Chỉ sau một tiếng ùm, hàng ngàn ha đất vườn máu thịt biến mất dưới nước sông
Ông Ba Sổ không ngờ có một ngày mình trở thành người nổi tiếng nhất cồn Tân Bắc.
Ông cũng hoàn toàn chẳng thể ngờ nổi, ở tuổi tám mươi
ba, sau gần một thế kỷ sinh sống trọn vẹn trên cồn, ông và người vợ đã
bảy mươi chín tuổi sắp phải tay trắng ra đi. Bởi vì hầu như toàn bộ gia
sản, đất đai của họ đều đã sụp xuống dưới lòng sông Tiền.
Ông Ba Sổ tên trong giấy tờ là Dương Văn Sổ, nhà cặp
bờ sông Tiền, trên cồn Tân Bắc (cồn Dơi) thuộc ấp Tân Bắc, xã Tân Phú,
huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Chỉ là một ông lão nông dân vô cùng bình
thường, nhưng mấy năm nay, chỉ vừa bước chân vào cồn Tân Bắc hỏi ông Ba
Sổ thì hầu như ai cũng à lên: “Là ông già mất hết đất đó hả?”
Ghe hút cát lậu đậu đông không thua chợ nổi Cái Răng
Cách đây chục năm, nhà ông khá lắm, vườn cây trái rợp
kín bảy công đất. Nhưng từ hồi bị nạn “cát tặc” tới giờ, vườn và đất
lần lần sụp xuống sông sạch sẽ. Ông bà chỉ còn một thẻo mỏng dánh vài
mét kẹp giữa bờ bao trong, và lòng sông.
Trên cái thẻo đất đó, hai vợ chồng già đã dỡ nhà, dời
nhà vô tới ba lần, cuối cùng đành chịu náu lại trong ngôi nhà tạm bợ
nhỏ xíu. Bên này một bộ ngựa gỗ, trên mắc cái võng cũ mèm đòng đưa là
nơi ông ngủ. Bên kia, chiếc giường gỗ to rộng chân quỳ đóng theo kiểu
xưa, một đầu giường đóng dính cả chiếc tủ khá lớn, dấu vết còn sót lại
của một thời rủng rỉnh ăn nên làm ra. Những chiếc chân quỳ kiểu cách giờ
đứng chơ chỏng, tương phản đến đáng thương trên nền đất nện đen đủi lam
nham.
Nhờ ơn đội quân hút cát khổng lồ hoành hành trên sông
Tiền, cồn lở dữ dội. Tiền bạc từ huê lợi thửa vườn của vợ chồng ông Ba
đổi thành đá tảng đổ xuống chân bờ bao hết. Một chỉ vàng lúc đó giá bốn,
năm trăm ngàn đồng, ông Ba sang tận Đồng Tâm (Tiền Giang) mua tổng cộng
tới 25 triệu tiền đá tảng, đổ xuống chân bờ bao để kè bờ. Nhưng bó tay!
Không chỉ hút cát giữa lòng sông, đội quân hút cát mò
vào tận mép cồn, ngang nhiên neo ghe vô những gốc bần lớn mọc cách bờ
bao có vài mét rồi cứ thế hút tận lực.
“Ghe với xà lan cát hàng trăm chiếc, đậu đen sông,
(đông đúc) không khác gì cái chợ nổi Cái Răng”-anh Trần Hoàng Quân kể-
“Tới nỗi có cả xuồng bơi ra bán cháo vịt cháo gà, cà phê sữa đá (cho
người trên ghe hút cát), đủ hết”.
Chỉ chục năm, nó hút bứt cái cồn
Từ ba năm nay, anh Quân giữ “chức” tổ phó tổ Nhân dân
tự quản chống tội phạm khai thác cát sông trái phép số 2 ấp Tân Bắc.
