Suy nghĩ đầu năm
Bauxite Việt Nam
Cũng như nhà giáo Phạm Toàn, anh chị em BVN
cũng có linh cảm người thứ hai không bấm nút thông qua Hiến pháp 2013
chính là TT Nguyễn Tấn Dũng. Cũng chẳng có gì là khó đoán. Các bạn hãy
nhớ lại trước ngày thông qua Hiến pháp chừng mươi lăm hôm, ông Nguyễn
Tấn Dũng có phát biểu trước Quốc hội, đại ý rằng chúng ta nên trở lại
với Hiến pháp 1946; hoặc trong lời phát biểu nhân ra mắt “ngày pháp
luật” đầu tiên của Việt Nam (9-11 hàng năm) ông cũng nói: “Hiến pháp
năm 1946 thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh
coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền
đề pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc thiết lập một chính quyền dân
chủ, mạnh mẽ và sáng suốt” (xem đây).
Vậy mà, tuy có được mời đích danh tham gia cuộc họp của báo Tuổi trẻ vào sáng ngày 4-1-2014 tại nhà hàng Marina Hà Nội để tọa đàm về thông điệp đầu năm của Thủ tướng (xem đây), ngẫm nghĩ kỹ, chúng tôi vẫn quyết định đóng vai khiếm diện. Vì sao? Không phải BVN
không quan tâm đến những “ý mới” được “tung ra” trong bản thông điệp
đang làm xôn xao dư luận trên báo chí và các mạng truyền thông. Rất quan
tâm là khác. Song chúng tôi bỗng nhớ lại những lời trao đổi giữa nhà
giáo Phạm Toàn và GS Nguyễn Huệ Chi cũng đúng vào ngày đầu năm 2013, về
nhiều việc, trong đó có việc chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp. Cho đến cuối
năm, khi Quốc hội thông qua với 99,9% số người tán thành bản Hiến pháp
ấy – có lẽ đã tốn không biết bao nhiêu tỷ đồng cho cả một phong trào góp ý sửa đổi câu chữ suốt một năm,
trong khi hàng triệu người trên khắp cả nước (nông thôn, thành thị,
vùng sâu vùng xa), lâm cảnh cơ hàn hoặc chịu oan ức, đánh đập, tù đày,
bị cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa, và xã hội rối động những chuyện giết,
cướp... còn nặng nề hơn trước khi góp ý gấp nhiều lần – đọc lại những
điều mà hai người khởi xướng trang mạng BVN nói với nhau trong ngày tết dương lịch tròn một năm trước, cứ thấy sao mà trúng phóc. Xin trích một đoạn:
“Huệ Chi – Một câu hỏi cuối cùng: sắp tới Quốc hội mời góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 ý anh là thế nào?
Phạm Toàn – Nói
thật, tụi mình không có thì giờ để bận tâm vào những việc... vừa trọng
đại vừa biết trước kết quả ấy. Mình thì Cánh Buồm, ông thì các vị vua
hiền triết và nghệ sĩ thời Lý - Trần. Đánh cuộc với ông, góp ý chán chê
rồi nhỡ toàn dân muốn thay đổi điều 4, các ngài có dám theo dân không
nào? Thùng phiếu nước ta cần xức nước hoa!
Huệ Chi – Trầm ngâm khá lâu Có
lẽ... thế mà đúng. Lao vào chuyên môn mà làm một đôi việc cho có ích.
Những ngày này nhìn đây nhìn đó thấy nhiều chuyện cứ rối tinh. Chính
sách, ngân hàng, bất động sản... bão giá, thất nghiệp, giết chóc, bạo
hành... Quan trọng nữa là cái cách con người cư xử với nhau, cái tình
người hình như đã trống rỗng. Có nơi đâu mà hễ bước ra đường là có thể
bị cướp dùng dao cứa cổ hoặc đâm ngay một nhát vào lưng để giật túi,
giật điện thoại di động, mà xung quanh đành chịu? Chính con dâu của tôi
cũng mới là nạn nhân cách đây chưa đến hai tuần – may mà nó chưa bị đâm,
chỉ mới ngã sấp xuống và vì có đội mũ bảo hiểm nên đầu đập xuống hè mà
chưa việc gì... Điều ám ảnh số đông bây giờ có dễ chưa phải là chọn được
những câu những từ ưng ý về quyền con người, quyền công dân gì đó để
thay cho một văn bản đã cũ. Những thứ ấy đối với dân mình e còn xa xỉ
quá, mà lại... có vẻ như làm văn, nói như các cụ xưa là không phải cái học thực nghiệp.
