất từ trước tới giờ nhắm vào Việt Nam về thương mại, một trong những vấn đề hàng đầu trong chủ trương chính sách của ông suốt hơn hai năm rưỡi nắm quyền. Ông thường xuyên than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ và đang áp đặt những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh điều mà ông xem là sự mất cân bằng thương mại.

    Thượng đỉnh G20 nêu bật những quan tâm về thương mại toàn cầu


    Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019.
    Nhiều nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 lên tiếng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại hiện nay và những nguy cơ đặt ra cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng bất đồng về những vấn đề cơ bản như việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới, theo lời các phái đoàn nói với Reuters.
    Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 28/6 khai mạc hai ngày họp thượng đỉnh tại Osaka Nhật Bản.
    Tất cả đều mỉm cười trước ống kính trong ngày đầu của cuộc họp, trong đó có cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn hội nghị.
    Tại đây, dường như Tổng thống Trump hạ nhiệt những cáo buộc về chuyện Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
    Tuy nhiên, các phái đoàn cho Reuters biết các nhà lãnh đạo G20 không đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề quan trọng trong nghị trình thượng đỉnh.
    Họ bày tỏ quan ngại về hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói những căng thẳng thương mại có thể đưa đến bất lợi cho tất cả mọi người.
    Tokyo thúc đẩy một thông cáo chung của G20 nhấn mạnh đến việc quảng bá thương mại tự do như là một phương thức đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu, theo truyền thông Nhật Bản.
    Tuy nhiên, các đại diện của Nga và Nhật nói với Reuters là kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thốn Trump và việc chính quyền ông không thích chủ nghĩa đa phương là những thách thức khó khăn đối với sự đoàn kết của G20.
    Trong số những rạn nứt lớn nhất là bất đồng ý kiến về làm cách nào cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để đẩy mạnh hơn nữa kinh tế toàn cầu.
    An ninh thông tin, biến đổi khí hậu và di dân cũng là những vấn đề gai góc.
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói nước ông sẽ không ký thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh nếu không đề cập đến thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
    Hội nghị thượng đỉnh tiếp tục vào ngày thứ Bảy 29/6, với cuộc gặp bên lề hội nghị giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình được theo dõi chặt chẽ xem liệu có những dấu hiệu tích cực hay tiêu cực về tương lai thương mại toàn cầu hay không.

    LHQ: Hong Kong nên tham khảo rộng rãi về luật dẫn độ


    Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet tham dự một cuộc họp tại Mexico City, Mexico, ngày 8/4/2019.
    Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet ngày 24/6 thúc đẩy nhà cầm quyền Hong Kong “tham khảo rộng rãi” trước khi thông qua hay tu chính luật dẫn độ hay bất cứ văn kiện pháp lý nào.
    Dự luật dẫn độ tại Hong Kong đã khơi mào biểu tình kéo dài nhiều tuần nay. Những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại dự luật đã làm cho thành phố này lâm vào cuộc khủng hoảng, đặt ra một thách thức lớn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2012.
    Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hoãn dự luật cho phép những nghi can hình sự tại cựu thuộc địa Anh này bị dẫn độ về Hoa Lục để xét xử, nhưng một số nhà hoạt động kêu gọi bà hủy hoàn toàn dự luật này.
    Bà Bachelet khen ngợi quyết định của nhà cầm quyền Hong Kong hoãn việc thông qua dự luật để đáp ứng với ‘hoạt động dân sự rầm rộ của một phần lớn dân chúng.’
    “Tôi khuyến khích nhà cầm quyền tham khảo rộng rãi trước khi thông qua hay tu chính dự luật này hay bất cứ luật nào khác,” bà Bachelet nói với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong phiên khai mạc cuộc họp kéo dài 3 tuần tại Geneva.
    Bà Bachelet cho hay bà tiếp tục nêu lên các vấn đề liên hệ đến Tân Cương và những vấn đề khác với Trung Quốc và những cuộc thảo luận bao gồm việc tiếp cận không bị ngăn cản khu vực phía tây Trung Quốc.
    Các chuyên gia Liên hiệp quốc và những nhà hoạt động nói có khoảng một triệu người sắc tộc Uighur và những người Hồi Giáo khác bị giam trong những trung tâm giam giữ tại Tân Cương. Trung Quốc bị quốc tế lên án vì thành lập những trung tâm giam giữ phức hợp mà Bắc Kinh gọi là “trung tâm huấn luyện giáo dục” và nói hành động này nhằm chặn đứng chủ nghĩa cực đoan và trang bị cho người dân kỹ năng mới.
    Trung Quốc, một thành viên của diễn đàn gồm 47 quốc gia, thường cương quyết chặn chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của họ trong các phiên họp, theo các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động.

