Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 28 May 2019

Phạt “Vợ ba”: Giả mù tát nước theo mưa!

Ảnh của Gió Bấc

Bộ phim hiếm hoi được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, đã và đang công chiếu thành công ở nhiều nước trên thế giới hơn một năm qua lại bị đốn gục tại sân nhà, bị phạt hành chính, bị dọa truy cứu trách nhiệm hình sự vì phạm luật hình sự chung chung mà không chứng mình được vi phạm. Não trạng “đem bục công an đặt giữa trái tim người” rất quen thuộc này chính là nguyên nhân làm điện ảnh Việt Nam lún sâu trong vũng lầy phim đầu tư trăm tỉ nhận huy chương rồi trùm chăn đắp chiếu. Những cựa quậy, vùng vẫy bức phá như Mùa Đu Đủ Xanh, Áo Lụa Hà Đông, …. đều bị bức tử tại quê hương.
Mượn dư luận xử phạt làm oai
Sau khi báo chí công bố thông tin Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính phim Vợ Ba, tôi tò mò tìm xem nó vi phạm đạo đức và xâm phạm đến trẻ em như thế nào. Xem xong tôi hoang mang chẳng lẽ mình lại chai sạn, vô cảm trước cái xấu, chẳng lẽ mình lại mất đạo đức đến mức chỉ xao lòng vì cái đẹp, đau đáu vì sự ngột ngạt trước số phận bế tắc của những nhân vật trong phim mà không tìm ra chỗ nào khiêu dâm, nhạy cảm, gợi dục,….
Tôi không bị mê hoặc bởi các giải thưởng quốc tế ở Cairo, Toronto …. mà bộ phim đã giành được để cho rằng đây là tuyệt phẩm. Tôi cũng nhận ra vài hạt sạn trong giọng lồng tiếng nhân vật khi Nam khi Bắc. Tôi cũng thấy đạo diễn kín đáo, khách quan quá về chủ đề, ý tưởng có thể gây ngộ nhận cho người xem vốn quen được nhà sản xuất chỉ định mùi vị của món ăn. Nhưng tôi cảm nhận sự tinh tế, nhẹ nhàng, nhân ái trong ngôn ngữ của phim.
Hình ảnh thật trau chuốt, tinh khiết diễn cảm mà không hề gợi dục. Khó có thể dùng ngôn ngữ để phân biệt những cảm giác này nhưng có thể so sánh ảnh nuy của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên hay Dương Minh Long, ảnh sex của Madona, ảnh dơ của Ngọc Trinh thì người xem có ba cảm giác khác nhau rõ rệt. Ảnh nuy đem tới cái đẹp ngưỡng mộ, ảnh Madona khêu gợi dục tính, ảnh Ngọc Trinh cho thấy cảm giác tởm lợm. Không tự tin vào cảm giác của mình tôi giới thiệu cho môt số người bạn nữ có học thức nhất định, từng làm vợ, làm mẹ để cùng tham khảo thì cũng nhận được ý kiến tương tự. Trong phim có nhiều cảnh quay về da thịt nhưng trừ đoạn quan hệ xác thịt giữa Sơn và Xuân những hình ảnh còn lại là tay chân, lưng, cổ với góc quay, ánh sáng trân trọng nâng niu cái đẹp mà không hề gợi dục. Mỗi cảnh quay đều có chủ đích gắn kết với chủ đề của phim, để nói bằng ngôn từ điện ảnh ý tứ sâu kín, nhẹ nhàng của tác giả.
Nhưng cảm giác của tôi và những người bạn, cũng như ý kiến ngược nhau của dư luận là điều hết sức bình thường, tự nhiên. Vấn đề ở đây là thái độ và cung cách xử lý của những người quản lý văn hóa. Nhiệm vụ, chức trách của họ lẽ ra là điểm tựa cho nhà sản xuất, cho nghệ sĩ vươn lên đỉnh cao hơn, là giúp công chúng có thêm thông tin, có thêm cách nhìn mới mẻ hơn. Họ không làm như vậy, mà dùng quyền lực nhà nước xử phạt thô bạo. Phạt nguội trong thời điểm nóng. Phạt vì những sai phạm mù mờ mà không cần chứng minh.