Chẳng biết có tác động gì đến thực tiễn hay không? Tôi nghiệm ra, trong
thực tế hình như có nhiều khái niệm, giờ đây sau bao nhiêu thăng trầm,
đã mất hẳn nghĩa gốc hoặc hoàn toàn biến nghĩa... Thôi thì con cắn rơm
cắn cỏ lạy các quan... ban đêm xin các quan hãy có lòng nghĩ đến chúng
con một chút, bớt đi chừng một phần năm những kẻ nuôi ăn để đàn áp biểu
tình chống Trung Quốc xâm lược, giao cho đám ấy đi xua cướp giùm chúng
con. Chứ các quan nói trên tivi, tuyên bố này kia trên báo thì lúc nào
cũng hay, ai nghe chả hả lòng hả dạ, khốn nỗi cướp nó bao giờ cũng tránh
các quan. Thuở sinh tiền, GS Đinh Gia Khánh có nói với tôi, trước 1945
đêm đêm sinh viên Hà Nội ở “Việt Nam học xá” đã gần ngoại ô rồi mà đi
dạo phố suốt đêm có hề hấn gì đâu... Ao ước của người Việt đại chúng xưa
nay vốn thật là giản dị, vậy mà xem chừng trong lịch sử lại rất, rất ít
khi đạt được: một đất nước thật sự thanh bình, ai đâu yên đấy không bị
hạch sách quấy nhiễu, người dân có thể thở, có thể làm ăn, và có cái ăn
để còn sống thủy chung tình nghĩa, đừng trở thành trơ lỳ như gỗ đá...
Thế thôi. Nói xa xôi quá đâm thành những chàng lãng tử...” (Xem đây).
Có thể nói, một hiện tượng gần như đã thành luật tục của xã hội Việt Nam, là nói ít khi đi đôi với làm.
Nói mạnh về dân chủ thì có dễ đã được nghe sướng tai từ lâu lắm. Tính
thật cụ thể e rằng đây là những gì quyến rũ bậc nhất, từng văng vẳng hơn
60 năm qua xét trên lĩnh vực... ngôn từ – xin nghe lại hàng loạt phát
ngôn từ ông Hồ Chí Minh giữa những năm 40 thế kỷ trước đến bà PCT Doan
rất gần đây. Thế nhưng cái “mạnh” đó lại chưa bao giờ hiện hình trong
thực tế đời sống, trừ một thời gian không dài lắm toàn dân sống trong
không khí hồ hởi tưởng rằng sẽ có dân chủ ngay sau 1945.
Ông
Thủ tướng trong góp ý sửa đổi và bấm nút Hiến pháp ở cuộc họp Quốc hội
có vẻ như đã thống nhất được giữa hai điều rất ít thống nhất kia – nói
và làm – trong tư cách một “Ông Dân” (theo cách dùng của nhà thơ Tú Mỡ),
quả xứng đáng ghi điểm. Còn như ông Thủ tướng với tư cách người
đứng đầu cơ quan hành pháp của Việt Nam thì lời tuyên bố đầu năm cũng đã
gây được ấn tượng khá mạnh. Đó là việc mà bất kỳ người đứng đầu cơ quan
hành pháp một nước văn minh nào vẫn thường xuyên thực hiện, như một
thông lệ hàng năm. Việt Nam lần đầu mới có, âu cũng là một bước tiến
đáng mừng. Tuy nhiên..., tuy nhiên... (lặp đi lặp lại hai chữ “tuy
nhiên” có nghĩa là đang uốn lưỡi bảy lần), đối với các nước có cơ chế
dân chủ rõ ràng thì thông điệp đầu năm chính là một lời cam kết giữa cơ
quan hành pháp với nhân dân, để nhân dân dựa vào đấy mà đối chiếu với
việc làm của Chính phủ trong suốt cả năm hoặc cả một nhiệm kỳ, kiểm tra
xem việc nào Chính phủ không làm được, để còn bỏ phiếu tín nhiệm, cao
hơn nữa truất phế Chính phủ giữa chừng, thay thế bằng một Chính phủ năng
nổ hơn. Ở phương diện thứ hai này mà cân nhắc những lời vàng của ông
Nguyễn Tấn Dũng, xem chừng lại không dễ chút nào.