    Dân Hong Kong lại xuống đường chống dự luật dẫn độ


    Hai người qua đường trước các rào cản và dù vàng, biểu tượng của cuộc phản kháng, gắn trên cổng của tổng hành dinh cảnh sát Hong Kong, sáng sớm ngày 27/6/2019. (Photo by Anthony WALLACE / AFP)
    Hơn 1.000 người, đa số là sinh viên mặc trang phục màu đen, lại tập hợp bên ngoài các văn phòng chính phủ Hồng Kông hôm thứ Sáu 28/6, giữa lúc các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu gì là sẽ chấm dứt.
    Sau các cuộc biểu tình đông đảo và bạo lực nhất trong nhiều thập kỷ, Trường đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã tạm đình chỉ dự luật gây nhiều tranh cãi, mà nếu được thi hành, sẽ cho phép dẫn độ một số nghi phạm sang Hoa lục để xét xử. Mặc dù vậy, bà Carrie Lam không đáp ứng yêu sách của những người biểu tình, đòi hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ.
    Tận dụng hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo G20 diễn ra ở Nhật Bản trong tuần này, giới hoạt động ở Hong Kong đã vận động để số phận của cựu thuộc địa Anh được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị, một động thái chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ. Trước đó, lãnh đạo ở Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không “dung thứ” việc mang vấn đề Hong Kong ra thảo luận.
    Hàng triệu dân Hong Kong biểu tình rầm rộ chống dự luật dẫn độ
    Hàng triệu dân Hong Kong biểu tình rầm rộ chống dự luật dẫn độ
    Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra sau nhiều tuần bất ổn khi hàng triệu người thuộc mọi tầng lớp kéo nhau xuống đường, làm tắc nghẽn giao thông ở Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á, trong hành động thách thức lớn nhất của dân chúng đối với lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ khi ông này lên nắm quyền vào năm 2012.
    Hồng Kông được trao lại Trung Quốc cai trị vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do như tự do biểu tình, và một nền tư pháp độc lập mà người Hong Kong cho là quý giá và quyết bảo vệ, những quyền tự do mà người dân ở đại lục không được hưởng.
    Những người phản đối dự luật dẫn độ coi dự luật này là mối đe dọa đối với nhà nước pháp trị và sợ luật dẫn độ sẽ đẩy họ vào thế phải đối phó với hệ thống tư pháp Trung Quốc, nơi mà các quyền con người không được đảm bảo.
    Vào đêm thứ Sáu giờ địa phương, hàng ngũ người biểu tình liên tục tăng dần giữa lúc những người biểu tình tham gia xuống đường sau giờ làm việc, ba ngày trước kỷ niệm 22 năm ngày bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc, mà theo dự kiến là ngày diễn ra một cuộc biểu tình quy mô khác.
    Tại Trung Quốc, các nhà kiểm duyệt đã xóa hoặc chặn hầu hết những tin tức có liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong giữa lúc có nhiều lo ngại ở Bắc Kinh, rằng bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào của công chúng cũng có thể truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình trên lãnh thổ Hoa lục.
    Sinh viên Joey Siu thuộc hội sinh viên Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết một số đại diện sinh viên đã tới Nhật Bản để thu hút sự chú ý của thế giới về Hồng Kông, giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới triệu tập tại Osaka để dự thượng đỉnh G20.
    Nữ sinh viên Joey Siu nói:
    “Chúng tôi muốn đưa Hong Kong vào hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự. Chúng tôi sẽ không ngừng nói, chỉ vì ông Tập Cận Bình không cho phép cộng đồng quốc tế nói tới Hong Kong ở hội nghị G20”.
    Chúng tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lên tiếng về tình hình ở Hồng Kông.
    Ông Tập sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày mai, thứ Bảy 29/6.
    Trong nỗ lực tạo chú ý mới nhất, các nhà hoạt động Hong Kong đã đăng quảng cáo toàn trang trên một số báo quốc tế để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo G20. Chiến dịch quảng cáo này được tài trợ bởi một chiến dịch gây quỹ trên mạng, đã gầy được khoảng 5,5 triệu đô la Hồng Kông, tương đương với 704,560 USD.
    Hôm thứ Tư, hàng ngàn người đã tuần hành tới lãnh sự quán các cường quốc ở Hong Kong, kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hãy hậu thuẫn yêu cầu của họ, đòi hủy dự luật dẫn độ và hãy “giải phóng” Hồng Kông.