Tranh cải tuổi diễn viên, thanh tra quy trình cấp phép?
Phim Vợ Ba không phải vừa mới sản xuất. Kịch bản The third wife (Vợ ba) từng đoạt giải thưởng "Quỹ sản xuất Spike Lee" (một nhà làm phim da màu nổi tiếng tại Hollywood) và lọt vào danh sách "NYC Purple List 2015" dành cho những kịch bản phim tốt nhất do sinh viên tốt nghiệp viết. Sau đó, dự án này tiếp tục thắng giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) tại diễn đàn Gặp gỡ mùa thu năm 2015 tại Đà Nẵng và giải Grand Prix tại Hong Kong Asia Film Forum 2016. Phương Anh đã mất gần 5 năm để hoàn thành. Phim đoạt giải thưởng "Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất" trong phần thi quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Cairo lần thứ 40. Phim từng thắng giải Netpac ở LHP Toronto (Canada) và giải TVE-Another Look tại LHP San Sebastian ở Tây Ban Nha. Từ đó đến nay, phim vẫn được công chiếu rộng rải trên nhiều nước và theo lịch dự kiến từ lâu phim sẽ chiếu ở VN từ 17-5 - 2019.
Xui rủi của Vợ Ba là thời điểm công chiếu này dư luận Việt Nam đang rộ lên tình trạng ấu dâm. Dư luận đang ồn ào bức xúc vì hung thủ ấu dâm đa phần là kẻ có chức có quyền và được chính quyền bao che. Vợ Ba bị rơi vào tầm ngắm và trở thành đề tài tranh cãi việc cho trẻ dưới 13 tuổi đóng phim nhạy cảm đúng hay sai.
Trước dư luận ồn ào, ngày 20/5 ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL vừa ký văn bản số 394 về việc kiểm tra, báo cáo về bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Văn phòng Bộ thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giao Cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép bộ phim “Vợ ba”, tham mưu lãnh đạo Bộ phương án xử lý. Thời hạn báo cáo Bộ trưởng trước ngày 24/5. {1}
Cái quái lạ là nội dung chỉ đạo của Bộ. Dư luận tranh cãi việc trẻ em dưới 13 tuổi đóng phim trong trường hợp này có nguy hại gì không? Đây là vấn đề xã hội, quan niệm sống, quy phạm hoạt động nghệ thuật cần thảo luận làm rõ thì ông Bộ trưởng lại lắt léo đi kiểm tra quy trình cấp phép phim. Phải chăng ông có ý cho rằng cấp dưới có vấn đề khi cấp phép?
Chính lúc này một số nhà bảo vệ trẻ em trong bộ máy cầm quyền bất ngờ xuất hiện
Trẻ 13 tuổi đóng cảnh nóng là không phù hợp? 
Ngày 20-5, ông Đặng Hoa Nam cục trưởng Cục Trẻ em nói trên báo chí là: 'Trẻ 13 tuổi đóng cảnh nóng ở Vợ Ba là không phù hợp'. "Phim Vợ Ba sử dụng diễn viên 13 tuổi (Trà Mi) để đóng cảnh nhạy cảm, có những câu thoại không phù hợp, điều này là không được phép. Đoàn làm phim hoàn toàn có thể sử dụng diễn viên đóng thế hoặc trên 18 tuổi. Chúng tôi sẽ xác minh nhà sản xuất, đạo diễn có hay không hành vi lôi kéo trẻ em vào hoạt động có tính chất khiêu dâm, không lành mạnh", ông Nam nói. Ông cho rằng phụ huynh cần có định hướng đúng đắn khi cho con tham gia hoạt động nghệ thuật, tránh để lại tác động xấu vào tâm lý con trẻ” {2}
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho hay, việc này có thể vi phạm bộ luật Hình sự bởi không được phép quay phim, chụp ảnh khỏa thân người dưới 18 tuổi.{3}
Không rõ là ông Nam có xem Vợ Ba chưa khi phát biểu điều này. Thứ nhất, trong vai diễn, Trà Mi thể hiện tinh tế bằng ánh mắt, bằng cái nhếch môi, bằng những rung động rất nhẹ trên cơ mặt chứ không phải dùng hình thể để diễn đạt. Cả bộ phim không có điều gì xâm hai trẻ em. Phim được quy trong sự đồng tình và giám sát của mẹ em Trà Mi.