Một
năm qua, biết bao sự cố đã xảy ra trên đất nước làm người dân nản lòng
kinh khủng. Tham nhũng lãng phí dường như đâu cũng có và có với những
con số “hùng hồn”, mà phát hiện và trừng trị chỉ mới là “muối bỏ bể”.
Kinh tế tụt hậu trong nguy cơ nằm trên bờ vực phá sản. Ngân hàng nơm nớp
đổ vỡ; các doanh nghiệp nhà nước chưa xí nghiệp nào xoay xở giảm thiểu
đáng kể được những món nợ xấu khổng lồ đang lặc lè trên cổ ngoài biện
pháp độc nhất là leo thang giá cả (EVN, Petrolimex...), hoặc chấp nhận
thua lỗ lụn bại phải xin nhà nước ưu đãi mọi thứ (Công ty khai thác
Bauxite); doanh nghiệp tư nhân giải thể hàng loạt; nông dân ngậm đắng
nuốt cay bỏ ruộng; môi trường sinh thái bị vô số những cơn lũ thủy điện
triệt phá... Trong khi giá cả thị trường vào sát những ngày này đột ngột
tăng vọt lên. Ấy vậy mà những lời tuyên bố của các vị có trách nhiệm
trong bộ máy công quyền nghe vẫn cứ xanh rờn: tình hình kinh tế vĩ mô
năm 2013 đã “ổn định”, “lạm phát được kiểm soát”. Liệu các vị có chịu đi
khảo sát dân tình để hiểu rõ dân chúng cả nước đang sống trong tình
cảnh phập phù như thế nào không? Và có chịu lắng nghe những lời nói
thẳng của những người như TS Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan... hay
không?
Cũng một năm qua biết bao những đàn áp
khốc liệt đối với dân oan, với người dân bị cưỡng bức cùng đường phải
kéo nhau đi đòi công lý, với những thanh niên, học sinh, sinh viên ý
thức được con đường tất yếu dân chủ hóa đất nước, chỉ muốn truyền đạt
cho nhau những hiểu biết cơ bản về quyền làm người và làm dân trong một
nước độc lập, về chống Trung Quốc âm mưu thôn tính lãnh hải, về nội dung
bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc... Họ đã phải chịu đủ thứ
bạo hành như xua đuổi, đánh đập gây nên thương tích rùng rợn trên cơ
thể, phía chống họ dùng đến cả đầu gấu để trấn áp, bắt những ai cứng cỏi
vào tù, thậm chí ngay trong ngày Việt Nam nhận được chiếc ghế thành
viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc mà ở Sài Gòn các bạn trẻ
phân phát bản Tuyên ngôn nhân quyền LHQ còn được “ăn mắm tôm” của đội
quân chức năng nhà nước. Và cho đến sát trước khi bản thông điệp của ông
Thủ tướng ban bố, hiện tượng kéo người bị nghi vấn vào đồn để thẩm vấn
rồi chỉ mấy tiếng sau thì tuyên bố họ đã tử vong vì “bất ngờ bị bệnh
nặng” hoặc “tự vẫn” trong đó có cả một học sinh lớp 9, vẫn cứ diễn ra.
Xin
được hỏi, bản thông điệp vừa loan tải trên các mạng truyền thông trong
ngày đầu năm đã dựa trên nền tảng nhận thức sâu chín nào của những người
đứng đầu đất nước? Là một chuyển đổi nhận thức tự giác do nhìn rõ thực
tế sát sườn “không đổi thay thì chết” từ thực tế yếu kém đồng bộ ở cả
hai phương diện kinh tế – xã hội nói trên? Hay chủ yếu chỉ là do
áp lực của thế giới bên ngoài, của những cơ quan quyền lực như Liên hiệp
quốc, của Hội đồng Nhân quyền nhiều nước trên thế giới lúc nào cũng sục
sôi những lời phản đối về tình trạng mất nhân quyền của Việt Nam? Xa
hơn chút nữa, của cái yêu cầu sống chết phải “vẽ lại bộ mặt” để có chiếc
vé vào cửa một tổ chức như TPP? Và trong nội bộ của chính trường Việt
Nam thì biết đâu lại là do “sắc thái mới của cuộc đấu tranh đa dạng và
phức tạp” mang tính thời đoạn trước mắt và cả sự phóng chiếu nhằm vào
nhiệm kỳ sắp tới? Khó nghĩ quá!
