Chùa Ấn Quang
Cùng với chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Tam Tông Miếu
mang dáng vẻ hiện đại của thời thập niên 1960, Chùa Ấn Quang được xây
dựng lại với lối kiến trúc hoà hợp giữa Đông và Tây. Đầu tiên là việc
tái thiết ngôi chính điện và sau đó là dãy nhà tăng xá, nhà trù thành
nhà có lầu còn tồn tại đến ngày nay. Trước đó, ngôi chùa này có hình
dáng theo kiểu chùa Từ Đàm ở Huế để làm trụ sở Phật học đường Nam Việt
do Hoà thượng Thích Thiện Hoà trụ trì. Còn trước đó nữa, chùa mang tên
Ứng Quang do thiền sư Trí Hữu sáng lập.
Vào thời gian nửa cuối thập niên 1940, phong trào xây dựng Phật học
đường nở rộ khắp miền Nam. Theo tài liệu Việt Nam Phật giáo Sử luận của
tác giả Nguyễn Lang ghi nhận rằng: Phật học đường Phật Quang được khai
giảng trở lại từ 1946 tại quận Trà Ôn tỉnh Trà Vinh do thiền sư Thiện
Hoa chủ trì. Phật học đường này ngoài những lớp cho tăng sinh còn mở
những lớp cho ni sinh. Cư sĩ Trương Hoằng Lâu ở quận Cầu Kè là một trong
những người hoạt động mạnh mẽ nhất để ủng hộ tài chính cho Phật học
đường này.
Cũng năm đó Phật học đường Liên Hải ở Chợ Lớn cũng được khai giảng,
do các thiền sư Trí Tịnh và Quảng Minh chủ giảng. Sau đó ít tháng, một
Phật học đường khác tên là Mai Sơn được thiền sư Huyền Dung khai giảng,
và ít lâu sau, được dời về chùa Sùng Ðức ở Chợ Lớn. Như chúng ta đã
biết, các Phật học đường nói trên sau này được thống nhất lại với Phật
học đường Ứng Quang tại Sài Gòn để trở thành Phật học Ðường Nam Việt.
Chùa Ứng Quang mà sau này danh xưng đổi lại thành Ấn Quang là do thiền
sư Trí Hữu sáng lập. Thiền sư Trí Hữu quê tại xã Hòa Vang, quận Ðiện
Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian du hóa tại miền Nam ông từng cư trú
tại chùa Hưng Long và chùa Hưng Ðạo, cả hai đều do thiền sư Bảo Ðảnh
trụ trì. Sau mùa an cư năm 1949 tại chùa Hưng Ðạo ở Vườn Bà Lớn, ông tới
dựng tích trượng ở một khoảng đất trống trên đường Lorgéril (đường Sư
Vạn Hạnh ngày nay) thuộc khu Vườn Lài, và lập một am tranh lấy tên là
Trí Tuệ Am.
Sau khi làm được một chính điện và một tăng xá, tất cả đều bằng tranh
và tre, ông gọi am là chùa Ứng Quang, và mở tại đây một lớp giảng kinh
cho tăng sinh trẻ tuổi tại các chùa lân cận. Chùa Ứng Quang trở thành
một Phật học đường nhỏ. Với sự cộng tác của các thiền sư Nhật Liên và
Thiện Hòa.. Phật học đường Ứng Quang xây dựng thêm nhiều lớp học và tăng
xá. Các thiền sư Trí Hữu, Nhật Liên và Thiện Hòa bắt đầu liên lạc với
các Phật học đường Liên Hải và Sùng Ðức. Sau nhiều buổi họp mặt tại các
chùa Sùng Ðức và Ứng Quang, những người lãnh đạo ba Phật học đường đồng ý
thống nhất các cơ sở lại và thành lập Phật học đường Nam Việt, đặt tại
chùa Ứng Quang.
Thiền sư Nhật Liên có thể được gọi là nhân vật quan trọng nhất trong
việc kêu gọi thống nhất các Phật học đường tại Nam Việt. Chính ông đã đề
nghị đổi danh xưng Ứng Quang thành Ấn Quang. Ông lại là người vận động
thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và đã đảm trách chức vụ Tổng thư ký
của Giáo Hội này trong những niên khóa đầu.
Phật học đường Nam Việt thành lập 1950. Công cuộc xây dựng cơ sở bằng
vật liệu nặng được tiến hành rất mau chóng. Phật điện, giảng đường và
tăng xá được xây dựng ngay trong khi các lớp học đang được diễn tiến.
Trong vòng chưa đầy hai năm, Phật học đường Nam Việt đã trở thành Trung
tâm Phật giáo có uy tín nhất ở miền Nam. Chùa Ấn Quang bắt đầu đi vào
lịch sử. Năm 1953, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn gia nhập Phật học
đường Nam Việt, và thiền sư Thiện Hoa được mời về chùa Ấn Quang. Tăng
sinh từ Phật Quang cũng ghi tên vào Phật học đường Nam Việt.
Xét ra ở giai đoạn này, Chùa Ấn Quang trở thành trung tâm đào tạo
tăng ni lớn nhất miền Nam. Ðể có kinh phí trang trải mọi sinh hoạt, chùa
đã cho xây dựng nhà in Sen Vàng in các loại kinh, lịch và xưởng nhang
Bồ Ðề nhưng đến năm 1968 do chiến cuộc, hai cơ sở này đều bị cháy. Nhà
chùa cho xây dựng lại xưởng in ở một địa điểm khác và phần đất cũ được
chỉnh trang kéo dài cho đến năm 1988 mới hoàn thành. Những công trình
của Chùa Ấn Quang gần như lưu giữ đến ngày nay mà không có thêm sự thay
đổi nào đáng kể.