    Diễn đàn Facebook

     

    https://www.voatiengviet.com/a/dan-hong-kong-lai-xuong-duong-chong-du-luat-dan-do/4977832.html

    Biểu tình Hong Kong liệu có chết yểu?



    Người biểu tình Hong Kong tập hợp trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20


    Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hong Kong ‘sẽ không hạ nhiệt’ cho dù gặp nhiều bất trắc và chính quyền Hong Kong sẽ tìm mọi cách hóa giải mặc dù sẽ khó khăn hơn thời Phong trào Dù Vàng, theo nhận định của các nhà quan sát.
    Cuộc biểu tình rầm rộ nhất ở Hong Kong trong hàng chục năm qua sắp bước vào tuần lễ thứ ba trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy người biểu tình sẽ có một cuộc biểu dương lực lượng lớn vào thứ Hai 1/7/2019 nhân kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả về cho Trung Quốc.
    Cuộc xuống đường của hàng triệu người Hong Kong có mục tiêu chính là đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Sau khi dự luật này được tuyên bố đình hoãn, người biểu tình Hong Kong tiếp tục xuống đường yêu cầu phải bãi bỏ hoàn toàn thay vì hoãn lại, và yêu sách thêm một bước nữa là Đặc khu trưởng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tức Carrie Lam), phải từ chức.
    Phong trào Dù Vàng hồi năm 2014, có mục tiêu là đòi phổ thông đầu phiếu trong bầu Đặc khu trưởng và Hội đồng Lập pháp, mặc dù cũng diễn ra rầm rộ và kéo dài nhiều tháng nhưng cuối cùng không đạt được nhượng bộ từ phía chính quyền trong khi các lãnh đạo của phong trào bị bắt và bị kết án tù.
    Trao đổi với VOA Việt ngữ, ông Raymond Yam, phóng viên Ban Tiếng Quảng Đông của VOA vốn theo dõi chặt chẽ cuộc biểu tình ở Hong Kong, cho rằng tình hình hiện nay sẽ không như hồi năm 2014.
    Sẽ biểu tình lớn?
    Ông cho biết sau khi Hong Kong ‘thay đổi chủ quyền’ vào năm 1997 thì trong những năm gần đây, năm nào người dân cũng xuống đường tuần hành kỷ niệm sự kiện này và đòi chính quyền Bắc Kinh giữ lời hứa là ‘thực thi dân chủ’.
    Nhưng trong bối cảnh hiện nay với sự phẫn nộ đối với dự luật dẫn độ của chính quyền bà Lâm, ông Yam cho rằng người dân Hong Kong sẽ xuống đường rầm rộ vào ngày 1/7 tới để bảo vệ những quyền tự do dân sự của họ để ‘Trung Quốc không đối xử với họ như với bất cứ thành phố nào khác trong đại lục’.
    “Tôi đồ rằng sẽ có rất nhiều người tham dự. Nhiều người nói rằng sẽ có khoảng từ 1 đến 2 triệu người,” ông Yam nói.
    Khi được hỏi tại sao người biểu tình không thỏa mãn sau khi bà Lâm đã thông báo ‘hoãn vô thời hạn’ dự luật dẫn độ, ông Yam nói rằng ‘đó chỉ là thủ đoạn’ của chính quyền Hong Kong.
    “Rất nhiều người ngay cả cựu Chủ tịch của Hội đồng Lập pháp (LegCo) đã chỉ ra rằng không có cái gọi là ‘hoãn lại’ bởi vì hoặc là anh rút lại toàn bộ dự luật hoặc là anh tiếp tục xúc tiến nó bởi vì nó đã được đưa ra xem xét lần hai,” ông nói.
    “Rất nhiều người không tin tưởng chính quyền này bởi vì đây không phải là chính quyền do người dân, vì người dân,” ông nói thêm và cho biết nhiều nhà tranh đấu ở Hong Kong trong nhiều năm qua đã thấy ‘rất nhiều sự dối trá’ của chính quyền.
    “Không có gì đảm bảo rằng họ không đưa dự luật trở lại trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của họ khi họ đột nhiên thấy rằng thời cơ đang đứng về phía họ. Hơn nữa, Hội đồng Lập pháp Hong Kong bị chi phối bởi những chính trị gia thân Bắc Kinh chứ không phải những đại biểu đại diện cho ý kiến của số đông cử tri,” ông phân tích.
    Sẽ mất thời cơ?
    Trả lời câu hỏi nếu như chính quyền bà Lâm không nhượng bộ thêm nữa thì liệu cuộc biểu tình có tiếp tục kéo dài mãi cho đến khi đạt được mục tiêu hay không, ông Yam cho rằng ‘đó là kịch bản không hay’ đối với người biểu tình.