Nhưng trên lý thuyết, nếu đã thực sự là một hiện tượng có ý nghĩa chuyển đổi,
thì trước sau đó phải là kết quả của một tiến trình sâu xa bắt rễ không
phải chỉ trong nhận thức mà quan trọng còn là trong hoạt động thực tiễn
của chủ thể nhận thức, như những thể nghiệm, rút kinh nghiệm dần dần.
Có một biểu hiện nào của sự thể nghiệm đổi mới của chính cơ quan
công quyền lâu nay về cả hai phương diện: cải cách kinh tế đáp ứng quyền
lợi người dân lẫn nới lỏng dân chủ cho dân? Chưa hề thấy.
Hay phải
chăng việc ban bố Nghị định 72 cho phép phạt nặng những bloggers có ý
kiến phê phán đối với người đứng đầu đất nước trong những việc làm sai
trái nào đó, và việc đề ra điều luật cho phép công an được dùng súng bắn
vào dân khi người dân tỏ ý bất phục tùng và phản kháng... đã đến đúng
thời điểm có hiệu lực, chính là nền tảng hiện thực của những “phát ngôn
hào sảng” trong thông điệp về “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân
dân”, về “đổi mới thể chế”... của người đứng đầu Chính phủ trong ngày
đầu năm, bởi lẽ cơ quan quyền lực khi được tự do dùng súng đối đầu với
dân thì đã có đủ “thế mạnh” để ăn nói rất đàng hoàng: “Người dân có
quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ,
công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Vâng, pháp
luật cho người cầm quyền thế là quá đủ, còn cần phải thêm gì nữa? Còn
người dân thì hỏi có cái gì pháp luật không cấm, đến phân phát Tuyên
ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng đã là “phạm luật” rồi!
Chừng như
bấy nhiêu chỗ dựa vẫn chưa coi là khả dĩ, người đứng đầu Chính phủ còn
chốt thêm một câu: “Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được
xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc
gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức
tốt đẹp của dân tộc”. Được quyền bắn vào đầu dân rồi lại còn hạn chế
quyền tự do của dân nhằm “bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội” và đủ thứ thuần phong mỹ tục khác. Tự do ấy liệu
có còn một mẩu nào hay đã triệt tiêu bằng hết? Thật đúng là lập luận
một cách đầy “cẩn tắc”.
Ông Thủ tướng đã từng ra
nghiêm lệnh phải xét lại vụ án đập phá nhà anh Đoàn Văn Vươn. Thì kết
quả, anh em anh Đoàn Văn Vươn phải “nhập kho” 5 năm, còn kẻ gây tội ác,
ông Caca mà từ khuôn mặt đến cách nói năng rõ ra phong cách con người
XHCN, được thăng lên cấp tướng.
Ông Thủ tướng
đã từng mạnh mẽ đề xuất Luật biểu tình trước Quốc hội. Thì kết quả là
hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
lãnh hải đều bị đàn áp khốc liệt, những cuộc tập hợp vì nhân quyền và
dân quyền bị hành hung.
Lần này nữa, ông Thủ
tướng mạnh mẽ nói đến dân chủ, đến tam quyền phân lập... Không biết kết
quả là những ai sẽ theo chân các bạn Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ,
Hải Điếu Cày, Tạ Phong Tần, nhẹ hơn chút nữa là Trương Duy Nhất, Phạm
Viết Đào?
Mong rằng những điều chúng tôi gợi ý
như một cách nêu nghịch lý để rộng đường cầm cân nảy mực cho nhà cầm
quyền, sẽ được thực tế hành pháp trong năm 2014 cực lực bác bỏ. Mong lắm
thay!
BVN
No comments:
Post a Comment