Nghệ thuật diện ảnh đòi hỏi tài năng thật sự chứ không phải bất cứ người lái xe ôm hay anh hoạn lợn nào cũng có thể diễn vai chính khách, nhắm mắt nhắm mủi đọc những bài diễn văn lòng thòng, cũ rích năm này như năm khác như sân khấu chính trị của nhà nước cộng sản các ông. Diễn viên nghệ thuật là tài năng thiên phú mà Đảng ông thì chỉ có thể đẻ ra những diễn viên hài với những câu nói được người dân cho là phường ngáo đá. Bốn mươi năm trước khi chọn diễn viên đóng vai Thái Hậu Dương Vân Nga, có người không đồng ý cho nghệ sĩ Thanh Nga đóng vì là vợ ngụy, ông Võ Văn Kiệt đã nổi điên thằng thừng đáp trả: Muốn diễn hay cho người ta xem thì chọn Thanh Nga, muốn lý lịch tốt thì mời chị 7 Thư (bà Trương Mỹ Hoa lúc ấy là bí thư Tân Bình).
Cái lập luận úp chụp văn hóa nghệ thuật thô bạo này cũng không mới mẻ đã được nhà thơ Lê Đạt viết rằng “Đem bục công an đặt giữa trái tim người”. Nhân đây cũng xin hỏi rằng qua những vụ cựu Giám Đốc Ngân hàng nhà nước Vũng Tàu dâm ô hàng loạt trẻ em, cựu Viện Phó VKSND Đà Nẵng “nựng” em bé trong thang máy hay hàng chục vụ dâm ô trẻ em khác mà dư luận đấu tranh sôi nổi ông Cục trưởng ở đâu sao không lấy luật hình sự ra phân tích, kiến nghị?
Đã có tiền lệ không vi phạm
Sáng 24/5, bên lề cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung nói ngay cả khi được gia đình đồng ý, việc đoàn phim để cháu bé đóng cảnh nhạy cảm là vi phạm Luật Lao động, Luật Trẻ em.
Chúng tôi kính thưa Bộ trưởng rằng hiện nay mỗi ngày ở Việt Nam có hàng vạn trẻ Việt Nam bán hàng rong, bán vé số, làm công cho chủ… bị bóc lột tận xương tủy, bị lạm dụng tình dục thường xuyên. Bộ trưởng đã quan tâm và làm gi cho các em ngoài việc tổ chức thu gom, đẩy đuổi?
Báo chí trong nước cũng đã chỉ ra rằng, trong trường hợp này đã có tiền lệ cho thấy phim Vợ Ba không phạm luật. Báo soha có bài viết “Trong phim Hollywood, diễn viên vị thành niên không được phép tham gia vào cảnh phim mô tả việc quan hệ tình dục, kể cả khi không phải quan hệ thật. Diễn viên nhí chỉ được phép đóng cảnh ẩn dụ đến việc quan hệ tình dục, hoặc được đóng nhưng phải có diễn viên đóng thế khi quay cận các bộ phận nhạy cảm.
Một trường hợp điển hình thường được tham chiếu là phim Hounddog phát hành năm 2007. Trong phim này, nữ diễn viên Dakota Fanning khi đó mới 12 tuổi đã đóng cảnh bị cưỡng hiếp mà không có người đóng thế.
Khi phim được ra mắt, có khá nhiều ý kiến phản đối dữ dội và cho rằng cảnh nóng trong phim Hounddog đã vi phạm đạo luật phòng chống khiêu dâm trẻ em.