    “Không ai biết được phong trào kéo dài bao lâu nhưng nó sẽ mất thời cơ nếu như kéo dài quá lâu,” ông giải thích.
    “Thật ra, rất nhiều nhà bình luận cho rằng chính quyền Bắc Kinh lẫn Hong Kong đều muốn phong trào kéo dài càng lâu càng tốt bởi vì họ biết rằng thời gian đang đứng về phía họ.”
    “Nhiều người sẽ trở nên nản lòng nếu mọi việc kéo dài quá lâu và có khả năng sẽ có sai lầm xảy ra. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong đều đang chờ đợi cơ hội người biểu tình sẽ phạm sai lầm. Khi đó họ sẽ có cái cớ để đàn áp,” ông nói
    Về sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào liệu có duy trì được lâu hay sẽ có sự mỏi mệt và mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, ông Yam nói nhiệt huyết của mọi người ‘sẽ cạn đi’ nếu biểu tình kéo dài nhưng nó ‘cũng tùy vào chính quyền có làm gì đó mang tính khiêu khích hay không’ vì khi đó thì cuộc biểu tình ‘sẽ có thời cơ mới’.
    Ông cũng cho rằng rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để đàn áp ở Hong Kong.
    “Hong Kong không phải là Bắc Kinh,” ông nói với ý nhắc đến Thảm sát Thiên An Môn cách nay 30 năm. “Hong Kong là một thành phố quốc tế. Thông tin cần phải được lưu chuyển vào và ra không có giới hạn. Nếu chính quyền đột nhiên thông báo họ sẽ chặn truyền thông thì Hong Kong sẽ chết ngay lập tức vì Hong Kong là một trung tâm tài chính dựa rất nhiều vào dòng chảy thông tin.”
    ‘Trí tuệ nhân tạo’
    Nhà báo Yam cũng so sánh cuộc biểu tình hiện nay với Phong trào Dù Vàng mà ông cho rằng Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn nếu muốn đàn áp.
    Phong trào Dù vàng có người lãnh đạo, có người đứng ra tổ chức, kêu gọi, vận động mọi người tham gia còn cuộc biểu tình hiện nay thì không, ông phân tích.
    “Nếu anh bắt giữ người lãnh đạo thì toàn bộ phong trào sẽ chấm dứt,” ông nói về Phong trào Dù Vàng. “Nhưng lần này anh không biết ai là người lãnh đạo cả.”
    “Mọi người trao đổi thông tin và đưa ra quyết định thông qua mạng xã hội, tất cả đều là nhắn tin trên mạng,” ông nói thêm.
    “Tất cả những người biểu tình đều là lãnh đạo và họ có thể hiệu triệu 1 triệu hay 2 triệu người xuống đường rồi còn hơn 1.500 người đi đến lãnh sự quán các nước phương Tây để nộp thỉnh nguyện thư và còn quyên góp được rất nhiều tiền để đăng quảng cáo trên các tờ báo quốc tế.”
    “Có người thậm chí còn mô tả phong trào như ‘trí tuệ nhân tạo’ bởi vì người biểu tình tự học từ những sai lầm trong quá khứ và tiếp tục điều chỉnh, tiếp tục thay đổi,” ông giải thích. “Phong trào không có hình dạng, không có xu hướng. Không ai có thể dự đoán được nó sẽ đi theo hướng nào.”
    Kêu gọi nước ngoài
    Khi được hỏi việc người biểu tình tìm đến lãnh sự quán 19 nước để nhờ sự can thiệp từ nước ngoài có phải là hành động khôn ngoan và được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Hong Kong hay không, ông Yam cho rằng ‘hành động này đã đem lại những kết quả tích cực’.
    Ông cho rằng 5 năm trước trong Phong trào Dù Vàng nếu ai đó đề xuất kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài thì nhiều người sẽ phản ứng rất tiêu cực hoặc sẽ suy nghĩ lại hoặc lo lắng đó sẽ là một sai lầm.
    Tuy nhiên, ông nói rằng nếu các nước phương Tây, nhất là Mỹ, đưa ra các biện pháp chế tài về kinh tế đối với chính quyền và cá nhân dính vào đàn áp thì ‘điều đó sẽ có tác dụng’ và nhắc đến một dự luật được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Mỹ với tên gọi ‘Dự luật về Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong’.