Hội trưởng Phật học Nam Việt là cư sĩ Chánh Trí. Ông có tài diễn dịch
và giỏi quản lý hành chính được tín nhiệm bầu làm hội trưởng từ năm
1955 đến 1973. Tuy nhiên, việc xây dựng giáo hội trong suốt thời gian đó
có nhiều chuyện bất đồng quan điểm xảy ra nên Phật học đường trở thành
một hội đứng riêng biệt mà không hoà vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất cho đến khi ông mất. Tuy vậy, cư sĩ Chánh Trí khi mất đã để
lại sự thương tiếc của nhiều Tăng Ni Phật tử. Nữ sĩ Mộng Tuyết ghi trên
hai câu đối dâng đến đám tang: “Ðêm đẹp, trăng cười viên mãn / Ðất lành, hoa nở từ bi” và ghi ở dưới: “Sương phụ Ðông Hồ, Mộng Tuyết, học trò cũ của thầy nơi Hà Tiên, luôn luôn ghi nhớ ơn thầy”.
Tuy nhiên, về phần quản trị Chùa Ấn Quang phải nhắc đến Hoà thượng
Thích Thiện Hoà, người có công điều hành và mở rộng nơi thờ tự. Ngài là
kế tục dòng Lâm Tế thứ 43, là đệ tử Pháp sư tổ Long Triều. Năm 28 tuổi
xuất gia và học đạo qua các Phật học đường trong nước và ngoại quốc. Hoà
thượng còn ra Bắc học tại Chùa Quán Sứ vào năm 1950. Ðầu năm 1951, Ngài
về Sài Gòn, tiếp nhận chức trụ trì sau khi Chùa Ấn Quang xây xong cơ sở
ban đầu từ ngôi chùa nhỏ bằng gỗ lợp lá.
Chùa Ấn Quang là Trung tâm Phật học đường Nam Việt nhưng dưới sự kêu
gọi của Ngài, nhiều lớp học Phật Pháp được thường xuyên tổ chức khắp nơi
như tại các Chùa Bình An (Long Xuyên), Phước Hoà, Long Phước (Vĩnh
Bình), Phật Ấn (Mỹ Tho), Dược Sư (Gò Vấp), Pháp Hội, Từ Nghiêm, Giác Ngộ
(quận 10), Huệ Nghiêm (Bình Chánh). Vào giữa năm 1974, do lâm trọng
bệnh biết mình không thể đảm đương Phật sự được nữa, Ngài cho bầu một
hội đồng quản trị Tổ đình Ấn Quang trước khi Ngài mất.
Chùa Ấn Quang có kiến trúc khá độc đáo do Kiến trúc sư Nguyễn Hữu
Thiện thiết kế đồ án. Chánh điện ở tầng lầu, phía sau là nhà tổ, xưởng
in và phòng phát hành sách. Ngoài ra còn có giảng đường và tăng xá. Kết
cấu khung sườn bằng bê tông cốt thép. Tòa chánh điện, được Hoà thượng
Thích Trí Hữu xây dựng năm 1953; sau này được Hoà thượng Thích
Thiện Hòa trùng tu và xây lớn vào năm 1966; nằm ở vị trí chính
giữa của chùa, gồm một trệt và một lầu. Ở lầu một, tượng
Phật Thích Ca bằng xi-măng, trong tư thế thiền định, với lối mỹ
thuật thuần Việt, uy nghiêm và rực rỡ. Các bức phù điêu về cuộc
đời Ðức Phật được tôn trí trên các vách chánh điện làm tăng thêm
phần cổ kính. Tầng trệt được dùng làm văn phòng.
Chánh điện bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng Ðức Phật
Thích Ca Mâu Ni (do Phật tử Minh Dung tạc) và tháp Xá Lợi Phật. Phía sau
đặt thờ hai tượng Hộ Pháp hai bên. Chùa có tượng Tổ sư Ðạt Ma bằng gỗ
và bộ tranh sơn mài Quan Âm Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát do
nghệ nhân Trương Văn Thanh (Ðại đức Minh Tịnh) thực hiện. Trên nóc mái
Chánh điện có tháp Hoa Tạng, theo nét kiến trúc Ấn Ðộ, ở đế có
hình vuông, nối tiếp là hình bát giác, bên trên là hoa sen nhiều lớp
cánh sen và trên cùng là bầu sen, vươn lên bầu trời.
Bên trái Chính điện là Tháp thờ Phật và Xá-lợi được HT. Thích
Nhật Quang xây dựng năm 2009, là một kiến trúc hài hòa giữa phong
cách Việt Nam và Nhật Bản. Tháp cao 36m, có sáu tầng, thờ Phật Di
Ðà, Bồ tát Ðịa Tạng, Bồ tát Quán Thế Âm, các tiền bối hữu công
như HT. Thích Trí Hữu, HT. Thích Thiện Hòa, HT. Thích Thiện Hoa và
các Thánh tử đạo, trên đỉnh Tháp có thờ Xá-lợi Phật do Hội Phật
giáo Tích Lan hiến tặng trước năm 1975.
No comments:
Post a Comment