Sau đó, cơ quan luật pháp đã vào cuộc và các công tố viên phán quyết rằng tuy nhiều người cho rằng bộ phim phản cảm nhưng không có chứng cứ cho thấy có cảnh phim vi phạm luật. Trong phim, Dakota Fanning không khỏa thân, chỉ có phần mặt và tay xuất hiện trong cảnh bị cưỡng hiếp.
Nếu soi chiếu sang trường hợp phim Vợ Ba, cảnh nóng trong phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế của đạo diễn Ash Mayfair cũng chỉ mô tả ẩn dụ chứ không trực tiếp quay cảnh hoạt đồng tình dục. Mẹ của nữ diễn viên 13 tuổi Nguyễn Phương Trà Mi cũng đã chấp thuận và có mặt trên phim trường cùng con” {4}
Sao không đối thoại?
Xuôi theo dòng chảy của các nhà đạo đức và pháp luật xã hội chủ nghĩa ấy, chiều 24/5, Thứ trưởng Tạ Quang Đông công bố phim Vợ Ba chiếu rạp có nội dung được phía đơn vị sản xuất thêm vào sai so với bản đã được Cục Điện ảnh thẩm định, cấp phép và lưu chiểu. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ không nêu ra các tình tiết khác biệt giữa hai bản. Thứ trưởng cho biết Cục Điện ảnh đã cấp phép sản xuất và phổ biến phim theo đúng luật. Từ sai phạm, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính với công ty Ba Sắc Cầu Vồng (đơn vị sản xuất phim). Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục, việc sử dụng trẻ em 13 tuổi đóng một số hình ảnh nhạy cảm như trong phim là không phù hợp, không được phép. {5}
Cách hành xử của Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch này cho thấy Bộ không có chút văn hóa nào khi xử phạt. Dư luận báo chí đã chỉ ra rằng, bộ phim công chiếu khi trao giải quốc tế dài 96 phút, chiếu ở VN dài 94 phút nghĩa là đã có cắt bớt 2 phút. Như vậy sự thay đổi vi phạm nếu có là ở đoạn nào? Phút thứ bao nhiêu? Những hinh ảnh không phù hợp không được phép là hình ảnh nào? Vì sao kiểm tra quy trình cấp phép lại cho ra kết quả nội dung phim vi phạm? Cách dùng quyền lực xử phạt ấy là một kiểu giả mù tát nước theo mưa để phủi trách nhiệm, để vuốt ve dư luận. Hệ quả là thêm một lần nữa nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ điện ảnh bị bóp nghẹt, mỹ cảm của người xem bị giam hảm trong vũng lầy định kiến.
Tại sao một bộ phim được vinh danh ở bốn giải thưởng của bốn châu lục Á, Mỹ, Âu, Phi lại không phù hợp ở Việt Nam? Với tầm văn hóa của mình, với phương tiện truyền thông xuyên quốc gia, tại sao Bộ hoặc một tổ chức nào đó không tổ chức một cuộc giao lưu đối thoại trực tuyến giữa những nhà quản lý Việt Nam, các thành viên Ban Giám Khảo liên hoan phim quốc tế để trao đổi tranh luận về bảo vệ trẻ em, về thuần phong mỹ tục. Chắc chắn những cuộc đối thoại ấy sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề. Công chúng được cơ hội tiếp cận những quan điểm nghệ thuật, nhân văn của thế giới ngược lại phần còn lại của thế giới cũng sẽ được quán triệt.
Đối thoại, tranh luận để xã hội tiến bộ mới là văn hóa. Dùng quyền lực xử phạt bóp chết sáng tạo văn hóa là hành động ngu dốt, cửa quyền. Qua quyết định này Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có thể tăng thêm quyền lực với nhà sản xuất, văn nghệ sĩ, tiền chi cho việc cấp giấy phép có thể sẽ cao hơn nhưng tầm văn hóa của Bộ giảm thấp ngang tầm với váy áo Ngọc Trinh.


No comments:

Post a Comment