    “Nếu như Mỹ nói sẽ hủy visa hay đóng băng tài sản ở Mỹ thì điều này sẽ khiến nhiều nhà lập pháp thân Bắc Kinh ở Hong Kong sợ hãi,” ông phân tích. “Đó là lý do tại sao chúng ta nghe thấy trong những tuần qua những lời kêu gọi cảnh sát giữ bình tĩnh từ những nhà lập pháp thân Bắc Kinh.”
    Có cực đoan hóa?
    Trả lời câu hỏi người biểu tình Hong Kong, chủ yếu là giới trẻ, liệu có đi theo con đường cực đoan và bạo lực hóa nếu họ trở nên mất kiên nhẫn hay không, ông Yam nói rằng ông ‘không tin’ điều này sẽ xảy ra.
    “Ở bất kỳ xã hội nào cũng có nhóm nhỏ những người muốn hành xử bạo lực… nhưng nhìn chung trong cuộc biểu tình ở Hong Kong mọi người không muốn có hành động bạo lực bởi vì họ biết rằng điều đó sẽ cho chính quyền cái cớ để đàn áp,” ông nói và nhắc đến hành động ‘rẽ sóng’ của đám đông biểu tình một cách tự giác nhường đường cho xe cứu thương là bằng chứng người biểu tình ‘hành động có lý trí’.
    “Cho đến giờ anh không thấy có bất cứ vụ đốt xe nào hay có ai làm hư hại nghiêm trọng tài sản cá nhân hay có người nào bị thương. Những người bị thương đều là do hành động của cảnh sát,” ông nói và cho biết số lựu đạn cay mà cảnh sát ném ra ‘gần gấp đôi so với hồi phong trào Dù Vàng’.
    Ông Yam cũng nói rằng những nhóm bạo lực là ‘những người muốn phá hoại toàn bộ phong trào để cho tất cả những người biểu tình bị quy kết là bạo lực’.
    Số phận bà Lâm
    Về số phận của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông Yam đồng ý rằng bà Lâm đang chơi chiến thuật ‘ẩn mình’ để chờ đợi sóng gió qua đi.
    Ông nói rằng bà Lâm còn có thể tại vị hay không phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ngay cả việc bà chủ trương Luật dẫn độ ‘cũng không phải hoàn toàn là chủ ý của Bắc Kinh’ mà nhiều người tin rằng đó là ‘chủ ý của bà Lâm’ để lấy điểm trước Bắc Kinh với hy vọng được tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới, ông cho biết.
    “Chính quyền Bắc Kinh để cho bà ấy làm và chờ xem bà ấy có làm được không. Nếu được thì ghi điểm cho bà ấy còn nếu không bà ấy sẽ trở thành vật tế thần. Nhiều người nói rằng giờ đây bà ấy đã trở thành vật tế thần,” ông phân tích. “Dĩ nhiên bà ấy chọn thời điểm sai lầm (trong bối cảnh chiến tranh thương mại và Thượng đỉnh G20).”
    Tuy nhiên, theo lời ông thì Bắc Kinh không thể để bà Lâm ra đi ngay lúc này vì ‘để giữ thể diện’.
    “Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy không thích thất bại. Ông ấy muốn giữ thể diện,” ông Yam giải thích và nhắc đến việc Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị G20 đã công khai nói trước mặt ông Tập về vấn đề Hong Kong khiến ông Tập mất mặt mặc dù trước đó Trung Quốc đã cảnh báo là ‘họ không cho phép bất kỳ nước nào đưa ra vấn đề Hong Kong tại hội nghị G20’.
    “Sẽ bẽ bàng đến mức nào đối với một người có cái tôi lớn như vậy? Ông Tập sẽ ghi nhớ chuyện này. Ông ấy sẽ thay bà Lâm. Đó chỉ là vấn đề thời gian,” ông nói.
    Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không thể để bà Lâm ra đi ngay vì không muốn bị nhìn nhận là ‘yếu ớt’
    “Hãy để cho bà ấy làm cho hết nhiệm kỳ rồi ra đi,” ông phân tích về lập trường của Bắc Kinh. “Hoặc sẽ có một cuộc cải tổ nội các để cho Thư ký Trưởng (Chief Secretary – Chánh vụ Ty trưởng) sẽ nắm nhiều quyền hành gần như là một Đặc khu trưởng.”
    “Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói nhất là mọi người vẫn chờ xem số lượng người xuống đường vào ngày 1/7. Nếu như đó là con số khổng lồ, như trên hai triệu người, thì chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh có lẽ sẽ hoảng sợ và suy nghĩ lại,” ông nói.

    Diễn đàn Facebook

     https://www.voatiengviet.com/a/bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-hong-kong-li%E1%BB%87u-c%C3%B3-ch%E1%BA%BFt-y%E1%BB%83u-/4978639.html