Anh lấy vợ là dân cồn này. Siêng năng, chịu khó, hai vợ chồng lần lần
tạo lập cơ nghiệp gồm hơn 3 mẫu vườn trong cồn và một vựa trái cây ngoài
lộ lớn, chỉ cách vài cây số.
Giống như hầu hết người dân mé trên cồn, toàn bộ đất
vườn của anh Quân đều nằm cặp sông Cái (nhánh sông Tiền Giang chảy qua
vùng này-bên kia là sông Hàm Luông). Hưởng no nê dòng nước ngọt vô tận
và phù sa bồi đắp mỗi năm cùng mưa thuận gió hòa, đất vườn mang lại huê
lợi dồi dào. Một công (1.000 m2) sầu riêng, nếu trúng mùa có thể thu
trên 200 triệu. Trừ hết công thuê người làm, phân bón, thuốc trừ sâu…
khoảng 20-30 triệu, ít nhứt chủ vườn bỏ túi được 150 triệu đồng/năm. Nhà
nào tự làm, không thuê nhân công thì còn lời nhiều hơn.
Trên chiếc cồn nổi dài theo sông Tiền này, dân tuyệt đại đa số sống bằng nghề vườn, từ cả trăm năm nay.
Bởi vậy, khi những khu vườn đã cho cây trái hàng chục
năm nay bắt đầu theo nhau lở ùm ùm xuống sông, đe dọa trực tiếp đến kế
sinh nhai, anh Quân cũng như tất cả dân cồn xắn tay bắt đầu cuộc chiến
ngoan cường chống lại lũ hút cát trộm.
Người dân cồn Tân Bắc kể, trước đây nhiều năm, mé bờ
bên Bến Tre bồi rất mạnh. Đất vườn của dân còn kéo dài ra 30 m-50 m ra
mặt sông hiện tại, rồi mới đến bờ bao cũ. Ngoài bờ là bãi lục bình dày
bít. Tiếp đó là bãi bồi kéo dài từ mỏm Hàm Luông xuống gần như suốt dọc
cồn, rộng vài chục mét. Bần, ô rô, cóc kèn, mái dầm, dứa dại… mọc dày
đặc “bịt bùng tới nỗi tàu Mỹ bắn từ ngoài sông vô cũng không lọt qua
được”-ông Sáu Đen kể. Ngày ngày người dân vẫn lội ra đó bắt rùa, rắn,
cua đinh.
-Vậy mà chỉ chục năm, “nó” hút bứt cái cồn. Bứt luôn
cái đê bao ngoài. Nhà nước phải lăn đê vô trong. Một lần lăn một lần dân
mất đất. Cái đê này lăn ba lần rồi. Cô hỏi mí (mép) cồn ngày xưa hả?
Đứng trên này chỉ đâu có tới. Phải bơi xuồng ra mới chỉ tới lận-ông Ba
Sổ lệu đệu đi ra sát mí sông, giơ tay chỉ.
Mới tháng 3 mà nắng gay gắt như lửa. Trong nắng quái,
mặt sông Tiền càng mênh mang. Ở vài khúc sông, những thân dừa khoảng 20
năm ngã ngang ngoài mặt nước tít xa vẫn còn đánh dấu nơi đó từng là
đất, là vườn.
Kéo dài từ mỏm Hàm Luông đến cuối cồn Dơi, một cảnh
tượng chung đáng sợ: những ngôi nhà đổ sập, bốn bức tường gạch đỏ hay
sơn xanh vỡ nát nằm thoi loi giữa nước sâu. Những cánh cửa vẫn đóng chặt
nhưng không còn được che chở cho mái ấm nào nữa.
Người dân làm đủ cách để giữ chân bờ bao: xây gạch,
xây bê tông, đóng cừ tràm, cừ bằng thân dừa gie ngang ra sông để làm yếu
dòng chảy, tấn hàng ngàn bao cát, nuôi lục bình, trồng bần… Vô ích!
Phía nhà ông Sáu Lai, hàng mít trên bờ bao vẫn đeo bầy trái nặng trĩu
nhưng một nửa bộ rễ phơi trọn ra ngoài vì bị bóc sạch lớp đất. Chỉ vài
tuần lễ nữa thôi, với sóng đánh ngày đêm vào bờ đất thịt mềm không còn
bất cứ thứ gì che chắn, tất cả những hàng mít, hàng dừa sống sót này
cũng sẽ nối tiếp nhau ngã ùm xuống sông hết.
Gần mỏm Hàm Luông, bờ bao bê tông vỡ chìm xuống sông
hàng mảng lớn. Ao nuôi cá của hộ nào đó đã bị bể. Những nhà kho lớn của
các công ty nuôi cá giờ gần như nằm ngay mép nước.
Đang là mùa khô, nhưng đó đây những chiếc xáng cạp đã gừ gừ móc đất lên đắp cho cao những bờ bao riêng của từng hộ dân. Đến mùa mưa, đất đã đủ cứng lại, may mắn thì chống được sức nước cả trên cao đổ xuống, dưới sông tràn lên.
Đang là mùa khô, nhưng đó đây những chiếc xáng cạp đã gừ gừ móc đất lên đắp cho cao những bờ bao riêng của từng hộ dân. Đến mùa mưa, đất đã đủ cứng lại, may mắn thì chống được sức nước cả trên cao đổ xuống, dưới sông tràn lên.
Nhưng đó chỉ là may mắn thôi. Không ai dám đoán được
ngày nào những chiếc lưỡi của dòng sông sẽ thản nhiên liếm nốt lớp đất
đai, vườn tược, nhà cửa còn lại.
Bể bờ bao thì dân trong cồn chết hết
Ông Hai Nhỏ, hàng xóm ông Ba Sổ kể: mới cách đây mấy
năm, tính từ bờ bao vô, vườn ông Ba Sổ có một liếp dừa, một liếp nhãn
long, một liếp nhãn quế, tiếp đến một liếp dừa nữa mới vô thấu nhà. Mỗi
liếp chừng 6 m bề ngang, kéo dài hết 150 m chiều rộng đất. Giờ mất sạch.
Lòng sông khúc này đã ăn sâu vô tới hơn 20 m.
Dòng nước cứ gặm lem lém chân đê. Chỉ cách ba tuần,
chúng tôi quay lại cồn, những bựng đất còn nguyên cỏ cao tới bụng người
đã tuột xuống lòng sông. Mặt đê bao chỉ còn một lối nhỏ xíu, dân phải
dắt xe đạp qua chứ không dám chạy.
Ngôi nhà của ông Ba đã lùi hết đất. Không còn chỗ,
bàn thờ thiên phải dựng ngay sát bờ bao, ngay dưới lối chân người đi, xe
chạy. Sợ bụi đất xổ xuống bàn thờ, ông bà căng tấm nilon cũ che vòng.
Nhưng dù hai ông bà chủ già vẫn cố gắng giữ sạch sẽ và tươm tất nhất có
thể, dù những bông hoa đỏ thắm mang tên Hạnh phúc vẫn luôn cắm đầy chiếc
bình nhỏ trên bàn thờ, vẫn không giấu nổi sự rệu rã đến đáng thương của
quang cảnh.
Trụi lủi, không còn bãi bồi hay vườn tược che chắn,
bây giờ khi nước lớn, tầm mắt từ ngoài sông có thể xồng xộc phóng thẳng
đến tận bàn thờ tổ tiên, đến tận giường ngủ. Đêm xuống, ngọn đèn vàng mờ
mờ dưới cái chái nhà thấp trĩu không mang cho người ta sự yên lòng như
vẫn thường thấy, mà chỉ càng trĩu nặng thêm nỗi bất lực và cô độc.
Từ nhà ông Ba, bờ cồn sạt lở nặng nhất kéo dài xuống
cả ngàn mét. Vì từ mé này, cồn Tân Bắc hơi cong ngang ra mặt sông. Người
dân giải thích do quá nhiều cát đáy sông bị lấy mất, tạo thành những
lòng chảo sâu bên dưới nên đất phải từ chỗ cao hơn trụt xuống bù lại,
khiến bờ bao cồn không còn chân đứng nữa. Địa hình lòng sông biến dạng
quá lớn cũng khiến dòng chảy thay đổi. Mùa nước đổ, dòng nước xói thẳng
vào phần đất cồn cong ra này.
-Đêm nằm nghe đất lở ùm ùm xuống sông. Dân cồn này không dám ăn, không dám ngủ-chị Năm Dánh nói.
Tổng cộng có đến 13 hộ dân mất đất nặng nề: ông Ba Sổ
mất khoảng 6 công; anh Sáu Đen, ông Tư Dần, ông Năm Dánh, bà Hai Bé,
anh Út Nhỏ, ông Sáu Lai, ông Năm Lai... mỗi người đều mất từ một tới hơn
3 công… Đất cồn này màu mỡ hơn nhiều chỗ khác. Mỗi công đất mới trồng
chôm chôm, giá khoảng 300-400 triệu đồng. Vườn sầu riêng đắt hơn nhiều,
tới năm, sáu trăm triệu/công. Còn vườn ở mé sát lộ, không bị sạt lở có
giá tới cả tỷ; tỷ ba, tỷ tư/công.
“Nhưng mấy năm nay hổng ai hỏi mua nữa”-ông Chín kể. Ông có vườn ở mé trong của cồn, không bị sạt lở.
“Nhưng mà bể bờ bao thì ở sâu như tui cũng chết, dân trong cồn chết hết, cây trái chết hết”-ông nói thêm.
Những miền đất thịt ngã xuống sông
Đêm 10/3, vừa phờ phạc trở về sau một ngày trời giang nắng
lặn lội hết trong vườn lại ra sông, có một anh thanh niên lượn sát chiếc
xe máy tới bên anh đạo diễn của chúng tôi, nói em chờ anh chị ở đây lâu
lắm rồi. Rồi em dúi vào một chiếc phong bì mỏng.
Chúng tôi không biết phải làm gì. Mười mấy năm qua,
đã có hàng ngàn bài báo điều tra, phỏng vấn, phân tích đủ kiểu về hiện
trạng khai thác cát tận diệt + khai thác lậu cộng với việc ngăn dòng
thủy điện trên sông Mê Kông đã khiến mỗi năm thêm 500 ha đất của người
dân Đồng bằng sông Cửu Long mất hút xuống sông.
Được biết từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng
của tỉnh Bến Tre đã phát hiện, bắt giữ hơn 650 phương tiện khai thác
cát trái phép, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; xử phạt gần 5,5 tỷ
đồng.
Nhưng, số tiền phạt trên chỉ là hạt cát so với lợi
nhuận khổng lồ mà lũ hút cát lậu thu được. Mỗi đêm hút khoảng 3-5
chuyến, một xà lan thu lời cả trăm triệu đồng. Lợi nhuận choáng óc như
thế, chỉ bằng vài biện pháp xua đuổi, “tự quản” của người dân làm sao có
thể chấm dứt?
Ngoài ra, về an ninh, không thể tiếp tục để người dân mạo hiểm trực diện với những kẻ liều lĩnh và cố tình vi phạm pháp luật.
Mười mấy năm nay, hàng trăm ngàn ha đất thịt của Đồng bằng đã thành đáy sông theo đà hút cát lậu hung hãn.
Đất thịt có nghĩa là đất trồng trọt tốt. Nhưng ở một
nghĩa khác, nó chính là máu thịt của nhiều đời người nối nhau vun bồi
nên vườn tược xanh tươi, làm nên danh tiếng miệt vườn Nam Bộ.
Nhưng, những máu thịt trải hàng trăm năm đó đang ngày ngày biến mất tăm dưới hàng chục sải nước sông.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ý kiến
(0)
No comments:
Post a Comment